Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Dường như đã mâu thuẫn với cả thế
giới, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại một lần nữa gợi lên khả năng xảy
ra xung đột thương mại với Trung Quốc. Vào ngày 14/08, ông chỉ thị cho Đại diện
Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tiến hành điều tra hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
của Trung Quốc. Bằng việc áp dụng nền tảng pháp lý cho nỗ lực nói trên dựa theo
Khoản 301 Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ 1974, chính quyền Trump có thể sẽ thiết lập
hàng rào thuế quan cao và rộng khắp đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đó là một diễn biến quan trọng. Mặc
dù có thể có căn cứ thích đáng, như được ghi nhận trong báo cáo gần đây nhất của
USTR trình lên Quốc Hội về việc tuân thủ các hiệp định WTO của Trung Quốc, hành
động trừng phạt vẫn sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp
và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Dù muốn hay không, đó là hệ quả không thể tránh khỏi
trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đã ăn sâu bám rễ giữa hai nền kinh tế lớn
nhất thế giới.
Trong mối quan hệ lệ thuộc giữa
con người với nhau, khi một bên thay đổi các điều khoản hợp tác, bên còn lại sẽ
cảm thấy bị coi thường và sẽ luôn tìm cách đáp trả. Điều tương tự cũng có thể xảy
ra đối với các nền kinh tế và lãnh đạo của họ. Điều này có nghĩa là trong một
cuộc xung đột thương mại, điều quan trọng là phải suy tính về tính chất có đi
có lại – cụ thể ở đây là phản ứng của Trung Quốc đối với hành động của Mỹ. Trên
thực tế, đó chính xác là điểm mà Bộ Thương Mại Trung Quốc đã thực hiện trong phản
ứng chính thức đối với nước cờ của Trump. Trung Quốc, như Bộ này đã tuyên bố, sẽ
“sử dụng mọi biện pháp thích đáng để kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của
mình”.
Bị cuốn vào sự ầm ĩ từ những cáo
buộc nhắm vào Trung Quốc của Hoa Kỳ, hầu như không ai chú ý đến hậu quả tiềm
tàng khi Trung Quốc trả đũa. Ba hậu quả nghiêm trọng có thể được kể tới ở đây.
Thứ nhất, áp đặt thuế quan dành
cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc thực chất cũng sẽ tương đương với
việc tăng thuế đối với người tiêu dùng Mỹ. Đơn giá công lao động Trung Quốc
chưa bằng 1/5 so với các nguồn cung ứng
nước ngoài khác của Mỹ. Bằng việc đẩy nhu cầu của người dân Mỹ ra khỏi
thương mại với Trung Quốc, chắc chắn giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng mạnh.
Nguy cơ giá nhập khẩu đắt đỏ hơn và hiệu ứng lan tỏa tiềm tàng về lạm phát sẽ
đánh mạnh vào tầng lớp công nhân trung lưu Hoa Kỳ, những người đã phải đối mặt
với hơn ba thập niên tiền lương thực tế không tăng.
Thứ hai, hành động thương mại chống
lại Trung Quốc có thể dẫn tới lãi suất tại Hoa Kỳ cao hơn. Người nước ngoài hiện
sở hữu khoảng 30% số trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, với số liệu chính thức gần đây
nhất cho thấy Trung Quốc sở hữu tới 1.150 tỷ đô la vào tháng 6/2017 – chiếm 19%
tổng sở hữu của nước ngoài và cao hơn đôi chút so với 1,090 tỷ đô la của Nhật Bản.
Nếu xuất hiện hàng rào thuế quan
mới của Hoa Kỳ, dường như có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách
giảm việc mua (trái phiếu) lại, tăng cường chiến thuật đa dạng hóa tài sản bằng
cách giảm các tài sản định danh bằng đồng đô la Mỹ đã được thực hiện trong ba
năm qua. Trong kỷ nguyên thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ vẫn lớn – thậm chí có thể sẽ
còn tăng cao hơn sau thảm họa cắt giảm thuế và các sáng kiến chi tiêu của chính
quyền Trump – sự thiếu hụt nguồn cung đối với trái phiếu kho bạc từ chủ sở hữu
nước ngoài lớn nhất có thể tạo nên áp lực làm chi phí đi vay của Mỹ tăng cao.
Thứ ba, với sự tăng trưởng nhu cầu
nội địa Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đình trệ, các công ty Mỹ cần dựa nhiều hơn vào nhu
cầu bên ngoài. Nhưng chính quyền Trump gần như lãng quên thành tố này trong
phép tính tăng trưởng. Chính quyền Trump đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng
phạt thương mại không chỉ đối với Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba
và là thị trường lớn tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ – mà còn đối với các đối tác
NAFTA là Canada và Mexico (lần lượt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất và thứ
hai của Mỹ). Như nghiên cứu phản ứng về sự phụ thuộc lẫn nhau cho thấy, không
quốc gia nào trong số các quốc gia kể trên có thể sẽ đồng thuận với những
phương thức như vậy mà không hạn chế quyền của Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thị
trường của họ – một phản ứng đáp trả có thể hủy hoại nghiêm trọng sự hồi sinh
ngành chế tạo vốn được xem là trung tâm của lời hứa tranh cử “Làm nước Mỹ vĩ đại
trở lại” của Trump.
Suy cho cùng, ảnh hưởng kinh tế của
Trung Quốc đối với nước Mỹ gần như là hậu quả của việc tiết kiệm nội địa thấp ở
Hoa Kỳ. Trong quý đầu tiên của năm 2017, chỉ số được gọi là tỉ lệ tiết kiệm
ròng quốc gia – tức tổng tiết kiệm sau
khi trừ giảm giá đồng tiền của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ – chỉ
đạt mức 1,9% thu nhập quốc dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn
6,3% trong suốt ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Thiếu tiết kiệm nhưng muốn
tiêu dùng và tăng trưởng, Hoa Kỳ phải nhập khẩu thặng dư tiết kiệm từ nước
ngoài để san bằng sự chênh lệch, buộc Mỹ phải chịu thâm hụt tài khoản vãng lai
và thâm hụt thương mại khổng lồ với các quốc gia như Trung Quốc nhằm thu hút vốn
nước ngoài.
Đây hoàn toàn là một mánh khóe
chính trị khi đổ lỗ cho Trung Quốc, các đối tác NAFTA của Mỹ, hay thậm chí là Đức,
là thủ phạm trong một nền kinh tế thiếu hụt tiết kiệm như Hoa Kỳ. Thúc đẩy các
chính sách khuyến khích nền kinh tế phí phạm tiết kiệm và vung tay quá trán có
nghĩa là sẽ khiến thâm hụt thương mại trở thành điều hiển nhiên – tương tự là
việc đổ lỗi cho các hoạt động thương mại được cho là không công bằng nếu xét đến
“thỏa thuận với quỷ” để giành được nguồn vốn nước ngoài này.
Hoa Kỳ chịu thâm hụt thương mại với
101 quốc gia trong năm 2016 – một sự mất cân bằng ngoại thương đa phương có nguồn
gốc từ vấn đề thiếu tiết kiệm nội địa kinh niên của nước này. Lời giải cho vấn
đề này không thể được tìm ra ở Trung Quốc. Trớ trêu thay, với các chính sách gần
như sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn hơn, khiến tiết kiệm quốc gia chịu thêm
áp lực giảm sút của chính quyền Trump, nhu cầu nhận vốn từ Trung Quốc và các nước
khác thực sự sẽ tăng mạnh và bẫy phụ thuộc lẫn nhau sẽ chỉ càng thắt chặt hơn.
Nước Mỹ không nắm lá bài chủ động
trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chính quyền Trump dĩ nhiên có thể tạo áp
lực lên Trung Quốc, và, ở một cấp độ nào đó, họ có lý do chính đáng để làm điều
đó. Nhưng câu hỏi sâu xa liên quan đến hậu quả của những áp lực đó gần như bị
lãng quên. Gây khó dễ với Trung Quốc mà bỏ qua hậu quả đó có thể là một sai lầm
khủng khiếp.
***
Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch
và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình
Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của
Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông
là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.
Nguồn: Stephen Roach, “America and China’s Codependency Trap”, Project Syndicate, 28/08/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét