Nguồn: Michael Mandelbaum, “Will nuclear history repeat
itself in Korea?”, Project Syndicate, 04/04/2017.
Trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago thuộc bang Florida của ông Trump, ít nhất một phần của cuộc thảo luận sẽ chắc chắn tập trung vào Triều Tiên – một trong những nơi nghèo đói nhất thế giới. Mặc cho các cuộc đàm phán đứt quãng diễn ra trong suốt hơn hai thập niên qua, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang đẩy thế giới vào một bước ngoặt mang tính chiến lược rất giống với tình thế mà các nước phương Tây đã đối mặt cách đây 60 năm, khi Mỹ và Liên Xô đối đầu nhau tại châu Âu.
Trong thế kỷ 20, Mỹ và các đồng minh của mình đã vượt qua
thách thức nói trên tại châu Âu một cách thành công mà không để xảy ra chiến
tranh. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, để đạt được thành công tương tự như
vậy tại Đông Á, ông Trump phải thuyết phục ông Tập lựa chọn một chính sách khác
đối với Triều Tiên.
Khi Mỹ và Liên Xô trở thành đối thủ của nhau sau Thế Chiến
II, mỗi bên đều có cách để răn đe bên còn lại không tấn công mình. Liên Xô thực
sự hoặc được biết đến một cách rộng rãi là đã có một ưu thế lớn về lực lượng
phi hạt nhân, một lợi thế mà Liên Xô có thể sử dụng để xâm lược Tây Âu. Trong
khi đó, Mỹ lại có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân từ châu Âu vào lãnh
thổ Liên Xô nhờ thế độc quyền về vũ khí hạt nhân của mình.
Sau đó, vào năm 1957, với việc phóng vệ tinh Sputnik, Liên
Xô đã cho thấy nước này sẽ sớm có khả năng tấn công hạt nhân vào lãnh thổ lục địa
Mỹ. Sự kiện ấy đã đặt ra một câu hỏi về tính hiệu quả trong răn đe của nước Mỹ.
Đó là, liệu có khả năng vì để đáp trả cuộc tấn công của Liên Xô vào Tây Âu, Mỹ
sẽ gây chiến với Liên Xô, từ đó thách thức đối phương tấn công hạt nhân vào lãnh
thổ của mình hay không? Mỹ và các nước đồng minh của mình có bốn giải pháp cho
viễn cảnh và bài toán nguy cấp này: Phủ đầu, phòng vệ, phổ biến hạt nhân, và
răn đe.
Phủ đầu, tức là một cuộc tấn công vào các vũ khí hạt nhân của
Liên Xô, có thể sẽ tạo ra Thế Chiến III, một viễn cảnh rõ ràng là không mấy hấp
dẫn. Và, trong bối cảnh Liên Xô ngày càng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình,
chính phủ Mỹ đã loại trừ phương án phòng vệ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa.
Bởi lẽ, giải pháp này không thể làm chệch đường đi của mọi đầu đạn hạt nhân được
phóng tới. Không bên nào cố gắng xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là
lựa chọn an toàn hơn. Vì thế, chính quyền Tổng thống Nixon đã tiến hành đàm
phán và ký Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo Xô – Mỹ (Hiệp ước ABM) năm 1972, qua
đó cơ bản đã ngăn cấm những hệ thống kiểu như vậy.
Sự lựa chọn thứ ba, phổ biến hạt nhân, hay nói cách khác là
cho phép các quốc gia có tiềm năng bị đe dọa được sở hữu các loại vũ khí hạt
nhân, dựa trên giả thuyết rằng một chính phủ có thể sẵn sàng dùng những loại vũ
khí này để bảo vệ đất nước của chính họ, nếu nước khác không làm điều đó. Mặc
dù có nhiều lý do khác khi Pháp muốn gia nhập “câu lạc bộ” hạt nhân, Tổng thống
Pháp Charles de Gaulle đã dùng logic này để biện hộ cho chương trình hạt nhân của
nước mình. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào logic nói trên, Tây Đức cũng cần một kho
vũ khí hạt nhân cho riêng mình; và, nếu xét lịch sử thế kỷ 20 của nước Đức, chẳng
một ai, nhất là người Đức, lại thèm muốn một kết cục như vậy.
Vì thế, phương Tây lựa chọn củng cố nguyên trạng, trong đó Mỹ
tiếp tục tăng cường tính khả tín của chính sách răn đe tại châu Âu bằng cách
tuyên bố công khai và thường xuyên rằng Mỹ sẽ thực sự bảo vệ các đồng minh bất
chấp rủi ro bị tấn công vào lãnh thổ của mình. Để khẳng định lập trường đó, Mỹ
cho triển khai vũ khí hạt nhân đến lục địa châu Âu, đóng quân tại các tiền tuyến
của nước Đức như là một cơ chế “kích hoạt”: bất kỳ một cuộc tấn công nào vào
đây cũng sẽ kích hoạt sự tham gia của Mỹ vào bất cứ cuộc chiến nào mà phe cộng
sản có thể khởi động. Chiến lược này đã thành công: Vì bất kỳ những lý do kết hợp
nào đi nữa, thì Liên Xô không bao giờ (dám) tiến hành một cuộc tấn công về phía
Tây dưới bất kỳ dạng thức nào.
Sáu thập niên sau, một thách thức tương tự lại đe dọa xảy ra
ở bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, sự hiện
diện quân sự của Mỹ đã giúp răn đe Triều Tiên không dám tấn công Hàn Quốc.
Trong khi đó, chính chế độ cộng sản ở Triều Tiên cũng răn đe trở lại nước Mỹ:
Nước này cho triển khai quy mô lớn các loại pháo dọc khu giới tuyến phi quân sự
phân chia bán đảo Triều Tiên, và có thể phá hủy thủ đô Seoul của Hàn Quốc, với
số dân khoảng 10 triệu người, nhằm trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ.
Các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang đe dọa phá vỡ thế
cân bằng nói trên bởi chúng giúp Triều Tiên có được năng lực tấn công bờ biển
phía Tây của nước Mỹ thông qua các tên lửa đạn đạo tầm xa mà nước này đang thử
nghiệm, qua đó đặt ra một phiên bản mới cho câu hỏi cũ: Mỹ có dám mạo hiểm sự an
toàn của Los Angeles để bảo vệ Seoul hay không? Và nay, Mỹ và các nước đồng
minh châu Á của mình lại có 4 phương án lựa chọn giống như Liên minh Đại Tây
Dương 60 năm trước đây.
Họ có thể cố gắng sống chung với các tên lửa hạt nhân tầm xa
của Triều Tiên, lệ thuộc vào năng lực răn đe. Vì thế, hòa bình cũng như sự an
toàn của hàng triệu người Mỹ sẽ phụ thuộc vào sự thận trọng và lý trí của nhà độc
tài 33 tuổi Kim Jong Un của Triều Tiên, một người đàn ông trẻ tuổi có sở thích
hành quyết các thân nhân trong gia đình và các trợ tá thân cận của mình một
cách công khai tàn bạo.
Trong quá khứ, các chuyên gia an ninh quốc gia của Mỹ cho rằng
viễn cảnh đó là không thể chấp nhận được. Vào tháng 6 năm 2006, cựu Bộ trưởng
Quốc phòng William Perry và Bộ trưởng Quốc phòng tương lai Ashton Carter lập luận
trên tờ The Washington Post rằng, nếu như Triều Tiên cho triển khai trên lãnh
thổ của mình một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ, thì Mỹ nên tấn
công và phá hủy tên lửa đó.
Tuy nhiên, giống như tình hình hiện nay, việc tấn công kho
vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ mang đến những rủi ro khổng lồ. Một cuộc tấn
công như vậy có thể dẫn đến Chiến tranh Triều Tiên lần hai. Triều Tiên chắc chắn
sẽ thua, và chế độ nước này sẽ sụp đổ, nhưng cũng có thể không là như vậy cho tới
khi Triều Tiên đã kịp giáng một đòn gây tổn thất kinh hoàng cho Hàn Quốc, và
cũng có thể cho cả Nhật Bản nữa.
Sau khi rút lui khỏi Hiệp ước ABM, Mỹ đã bắt đầu triển khai
các hệ thống phòng thủ tên lửa, với hy vọng đánh bại một cuộc tấn công hạt nhân
quy mô nhỏ (mặc dù không thể đánh bại một cuộc tấn công ồ ạt mà Nga có thể tiến
hành). Cũng giống như trên, lựa chọn này mang đến những rủi ro nghiêm trọng.
Khi mà kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được mở rộng, tính hiệu quả của phòng
thủ tên lửa sẽ giảm đi. Chỉ cần một vụ nổ hạt nhân tại Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản
cũng đủ là một thảm họa.
Nếu như các quốc gia Đông Á nghi ngờ về tính khả tín trong
cam kết phòng vệ của Mỹ – và Trump đã nêu rõ quan điểm nghi ngờ các liên minh của
mình – thì họ có thể tự phát triển vũ khí hạt nhân giống như Pháp đã làm. Nhật
Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chắc chắn có khả năng làm điều đó một cách nhanh
chóng.
Tuy nhiên, một Đông Á có một vài nước sở hữu vũ khí hạt nhân
sẽ không nhất thiết sẽ ổn định. Không giống như châu Âu trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh, Đông Á sẽ có một số cường quốc hạt nhân khác nhau, chứ không chỉ là
hai; và một vài trong số họ có thể không có năng lực “hủy diệt lẫn nhau chắc chắn”,
tức việc một quốc gia có khả năng sống sót sau một đòn tấn công hạt nhân và có
thể gây ra tổn thất mang tính hủy diệt cho bên tấn công. Nếu không có năng lực
này, một quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân sẽ có động lực lớn hơn nhiều
trong việc tiến hành đòn tấn công hạt nhân đầu tiên so với Mỹ và Liên Xô, khi
nước này nghi ngờ mình sắp bị tấn công.
Như vậy, không phương án nào trong bốn phương án khả dĩ nhằm
đối phó với tiến triển trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm răn
đe, đánh đòn phủ đầu, phòng vệ và phổ biến hạt nhân, đủ tạo ra sự tự tin cho Mỹ
và các nước đồng minh. Nhưng có một khác biệt quan trọng giữa Đông Á của thế kỷ
21 và châu Âu của thế kỷ 20, tạo ra cơ hội để tránh phải lựa chọn cả 4 phương
án trên: Trung Quốc là bên có thể gây được sức ép mạnh mẽ lên nguồn cơn của mối
đe dọa hạt nhân.
Hầu như tất cả lương thực và nhiên liệu của Triều Tiên đều đến
từ nước láng giềng Trung Quốc. Nhưng dù phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của
Triều Tiên và không mấy mặn mà với chế độ nhà họ Kim, Chính phủ Trung Quốc cho
đến lúc này vẫn kiềm chế không muốn gây sức ép lên nước này bằng cách đe dọa cắt
đứt nguồn sống của Triều Tiên. Mối lo lớn hơn của Trung Quốc là việc chế độ nhà
họ Kim sụp đổ, dẫn đến một làn sóng người tị nạn mà Trung Quốc không hề mong muốn
tràn qua biên giới nước này, và có thể hình thành một nước láng giềng mới không
đáng chào đón: một quốc gia Triều Tiên thống nhất và là đồng minh của Mỹ.
Dù Trung Quốc có thể có những lý do hợp lý để ưu tiên giữ
nguyên trạng bán đảo Triều Tiên, việc tiếp tục nuông chiều tham vọng hạt nhân của
giới lãnh đạo Triều Tiên là một lựa chọn đầy rủi ro. Trung Quốc có thể sẽ bị
bao quanh bởi các nước láng giềng không thân thiện được trang bị hạt nhân hay
phải đối mặt với một cuộc chiến khó chịu ở ngay biên giới nước mình, hoặc có thể
là cả hai viễn cảnh cùng xảy ra.
Trump nên nhấn mạnh điểm này với ông Tập. Ít nhất là, trừ
khi Trung Quốc hành động để chặn đứng tiến triển hạt nhân của Triều Tiên, còn
không nó sẽ làm cho Đông Á trở nên nguy hiểm hơn đối với tất cả, bao gồm cả
chính bản thân Trung Quốc.
Nhà văn Mark Twain đã từng bình luận rằng, tất cả mọi người
đều nói về thời tiết, nhưng chẳng ai làm gì về nó cả. Điều này đã đúng với
chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong gần một phần tư thế kỷ qua.
Và có thể điều đó không còn đúng nữa trong thời gian tới.
*
Michael Mandelbaum là Giáo sư hưu trí bộ môn Chính sách đối
ngoại Hoa Kỳ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế chuyên sâu thuộc Đại học Johns
Hopkins, và là tác giả của cuốn sách gần đây nhất Mission Failure: America and
the World in the Post-Cold War Era.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét