Thiên Thanh (*)
42 năm vụt qua. Từ một thiếu nữ tuổi teen, giờ tôi đã thuộc hàng U60, sắp đếm ngược những ngày còn lại. Nhìn lại ký ức, trông vào hiện tại, tại sao nỗi sợ hãi của tôi vẫn còn đó?
1.Tôi sinh ra và lớn lên ở ngoại ô Saigon, trước năm
1975 gọi là vùng Gia Định. Vào ngày 29/4/1975, mới 13 tuổi, tôi trở
thành người lớn nhất trong nhà với 5 đứa em từ 6 tuổi – 11 tuổi, vì ba
của tôi – vốn là một quân nhân quân đội Việt Nam Cộng Hòa – đang ở trong
doanh trại, còn mẹ thì nằm bệnh viện. Lúc đó, cả xóm tôi bấn loạn vì
“Việt cộng sắp đến”. Mọi người tập trung ở nhà thờ cầu nguyện sau đó đổ
xô đến một ngôi nhà – nơi có hầm trú ẩn lớn nhất trong xóm. Không có ba
mẹ, thật khó khăn khi tôi bồng đứa nhỏ nhất trên tay và cố lùa 4 đứa còn
lại chạy đến gian hầm trú ẩn đó, bởi lũ em tôi hồn nhiên: đứa leo lên
cây cố hái cho hết xoài, đứa đập ống heo gom hết tiền… vì sợ trộm vào
lấy thì uổng! Tôi đã trải qua những giờ phút lo lắng hồi hộp khi ngồi
cùng các em trong gian hầm trú ẩn. Trong khi mọi người sợ Việt cộng sẽ
nã súng nã bom vào hầm thì tôi sợ lỡ ba mẹ tôi không về nữa thì tôi sẽ
làm thế nào để nuôi các em?
May thay, xóm tôi “được giải phóng” êm đềm, không có quả bom pháo nào
ghé đến và khi các chú bộ đội tiến vào cũng là lúc mọi người ai về nhà
nấy.
Mãi cho đến chiều tối, ba tôi mới trở về nhà trong áo may-ô và quần
đùi với dáng điệu xơ xác. Quá sợ hãi, ông đã cởi bỏ bộ quân phục và chạy
bộ ra khỏi doanh trại về nhà. Hôm sau khi đã bình tĩnh lại, ông vội vã
đến bệnh viện kiếm mẹ tôi. Trong lúc ông đi, thì mẹ tôi lại lội bộ về
nhà.
Ngày “giải phóng” đối với gia đình tôi thế là may mắn. Và tôi nhớ mãi
những buổi tối đầy căng thẳng giữa ba tôi và những người họ hàng – cũng
tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc cao hơn. Tất cả người
lớn trong nhà tôi đều lo lắng, phỏng đoán đủ thứ điều có thể xảy ra,
trong khi tôi và các em hồ hởi đi “xem” các chú bộ đội.
2. Mùa khai giảng đầu tiên sau ngày đất nước thống
nhất, tôi phải chuyển từ ngôi trường trung học thân yêu trên thị trấn về
ngôi trường cấp 2 gần nhà vì nơi đó chỉ dành cho học sinh cấp 3. Năm
học đầu tiên ở ngôi trường “làng”, tôi có một người bạn gái thân tên
V.N. N. cũng là chị hai giống tôi, với 4 đứa em mỗi đứa cách nhau một
vài tuổi. Điều khác biệt là ba N. là sĩ quan nên ông phải đi học tập cải
tạo. Còn mẹ N. là người phụ nữ đẹp nhất vùng tôi ở lúc bấy giờ. Bà vừa
đẹp vừa tài giỏi với tiệm may thêu lớn trong vùng. Khi tôi đến nhà N.
chơi, tôi thường thấy các chú bộ đội tụ tập ở nhà N. để sửa quần áo
nhưng trên hết, họ say sưa với những câu chuyện của mẹ N. – một phụ nữ
miền nam ăn nói nhỏ nhẹ rất dễ thương.
Vào một ngày khi tôi đến chơi, đứa em trai út của N. lúc đó khoảng
5-6 tuổi chạy ra khoe với tôi: Em sắp có em rồi! Khi tôi còn chưa hiểu
chuyện gì thì mẹ của N. đã gọi tôi vào phòng riêng và kể cho tôi nghe
câu chuyện tình yêu của bà. Hóa ra, bà vừa phát hiện mình có thai với
chú T. – chú bộ đội đẹp trai nhất trong nhóm bộ đội thường hay đến nhà
N. Với vẻ rạng rỡ, bà kể tôi nghe chú T. mới là tình yêu đích thực của
đời mình vì bà lấy ba của N. theo lời khuyên của gia đình. Nhìn vẻ mặt
bà, tôi tin bà nói thực. Vài ngày sau, tôi nghe tin chú T. phải trở về
quê nhà ở phía bắc với lời hứa hẹn sẽ sớm quay vào sống bên cạnh mẹ con
của N. Cả N, cả tôi và mẹ của N. đều tin chú T. nói thật. Thời gian trôi
qua, mẹ N. không nhận được tin tức gì từ chú T. Các chú bộ đội đến nhà
N. ít dần đi vì mẹ N. không còn vui vẻ như trước. Không khí gia đình N.
càng ngột ngạt hơn khi ba N. đột ngột trở về vì “học tập cải tạo tốt”.
Tôi ít đến nhà N. chơi hơn, khi nhìn thấy vẻ bình thản đến lạ của ba N.
và vẻ lo lắng sợ hãi của mẹ N. Mọi người xung quanh nhà N. thì thào với
nhau: Sao không thấy ba N. nổi giận với mẹ N.?
Mùa hè năm 1976, mẹ N. chuyển dạ sanh con. Ba N. đưa bà đến bệnh viện
chu đáo như mọi ông chồng khác nhưng đến ngày xuất viện, họ trở về nhà
không có đứa bé trên tay. N. bảo tôi ba mẹ N. đã quyết định cho đứa bé
ngay tại bệnh viện. Chuẩn bị vào niên học mới cuối cấp 2, N. chia tay
tôi để cùng gia đình trở về quê nhà của mẹ. Kể từ đó, chúng tôi hoàn
toàn mất liên lạc, thế nhưng bi kịch của gia đình N. ám ảnh tôi rất
nhiều năm sau đó.
3. Sau 1975, xóm của tôi nhiều người dọn đi kinh tế
mới. Họ hàng nhà tôi có ba người cấp bậc sĩ quan phải đi học tập cải tạo
ở nơi tít mù khơi nào đó. Ba tôi không còn “lương lính” nữa phải xoay
đủ thứ nghề, từ buôn bán dạo, về quê làm rẫy phụ bà con và sau cùng chạy
xe lam. Mẹ tôi vẫn buôn bán nhưng tất bật hơn và ngày càng thắt chặt
chi tiêu. Đồ đạc quý trong nhà như tivi, xe máy, tủ chè… bị bán lần
lượt. Tôi thường phải đi chợ nấu ăn cho cả nhà, kiêm luôn việc đi nộp sổ
xếp hàng chờ đợi mua dầu hôi, gạo, bột mì, bánh mì, thịt, vải may đồ,
vỏ xe đạp… theo tiêu chuẩn. Rồi sau đó, gia đình tôi chỉ còn một bữa cơm
trong ngày vào buổi tối, hai buổi còn lại ăn độn đủ thứ, có bữa toàn
khoai hoặc toàn bo bo.
Bên cạnh đó, vì khan hiếm dầu hôi, chị em chúng tôi phải đi vào những
cánh đồng và rẫy xa nhà vài cây số để mót củi, xin gốc rạ, bã mía, các
gốc cây cà chua… về phơi khô để đun nấu. Chúng tôi lớn lên trong cảnh đủ
no là may, không quan trọng là đang ăn cái gì. Quần áo toàn mặc lại đồ
cũ của họ hàng, có được cái xe đạp vào năm lớp 10 – ráp nối từ đủ thứ đồ
gom nhặt được – cũng đã là sang.
Ấn tượng sâu đậm nhất với tôi vào thập niên 80 chính là sự vượt biên
của bạn bè, đặc biệt là những bạn người gốc Hoa. Mặc cho những tin tức
về những bạn mất tích trên biển, có những bạn bị cướp biển hãm hiếp… thế
nhưng người bạn gái thân nhất của tôi những năm cuối trung học vẫn vài
lần ra đi mà không thành công. Vào thời gian đó, tôi cũng ước nhà mình
giàu có để vượt biên. Nhìn những gia đình có thân nhân nước ngoài được
đi lãnh đồ ở bưu điện Saigon, đứa nào cũng thấy ham.
4. May mắn hơn các bạn con sĩ quan quân đội Việt Nam
Cộng Hòa, lý lịch có cha là “lính nguỵ” và gia đình Thiên Chúa Giáo
không cản trở tôi vào đại học. Nhưng năm đó, dù tôi đạt điểm cao so với
tiêu chuẩn thì vẫn không được chọn đi du học nước ngoài giống như mấy
bạn con nhà cách mạng cùng mức điểm.
Khi ra trường, nộp lý lịch xin vào làm ở một tờ báo thì tôi không
được nhận do là “lý lịch không đỏ”. Sau 6 năm tốt nghiệp cử nhân ngành
khoa học xã hội, tôi trải qua đủ thứ nghề, từ mài tượng thạch cao, xếp
kho sách, nhân viên thư viện đến thư ký cho một nhà văn… Mãi đến những
năm đầu thập niên 90, khi đổi mới, kinh tế thị trường ập đến như một cơn
lốc, các tòa soạn báo nổi tiếng ở Saigon không còn câu nệ lý lịch đỏ
hay vàng nữa, tôi mới được tiếp nhận vào đội ngũ các nhà báo ở Saigon,
sau hai năm thử việc không lương.
Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, tôi luôn tự hào với nghề
nghiệp của mình: một cái nghề phù hợp khả năng, giúp ích được cho xã
hội, cho người dân và giúp tôi nuôi sống được gia đình nhỏ của mình. Vai
trò nhà báo trong thời gian đó được chính quyền và người dân coi trọng,
cho đến khi vụ PMU 18 nổ ra, hai nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị
tống giam, Tổng biên tập của Tuổi Trẻ và Thanh Niên lần lượt ra đi. Tuy
làm việc ở một tòa soạn nhỏ hơn, tờ báo của tôi cũng có thay đổi về đội
ngũ lãnh đạo… Những tin/bài phản biện xã hội thường bị gác lại. Và mỗi
lần có một tin bài nào đó bị “cấp trên” phê bình, phóng viên viết bài đó
sẽ bị tổng biên tập mới làm khó dễ chứ không có chuyện bênh vực, che
chắn phóng viên như các sếp cũ ngày trước. Mất môi trường làm việc tốt,
tôi nghỉ việc ở tòa soạn đó và sang làm ở báo Sài Gòn Tiếp Thị - một tờ
báo có nhiều bài phản biện nhất thời kỳ đó.
Sau hơn 20 năm chính thức làm nghề báo, tôi buộc phải nhận quyết định
nghỉ việc từ quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh khi Sài Gòn Tiếp Thị
(địa chỉ 25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6 quận 3) bị rút giấy phép ra báo vào
ngày 28/2/2014. Hơn 100 lao động làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp Thị phải
tan tác ra đi tìm công việc khác để sinh sống.
Vào thời khắc đau lòng đứng nghe quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh
đọc quyết định đóng cửa báo Sài Gòn Tiếp Thị, tôi biết niềm tự hào nghề
báo của mình ở Saigon đã hết.
5. 42 năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi có một nỗi sợ hãi thường trực: lo mình bệnh hoặc người thân bệnh phải vào bệnh viện.
Sống ở một thành phố có đóng góp lớn nhất vào ngân sách trung ương,
bên cạnh sự căng thẳng thường trực về môi trường ô nhiễm (bụi, khói xe,
tiếng ồn, rác thải…), tôi không chỉ nơm nớp lo sợ cảnh trời mưa nước
ngập, an ninh đường phố ngày càng kém, thực phẩm không an toàn… mà còn
sợ không có tiền để vào bệnh viện (BV).
Nỗi sợ này ngày càng tăng lên khi tuổi tác ngày càng lớn mà tiền làm
ra ngày càng eo hẹp. Chung quanh tôi, người bị bệnh ung thư ngày càng
phổ biến. Thỉnh thoảng gặp bạn bè, hỏi ra nhà nào cũng có người bị bệnh
ung thư. Đau lòng nhất là những đứa trẻ bị bệnh ung thư. Cả miền Nam chỉ
có BV Ung Bướu TP HCM có khoa ung thư nhi nhận chữa tất cả bệnh ung thư
theo tiêu chuẩn bảo hiểm y tế. Các BV khác chỉ nhận chữa một loại ung
thư cho bệnh nhi như BV Truyền Máu & Huyết Học nhận chữa ung thư
máu, BV Chấn Thương Chỉnh Hình chữa ung thư xương, BV Nhi Đồng 2 nhận
chữa các khối u cứng… với giá thỏa thuận theo từng phác đồ.
Nói chung, dù là trẻ em hay người lớn, khi vào BV Việt Nam, cảm giác
thật bất an. Dù có thẻ bảo hiểm y tế thì luôn luôn vẫn phải có tiền mặt
để đóng tiền cọc thì các biện pháp chữa trị mới được tiến hành. Không
chỉ có tiền, người bệnh ở Việt Nam phải có mối quen biết với các y bác
sĩ, nếu không… thì phó mặc cho may rủi!
Sắp sửa lại đến ngày 30/4 – đúng 42 năm. Tôi không quan tâm đến lễ
diễu binh, không quan tâm đến các tấm pano mô tả chiến thắng, không quan
tâm đến pháo bông sẽ bắn ở đâu, khi nào. Ước mơ về một môi trường sống
tốt hơn cũng thật xa vời vợi. Nhìn vào thực tại, tôi chỉ có một cầu
mong: Nếu bị bệnh, xin chết ngay tại nhà và không phải vào BV (để khỏi
làm phiền người thân và bản thân không bị hành)!
(*) Tác giả từng là một nhà báo, đang sinh sống ở Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét