Vào các vườn thú, người ta thường thấy những con voi bị buộc chân
bằng dây xích nhỏ. Cảnh tượng quen thuộc đó thu hút nhiều khách tham
quan, khiến những người lần đầu được nhìn thấy những con voi bằng xương
bằng thịt không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ.
Từ chuyện những con voi bị xích…
Từ chuyện những con voi bị xích…
Tuy nhiên, điều dường như ít người tỏ ra “băn khoăn” là mặc dù thỉnh thoảng các chú voi cũng khua cái chân bị xích, khiến sợi xích kêu rổn rảng, nhưng chúng lại không cố ý giằng đứt dây xích, điều mà chúng có thể thực hiện dễ dàng bằng sức mạnh của mình.
Theo những người quản tượng, khi voi còn bé, người ta vẫn dùng loại
dây xích như thế để buộc chúng. Chỉ cần những sợi dây xích cỡ đó là đủ
để giữ chân đám voi con. Mỗi khi chúng phá xích hay có ý định thế thì
đều bị đánh. Dần dà, chúng không còn nghĩ đến chuyện phá sợi dây xích
buộc chân mình nữa; chúng đã đánh mất bản năng tìm kiếm tự do. Chúng
không còn ý thức được việc dùng sức mạnh của mình để tự cứu mình, hoặc
do chúng không tin mình có thể làm được điều đó, hoặc do chúng bị nỗi sợ
hãi chi phối.
…đến thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản
Người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản cũng được đối xử chẳng khác những con voi kia là mấy. Bên cạnh việc vẽ ra những thiên đường trên mặt đất mang tên “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản” nhằm giam hãm lớp lớp người Việt trong một thế giới ảo tưởng, nhà cầm quyền còn tìm mọi cách để người dân ý thức được thế nào là “khuôn phép cộng sản” ngay từ thuở mới cắp sách tới trường.
“Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” là một trong “năm điều Bác Hồ dạy”, những
khẩu hiệu mà mọi lứa học sinh đều phải thuộc nằm lòng. Nhân danh “đoàn
kết” và “kỷ luật”, những mầm non của đất nước bắt đầu được gò vào khuôn
phép của những hình thức tổ chức tập thể đầu tiên trước khi bước vào đời
là trường và lớp. Những học sinh nào không tham gia “Đội Thiếu niên
Tiền phong Hồ Chí Minh” và “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” đều bị
coi như những học sinh “chậm tiến” hoặc “có vấn đề”.
Trong các cuốn sách giáo khoa, bên cạnh vô số “tấm gương sáng” vì “sự
nghiệp cách mạng” được tôn sùng là hàng loạt “gương xấu” – đó là những
kẻ chống lại “sự nghiệp cách mạng”, và tất cả đều bị “trừng trị” theo
cách này hay cách khác.
Chưa hết, dư âm của cuộc “Cải cách Ruộng đất”, vụ “Nhân văn - Giai
phẩm”, vụ án “Xét lại chống đảng”, hay các cuộc “cải tạo công thương
nghiệp xã hội chủ nghĩa”… khiến hàng triệu người Việt đến nay vẫn chưa
hết rùng mình.
Người ta còn kể cho nhau nghe về vô số vụ khủng bố, ám sát, thủ tiêu
mà nạn nhân bị coi là những “phần tử phản cách mạng”. Dĩ nhiên, không
nói thì ai cũng hiểu đằng sau những vụ đó là ai.
Một công dân sau khi rời khỏi ghế nhà trường, nếu không sinh hoạt
trong các tổ chức chính trị như Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM hay Đảng
CSVN, anh ta hầu như không có cơ hội tiến thân trong bộ máy. Nếu anh ta
còn dám “góp ý” hay “phê bình” các tổ chức này nữa thì nơi duy nhất chào
đón anh ta là nhà tù.
…và tâm thế dân Việt
Mấy chục năm trước, những gì trên đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, và đó là lý do khiến nỗi sợ hãi ám ảnh cả xã hội, từ dân thường cho đến cán bộ.
Ngày nay, mặc dù ánh sáng của cuộc cách mạng Internet và truyền thông
xã hội trong một thế giới của can dự và hội nhập toàn cầu đã xua tan
nhiều bóng tối từng ngự trị trên đất nước suốt nhiều thập niên, lối cai
trị nhuốm màu ma quỷ mà các lãnh tụ cộng sản tiền bối từng áp đặt lên
dải đất hình chữ S không còn đất sống, song phần lớn người Việt vẫn tiếp
tục sống trong sợ hãi.
Những người dân thường vốn thiếu cả kiến thức chính trị lẫn phương
tiện truyền thông để bày tỏ chính kiến thì không nói. Điều đáng nói là
ngay cả những cán bộ về hưu, đặc biệt là giới trí thức, những người đã
nhận chân được chủ nghĩa Marx-Lenin cũng như cái bánh vẽ mang tên “chủ
nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản”, mà cũng không dám bày tỏ thái độ
của mình trước hiện tình đất nước, trước những bất công, tiêu cực trong
xã hội, dù họ biết là họ đã bị lừa dối trong phần lớn cuộc đời, dù họ
hoàn toàn ý thức được những hiểm hoạ mà nước nhà đang phải đối mặt.
Lý do thật đơn giản: họ sợ. Nhiều người Việt Nam cố chui vào trong
cái lô cốt của sợ hãi với niềm an ủi rằng, cộng sản sớm muộn gì cũng
sụp, và tự nó làm cho nó sụp chứ không cần và không ai đủ sức làm cho nó
sụp. Tương tự như thế là quan điểm chỉ có cộng sản mới tiêu diệt được
cộng sản.
Và nhà cầm quyền thì luôn tìm cách duy trì nỗi sợ hãi đó trong dân chúng nói chung và tầng lớp tinh hoa của xã hội nói riêng.
Ngày càng nhiều người Việt lên tiếng đấu tranh đòi nhà cầm quyền cộng
sản tôn trọng các quyền tự do cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp
hay trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì cũng ngày càng
nhiều vụ bắt giam hay khủng bố dành cho những người con ưu tú đó của đất
nước.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù nhân lương tâm ở Hải Phòng, cho
biết là ngày Mùng 4 Tết 2008, hai nhân viên an ninh đã đến nhà ông doạ dẫm là nếu ông đi viếng ông Hoàng Minh Chính thì sẽ gặp một vụ tai nạn như cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Các vụ bắt bớ, khủng bố nhằm vào những người đấu tranh trong các vụ
án chính trị hay trong giai đoạn phong trào bị đàn áp mạnh là chuyện
bình thường. Điều tưởng như bất thường là thỉnh thoảng chúng vẫn cứ diễn
ra trong những giai đoạn yên ắng, dù bản thân đối tượng hay hành vi của
họ chẳng có gì đáng gọi là nhạy cảm hay nguy hiểm cho chế độ đến mức
phải bị đối xử như thế. Thực ra, mục đích của hành động đó lại rất dễ
hiểu: tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng.
“Freedom is not free”
Ở Việt Nam, phần lớn những người từng phải ngồi tù vì lý do chính trị trong khoảng hai chục năm trở lại đây là thành viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, một tổ chức XHDS ra đời năm 2014. Số hội viên Hội CTNLT hiện nay là 142 người; số hội viên đã mất là 3 người; còn số TNLT trong các nhà tù Việt Nam hiện nay là 70 người.
Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng việc dẫn ra đây một vài con
số về tù chính trị của Myanmar, đất nước vừa mới “tự diễn biến, tự
chuyển hoá” sang chế độ dân chủ một cách êm thấm trong sự thèm khát của
hàng chục triệu người Việt, hẳn cũng mang một ý nghĩa nào đấy. Theo tạp
chí TIME,
số tù nhân chính trị bị giam cầm trong các nhà tù của Myanmar giai đoạn
2009-2010 là khoảng 2.000 người. Còn theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì
trong giai đoạn 2011-2016, chỉ riêng số tù chính trị Myanmar được ân xá
đã lên tới trên 1.100 người. (Nếu có thể nói gì thêm thì dân số Myanmar
là khoảng 54 triệu người, tức chỉ hơn một nửa dân số Việt Nam chút
xíu.)
Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trước hết vì những nguyên nhân nội tại,
đó là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu người dân không lên tiếng
và hành động để góp phần thúc đẩy và giảm thiểu tổn thất cho tiến trình
đó thì hoặc còn rất lâu nữa nhà cầm quyền mới chịu trả lại quyền làm
người cho họ, hoặc nó sẽ chuyển hoá sang một hình thái độc tài khác.
Bất luận thế nào, giống như những con voi bị xích kia, chừng nào
người Việt còn chưa ý thức được sức mạnh của mình, chừng nào những tinh
hoa của giống nòi còn là nô lệ của nỗi sợ hãi, chừng đó hàng chục triệu
“con Lạc cháu Hồng” còn tiếp tục mòn mỏi trong kiếp nạn cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét