Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Vụ Đồng Tâm: Điệp khúc “thế lực thù địch” kích động!




Một con đường bị dân chặn bởi đất đá ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 20 tháng 4 năm 2017.AFP photo 


Trong suốt những ngày xảy ra xung đột đất đai tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, báo chí trong nước liên tục đăng tải những bài viết phản ảnh quan điểm của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng những thế lực thù địch, phản động đã kích động người dân Đồng Tâm khiến tình hình thêm phức tạp và tuyên truyền những thông tin sai lệch sự thật.


Truyền thông bóp méo sự thật

Gần đây nhất là ngày 25/4, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết trong bối cảnh sự kiện ở xã Đồng Tâm có không ít thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình tuyên truyền bóp méo, xuyên tạc, kích động để làm nóng tình hình. Ông Phong đã gửi lời cám ơn đến báo chí chính thống vì cho rằng chính các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc định hướng thông tin, cung cấp thông tin để bạn đọc có được những thông tin chân thực, chính xác.

Trước đó ngày 18/4, báo Hà Nội Mới đã tăng tải một bài viết với nội dung trong khi các lực lượng chức năng ra sức ổn định an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống cho bà con ở Đồng Tâm thì một số đối tượng cơ hội chính trị dưới danh nghĩa “luật sư”, “chuyên gia”, nhà “dân chủ” đã lên mạng xã hội liên tục có những phát ngôn, tuyên bố sai lệch, không đúng bản chất sự việc, tỏ vẻ “hào hiệp”, sẵn lòng “hỗ trợ” người dân đòi “quyền lợi”... Trang báo này khẳng định rằng mục đích chính của các đối tượng này không gì khác là cố tình bôi đen sự thật nhằm làm chệch hướng dư luận, lợi dụng tình hình để nói xấu chế độ và kích động sự quá khích của một bộ phận nhân dân khiến tình hình càng thêm căng thẳng.

Chúng tôi đã trao đổi với luật sư Hà Huy Sơn, người đã đăng tải những lời khuyên nhủ dành cho người dân Đồng Tâm trên trang cá nhân:

Tôi cho rằng nếu báo muốn nói một điều gì đó thì phải có bằng chứng cụ thể. Luật sư nào, kích động hay bôi xấu như thế nào? Chứ chỉ nói chung chung thì tôi cho rằng đó chỉ là những lời nhận xét chủ quan vu vơ. Tôi không tranh luận với những quan điểm hay những cách nói như thế!

Tôi từ trước đến nay cũng không biết thế lực phản động, thù địch là tổ chức nào, cá nhân nào. Cái kiểu nói vẫn không thay đổi! Cái cách nói tôi vẫn gọi là nói vu vơ.

Khi được hỏi về những dòng chia sẻ trên trạng cá nhân liên quan đến Đồng Tâm của mình xuất phát từ mục đích gì, luật sư Hà Huy Sơn giải thích:

Những lời khuyên và ý kiến của tôi về vụ Đồng Tâm thứ nhất là xuất phát từ pháp luật hiện hành và thực tế trong xã hội Việt Nam là người nông dân thường không có tổ chức, tư tưởng đấu tranh thường là tự phát. Vì thế tôi khuyên họ hãy giảm bớt căng thẳng với phía chính quyền và chọn cách bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách kiện ra tòa.

Khi báo Hà Nội Mới đăng tải bài viết vừa nêu trên với tựa đề “Lật mặt những luận điệu sai trái lợi dụng sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”, luật sư Trần Đình Triển đã đăng tải những dòng suy nghĩ trên trang cá nhân về bài viết này. Chúng tôi xin trích nguyên văn một số câu như sau: “Phải kìm chế hết mức, chớ vội bàn luận về đất đai đúng - sai khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đừng phơi áo cho thiên hạ xem lưng, đã ngọng lại còn hay nói, dốt nát lại cho mình là siêu nhân”. Ông cũng bày tỏ sự bức xúc khi trang báo này nói chung chung rằng một số luật sư là thế lực kích động: Hiện nay cả nước có hơn 10 nghìn luật sư. Luật sư nào sai phạm thì bài báo phải chỉ tên cụ thể, không vơ đũa cả nắm làm ảnh hưởng đến đội ngũ luật sư trong cả nước.

Không ai kích động người dân

 Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo


Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, người đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình Đồng Tâm và trực tiếp đến để gặp bà con nơi đây cho rằng người dân không hề bị kích động mà chính chính quyền đã kích động người dân nơi đây. Ông giải thích rằng vì bộ máy tuyên truyền của chính quyền cộng sản nên khi xảy ra sự việc người dân rất sợ tiếp xúc với người bên ngoài. Vì vậy những người hoạt động xã hội hay những luật sư không thể kích động được. Ông nói:

Khi chúng tôi đến ngỏ ý rằng sẽ hỗ trợ về truyền thông là họ từ chối. Vì thế nếu bảo họ bị đối tượng trung gian kích động là chuyện hoàn toàn bịa đặt.

Thứ hai chúng tôi cũng không ngạc nhiên khi báo Hà Nội Mới phát ngôn như vậy bởi vì sự kiện Đồng Tâm đã thể hiện rõ bộ mặt của chính quyền là làm cho dân rất bức xúc. Họ tìm mọi cách tước đoạt đất đai của người dân nhưng khi dân khiếu kiện họ không thèm trả lời và chỉ đến khi người dân nổi điên lên, bắt giữ gần 40 người làm con tin thì chính quyền mới chịu xuống nước.

Khi xuống nước như vậy họ rất sợ bẽ mặt trước công chúng nên họ rêu rao nói rằng đây là hành động nhân từ của chính quyền còn người dân vì không am hiểu luật pháp nên bị đối tượng xấu kích động.

Một diễn biến khác là tại cuộc họp báo sáng ngày 18/4 do Ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức, Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định đã có lời phát biểu và sau đó được Báo Công an trích dẫn lại rằng “Từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.” Ông Bạch Thành Định nhấn mạnh rằng đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.

Trước những nguồn thông tin và ý kiến như trên, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với người dân ở Đồng Tâm để kiểm chứng thì được biết:

Cái đó không phải do thù địch kích động gì cả. Chẳng qua là do mảnh đất của chúng tôi cán bộ lại muốn lấy để bán cho tập đoàn Viettel thôi thì dân bức xúc nên giữ lại thôi. Luật sư nói đúng sự thật thôi. Không hề bị kích động! Tất cả là do tự người dân bức xúc thôi.

Từ trước đến nay cứ hễ xảy ra sự kiện gì khiến dân chúng nổi dậy biểu tình, khiếu kiện hay xung đột, một số cơ quan truyền thông trong nước thường loan rằng người dân bị các phần tử phản động, thế lực thù địch kích động. Điển hình như các vụ biểu tình phản đối Formosa, báo Nghệ An và Quân đội Nhân dân đăng bài cho là các linh mục lợi dụng tôn giáo kích động người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét