Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Sám hối tội ác chiến tranh, người cộng sản không làm được?


 

Bức tường khắc tên những chiến binh Mỹ tử trận ở Việt Nam, tại Washington, DC. Ảnh chụp ngày 11/11/2016. AFP photo




Kỷ niệm 42 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, ngày 26 tháng tư tại đảo Jeju, Hàn Quốc, một bức tượng người mẹ ôm con mang tên Lời ru cuối cùng được khánh thành. Theo báo chí Việt Nam thì bức tượng này hình thành trong trào lưu các cựu chiến binh Hàn Quốc nhìn nhận những hành động tội ác mà họ đã gây ra trong cuộc chiến Việt Nam.

Các cựu chiến binh Mỹ cũng có những hành động tương tự bấy lâu nay. Ở phía ngược lại, không có những hành động tương tự từ phía lực lượng của Đảng Cộng sản.


Tại sao?



Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, nhà báo Võ Văn Tạo hiện sống ở Nha Trang nói về chiến tranh:



“Chiến tranh nào cũng tội lỗi hết, chả có cuộc chiến tranh nào tránh được những sai lầm, cũng như chuyện gây ra tội ác, dù mục đích này hay mục đích khác, thì nó cũng đều gây tai nạn cho người dân, thương vong cho người dân. Đó là điều khó tránh trong những cuộc chiến tranh lớn”.



Ông Võ Văn Tạo từng tham gia chiến tranh Việt Nam trong hàng ngũ bộ đội cộng sản, từng tham dự chiến dịch khốc liệt 1972 tại chiến trường Quảng Trị.



Ông Hoàng Ngọc Diêu, hiện sống ở Úc, ra đi từ Việt Nam sau năm 1975, nhận định về hành động sám hối của các cựu chiến binh Hàn Quốc:



“Cúi đầu chấp nhận những việc mình đã làm sai trong quá khứ, là một hành động can đảm. Họ nhận được cái đúng và cái sai, chấp nhận, công khai với mọi người rằng họ đã làm một hành động sai. Theo tôi đó là một hành động rất nhân bản, bởi thật sự trong quá khứ họ đã làm những việc sai. Họ không dùng lý do chiến tranh để biện hộ cho họ”.



Lực lượng Hàn Quốc, hay còn gọi là Nam Hàn, tham gia chiến tranh bên cạnh lực lượng miền Nam Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ, có hai sư đoàn đóng quân dọc theo các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi cho đến Nha Trang. Ông Võ Văn Tạo là người quê ở vùng này nói rằng trong nhiều trận càn quét binh lính Nam Hàn đã giết chết nhiều dân thường.



Những hoạt động tưởng nhớ chiến tranh với cảm giác tội lỗi cũng xảy ra đối với quân đội Hoa Kỳ, khi một số cựu chiến binh trở về làng Sơn Mỹ tưởng nhớ trận thảm sát dân thường ở đây. Hay gần đây nhất người ta nói đến lời thú nhận phạm tội của ông Bob Kerrey, cựu dân biểu Hoa Kỳ đã từng chỉ huy một trận càn ở tỉnh Bến Tre làm chết nhiều dân thường.



Về phía bộ đội cộng sản, người ta hay nói đến biến cố Mậu Thân 1968, khi mà hàng ngàn người dân thường bị bắn chết và vùi chôn tập thể ở thành phố Huế.



Tuy nhiên cho đến nay không có một lời thú nhận nào về hành động đó từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù theo ông Hoàng Ngọc Diêu, ngày càng có nhiều chứng cứ, hình ảnh và tư liệu chứng minh rằng có cuộc thảm sát Mậu Thân Huế 1968.



“Đó là một hành động che đậy thiếu can đảm, thiếu minh bạch của một nhà cầm quyền luôn tự xưng là đúng đắn và chính nghĩa. Có lẽ là với lý do bảo vệ cái họ cho là chính nghĩa nên họ không dám minh bạch những chuyện đó”.



Ông Võ Văn Tạo đưa ra một sự phân tích về thái độ khác nhau đối với quá khứ phạm tội ác chiến tranh như vậy từ hai phía:



“Tôi nghĩ rằng ở những nước có tự do ngôn luận thì lương tâm con người ta được trình bày một cách đầy đủ. Còn ở Việt Nam thì nó khác, những quyền ăn quyền nói, tự do, lương tâm,… đều bị bóp nghẹt hết. Tự do chính trị, tự do tư tưởng cũng thế. Nhà nước cộng sản Việt Nam luôn thực thi chính sách tuyên truyền một chiều, tô hồng tất cả những gì Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện hoặc chủ xướng, và bôi đen cái mà họ không thích. Điều đó dẫn đến chuyện hầu hết bộ đội của Việt Nam, sau cuộc chiến, không bao giờ tự vấn lương tâm rằng mình đã làm gì trong chiến tranh mà gây tội ác”.



Tuy nhiên ông Tạo nói rằng không phải người bộ đội cộng sản nào cũng hoàn toàn không tự vấn lương tâm như vậy. Ông kể lại câu chuyện người bạn của ông là ông Trần Đức Thạch đã nhận nhiệm vụ che giấu cuộc thảm sát dân thường tại chiến trường Xuân Lộc vào năm 1975. Lúc đó, sau khi bị một tổn thất nặng nề bị mất 250 tay súng, cộng với sự tuyên truyền của các chính trị viên rằng vùng Xuân Lộc là nơi sinh sống của những người gốc Bắc di cư, chống cộng quyết liệt, đơn vị của ông Thạch gây ra một cuộc thảm sát dân thường để trả thù. Ông Trần Đức Thạch bị ám ảnh và trở về chiến trường xưa thắp hương hối hận.



Tuy nhiên ông Võ Văn Tạo nói rằng trường hợp như ông Thạch là một trường hợp riêng lẻ rất hiếm hoi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét