Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Mỹ tấn công quân sự Bắc Hàn sẽ đẩy Seoul vào thế nguy hiểm



Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong cuộc thao diễn quân sự chung Mỹ-Hàn (ảnh tư liệu ngày 14/3/2017)



Bắc Triều Tiên sẽ nã hàng ngàn quả đại pháo vào Seoul, hàng trăm tấn chất nổ đánh vào thủ đô có 25 triệu cư dân của Nam Triều Tiên, tên lửa sẽ bắn đến Nhật Bản và tận đảo Guam của Mỹ sẽ là một số những hậu quả mà các nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Mỹ và Nam Triều Tiên phải cân nhắc khi tính đến một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiều lập lại cảnh cáo rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Obama đã chấm dứt, và gợi ý có thể sử dụng đến biện pháp quân sự để ngăn chặn Bắc Hàn phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân (ICMB) có thể bắn tới đại lục Hoa Kỳ.


Thêm vào việc giương oai diễu võ cùng với lời cảnh cáo đó, Mỹ vừa điều một tàu ngầm, loại có thể trang bị 150 tên lửa điều hướng Tomahawk, đến một hải cảng của Nam Triều Tiên hôm thứ Ba 25/4. Hạm đội do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu của Mỹ cũng đang trên đường hướng đến khu vực và sẽ tiến hành các cuộc thao diễn hải quân chung với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ trong tuần này đã đưa các bộ phận của hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đến địa điểm triển khai cách thủ đô Seoul khoảng 250 kilômét về hướng nam.


Sẽ chìm trong khói lửa


Nhưng các nhà phân tích nói rằng một cuộc tấn công quân sự thật sự của Mỹ sẽ có rủi ro rất cao. Một cuộc tấn công chính xác của Mỹ nhắm vào một hay nhiều địa điểm hạt nhân và tên lửa đạn đạo chắc chắn không đủ để phá hủy toàn bộ hoặc phần lớn kho vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Hàn, nước mà các báo cáo nói rằng có vô số địa điểm quân sự kiên cố dưới lòng đất ở khắp nơi.


Nhưng một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ hầu như chắc chắc sẽ khơi mào cho một cuộc trả đũa ngay tức khắc của Bắc Triều Tiên nhắm vào Nam Triều Tiên.Ông John Schilling, chuyên gia về công nghệ hỏa tiễn đang làm việc với trang web tên 38 North chuyên quan sát Bắc Triều Tiên thuộc khoa Nghiên cứu quốc tế cấp cao của Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington, nhận định:


“Bắc Hàn có thể nã đại pháo vào Seoul hoặc những nơi khác dọc theo khu phi quân sự (DMZ.) Có thể có những cuộc hành quân bí mật, nhưng phải có thêm nhiều mức độ leo thang xung đột nữa trước khi Bình Nhưỡng dùng đến vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.”


Bắc Triều Tiên có hơn 21.000 khẩu đại bác, phần lớn được triển khai dọc theo biên giới liên Triều, để có thể luôn sẵn sàng đe dọa tính mạng của 25 triệu cư dân Seoul, thủ đô của Nam Hàn chỉ cách biên giới liên Triều 56 kilômét.


Một bản đánh giá về khả năng quân sự Bắc Triều Tiên do tổ chức phân tích tình báo Strafor ở Texas thực hiện ghi nhận rằng pháo binh Bắc Hàn có các thệ thống phóng nhiều rocket 300 millimet cùng lúc có thể “tưới lửa đạn” lên Seoul và các vùng phụ cận. Bản phân tích của Strafor nói rằng “một đợt phóng rocket” có thể bắn hơn 350 tấn chất nổ bao phủ khắp thủ đô của Nam Hàn, tương đương với khối lượng bom đạn của khoảng 11 máy bay ném bom B-52 cùng lúc thả xuống.


Tên lửa hạt nhân


Bắc Triều Tiên có hơn một ngàn tên lửa đạn đạo có thể bắn đến bất cứ nơi nào ở Nam Hàn, Nhật Bản và có thể bắn đến tận các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam.


Mặc dù Bắc Triều Tiên chưa cho thấy khả năng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa, các giới chức Mỹ và Nam Hàn tin là Bình Nhưỡng có một tên lửa hạt nhân Nodong có thể mang theo đầu đạn nặng một tấn đi xa đến 2 ngàn kilômét, đủ để bắn đến bất cứ nơi nào ở Nam Hàn, một số phần của Nhật Bản, Nga và Trung Quốc.


Ông Joel Wit, đồng sáng lập trang web 38 North và là chuyên gia kỳ cựu của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên của SAIS, nhận định:


“Theo tôi thì đa số mọi người nay tin rằng Bắc Hàn có thể gắn một đầu đạn vào tên lửa bắn đến các mục tiêu ở Đông bắc Á. Nhưng đền khi nào thì Bình Nhưỡng mới có được một phi đạn tầm xa hơn mà họ cần, chẳng hạn như để bắn đến Hoa Kỳ, thì tôi không chắc.”


Ngoài 10 cho đến 20 đầu đạn hạt nhân mà Bắc Triều Tiên được cho là đang có trong tay, các tên lửa của Bình Nhưỡng còn có thể mang vũ khí hóa học bị tình nghi đã đang có sẵn trong kho vũ khí hơi độc của nước này.


Nodong là tên lửa một tầng dùng nhiêu liệu lỏng được sản xuất dựa theo phiên bản tên lửa scud của Liên Xô cũ. Trong một số vụ thử mới đây nhất, Bắc Hàn đã thử nghiệm các tên lửa nhiêu liệu rắn Musudan có tầm bắn tối đa ước tính khoảng 3.000 kilômét, có khả năng bắn đến các mục tiêu ở Nhật Bản và thậm chí đến các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. Các nhà phân tích nói rằng nếu để cho Bắc Hàn tiếp tục phát triển vũ khí mà không có biện pháp nào kiềm chế thì Bình Nhưỡng đang trên đường tiến đến tên lửa đạn đạo liên lục địa trước năm 2020, để có thế bắn đến đại lục Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên cũng đang phát triển tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.


Lực lượng quân sự Mỹ với hơn 28.000 binh sĩ đang trú đóng tại Nhật Bản và 50.00 binh sĩ ở Nam Triều Tiên cũng có thể là những mục tiêu tấn công trả đũa của Bắc Triều Tiên.


Các nhà phân tích nói bất cứ một cuộc tấn công trả đũa nào của Bắc Triều Tiên cũng sẽ dẫn đến một phản ứng tức thời từ Mỹ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản và sẽ dẫn đến tình trạng leo thang xung đột, kéo theo Trung Quốc, và dẫn đến một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét