Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn
(7/4/1907-7/4/2017).
Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng
Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn được Đảng Cộng sản gọi là "chiến
sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng". Tuy vậy, đến vài năm gần đây, giới nghiên cứu nước ngoài mới
bắt đầu có những bài viết chi tiết hơn về chính khách này.
Trong bài về ông Lê Duẩn trên tạp chí Journal of Cold War
Studies năm 2015, sử gia Zachary Shore, nhận xét:
"Người ta đã viết nhiều về con người và chính sách của
Hồ Chí Minh, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ của Lê Duẩn lên chiến lược thì ít được
quan tâm."
Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 năm nay, sử gia Zachary Shore, từ
Trường hải quân hệ sau cao học của Mỹ (Naval Postgraduate School), cho BBC biết
nhận định của ông về tầm nhìn chiến lược của ông Lê Duẩn trong chiến tranh:
Zachary Shore: Dường như Lê Duẩn là người quyết định rất nhiều
trong chiến lược chống Mỹ của Hà Nội. Theo sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ
1954, và thậm chí có thể là sớm hơn, Lê Duẩn đã ghi dấu Mỹ là kẻ thù chính của
Hà Nội.
Một thập niên sau, đến thời điểm Tổng thống Johnson leo
thang, Lê Duẩn đã mài sắc các nhận định chiến lược. Đến giữa thập niên 1960, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã già, yếu và dần chuyển thành nhân vật lãnh đạo tượng trưng.
Trong suốt Chiến tranh Việt Nam, chủ yếu quyết định nằm trong tay Lê Duẩn và
cánh tay phải của ông, Lê Đức Thọ.
BBC: Trong bài nghiên cứu của mình (2015), ông nói Lê Duẩn
hiểu rõ kẻ thù, đánh giá đúng ý định của đối phương. Ông có thể nói rõ hơn?
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và TBT Lê Duẩn
(hình minh họa)-Getty Images
Chìa khóa để hiểu kẻ thù là nắm bắt động cơ và những hạn chế
của đối thủ. Lê Duẩn hiểu rõ những hạn chế của Mỹ trong suốt cuộc chiến. Tuy vậy,
cái nhìn của ông ấy về những động cơ của Mỹ thì mù mờ hơn.
Lê Duẩn nhận ra Mỹ bị lúng túng vì những cam kết khắp thế giới.
Khác với Bắc Việt, có thể tập trung toàn lực chống Mỹ, Mỹ thì bận rộn kiềm chế
chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, chống các phong trào cánh tả ở châu Phi, Trung và
Nam Mỹ, kiềm chế chiến tranh và hòa bình ở Trung Đông.
Hồ sơ cho thấy Lê Duẩn nhận ra Mỹ lo lắng về thương vong. Vì
thế ông ta ra hẳn yêu cầu: phải giết được 40 đến 50.000 lính Mỹ trong vài năm
sau khi Mỹ leo thang. Nhờ nhận ra những hạn chế chủ yếu của Mỹ, Lê Duẩn soạn
nên các chiến lược đánh vào những điểm yếu nhất của kẻ thù.
BBC: Ông có cho rằng nếu ông Lê Duẩn không làm lãnh đạo
trong đảng, mục tiêu thống nhất đất nước của Hà Nội có thể không thành vào năm
1975?
Dĩ nhiên không thể nói chắc được. Một số nhận định của Lê Duẩn
không có tính tiên tri. Ông đánh giá nhầm mức ủng hộ cho chủ nghĩa cộng sản ở
Nam Việt Nam. Ông hy vọng tổng nổi dậy ở miền Nam nhưng nó không xảy ra.
Tuy vậy, ông là xung lực, có lẽ là quan trọng nhất, đằng sau
nỗ lực thống nhất đất nước bằng mọi giá. Đáng buồn là cái giá mà ông áp đặt lên
nhân dân Việt Nam thật quá to lớn.
BBC: Theo ông, quyết định tổng tiến công Mậu Thân 1968 có phải
là sai lầm lớn nhất của ông Lê Duẩn trong chiến tranh?
Nếu xét số thương vong, được ước đoán khoảng hàng chục ngàn
người, đợt tấn công Mậu Thân phải được xem là sai lầm chiến thuật.
Ông Lê Duẩn là Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (1960-1986)-Getty Images
Tuy vậy, nó lại trở thành chiến thắng chiến lược do nó đã
làm đảo ngược sự ủng hộ chiến tranh trong dân chúng Mỹ.
Chúng ta vẫn không biết chắc liệu Lê Duẩn có nhìn ra trước kết
quả bước ngoặt này không. Chúng ta đành phải đồn đoán, tranh cãi chừng nào nhiều
kho tư liệu còn đóng cửa. Một ngày nào đó, khi giới sử gia được tiếp cận đủ hồ
sơ, chúng ta mới biết được khả năng đánh giá của Lê Duẩn đến đâu, và tư duy chiến
lược của ông đã tác động đến cuộc chiến như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét