Dịch từ: Benedict
J. Tria Kerkvliet; Regime Critics: Democratization Advocates in Vietnam, 1990s–2014;
Critical Asian Studies 47:3; 2015.
Đường phố được trang hoàng, chuẩn bị cho Đại hội ĐCS lần thứ
12 (tháng 1/2016). Ảnh: Báo Nhân Dân.
Bài viết dưới đây của học giả Benedict J. Tria Kerkvliet cho
rằng có bốn cách tiếp cận trong việc thúc đẩy dân chủ hóa ở Việt Nam. Cách thứ
nhất nhấn mạnh vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) trong việc chuyển đổi
hệ thống chính trị hiện tại sang hệ thống dân chủ. Cách tiếp cận thứ hai tập
trung vào việc xây dựng các tổ chức để đương đầu và xóa bỏ ĐCS, qua đó nhanh
chóng thiết lập một hệ thống dân chủ…
Cách tiếp cận thứ ba sử dụng việc tham dự vào chính quyền ở
mọi cấp để thúc đẩy tiến bộ kinh tế xã hội, từ đó dẫn đến dân chủ hóa. Và cách
tiếp cận cuối cùng hướng đến việc dân chủ hóa thông qua mở rộng và tăng cường
các tổ chức xã hội dân sự. Một điểm cần nhấn mạnh trong cả bốn cách tiếp cận
này là không cách nào ủng hộ việc thay đổi hệ thống chính trị bằng bạo lực.
Cách tiếp cận “Đảng dẫn dắt”
Một số nhà phê bình cho rằng ĐCS là nguyên nhân chính khiến
cho Việt Nam tụt hậu. Vì vậy, họ kêu gọi ĐCS phải tiến hành dân chủ hóa đất nước,
theo họ thì cách làm này sẽ giúp người Việt không phải phá bỏ tất cả các thiết
chế hiện hành. Họ cho rằng Việt Nam vốn đã sở hữu một vài đặc điểm mang tính
dân chủ. Chẳng hạn, Hiến pháp đã ghi rõ rằng quyền lực thuộc về người dân, và
trong Hiến pháp cũng có các quy định về bầu cử cũng như bảo vệ các quyền cơ bản
của con người. Vấn đề chính ở đây là các yếu tố dân chủ này không hoặc rất hiếm
khi được thực thi trong thực tế. Ấy là do ĐCS nắm quá nhiều quyền lực. Để giải
quyết vấn đề, ĐCS có thể tiến hành dân chủ hóa đất nước và thúc đẩy sự phát triển
kinh tế xã hội.
Trần Độ là nhân vật tiêu biểu ủng hộ cho quan điểm đó. Ông
sinh năm 1924 ở Thái Bình trong một gia đình công chức, trở thành thành viên của
ĐCS vào năm 1940, và sau đó tham gia lực lượng kháng chiến. Ông là sĩ quan
trong trận Điện Biên Phủ, nơi quân đội Việt Nam đã đánh bại quân Pháp vào năm
1954. Trong phần lớn cuộc chiến chống Mỹ, ông chiến đấu trên nhiều chiến trường
ở miền Nam. Sau đó ông trở thành quan chức cao cấp trong chính quyền. Khi nghỉ
hưu vào năm 1991, ông đang là Phó Chủ tịch Quốc hội.
Lý do chính khiến ông quyết định nghỉ hưu là sự vỡ mộng trước
kiểu chính trị của đất nước. Ông cho rằng tham nhũng là hậu quả của một hệ thống
chính trị vốn “không có cơ chế ràng buộc và kiểm soát quyền lực”. Và cái tình
trạng tệ hại này lại bắt nguồn từ sự thống trị của ĐCS. Theo ông, thời chiến,
vai trò lãnh đạo của ĐCS chính là yếu tố quyết định trong việc giành được độc lập
khỏi Pháp năm 1954 và thống nhất đất nước năm 1975. Nhưng kể từ đó trở đi, sự
kiểm soát của ĐCS đối với đất nước đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Theo Trần Độ, nền kinh tế Việt Nam tuy khá nhỏ nhỏ bé so với
nhiều nước ở châu Á, song đã được cải thiện đáng kể từ những năm 1980. Và ông
xem thành tựu này là cơ sở cho lập luận về vai trò của ĐCS trong việc dân chủ
hóa. Trong những năm 1980, ĐCS đã biết lắng nghe người dân, khi dân đang bất
mãn với việc nhà nước kiểm soát sản xuất và phân phối. Bằng cách cho phép nền
kinh tế thị trường, ĐCS đã giải phóng năng lượng và sự sáng tạo đang bị kìm hãm
của người dân. Trần Độ nhấn mạnh rằng các bước tương tự – như ĐCS lắng nghe người
dân, cho phép họ cất tiếng nói và tiến hành đổi mới – cần phải được thực hiện để
Việt Nam phát triển hơn nữa. Nếu không, ĐCS sẽ tự làm suy yếu chính mình. Ông
muốn hàm ý rằng, nếu không tiến hành dân chủ hóa, thì rồi những bất ổn sẽ lớn tới
mức một ngày nào đó chúng sẽ khiến người dân phải xóa bỏ ĐCS.
Trần Ðộ đã thể hiện những quan điểm này trong vô số bài báo
và thư từ, thường được gửi cho các quan chức cao cấp của Đảng (và lưu hành trên
Internet) trong khoảng thời gian từ năm 1995 cho đến khi ông qua đời vào tháng
8/2002. Năm 1998, ông khiến các quan chức cấp cao cảm thấy khó chịu đến mức họ
đã bàn cách để buộc ông phải im miệng. Có lẽ danh tiếng rộng khắp của ông đã
khiến cho chẳng có ai dám bắt bớ ông, dù rằng ông và gia đình vẫn hay bị công
an quấy rối thường xuyên. Vào đầu năm 1999, giới lãnh đạo ĐCS đã khai trừ ông
ra khỏi Đảng.
Khoảng một thập niên sau khi Trần Độ mất, các tác phẩm của
ông hoặc viết về ông đã được các nhà xuất bản chính thống ở Việt Nam in và phát
hành. Ảnh: Hoàng Kim Phượng/Luật Khoa.
Các quan điểm cùng với danh tiếng của Trần Độ đã khiến ông
trở thành một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất ở Việt Nam đương
đại. Cho đến ngày nay, ông vẫn được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không giống
như nhiều nhà phê bình chế độ khác, ông cho rằng con đường hứa hẹn nhất cho dân
chủ hóa là thông qua chính ĐCS.
Quan điểm của ông có ba phần chính. Thứ nhất, Việt Nam đã có
nhiều đặc điểm dân chủ. Nếu những đặc điểm này được tận dụng, chúng sẽ thúc đẩy
tiến trình dân chủ hoá. Do đó, nhiệm vụ trước mắt là thu hẹp khoảng cách giữa
lý thuyết và thực tế trong cách thức hoạt động của hệ thống chính trị.
Thứ hai, ĐCS là tổ chức có vị trí tốt nhất để lãnh đạo quá
trình này. Nó đã tạo ra một hệ thống dân chủ vào năm 1945-1946, tuy nhiên chiến
tranh đã khiến cho hệ thống này không được áp dụng. Nhiều thành viên ĐCS ủng hộ
dân chủ hoá và tin rằng Đảng phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của hệ thống
chính trị. Hơn nữa, ĐCS đã có truyền thống hướng tới thực hiện những điều tốt
nhất cho người dân. Các nhà lãnh đạo cần rút ra từ lịch sử của ĐCS các ý tưởng
và sức mạnh để “tự đổi mới chính mình” và qua đó thay đổi hệ thống chính trị.
Thứ ba, lãnh đạo ĐCS có thể bắt đầu tiến trình dân chủ hóa bằng
cách thực hiện các điều khoản về nhân quyền đã quy định trong Hiến pháp; tổ chức
các cuộc bầu cử với sự tham gia của nhiều đảng chính trị; loại bỏ các quy định
trong Hiến pháp về đặc quyền của ĐCS; tách ĐCS ra khỏi nhà nước; và tiến hành
dân chủ hoá thủ tục nội bộ của chính nó.
Một người có lập trường tương tự là Trần Huỳnh Duy Thức. Ông
ít tuổi hơn Trần Độ rất nhiều, và xuất thân từ một bối cảnh hoàn toàn khác.
Ông sinh năm 1966, mẹ ông là nông dân và cha là giáo viên dạy
tiếng Anh. Ông từng học tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh giữa
những năm 1980. Đầu những năm 1990, ông và cộng sự đã xây dựng thành công các
công ty máy tính và viễn thông. Chính trong quá trình làm việc, ông đã nhận thấy
mức độ tham nhũng nghiêm trọng của chính quyền. Tự hỏi phải làm gì để chống
tham nhũng, ông và một vài người bạn đã đọc rất nhiều tài liệu khoa học xã hội,
chủ yếu bằng tiếng Anh.
Ông đi đến kết luận rằng một hệ thống chính trị đa đảng
không phải là biện pháp khắc phục điều này, và có nhiều quốc gia tuy đa đảng
song vẫn tham nhũng. Ngoài ra, cái gọi là dân chủ ở nhiều quốc gia là “chỉ là
giả tạo”, chúng chỉ phục vụ cho một số ít người.
Vào cuối năm 2008, ông kết luận rằng việc tạo ra một nền dân
chủ thực sự sẽ không bắt đầu bằng việc đa đảng. Thay vào đó, nền dân chủ xuất
hiện theo thời gian thông qua cải thiện điều kiện sống của người dân, khiến họ
ý thức được các quyền của mình, cùng với đó là việc chính quyền “quyết tâm xây
dựng một nền dân chủ thực sự, đảm bảo các điều kiện cho phép người dân làm chủ”.
Từ việc nghiên cứu cũng như từ kinh nghiệm kinh doanh của
mình, ông nói với chính quyền rằng việc giới hạn không gian của doanh nghiệp tư
nhân trong nước và tình trạng phụ thuộc vào nhà nước của các nhà đầu tư nước
ngoài chính là hai thực trạng đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Trên các blog
và trong các kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng trong giai đoạn 2006-2010,
cũng như trong bản tóm lược của một cuốn sách, Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng “nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam sẽ đi đến sụp đổ.
Dẫu nó cho phép mức độ tự do kinh tế cao hơn và nó cũng giúp cải thiện cuộc sống
của người dân, song nền kinh tế này đã chạm tới giới hạn.
Để phát triển hơn nữa, người dân cần có sự tự do chính trị.
Nếu không, ông cảnh báo, Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đến
từ sự bất ổn và các giới hạn của nền kinh tế, từ những kẻ cơ hội sẽ sử dụng quyền
lực chính quyền cho các mục đích tư lợi, và từ cái việc chính quyền lờ đi những
người chỉ trích như ông – những người vốn tìm cách cải thiện hệ thống chính trị
chứ không hề có ý lật đổ nó. Một nguyên nhân khác nữa là do sự khác biệt lớn giữa
cái lý tưởng được ĐCS bảo vệ và hứa hẹn trong Hiến pháp với cái thực tế tham
nhũng tràn lan, bè phái và đàn áp.
Trần Huỳnh Duy Thức vốn là một doanh nhân thành đạt. Ảnh:
Dân Luận.
Để tránh tai hoạ, Trần Huỳnh Duy Thức kêu gọi chính quyền
hãy nắm bắt cơ hội, theo cái cách mà nó đã làm trong những năm 1980 khi đẩy lùi
thảm họa quốc gia bằng cách bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung.
Giờ đây, ông cho rằng lãnh đạo chính quyền nên áp dụng nền
kinh tế thị trường trong đó các doanh nghiệp Việt Nam được phát triển theo hướng
dẫn của nhà nước, dựa trên các lý tưởng dân chủ xã hội và “tiến hành việc chuyển
giao quyền lực chính trị cho người dân”. Có thể chuyển giao quyền lực cho người
dân bằng cách đưa trí thức vào trong chính phủ, những người không phải là thành
viên ĐCS nhưng có thể nâng cao năng lực của ĐCS trong việc đối phó với khủng hoảng.
Chính quyền cũng có thể kích hoạt các đặc điểm dân chủ đã có trong Hiến pháp của
Việt Nam, đặc biệt là các quy định về Quốc hội, bầu cử, các quyền tự do ngôn luận,
tự do hội họp, và tự do báo chí. Những điều này sẽ củng cố niềm tin để người
dân có thể thực hành quyền của họ, mở rộng xã hội dân sự, và thúc đẩy Việt Nam
trở thành một nền dân chủ mang những nét đặc trưng của riêng mình.
Nếu không có những biện pháp này, Trần Huỳnh Duy Thức sợ rằng
cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Lúc đó những kẻ cơ hội trong nước sẽ “hợp tác với
nước ngoài để bòn rút lợi ích quốc gia”. Hoặc người dân sẽ nổi dậy để giành lấy
quyền lực và các quyền vốn thuộc về họ. Ông lo lắng một cuộc nổi dậy như vậy có
thể làm bùng nổ sự thù hận dai dẳng giữa kẻ thắng và người thua trong cuộc nội
chiến đã qua, làm cho hoàn cảnh quốc gia trở nên tồi tệ hơn, và biến nó trở
thành cơ hội cho những kẻ tư lợi. Để tránh những hậu quả tai hại đó, sự tức giận
của người dân phải được chuyển sang nhắm tới các hành động mang tính xây dựng.
Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng các tổ chức đối lập ở Việt Nam hiện nay quá non trẻ
để có thể làm được điều đó. Theo ông, tuy ĐCS bị suy yếu nhưng vẫn giữ được cả
khả năng lẫn trách nhiệm để hành động một cách tích cực, nó vẫn là “lực lượng
duy nhất có thể tập trung sức mạnh của người dân”.
Vào tháng 5/2009, một tháng sau khi ông và Lê Công Định – một
nhà bất đồng chính kiến khác – gặp nhau ở Thái Lan cùng với một người Mỹ gốc Việt
chống đối chính quyền Việt Nam, chính quyền đã bắt giam ông. Tới tháng 6, họ
cũng bắt Lê Công Định cùng với hai người khác. Tháng 1/2010, cả bốn người đều bị
buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Tuy không được phép tự bảo vệ mình trước
tòa án, Trần Huỳnh Duy Thức đã kháng cáo, cố gắng chứng minh sự vô tội của
mình. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án 16 năm tù giam dành cho
ông, lâu hơn bản án dành cho ba người còn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét