Một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt
Nam hôm 27/4 đã ra thông cáo nói họ đề nghị các cơ cấu cấp cao nhất của đảng
xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng do có những sai phạm khi còn đứng đầu một tập
đoàn lớn của nhà nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên
gia am hiểu kinh tế và chính trị Việt Nam, nhận định động thái này đe dọa lớn đến
chức vụ hiện nay của ông Thăng là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Thông cáo trên trang web của Ủy
ban Kiểm tra Trung ương cho hay ủy ban đã họp từ 24 đến 26/4 về các sai phạm ở
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng là bí thư đảng ủy
và chủ tịch hội đồng thành viên từ 2009-2011.
Ủy ban này xác định rằng Ban Thường
vụ Đảng ủy của PVN trong những năm từ 2009-2015 đã có nhiều yếu kém trong lãnh
đạo và quản lý cả về mặt đảng lẫn điều hành doanh nghiệp. Một số sai phạm
nghiêm trọng được nêu ra là lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định
nhiều gói thầu trái pháp luật; nhiều đơn vị thua lỗ trong nhiều năm, để mất vốn
đầu tư gần 900 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank)
mất 800 tỷ đồng; nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mắc vi phạm, khuyết điểm
không bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Riêng về ông Đinh La Thăng, Ủy
ban khẳng định ông có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn
hồi năm 2009 “không phù hợp với quy định pháp luật” để tập đoàn và các đơn vị
thành viên chỉ định nhiều gói thầu “trái pháp luật”; hành động quá quyền hạn
khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank; quyết định đầu tư tràn
lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu
tư thấp; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ủy ban dẫn ra trong số đó có dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và
các dự án nhiên liệu sinh học.
Một số cựu lãnh đạo khác của PVN
cũng là mục tiêu của Ủy ban Kiểm tra. Thông cáo nói các cựu phó bí thư Phùng
Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, cũng như các cựu bí thư Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc
Khánh trong những giai đoạn khác nhau từ 2008 đến 2015 đã có những vi phạm gây
hậu quả nghiêm trọng.
Hai ông Thực và Hậu vi phạm trong
công tác cán bộ khi nhận xét về ông Trịnh Xuân Thanh để ông này chuyển về Bộ
Công thương.
Ông Thanh bị cáo buộc gây ra thua
lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở một công ty thành viên của PVN. Ông đã bị truy tố hồi
năm ngoái khi đang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, song ông đã tuyên bố từ
bỏ đảng và trốn ra nước ngoài. Đến nay ông Thanh vẫn chưa bị bắt.
Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm
tra Trung ương, trong giai đoạn 2010- 2015, cựu bí thư Sơn từng có lúc là người
đại diện vốn của PVN tại Oceanbank. Ông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm
trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện
nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Bộ Công an tạm giam để điều tra.
Cũng trong giai đoạn 2010-2015, cựu
bí thư Khánh bị xác định có dính líu đến những quyết định trái luật về chỉ định
thầu xây lắp một số nhà máy nhiệt điện, cũng như có trách liên quan đến những
vi phạm tại dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Khẳng định rằng những vi phạm,
khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng PVN và các cá nhân nêu trên là “rất nghiêm
trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
đã ra quyết định “cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015” đối
với ông Phùng Đình Thực; “cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ
2010-2015” đối với ông Đỗ Văn Hậu; “khai trừ” đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn;
“cảnh cáo” đối với ồn Nguyễn Quốc Khánh.
Riêng về ông Đinh La Thăng, hiện
cũng là một ủy viên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị và Ban
Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - “xem
xét, thi hành kỷ luật” đối với ông Thăng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người am
hiểu về chính trị và kinh tế Việt Nam, nhận xét với VOA về diễn biến mà ông gọi
là “rất đặc biệt” này:
“Đây là lần đầu tiên trong nhiệm
kỳ đại hội này [của đảng cộng sản], và cũng là lần đầu tiên của nhiều nhiệm kỳ
đại hội, có một đương kim ủy viên Bộ Chính trị bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng
xem xét kỷ luật. Điều này chứng tỏ rằng tình hình kém hiệu quả, sử dụng lãng
phí và các sai phạm khác nữa đã trở nên rất nghiêm trọng cho nên đã có những
hình thức kỷ luật đến cấp cao như vậy. Theo tôi đấy là điều đáng mừng. Và điều
này cần kết hợp với cải cách cả về thể chế”.
Tiến sĩ Doanh, nguyên viện trưởng
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định hội nghị của Ban Chấp hành Trung
ương vào tháng 5 sắp tới, còn gọi là Hội nghị Trung ương 5, sẽ bàn đến hình thức
kỷ luật đối với ông Thăng. Ông Doanh đưa ra tiên liệu chiếc ghế hiện nay của
ông Thăng:
“Theo tôi nghĩ, với những hình thức
kỷ luật ở mức độ nhất định, có lẽ vị trí bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
sẽ không còn thích hợp. Và có lẽ sẽ có những sự sắp xếp về vị trí công tác khác
cho ông Đinh La Thăng. Và chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy
thành phố Hồ Chí Minh”.
Giới quan sát cho rằng những động
thái mới nhất này cho thấy Đảng Cộng sản đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy vào
lúc kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại một phần vì nạn tham nhũng và sự thao
túng của các nhóm lợi ích.
Hồi cuối tháng 2 năm nay, tại một
hội nghị về kiểm tra, giám sát của đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh
“vì sự tiến bộ chung … chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn
người”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét