Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

"Chạy án tử hình": nộp 3/4 tài sản tham ô sẽ thoát án tử



Từ 1/1/2018, nhà chức trách không thi hành án tử hình với người phạm tội tham ô, nhận hối lộ nếu họ nộp ít nhất 3/4 tài sản đã lấy… Và việc quan chức nộp lại gần hết tài sản tham nhũng với điều kiện bị phát hiện và đã có bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi được.

Điều này đồng nghĩa, sự truy thu tài sản đang được đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề trong truy thu tài sản để thoát tử hình này.

Thứ nhất, việc phát hiện nguồn tài sản bất minh của những người mang tội tham ô, hối lộ sẽ phần nhiều phụ thuộc vào quá trình thanh kiểm tra. Trong khi thực tế cho thấy khâu này tại Việt Nam hoàn toàn mang tính biểu trưng. Mới đây nhất, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đã lên tiếng về khâu này, khi đề cập đến việc: 10 năm qua, hệ thống các cơ quan phòng, chống tham nhũng “đẻ” ra tới 478 đầu mối nhưng hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao, dẫn đến Nhà nước thiệt hại 60.000 tỷ đồng do tham nhũng, trong khi số tiền thu hồi được chỉ 4.600 tỷ…

 

Thứ hai, quá trình điều tra phá án hoặc tìm kiếm các chứng cứ buộc tội sẽ phụ thuộc vào đội ngũ công an viên. Vậy có hay không những cuộc phá án nhanh chóng xuất phát từ việc tìm mọi cách để thu hồi tài sản, dẫn đến án oan trong lĩnh vực kinh tế - chính trị. Thậm chí, lực lượng công an sẽ trở thành lực lượng quyết định số phận của những vị "quan tham" nhưng theo tiêu chí ai có nhiều tiền và quyền hơn - thực tế, trước đây đã từng xảy ra vụ án Năm Cam - người mua chuộc và biến những tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong ngành công an trở thành những người "tiếp tế" trong các vụ làm ăn phi pháp của mình, gây chấn động dư luận xã hội một thời.

Thứ ba, cơ chế thu hồi tài sản bất minh đối với đối tượng bị tình nghi tham nhũng là gì vẫn đang được bàn cãi. Một cơ chế không tốt sẽ khiến cho việc thực thi luật sai hướng trầm trọng và có khả năng làm mất đi tính mục đích ban đầu. Không phải ngẫu nhiên mà một ĐBQH lên tiếng đề xuất sử dụng cơ chế "suy đoán có tội" để tìm kiếm lại nguồn tài sản bất minh do tham nhũng, điều này vô tình cho thấy, bản thân chống tham nhũng nói chung hay thu hồi tài sản bất minh nói riêng thì nhà nước vẫn nắm phần thân dao (thay vì cán dao), khiến cho đề xuất cực đoan nêu trên (tương tự như đấu tố trong lĩnh vực chống tham nhũng) được nêu ra.

Thứ ba, xác minh nguồn gốc tài sản là quan trọng, tuy nhiên, nguồn gốc tài sản sau khi được tẩu tán ra ngân hàng nước ngoài hoặc thậm chí chuyển thành một nguồn tài sản bất động sản tại một nước bên ngoài thì cơ sở tiến hành điều tra sẽ như thế nào? Làm thế nào để chứng minh nguồn gốc tài sản ở bên ngoài trong trường hợp hợp tác tư pháp giữa Việt Nam với các nước chưa được thực thi trong thực tế, trừ trường hợp dẫn độ tội phạm có tính chất nguy hiểm? Trong khi các quan tham thường có xu hướng sử dụng đồng tiền bất chính ra bên ngoài thay vì "đầu tư" trong nước. Trong trường hợp chứng minh được số tiền tham ô dựa trên cơ sở tài sản trong nước, thì con số 3/4 tài sản chứng minh được có thể chỉ là 1/4 hoặc thậm chí 0,5/4. Đây không phải là một nghi ngờ thiếu xác chứng, bởi gần đây báo chí trong nước dẫn lại nguồn tin bên ngoài cho hay, có hơn 200 đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise về rửa tiền, trốn thuế.

Thứ tư, nguồn tài sản bất hợp pháp do tham ô sẽ được điều tra như thế nào? Là tổng hợp của các hành vi tham ô qua các dự án? Trong thực tế, lực lượng công an chỉ có thể điều tra theo từng dự án, chứ không thực hiện theo điều kiện giả định là một cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng ở 10 dự án khác nhau. Chưa kể, tính chất một dự án được chia theo mạng lưới, và mỗi mạng lưới lại nhiều đối tác theo gia dự án, vậy lúc này tính chất tham nhũng sẽ được phân cấp theo hình rễ cây? Lúc này tình sản thu hồi rất khó khi bản thân việc chứng minh nguồn gốc tham ô là không thể!. Thậm chí phải trở lại câu hỏi mà báo Vnexpress đã nêu ra trong mục Bạn đọc: "Làm sao biết quan chức tham nhũng bao nhiêu để bắt nộp lại?"

Truy thu lại nguồn tài sản bất minh là điều cần làm, nhưng hiện nay có quá nhiều lỗ hổng khiến việc nộp lại tài sản để thoát án tử trở thành một phương cách "chạy án" của các quan tham ô. Và ở chừng mực đó, nó sẽ trở thành cứu cánh để thúc đẩy tẩu tán nguồn tài sản ra nước ngoài trong quá trình tham ô, dẫn đến nếu đạt được ngưỡng truy thu 3/4 nguồn tài sản, thì số tài sản thu lại không đúng số lượng, và đối tượng tham ô lại có thể thoát khỏi tội chết.

Trong khi đó, phương pháp hiệu quả nhất của phòng chống tham nhũng là xác minh nguồn gốc tài sản thông qua kê khai lại chưa được chú trọng. Thực tế cho thấy, vào năm 2016, trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ Việt Nam, các cột liên quan đến Số người được xác minh tài sản, thu nhập; số người có kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; số người bị xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập đều bị đánh số 0. Tức việc kiểm soát đầu vào trong tham nhũng bị thất bại hoàn toàn.


Điều đó cho thấy rằng, cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam là cuộc chiến vô vọng, bởi nó không xác định và xử lý ở gốc rễ (kê khai, giám sát kê khai tài sản) mà lại tìm cách tỉa tót trên ngọn (thu hồi tài sản dựa vào ý chí điều tra của cơ quan công an).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét