Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Các quan sát viên bầu cử có nhiệm vụ gì?


Biên tập: Lê Hồng Hiệp




Kể từ cuối những năm 1990, quan sát của quốc tế đối với các cuộc bầu cử đã trở nên phổ biến đến mức việc từ chối tiếp nhận các quan sát viên gần như là một sự thừa nhận gian lận công khai. Ngay cả các nhà lãnh đạo chuyên quyền như Vladimir Putin của Nga, Robert Mugabe của Zimbabwe và Alexander Lukashenko của Belarus cũng phải mời các quan sát viên nước ngoài. Sau cuộc trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2017, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), một cơ quan liên chính phủ, cho biết cuộc bỏ phiếu nằm “dưới mức” tiêu chuẩn quốc tế. “Chúng tôi không quan tâm đến các ý kiến ​​của những ‘Hans’ hay ‘George’,” Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã trả lời mà không đề cập đến bất kỳ ai cụ thể. Nhưng chính xác thì nhiệm vụ của các quan sát viên bầu cử là gì?

Quan sát bầu cử quốc tế bắt đầu từ năm 1857, khi một số quốc gia châu Âu cử các quan sát viên theo dõi các cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất Moldavia và Wallachia, hình thành nên nước Romania ngày nay. Trong thời hiện đại, Costa Rica đã dẫn đầu xu hướng bằng cách mời một phái đoàn của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ vào năm 1962. Tuy nhiên, quan sát bầu cử chỉ trở nên phổ biến sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo Susan Hyde thuộc Đại học California, Berkeley, ngày nay các quan sát viên tham gia giám sát khoảng 80% tổng số các cuộc bầu cử, tăng từ mức dưới 30% vào năm 1989. Kể từ giữa những năm 1980, các quan sát viên đã chỉ trích hơn 150 cuộc bầu cử.

Các tổ chức giám sát chất lượng cao như OSCE hoặc Trung tâm Carter, một tổ chức phi chính phủ Mỹ, bắt đầu công việc vài tháng trước các cuộc bầu cử: các quan sát viên dài hạn theo dõi các phương tiện truyền thông, gặp gỡ các quan chức chính phủ và kiểm tra việc thực hiện các công tác như đăng ký cử tri. Một vài ngày trước cuộc bầu cử, các quan sát viên ngắn hạn bắt đầu tới quốc gia tiến hành bầu cử. Họ tỏa đi khắp cả nước, di chuyển từ điểm bỏ phiếu này sang điểm bỏ phiếu khác, đôi khi họ kiểm tra cả việc kiểm đếm phiếu (quyền tiếp cận của họ phụ thuộc vào các điều khoản đã được thương lượng trước với chính phủ sở tại). Thường họ sẽ lấy mẫu và ước tính kết quả kiểm đếm cuối cùng của mình. Một số quan sát viên ở lại một khoảng thời gian sau cuộc bỏ phiếu để theo dõi về các tranh chấp.

Các tổ chức giám sát ngày càng phát triển, họ sử dụng các ứng dụng và máy ảnh, cũng như các phương pháp thống kê, để phát hiện gian lận. Chẳng hạn như biện pháp được gọi là kiểm tra dựa trên con số được xây dựng dựa trên thực tế rằng một tập hợp ngẫu nhiên các con số, chẳng hạn như các thống kê từ một cuộc bầu cử công bằng, thường sẽ biểu thị một mẫu hình nhất định mà ít khi trùng lặp với những số liệu bị giả mạo.

Khi các cuộc bầu cử được thực hiện công bằng, các quan sát viên có thể giúp ngăn chặn những lời phàn nàn của những “kẻ thua cuộc cay cú”, bà Hyde cho biết. Còn khi bầu cử có gian lận, các quan sát viên có thể giúp biện minh cho các cuộc biểu tình trong nước, như điều đã xảy ra trong cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia vào năm 2003 và cuộc “cách mạng cam” ở Ukraine vào năm tiếp đó. Theo Judith Kelley của Đại học Duke, ngay cả khi các quan sát viên có mặt, các chính trị gia vẫn gian lận trong khoảng 17% số các cuộc bầu cử. Các tổ chức giám sát thường phải đối mặt với sự hăm dọa và phá hoại.

Ví dụ, năm 2007, đại sứ quán Kazakhstan ở Washington đã cố gắng đưa vào một phái đoàn OSCE “những người bạn” thân thiện với chính phủ Kazakhtan. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã thiết lập các tổ chức giám sát “giả”, chẳng hạn như tổ chức Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, một tổ chức do Nga tài trợ có trụ sở tại Minsk, và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có trụ sở tại Bắc Kinh. Các nhóm này vui vẻ ủng hộ các cuộc bầu cử gian lận, làm nhiễu tình hình nhằm làm suy yếu nỗ lực của các tổ chức có uy tín hơn.


Hiện nay, với việc Donald Trump tại vị trong Nhà Trắng và những nỗ lực thúc đẩy dân chủ bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự, quan sát bầu cử đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Các nhà lãnh đạo chuyên quyền được khích lệ không cần phải giả vờ rằng họ đang cai trị các nền dân chủ.

Nguồn: “What do election observers do?”, The Economist, 21/06/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét