Cố vấn kinh tế của tổng thống
Trump Gary Cohn (T) và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin ngày 26/04/2017 thông
báo kế hoạch giảm thuế 2.000 tỷ đô la.Reuters
Giảm thuế cho doanh nghiệp,
"tín hiệu mạnh" chính quyền Trump gửi tới toàn dân Mỹ. "Giới chủ
hài lòng, chưa chắc Quốc Hội ưng thuận". Donald Trump, "100 ngày va
chạm với thực tế". Sau những tuyên bố hùng hồn, liệu nhà tỷ phú địa ốc Mỹ
có là "con cọp giấy" ? Donald Trump là nhân vật trong ngày trên các tờ
báo Pháp.
Món quà 2.000 tỷ đô la
"Một kế hoạch đồ sộ để giảm
thuế doanh nghiệp" tựa lớn trên trang nhất báo kinh tế Les Echos. Mỹ hiện
là quốc gia đánh thuế nặng nhất vào khu vực sản xuất. Để khắc phục nhược điểm
này, chính quyền Trump quyết định hạ mức thuế đó đang từ 35 % xuống còn 15 %.
Chủ nhân các công ty vừa và nhỏ được xem là hưởng lợi nhiều nhất trước viễn cảnh
được miễn thuế lên tới 2.000 tỷ đô la trong thời gian 10 năm theo như dự phóng
của trung tâm nghiên cứu Tax Foundation.
"Biện phám giảm thuế mạnh nhất
từ trước tới nay" như chính Donald Trump thông báo. Bốn ngày trước khi ăn
mừng 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin của tổng
thống Trump và cố vấn kinh tế thông báo kế hoạch "cải tổ chính sách thuế
khóa", được xem là một trong ba cột trụ của chương trình kinh tế trong nhiệm
kỳ vừa mở hơn ba tháng nay.
Nhưng báo Les Echos đưa ra ngay
hai câu hỏi : Chính phủ Hoa Kỳ lấy đâu ra tiền để tài trợ cho khoản thất thu
2.000 tỷ trong 10 năm vừa nêu ? Có thực sự các doanh nghiệp Mỹ ngoan ngoãn đóng
đủ 35 % thuế cho Nhà nước hay không ?
Les Echos trích dẫn báo cáo của
Viện nghiên cứu về chính sách thuế khóa và kinh tế trụ sở tại Washington, theo
đó trong số 500 tập đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ được hỏi, chỉ có gần một nửa –
chính xác là 258, trả lời công khai về các khoản thuế khóa của họ. Trong số
này, mức thuế thực sự họ phải trả trong thời gian từ 2008 đến 2015 tương đương
với 21,5 % một năm : thấp hơn so với con số 35 % vẫn thường được nói tới.
Về khoản thất thu của chính phủ
khi giảm thuế cho doanh nghiệp, vẫn nhật báo kinh tế của Pháp Les Echos cho rằng,
kế hoạch của tổng thống Trump không dễ thuyết phục Quốc Hội. Donald Trump có thể
tặng cho các doanh nghiệp Mỹ "món quà" 2.000 tỷ đô la, với điều kiện
"tăng trưởng của Hoa Kỳ phải liên tục ở mức 3 % một năm trong thập niên sắp
tới". Hiện tại, GDP của Mỹ tăng 1,8 % trong năm nay.
Một chi tiết nhỏ : Họp báo chung
về dự án giảm thuế, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin khẳng định bên hành pháp
"cùng quan điểm" với lập pháp. Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Paul Ryan đỡ lời
: "Chúng tôi đồng ý với nhau đến 80 %".
Hứa thì nhiều, làm chẳng được bao nhiêu
Tổng kết 100 ngày đầu tiên Donald
Trump làm tổng thống, Libération nói tới "Những thất bại liên tiếp ở Nhà
Trắng". La Croix nhẹ nhàng hơn qua hàng tựa : "Hứa hẹn to tát, hiệu
quả nhỏ nhoi". Thắng lợi duy nhất không thể phủ nhận của tổng thống Trump
là ông đã thành công gài được vị thẩm phán có lập trường bảo thủ Neil Gorsuch
vào Tối Cao Pháp Viện. Trong các lĩnh vực khác, từ kinh tế đến ngoại giao, 100
ngày qua chính quyền Trump đã va chạm nhiều với thực tế.
Chia rẽ trong hàng ngũ đảng Cộng
Hòa ở Hạ Viện, cuộc đọ sức tranh giành ảnh hưởng giữa các cộng tác viên thân cận
nhất với ông Trump tạo ra một hình ảnh xấu của tân chính quyền Mỹ. Phóng viên
báo La Croix tại Washington nói tới "cảnh tượng hỗn loạn ở Nhà Trắng".
Tờ báo nêu ra danh sách : những tuyên bố "lung tung" của lãnh đạo Hoa
Kỳ, sự hiện diện của cô con gái ông Trump là Ivanka cùng chồng là Jared
Kurshner bên cạnh tổng thống, những mối xung đột quyền lợi giữa "tập đoàn
Trump" và tiếng nói của nước Mỹ …
Đáng tiếc nhất là tất cả những
chuyện "bất bình thường đó" đã đẩy những hồ sơ quan trọng xuống hàng
thứ yếu, từ khủng hoảng Syria đến tính chất trong quan hệ giữa chính quyền
Trump với Nga, với bản thân tổng thống Vladimir Putin.
Như ghi nhận của một chuyên gia
viện nghiên cứu Mỹ, Brookings được Libération trích dẫn, "Donald Trump là
vị tổng thống thiếu kinh nghiệm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các cộng tác viên của
ông lại là những người hoàn toàn không biết gì về chính sách của Mỹ về pháp luật.
Hai yếu tố đó đẩy ông Trump vào tâm bão".
Đối ngoại : "Donald Trump, con cọp giấy"
Về đối ngoại, La Croix nói tới
sai lầm của tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ khi "tuyên chiến" với hai đồng
minh truyền thống là Mêhicô và Canada, để ca ngợi thành tích hay chúc mừng những
nhà lãnh đạo thẳng tay đàn áp đối lập, như tổng thống Ai Cập và tổng thống Thổ
Nhĩ Kỳ. Với Trung Quốc, từ khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống, Donald Trump đã đổi
hẳn giọng điệu khi tiếp chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong bài viết mang tựa đề
"Donald Trump, con cọp giấy", giáo sư Barry Eichegreen giảng dậy tại
đại học Berkeley-California, Hoa Kỳ và Cambridge-Anh Quốc, đưa ra một thực tế
không thể chối cãi trong quan hệ Mỹ Trung : Hai ông khổng lồ này đã quá lệ thuộc
vào nhau.
Về phương diện kinh tế, các tập
đoàn Mỹ và Trung Quốc không chỉ là những đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc còn là
đối tác không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất của Mỹ. Hoa Kỳ thì là nguồn
tiêu thụ chính hàng "made in China".
Nhìn tới vế chính trị, làm sao có
thể chọc giận Bắc Kinh khi Mỹ cần Trung Quốc để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên
? Donald Trump sớm muộn gì cũng sẽ hiểu ra rằng, không thể "trị" Bình
Nhưỡng bằng giải pháp quân sự. Con đường duy nhất còn lại là gia tăng áp lực để
thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Tiếng nói duy nhất chế độ Kim
Jong Un còn nghe theo là Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, giáo sư
Eichegreen kết luận : Không riêng gì với Trung Quốc, mà trên rất nhiều hồ sơ
khác, Donald Trump đang nhận thấy là những khẩu hiệu hời hợt ông tung ra trong
lúc vận động tranh cử đang phải cọ sát với thực tế khi người ta thực sự điều
hành một đất nước.
Tổng thống Trump đang dần nhận thấy
rằng, tương tự như người tiền nhiệm Barack Obama, ông không thể đạp đổ tất cả để
làm lại từ đầu. Lớn tiếng với Trung Quốc trên vế kinh tế và thương mại, nhưng rồi,
nếu có tranh chấp, chính quyền Trump sẽ phải giải quyết những bất đồng với Bắc
Kinh trước một vị trọng tài là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Ngay cả việc tố cáo Bắc Kinh thao
túng đồng nhân dân tệ, chính quyền Trump cũng đã phải gài số lùi. Đơn giản là
vì cáo buộc đó không còn tính thời sự. Hơn nữa, tác giả ví von : "Lời cáo
buộc đó không khác gì quyết định phóng 59 tên lửa vào căn cứ quân sự của Syria.
Có nghĩa là làm ầm ĩ để rồi kết quả vẫn chẳng đi đến đâu".
Tàu sân bay Trung Quốc, hố sâu ngăn cách với các nước Đông Nam Á
Nhật báo Le Figaro trở lại với sự
kiện Bắc Kinh vừa hạ thủy tàu sân bay thứ nhì. Thêm một bằng chứng cho thấy
Trung Quốc ồ ạt đầu tư cho quân đội, cho lực lượng hải quân.
Phải đợi đến 2020 tàu sân bay
Trung Quốc mới đi vào hoạt động nhưng trước mắt, về mặt kỹ thuật, "sản phẩm"
mới này vẫn còn nhiều nhược điểm. Tác giả bài báo nêu ra ba yếu tố : đường băng
cho máy bay cất cánh và đáp xuống quá ngắn, tàu Trung Quốc thiếu hệ thống đẩy để
máy bay có thể cất cánh rất nhanh như trên các tàu sân bay của Hoa Kỳ. Sau
cùng, hàng không mẫu hạm Trung Quốc đời mới nhất vẫn chạy bằng dầu diesel trong
lúc các đối thủ Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo một chuyên gia Pháp được Le
Figaro trích dẫn, ngoài khoảng cách về kỹ thuật, Trung Quốc còn đang bị Hoa Kỳ
bỏ rơi ở phía sau về nhiều mặt khác. Mỹ đã có đến 10 chiếc tàu sân bay đang hoạt
động, 600 căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, hiện diện tại 50 quốc gia.
Trung Quốc đến nay mới chỉ có một căn cứ ở hải ngại được đặt tại Djibouti. Chiếc
Liêu Ninh tới nay vẫn quanh quẩn ở Hoàng Hải, Biển Đông và Hoa Đông chứ chưa thể
vượt Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương.
Dù vậy tàu sân bay thứ nhì của
Trung Quốc được hạ thủy vào thời điểm căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo
giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á gia tăng. Trung Quốc không ngừng
mở rộng ảnh hưởng trên biển và khẳng định chủ quyền với gần hết Biển Đông. Lại
cũng Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo, nơi có tranh chấp chủ quyền, mở phi
đạo và đặt cơ sở quân sự. Chuyên gia Sébastien Colin, Trung Tâm Nghiên Cứu về
Trung Quốc Đương Đại CEFC của Pháp kết luận : "Hố sâu giữa Trung Quốc và
các nước trong vùng Đông Nam Á ngày càng lớn".
Chính trị Pháp : "Cuộc chiến mở màn"
Toàn cảnh chính trị Pháp 10 ngày
trước bầu cử tổng thống vòng 2 và 6 tuần lễ trước bầu cử Quốc Hội vẫn là đề tài
lớn của làng báo Paris. Trong phần trang dành cho các bài phân tích và bình luận
trên Le Figaro, tác giả các bài viết nêu lên những ý kiến như là : "Bị loại
khỏi bầu cử tổng thống, cánh hữu bắt buộc phải giành được thắng lợi ở Quốc Hội",
"Cánh hữu cấp tiến phải ủng hộ ứng cử viên Macron", "Bỏ phiếu
cho Marine Le Pen làm tiêu tan tương lai của nước Pháp".
Libération thiên tả đưa tít :
"Emmanuel Macron và Marine Le Pen tuyên chiến với nhau trên trận địa
Amiens". Đây là nơi, cả hai ứng cử viên tổng thống Pháp đều đặt chân đến
ngày hôm qua, trong bối cảnh một nhà máy của hãng sản xuất đồ điện gia dụng
Whirlpool sắp đóng cửa, dời cơ sở sản xuất sang Ba Lan. Hơn 250 công nhân bị mất
việc.
Trong lúc ông Macron đối thoại với
đại diện của công đoàn và ban giám đốc hy vọng tìm ra một ngõ thoát, thì bà Le
Pen chụp ảnh với những người thợ, nước mắt lưng tròng. Một cách gián tiếp, tờ
báo này cho là ứng cử viên Le Pen khai thác nỗi đau khổ của giới thợ thuyền để
kiếm phiếu.
Marine Le Pen chủ trương đóng cửa
biên giới để giữ công ăn việc làm trên đất Pháp cho người Pháp. Một lời hứa
hoàn toàn mang tính mị dân, như ghi nhận của tờ Les Echos, bởi ai cũng biết là không
thể nào thực hiện được.
Ứng viên En Marche! đã can đảm
nhìn nhận là ông "không có phép lạ" để bắt hãng Mỹ Whirlpool ở lại
Pháp, nhưng bù lại, thì ứng cử viên tổng thống Macron cam kết tạo điều kiện để
những người mất việc được đào tào lại, và có cơ hội tìm lại được một việc làm.
Với nhật báo cánh hữu, Le Figaro,
"chiến tranh" không chỉ nổ ra giữa hai ứng cử viên tổng thống Le
Pen-Macron. 6 tuần trước bầu cử Quốc Hội, "Trận đánh giành đa số ở Hạ Viện
đã mở màn", tựa lớn trên trang nhất của tờ báo.
Ở trang trong, Le Figaro đưa ra 5
ẩn số : Emmanuel Macron liệu có được đa số ở Quốc Hội hay không ? Đảng Mặt Trận
Quốc Gia sẽ có bao nhiêu dân biểu ? Đảng Xã Hội tan nát sau bầu cử tổng thống,
liệu có còn trọng lượng ở Hạ Viện ? Ẩn số từ phong trào Nước Pháp Bất Khuất của
Jean-Luc Mélenchon và đa số nào cho cánh hữu ?
Le Monde tiếc là trong lúc đảng cực
hữu với chủ trương bài ngoại, kỳ thị chủng tộc ngấp nghé cánh cửa quyền lực,
nhưng xã hội dân sự, giới công đoàn và cả các đảng phái chính trị truyền thống khác
lại không đoàn kết để cản đường bà Le Pen vào điện Elysée.
Báo công giáo La Croix tìm cách
trả lời câu hỏi : vì sao công luận không còn sửng sốt khi thấy, lần thứ nhì
trong vỏn vẹn 15 năm, một ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia lại có cơ
hội đắc cử tổng thống Pháp ? Năm 2002, khi thân phụ của Marine là ông Jean -
Marie Le Pen sáng lập viên của đảng này bất ngờ đánh bại đảng Xã Hội để lọt vào
vòng 2, đối mặt với Jacques Chirac, thì "toàn dân" đã đứng lên, từ
già trẻ lớn bé đều nói "không" với đảng này. 15 năm sau, mọi người
xem chuyện bà Marine Le Pen đứng trước thềm phủ tổng thống như một điều hiển
nhiên. 2002-2017 : bối cảnh chính trị, xã hội của nước Pháp đã đổi thay. Giới
trí thức ở Pháp cũng không còn nao núng vì những tuyên bố sặc mùi dân túy của
gia đình Le Pen hay của đảng Mặt Trận Quốc Gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét