Dân ta có câu châm ngôn «khỏe vì
gạo, bạo vì tiền». Khi hết tiền, mọi khó khăn sẽ đến, không còn sống bình thường
được nữa .
Đất nước Việt Nam hiện ngân sách
cuối năm đã cạn tiền. Nhiều huyện, tỉnh, thành phố nợ lương của cán bộ, viên chức
2, 3 tháng ròng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kéo còi báo động về nguy cơ «sụp đổ
tài chính quốc gia.» Do quản lý lỏng lẻo, các nhóm lợi ích chia chác ngân sách,
tiền của của xã hội, các cấp quan chức đua nhau tham nhũng hàng nghìn, chục
nghìn đồng, bị truy tố không ít, nhưng tiền thu hồi không đáng kể, tẩu tán hết
rồi, thu lại chỉ chừng 3%!
Thế là việc giảm biên chế trở nên
cấp bách, khi số viên chức Nhà nước ăn lương từ trung ương xuống cấp phường xã
lên đến 12 triệu người, chưa kể quân đội và công an.
Riêng ngành Công an, thời chiến
tranh, hầu như không có tướng, các Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng đều
không mang quân hàm. Cục trưởng số 1 là ông Dương Thông lúc tại chức chỉ là đại
tá. Cả Bộ Công an hồi đó chỉ có chừng 10 tổng cục và vụ. Nay có đến 230 viên tướng,
120 tổng cục, cục, vụ, viện. Ngân sách hành chính bộ Công an cao hơn ngân sách
hành chính của bộ Quốc phòng, nhằm mục tiêu số 1 là bảo vệ đảng.
Trước đây mỗi nhân viên công an,
an ninh, du côn được thuê làm chỉ điểm, 1 ngày theo dõi nghi phạm, tội phạm, được
phụ cấp thêm 500.000 đồng/ngày ở cấp tỉnh thành, 300.000 đồng cấp quận huyện,
100.000 đồng cấp phường xã, nhưng từ giữa năm 2017, phụ cấp này hầu như bãi bỏ,
vì cạn tiền. Thế là họ bỏ việc, đi kiếm việc khác. Anh chị em đấu tranh cho dân
chủ, nhân quyền cảm thấy dễ thở hơn.
Tiền cạn, vấn đề giảm biên chế,
chuyển dần một số chức vụ bên đảng nhập sang chức vụ tương đương bên chính phủ,
giảm bớt cấp phó ở mọi nơi, mọi cấp, sớm thực hiện nhất thể hóa ở cấp phường
xã, quận huyện đang là công việc phải làm ngay trong thời gian tới, không thể
chậm trễ. Vì túi tiền lương đã cạn. Thế là có Nghị quyết 18 về tinh giảm biên
chế, hợp nhất một số chức vụ, giải thể một số cơ quan.
Tiền đã cạn, túi đã rỗng, ông bạn
vàng phương Bắc chỉ có thể biếu tặng, thưởng công vài trăm triệu nhân dân tệ,
đâu có thể cho vài tỷ, vài chục tỷ để cứu ngân sách thâm thủng nặng, vì tình
hình tài chính của họ cũng gay go, dự trữ ngoại tệ teo dần nhanh. Càng giàu họ
càng keo kiệt, huống hồ tài chính họ cũng đang lâm nguy!
Điều gì sẽ xảy ra trước mắt?
Sẽ là một cuộc tranh dành ghế, ai
đi ai ở, bao nhiêu vị «phó» sẽ bị thải loại? họ là ai? từ thứ trưởng các bộ,
phó ban các ban (có đến hàng trăm vị), và hàng nghìn phó chủ tịch các ủy ban
nhân dân, hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã, và hàng vạn tổng cục phó, cục phó,
vụ phó, viện phó, hàng chục vạn phó giám đốc, phó phòng các cơ quan các cấp bị
dôi ra, coi như thừa, cần đưa đi nơi khác hoặc về nghỉ.
Sẽ có một sự xáo trộn ở mọi nơi,
mọi cấp, không trừ một nơi nào, cấp nào. Các cơ quan tổ chức chuyên ban phát ghế
tha hồ được lợi theo thói quen mua bán ghế. Các phe nhóm tha hồ tranh dành ghế,
so đo, kèn cựa, kiện cáo, kể tội nhau, vu cáo nhau, thù oán sẽ lan tràn. Rồi họ
hàng anh em, chú bác, con cháu bênh che nhau, không sao gỡ nổi, không ai làm trọng
tài vô tư. Và sẽ là rối to, là loạn to, là rối loạn trong cả nước như một khối
bòng bong, càng gỡ càng rối thêm.
Nếu hợp nhất 2 chức vụ Bí thư và
chủ tịch huyện, xã thì ai đi ai ở? ai chọn?
Nếu giải thể các Ban chỉ đạo vùng
Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ với hàng vài trăm cán bộ thì chuyển họ về cơ
quan nào đây, với chức vụ gì?
Nếu hợp nhất Ban đối ngoại trung
ương vào bộ Ngoại giao thì ai đi ai ở lại?
Nếu hợp nhất ban Kinh tế trung
ương đảng vào bộ Công thương thì các chức vụ bố trí ra sao đây? ai làm trọng
tài?
Và hợp nhất ban Tổ chức TƯ vào Bộ
Nội vụ thì sắp xếp ra sao? cực kỳ phức tạp, khó khăn gay gắt, có thể sống mái với
nhau, vì các vị trí này quá béo bở.
Số cán bộ, viên chức mất việc, chờ
việc, sẽ có thể lên đến hàng triệu trong công cuộc tinh giảm biên chế chưa từng
có này. Mà không làm thì không thể được, khi chính bộ nội vụ cho rằng có đến
30% cán bộ viên chức ăn lương mà không làm việc, có văn phòng tỉnh ủy chi hàng
tỷ đồng để uống bia đãi khách, có nơi vợ chồng, anh em, con cháu một dòng họ
chiếm trọn các chức vụ trong một huyện, một tỉnh.
Đã có một quyết định luân lưu cán
bộ theo quy mô lớn sẽ làm cho sự rối rắm, hỗn độn lên đến tột đỉnh. Ai đi? ai ở?
ai bị điều luân lưu về địa phương nào? bao lâu? sẽ có sự xáo trộn, đảo lộn, ra
vào, lên xuống, xa gần không sao kể xiết. Và thời gian để kiện cáo, tố giác nhau,
suy bì tỵ nạnh sẽ không còn giới hạn. Một mình ông tổng bí thư làm sao định đoạt,
gỡ rối cho hết? một mình bộ chính trị làm sao giải tỏa thỏa mãn mọi yêu cầu đề
nghị về tổ chức cán bộ?
Và rồi cuối năm năng xuất công việc
sẽ giảm đi trông thấy, vì tình hình biến động, không sao ổn định, tâm lý xáo trộn,
lo âu, cuộc đấu tranh nội bộ sẽ tràn lan, gay gắt, kéo dài, xã hội càng thêm bất
ổn khi cuộc sống khó khăn, đồng tiền mất giá, xã hội hoảng loạn, bất an, niềm
tin thủng đáy, đảng nghĩ một đằng, nhân dân mong một nẻo khác. Đảng chỉ lo giữ
ghế thống trị, nhân dân khao khát dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền, thành
quả phát triển được phân chia công bằng hợp pháp, phồn vinh an ninh cho toàn xã
hội được chung hưởng.
Ngân sách cạn tận đáy, giảm biên
chế quy mô lớn, xã hội xáo trộn, tất cả do chế độ độc đảng tạo nên, tự thú nhận
thất bại của cả đường lối, chính sách đến học thuyết và mô hình cai trị mất gốc
dân tộc, quay lưng lại với nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét