Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Xu thế chính trị trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay

Lê Anh Hùng



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cụng ly cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết ở Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 19/6/2013. (Reuters)


Thoả hiệp cơ hội của ông Trương Tấn Sang

Trong bài “Phe cấp tiến trong Đảng CSVN từng trỗi dậy ngoạn mục như thế nào?”, tôi đã trình bày về việc phe cấp tiến trong đảng từng hai lần trỗi dậy rất mạnh mẽ, thậm chí lấn át phe bảo thủ. Lần thứ nhất là từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009, và lần thứ hai là từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2013.

Tình hình bắt đầu thay đổi ngay trước chuyến thăm Trung Quốc đột ngột của Chủ tịch Việt Nam từ ngày 19 đến 21/6/2013. Ngày 13/6/2013, blogger/nhà văn Phạm Viết Đào, một tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ ở quốc nội, bị bắt khẩn cấp. Vụ bắt bớ này diễn ra hợp logic với tư thế của ông Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cũng như những nội dung tai hại trong bản Tuyên bố chung Việt - Trung ngày 21/6/2013: Trương Tấn Sang đã quy phục Trung Quốc, ông ta đã lộ rõ là một nhân vật cơ hội, hầu mong được Bắc Kinh “chuẩn thuận” cho tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội XII.
Công văn phi pháp của Bộ Công an trả lời Quốc hội về vụ tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh - Nguyễn Phú Trọng cho thấy liên minh này đã thoả hiệp với đối thủ Trương Tấn Sang.

Công văn phi pháp của Bộ Công an trả lời Quốc hội về vụ tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh - Nguyễn Phú Trọng cho thấy liên minh này đã thoả hiệp với đối thủ Trương Tấn Sang.

Sau khi ông Trương Tấn Sang thoả hiệp với phe bảo thủ, phong trào đấu tranh, kể cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bắt đầu bị trấn áp khốc liệt. Những nhân vật nổi trội như nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, blogger Anh Ba Sàm… lần lượt bị bắt giam và kết án tù, với những cáo buộc mơ hồ, lố bịch.


Bối cảnh phức tạp sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang

Việc ông Trương Tấn Sang quy thuận Trung Quốc, trở thành ứng cử viên số 1 để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII, đồng nghĩa với việc một ứng cử viên hàng đầu khác là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bị gạt ra ngoài. Thông qua bộ máy an ninh dưới quyền, ông Trần Đại Quang nắm được bằng chứng phạm tội (phản quốc) của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang để kiểm soát họ, nhưng ông ta lại không thể làm điều tương tự với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà sau khi ông Trương Tấn Sang “sập bẫy” và bị “lật kèo”, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh, dần dần trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị Tổng Bí thư. Trước tình thế đó, tôi (cùng vợ là Lê Thị Phương Anh) tiếp tục tố cáo tội ác của liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh và cả hai thế lực che chắn cho họ là Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang. Vụ tố cáo ấy là vũ khí duy nhất để ông Trần Đại Quang ngăn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng cạnh tranh với mình vào chiếc ghế Tổng Bí thư. (Tôi đã gửi đơn thư tố cáo mới cho ĐBQH Dương Trung Quốc từ ngày 16/9/2013.)

Khi bị Công an Đồng Nai bắt giữ trái phép ngày 15/5/2014, cô Lê Thị Phương Anh, nhân chứng sống của vụ tố cáo, người từng nằm trong đường dây ma túy của ông Hoàng Trung Hải, đã khai ra vai trò của ông Trần Đại Quang rồi bị ép buộc phủ nhận vụ tố cáo. Dù vậy, đến nay ĐBQH Dương Trung Quốc vẫn chưa hồi âm cho tôi về đơn thư ngày 16/9/2013, bởi nhà chức trách vẫn chưa trả lời ông. (Tất cả những lời khai của cô Lê Thị Phương Anh liên quan đến tôi, dưới sự đe dọa của công an, đều mới chỉ là lời khai một chiều, điều mà ngay sau khi ra tù cô đã công khai lên tiếng trên truyền thông quốc tế.) Nhờ vụ tố cáo đó cùng loạt bài vạch trần cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng của tôi trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Bauxite Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã thuyết phục được phần lớn các vị ủy viên Bộ Chính trị ngăn chặn thành công hiểm họa bắc thuộc mang tên Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, do chưa đủ uy tín trong khi vẫn còn khoác trên người bộ sắc phục công an nên ông Trần Đại Quang buộc phải chấp nhận “giải pháp quá độ” Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ngăn chặn được hiểm họa Nguyễn Tấn Dũng nhưng ông Trần Đại Quang vẫn phải thoả hiệp với PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải, người nắm trong tay bằng chứng phạm tội của một loạt lãnh đạo chóp bu (những quả bom đủ mạnh khiến chế độ sụp đổ): cựu TBT Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (như tôi đã tố cáo từ ngày 21/4/2008) cùng TBT Nguyễn Phú Trọng và cựu CTN Trương Tấn Sang (như tôi đã công bố trong “Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước” ngày 1/7/2015). Trước thềm Đại hội XII, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã nhiều lần “công cán” cùng Hoàng Trung Hải trong bối cảnh vụ tố cáo nhằm vào ông ta vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật. Điều này đã góp phần quan trọng để Hoàng Trung Hải đường hoàng vào Bộ Chính trị tại Đại hội XII.

Do ông Trần Đại Quang thỏa hiệp với Hoàng Trung Hải nên thứ “bảo bối” mà trước kia ông từng dùng để kiềm tỏa ông Nguyễn Phú Trọng (dẫn đến chuyến công du Mỹ lần đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng CSVN) không còn “công hiệu” như thời ông còn là Bộ trưởng Công an, nhất là khi ông đã an tọa trên chiếc ghế “dưới một người trên muôn người”. Điều này giải thích tại sao ngày 17/8/2016, Ban Bí thư mới ra thông báo về việc không xem xét điều chỉnh tuổi đảng viên mà chỉ căn cứ hồ sơ gốc, thay vì thời điểm trước Đại hội XII. Đây được cho là “đòn hiểm” nhằm vào ông Trần Đại Quang. Cơ hội thay thế ông Nguyễn Phú Trọng của ông Trần Đại Quang, vốn hết sức sáng sủa ngay sau Đại hội XII, thực sự bị đặt dấu hỏi.


Lập trường chính trị của các lãnh đạo chóp bu hiện nay

Bây giờ chúng ta sẽ đánh giá lập trường chính trị của những nhà lãnh đạo đang đặt dấu ấn lớn nhất lên tiến trình đất nước.

1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Ngoài “điểm sáng” duy nhất là bài phát biểu ngày 19/10/2011 (dưới sự thúc bách của phe nhóm Trương Tấn Sang), ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật luôn nhất quán với lập trường bảo thủ, thân Tàu, đồng thời là vật cản lớn nhất cho khát vọng “thoát Trung” và cải cách thể chế của đất nước. Qua chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 12 - 15/1/2017, quyết tâm biến Việt Nam thành “một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc” của ông ta xem ra lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, sau chuyến công du này, trong dư luận còn có tin là Bắc Kinh đã chỉ đạo ông Nguyễn Phú Trọng đưa Hoàng Trung Hải lên ngôi vị Tổng Bí thư.

2) Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Bắt đầu từ cuối năm 2014, sân khấu chính trị Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện nổi bật của một nhân vật đặc biệt – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Điều này càng thể hiện rõ sau chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 3/2015, mà dư luận coi là chuyến đi khai thông cho chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Sau chuyến công du dài ngày và tiếp xúc với nhiều giới chức Mỹ, ông Trần Đại Quang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng Bí thư khoá XII. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục tại vị, nhưng với “hành trang” kể trên, không ít người vẫn kỳ vọng ông Trần Đại Quang sẽ là thủ lĩnh của phe cấp tiến, thân Mỹ trong bộ máy, thúc đẩy công cuộc “thoát Trung” và cải cách, như những gì mà hai vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã từng làm. Song đáng tiếc là ông vẫn chưa thể hiện được gì nhiều. Và càng đặt hy vọng vào ông sau chuyến thăm Mỹ bao nhiêu thì người ta lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chứng kiến Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải (một người Hán trá hình chui sâu leo cao trong bộ máy và gây ra không biết bao nhiêu thảm hoạ cho đất nước, mà Formosa Hà Tĩnh mới chỉ là phần nổi của tảng băng) đi cùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm Cuba rồi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC từ ngày 15 - 20/11/2016. Ngoài ra, với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành công an, người ta có lý do để nghi ngờ khả năng của ông khi dẫn dắt cuộc chơi “hai trong một” mang tên “thoát Trung” và “cải cách thể chế”. Dù vậy, việc sắm vai một “Thein Sein Việt Nam” khi đất nước chuyển tiếp sang chính thể dân chủ xem ra không vượt quá khả năng của ông. Quan trọng hơn, đây là điều mà dường như không ai khác làm được trong giai đoạn quyết định hiện nay.

3) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng là đối tượng đả kích số 1 của Chân Dung Quyền Lực, một blog được cho là do ông Nguyễn Tấn Dũng lập ra để đánh bóng bản thân và tấn công đối thủ. Vì thế, có thể khẳng định ông chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng như người tiền nhiệm. Điều này phần nào thể hiện qua kết quả 9 tháng điều hành nền kinh tế của tân Thủ tướng, trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của ông từ ngày 10 - 15/9/2016 vẫn gây nhiều quan ngại, cũng như hình ảnh ông lọ mọ đến Quảng Ninh để tiếp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây sang “giao lưu” với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam ngày 10/2 vừa qua.

Mặc dù là người đang kêu gọi tiến hành cải cách khá mạnh mẽ, nhưng với một nhân vật từng chỉ đạo xử lý blogger Nguyễn Xuân Diện hồi năm 2012, người ta có lý do chính đáng để hoài nghi mức độ triệt để của những cải cách đó, và càng khó có thể coi ông là thủ lĩnh mới của phe cấp tiến, trừ phi ông đủ bản lĩnh và thực sự có tâm với đất nước.

4) Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Trong số 4 vị “tứ trụ triều đình” thì bà Chủ tịch Quốc hội là người để lại ít ấn tượng nhất. Người ta bàn tán nhiều nhất về bà là hình ảnh bà hướng dẫn Tổng thống Mỹ Obama đến thăm “Ao cá Bác Hồ” và câu phát ngôn “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng họ đã làm gì cho đất nước?”. Chiếc áo Chủ tịch Quốc hội xem ra đã quá rộng đối với bà thì dĩ nhiên bà sẽ tìm mọi cách để duy trì cái hệ thống đã đưa bà lên địa vị hiện tại.

5) Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh

Dường như tất cả những “phẩm chất” bảo thủ, giáo điều và thân Tàu của TBT Nguyễn Phú Trọng đều chảy trong huyết quản của cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, người từng lạnh lùng tuyên bố “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” ngay trước thềm Đại hội XI. Ông Nguyễn Phú Trọng vì vậy đang tìm cách để đưa ông ta vào vị trí lèo lái con thuyền đất nước hòng kế tục “sự nghiệp Hán hóa Việt Nam” của mình.

Tóm lại, sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang tháng 6/2013, chính trường Việt Nam gần như không còn tồn tại phe cấp tiến, lực lượng thúc đẩy tiến trình “thoát Trung” và cải cách thể chế. Tuy vẫn tồn tại những nhân vật có xu hướng cải cách song họ lại thiếu một thủ lĩnh xứng tầm, để được coi là một phe nhóm đối trọng với phe bảo thủ, thân Tàu trong hệ thống, thúc đẩy công cuộc dân chủ hoá xã hội và hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ.

Ngoài ra, cần lưu ý là cả ông Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang đều chủ trương “thoát Trung” và thúc đẩy cải cách khi họ là Chủ tịch nước, vị trí ít quyền hành thực tế nhất trong “tứ trụ”. Để đạt được vị thế quyền lực lớn hơn, họ sẵn sàng thoả hiệp với phe bảo thủ, thậm chí với Trung Quốc, hầu kéo dài sự tồn tại của chế độ buôn dân bán nước trên dải đất hình chữ S. Thời gian sẽ trả lời là liệu kịch bản này có lặp lại với vị Chủ tịch nước đương nhiệm hay không. Đặc biệt, việc ông Trần Đại Quang thoả hiệp với Hoàng Trung Hải cho thấy “con ngựa thành Troy” này vẫn tiếp tục chi phối hậu trường chính trị Việt Nam.

Để đưa nước nhà thoát khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất suốt 30 năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền, thách thức ngôi vị bá chủ của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, cải tổ hệ thống là đòi hỏi tất yếu và vô cùng cấp thiết. Những gì trên đây, do vậy, đang thực sự phủ bóng đen lên tương lai đất nước.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét