Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

HẬU CHIẾN VÀ NHỮNG KÝ ỨC MỘT BÊN



Chỉ có người cộng sản mới hung hăng và hiếu chiến vốn như bản chất ngay từ đầu của nó. Bởi thế mà Bắc Triều Tiên luôn luôn tìm cách "giải phóng" một cường quốc văn minh như Nam Hàn để "thống nhất đất nước" sau hàng chục năm tồn tại thành các quốc gia độc lập riêng biệt.

Cộng sản Trung Quốc không chỉ hiếu chiến trong chính việc tự trị của mình thông qua mưu đồ muốn áp đặt và cai trị hoàn toàn Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, mà còn muốn bành trướng để điều khiển và chi phối cả các quốc gia khác như Campuchia, Lào, mua chuộc Malaysia, gây hấn và chiếm đảo đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đặc biệt chúng muốn vươn sang cả Việt Nam, qua vấn đề biển đông và kinh tế. 

Đó là thâm đồ của chúng tồn tại hàng nghìn năm theo chiều dài lịch sử chứ không chỉ lúc này mới thể hiện rõ nét điều đó ra bên ngoài thông qua các hành động cụ thể mang tính côn đồ và bất chấp luật pháp.

Hôm nay là ngày cận kề cái ngày mà điệp khúc hằng năm vẫn vang lên trên những chiếc loa phường là "xe tăng húc đổ cổng Dinh độc lập" của chính quyền VNCH, mà chúng được trang hoàng trong những trang sử chói loà và vĩ đại như là đã đánh đổ và xoá bỏ một "đế quốc thực dân" cho cả thế giới này được hoà bình vậy. Trong khi niềm Nam là một chính quyền theo thể chế cộng hoà tổng thống được xác lập từ Hiệp định Geneva 1954, không bạo lực cách mạng với Bắc Việt mà chủ yếu là để phát triển quốc gia và chống sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bản Hiến pháp đầu tiên của nền đệ nhị cộng hoà cũng có một nhược điểm, đó là Điều 4 Hiến pháp năm 1967 cũng đã quy định cấm mọi sự tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức. Đây cũng là độc quyền tư tưởng, như cộng sản mắc phải trong vấn đề độc quyền chính trị và lãnh đạo đất nước tại Điều 4 Hiến pháp 2013.

Bốn mươi hai năm trôi qua, tuy hoà bình mà không yên bình. Trong sự đề phòng của bên thắng cuộc và trong sự hờn phẫn muốn trỗi dậy của phe "những đêm chôn dầu vượt biển" sau năm 1975 khiến hàng triệu đồng bào tang thương, khốn đốn, dành cho những người cả ở hai bên chiến tuyến chứ không riêng gì một bên nào.

Nhiều người cống hiến cho cách mạng cả đời, rồi sau này cũng nhận ra, trong những vần thơ ca đã từng cổ vũ năm xưa của mình, là những vần điệu của sự điên cuồng mù quáng. Họ nhận ra sai lầm, nên có thể thốt lên thành bài thơ đầy đau đớn như Chế Lan Viên sau này hối hận khi nhìn lại sự kiện mà chính mình là một nhân chứng lịch sử. Còn ai nữa? Nhiều ông tướng cộng sản, nhà văn, nhà thơ, ca sỹ hay quan chức xã hội chủ nghĩa cũng phải dằn vặt và "tự diễn biến" một cách gay gắt để rồi cưỡng bách mà tự phủ nhận chính mình trong quá khứ. Trần Xuân Bách, Trần Độ, Phạm Xuân Ẩn, Hữu Loan, Lưu Quang vũ (Xuân Quỳnh), Trịnh Công Sơn (sau này tỉnh ngộ), Dương Thu Hương, Trần Quang Cơ,...

Tất nhiên, chúng ta không thể thay đổi điều đã xảy ra, mà chỉ có thể xây nên hay làm điều gì đó cho hiện tại hoặc tương lai phía trước. Chất liệu của dân tộc là chiến tranh và chiến tranh, là lý tưởng và lý tưởng. Chúng ta chỉ có vậy chứ không có bất kể nền tảng quốc gia nào đáng giá, ngay cả tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn cạn kiệt thì nói gì đến việc tạo nên điều gì đó cốt yếu cho quốc gia. Quá nhiều những cuộc cách mạng đổ xương máu hàng triệu dân khắp cả nước, mà giành độc lập xong chúng ta vẫn chưa trở thành thứ gì có thể định hình hay rõ nghĩa, dù cả về mặt lý luận chứ chưa thể đàm luận gì hơn khi nhìn vào thực tế.

Như tôi đã từng nói trong cuốn sách Một Người Quốc Dân, rằng, thắng trận chưa hẳn đã vinh quang, bại trận chưa hẳn là nhục nhã, mà là hai bên trở nên như thế nào sau cuộc chiến mới là điều quan trọng. Nhật trở thành đồng minh của Mỹ sau khi thất bại ê chề trong cuộc thế chiến thứ 2 và rồi họ vươn lên thành cường quốc thế giới, Đức cũng xoá bỏ được cộng sản trước cả khi Xô Viết sụp đổ hoàn toàn sau đó hai năm (1991) mà thống nhất hai miền Đông-Tây Đức làm một (1989).

Sau cuộc chiến vẫn là tâm lý và sự tuyên truyền đầy tính thù địch, đối đầu, chia rẽ, vẫn là những dè chừng chính lẫn nhau đối với những con người của cùng một quốc gia chỉ vì khác ý thức hệ, mà rồi từ đó đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội trở mình cho dân tộc, đó mới là điều đáng tiếc và thất bại lớn nhất cho hậu những cuộc chiến trường kỳ của đất nước.

Nếu lịch sử và những ngôn từ ca tụng vẫn tiếp tục tô đậm chiến thắng của một bên và làm nhục một bên bằng những câu từ như "nguỵ quân, nguỵ quyền", "những kẻ bán nước", những kẻ bám đít làm tay sai cho ngoại bang", "những kẻ ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ",...thì điều đó mới là chiếc dùi nóng đang day vào những vết thương vốn vẫn âm ỉ suốt nhiều năm mà đáng ra chúng phải được hàn gắn ngay từ khi nửa kia bắt đầu sụp đổ.

Kẻ thắng chỉ thắng với tinh thần thượng võ, tử tế và đường hoàng, chứ kẻ thắng không thể nào thu phục được nhân tâm nếu họ luôn coi thường người khác mà lại tôn vinh mình mãi mãi bằng giọng lưỡi phỉ báng, sỉ nhục, dù là lịch sử, thì chưa thể nào đủ tầm để làm điều gì đó lớn lao trong việc điều hành đất nước bằng một thứ nền tảng quyền lực chính trị vận hành bằng trí tuệ và văn minh.

Trong tôi, hay những ai sinh sau này, thông qua những trang sử được giáo dục trong nhà trường và những báo đài của cộng sản tuyên truyền, thì chúng ta chỉ nhìn thấy nửa bại trận kia là những kẻ điên cuồng, khốn nạn, xấu xa, tàn ác. Như thế chúng ta chỉ thấy được một sự khúc xạ mà bỗng quá khứ trở thành ác quỷ. Thứ đó, tôi gọi là ký ức một bên. Và trong tôi, Sài Gòn đẹp đẽ và phồn thịnh chứ không phải bóng tối tàn tạ như những gì được vẽ ra dưới ngòi bút những người chép sử thiên lệch nhưng mù loà tâm tri.

Tôi không có nhiều ký ức về Sài Gòn. Nhưng tôi có một cuốn sách vẫn để ngay ngắn trên giá sách của mình, chứa trong đó là những tấm hình về một Sài Gòn cổ kính nhưng thơ mộng và lãng mạn.

Nó có tên,
Sài Gòn Xưa và Nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét