Nguồn: Kent Harrington, “Donald
Trump’s North Korean Family Values,” Project Syndicate, 05/01/2017.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên
tập: Nguyễn Huy Hoàng
Mỗi tân tổng thống Hoa Kỳ đến
Washington, DC, đều dẫn theo một số nhân viên tư vấn và trợ lý có mối quan hệ
cá nhân được xây dựng qua nhiều năm và được tôi luyện trong chiến dịch tranh cử,
điều mang lại cho họ niềm tự hào của một vị trí trong chính quyền. Từ “tình anh
em Ireland” đưa John F. Kennedy đến Nhà Trắng tới “Bức tường Berlin” canh cửa
cho Richard Nixon, các chiến hữu và bạn bè thân tín thường lấn át những tên tuổi
lớn nhất của chính quyền. Nhưng chưa tổng thống Mỹ nào từng đưa vào Nhà Trắng một
nhóm thân cận do gia đình chi phối như Donald Trump.
Nếu nhìn vào lịch sử kinh doanh
và chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump – với đặc điểm nổi bật là có rất
ít tri kỷ bên ngoài gia đình – thì có thể thấy những người con đã trưởng thành
của ông sẽ có ảnh hưởng lớn trong các quyết sách của chính quyền, mặc dù họ thiếu
kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế và trong nước. Sau các vụ tuyển dụng và sa thải
nhân viên và định hình chiến lược trong suốt chiến dịch tranh cử, các con của
Trump vẫn ở vị trí tuyến đầu và trung tâm trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của
ông. Con gái ông, Ivanka, tham gia cuộc gặp thân mật giữa Tổng thống đắc cử với
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Con trai ông, Donald, Jr., đã đóng một vai trò
trong việc lựa chọn Hạ nghị sĩ Ryan Zinke làm Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền
mới.
Giờ đây, Trump đang đưa triều đại
của mình vào Nhà Trắng. Ivanka được bố trí tiếp quản văn phòng Đệ nhất Phu
nhân. Chồng cô, nhà đầu tư bất động sản Jared Kushner, theo quan điểm của bố vợ
anh, có thể phù hợp với vị trí đặc phái viên đàm phán hòa bình ở Trung Đông.
Donald, Jr. và em trai, Eric, sẽ ở lại New York để điều hành Trump
Organization, giám sát các doanh nghiệp đa dạng của người cha; nhưng khẳng định
của Trump rằng các con trai ông sẽ đứng tách biệt với ông thật khó tin.
Tất cả điều này đã làm dấy lên những
câu hỏi về khả năng những người con của Trump tận dụng nhiệm kỳ tổng thống của
cha mình để làm lợi cho việc kinh doanh của gia đình, với việc nhiều người chỉ
trích Trump đang vi phạm các nguyên tắc xung đột lợi ích hoặc chống gia đình trị.
Nhưng Trump xem những câu hỏi này là những vấn đề về cơ bản còn cần tranh luận.
Điều đó không đáng ngạc nhiên. Mô
hình quản lý của Trump từ lâu đã được củng cố bằng một vòng tròn thân tín theo
kiểu cha truyền con nối. Những người con đã trưởng thành của ông được chuẩn bị
chu đáo và đưa lên các vị trí cao hơn, và đã hoạt động ở đỉnh cao nhất của
Trump Organization trong nhiều năm. Họ đang chiếm ba ghế trong Hội đồng Quản trị
của công ty, và Trump chiếm ghế thứ tư. Với vị thế của họ trong công ty, cùng mối
quan hệ của họ với cha mình, ảnh hưởng của họ trong chính quyền Trump là không
thể nghi ngờ.
Các vị trí cấp cao nhất còn lại
được lấp đầy bởi những người thân cận lâu năm của gia đình, trung bình có 17
năm công tác. Một số đã trải qua ba thập niên sát cánh cùng Trump. So với các
công ty đại chúng có quy mô tương đương, triều đại nhóm quản lý của Trump
Organization và thâm niên cố vấn của nó thật nổi bật. Bài học cho bất kỳ ai được
bổ nhiệm vào chính quyền là rất rõ: chỉ có lòng trung thành gần với kiểu cha
truyền con nối mới có thể giúp họ giành được và giữ vai trò điều hành.
Hồ sơ các tổng thống hiện đại của
Mỹ không cho chúng ta biết nhiều về việc liệu phong cách lãnh đạo mang khuynh
hướng gia đình của Trump có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, Trump dường như
không bận tâm đến những ưu và nhược điểm của việc đưa các thành viên gia đình
vào vòng tròn thân tín, nhất là vì kinh nghiệm của riêng ông: kể từ khi cha của
Trump giao lại việc kinh doanh của gia đình cho ông, ông chưa bao giờ làm việc ở
bất cứ nơi nào khác.
Hơn nữa, Trump không phải là ông
chủ tập đoàn duy nhất thích giữ lối lãnh đạo “tất cả trong gia đình.” Một
nghiên cứu năm 2016 của Tập đoàn Tư vấn Boston cho thấy một phần ba các công ty
Mỹ có doanh thu hàng năm 1 tỷ USD trở lên thuộc sở hữu gia đình. Trong số đó,
40% là do gia đình điều hành.
Ngoài ra còn có nhiều tiền lệ cho
phong cách lãnh đạo dựa trên nền tảng gia đình trong chính phủ, mặc dù không phải
là ở các nền dân chủ phát triển. Từ Kazakhstan đến Congo, các mối quan hệ huyết
thống giúp gắn bó giới chóp bu cầm quyền lại với nhau, những người có chung quyền
lợi, chống lại những kẻ tiếm quyền, và đảm bảo con cái của họ sẽ tiếp quản quyền
lực.
Dù so sánh gia đình Trump với nhà
họ Kim của Bắc Triều Tiên – chế độ độc tài gia đình trị lâu năm nhất trên thế
giới – có vẻ hơi khập khiễng, nhưng nhiều điểm tương đồng rất có thể sẽ xuất hiện.
Và thực tế, một số đã xuất hiện.
Nguyên tắc đầu tiên của chế độ độc
tài gia đình trị là lòng trung thành quan trọng hơn tất cả. Giống như các cam kết
ủng hộ kiểu diễn kịch mà các chính ủy và tướng lĩnh Bắc Triều Tiên được yêu cầu
đưa ra đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của họ, Nhà Trắng của ông Trump rất có
thể sẽ đòi hỏi lòng trung thành không lay chuyển đối với gia tộc Trump.
Thông điệp đó đã được Chánh Văn
phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Chiến lược gia trưởng Steve Bannon sắp tới của
Nhà Trắng tiếp nhận một cách hết sức rõ ràng. Cả hai đã nhiều lần khẳng định sự
ngưỡng mộ của họ đối với Kushner và hứa hẹn rằng anh ta sẽ được tham gia sâu
vào các quyết định, bất chấp việc anh ta hoàn toàn thiếu kinh nghiệm.
Thứ hai, nhiệm vụ đánh bại chức
danh. Giống như Kim, người bỏ qua trật tự thứ bậc của Đảng Lao động Triều Tiên
cầm quyền để bổ nhiệm em gái và anh trai mình vào các vị trí cao cấp, Trump có
thể sẽ giao nhiệm vụ chủ chốt cho các con mình. Dù luật pháp về gia đình trị có
thể sẽ bác bỏ các cuộc bổ nhiệm chính thức của tổng thống cho các con của Trump
và vợ chồng họ, nhưng điều đó sẽ không quan trọng trong thực tiễn; ảnh hưởng trên
thực tế của họ, cũng như những ưu tiên của chính ông Trump, sẽ nhanh chóng trở
nên rõ ràng. Quả thật, ảnh hưởng của họ trong việc thúc đẩy các mục tiêu lớn của
Trump có thể dễ dàng áp đảo ảnh hưởng của những người được bổ nhiệm vào nội
các, những người sẽ khôn ngoan nếu biết chiều theo các ảnh hưởng của con cái
Trump.
Thứ ba, sẽ có những vụ thăng chức
bất ngờ và thanh trừng đột ngột. Ở Triều Tiên, điều này đều do người đứng đầu
ra lệnh. Trong tính cách kiểu truyền hình thực tế của Trump, các vụ sa thải nhiệt
tình và thỉnh thoảng thăng chức kiểu Cô bé Lọ Lem cho các nhân viên cấp thấp
cho thấy sự tương đồng rõ ràng. Dưới thời Trump, cũng như dưới thời Kim, các
chính sách lúng túng hay thất bại rất có thể sẽ kéo theo những hệ quả (thay đổi)
về mặt nhân sự, mặc dù sẽ chỉ có những người bên ngoài gia đình phải đối mặt với
chúng.
Hai tuần trước cuộc bầu cử, một
trong những nhân viên cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Trump, Brad
Parscale, đã đề xuất cách thức Nhà Trắng của Trump hoạt động. “Lòng trung thành
của tôi là dành cho gia đình [Trump],” Parscale nói. Không ai trong nhà họ Kim
có thể nói súc tích hơn như vậy.
Kent Harrington, cựu chuyên gia
phân tích cao cấp của CIA, cựu Sĩ quan Tình báo Quốc gia khu vực Đông Á và Trạm
trưởng khu vực châu Á, nguyên là Giám đốc Quan hệ Công chúng của CIA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét