Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
(Hình: RFA)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều
chuyên gia phản đối kịch liệt dự tính cho đổ 1.5 triệu khối chất thải xuống
vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bởi vì nó sẽ hủy diệt vùng biển này.
Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt
Nam vừa tổ chức một cuộc tọa đàm, thu thập ý kiến của các nhà khoa học về đề
nghị của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1: Cho phép đổ 1.5 triệu khối chất thải mà
nhà máy này đã nạo vét xuống biển.
Theo các chuyên gia, nếu gật đầu
với đề nghị vừa kể, 30 héc ta đáy biển ở vùng biển Tuy Phong sẽ bị phủ một lớp
chất thải dày tới 3 mét.
Tuy nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1
có khảo sát, đánh giá tác động của việc đổ chất thải xuống biển, các chuyên gia
Việt Nam chỉ ra hàng loạt điểm bất ổn trong kết quả khảo sát, đánh giá, mà nhà
máy thực hiện, ví dụ, việc khảo sát, đánh giá dựa trên tài liệu quan trắc thủy
triều do một công ty tư vấn của Trung Quốc phát hành.
Các tài liệu nghiên cứu của Viện
Hải Dương Học Việt Nam và những tài liệu về vùng nước trồi (cách gọi một hiện
tượng hải dương, chỉ dòng nước lạnh đặc quánh di chuyển thường xuyên từ phía dưới
đáy biển lên tầng cao hơn, thế chỗ cho dòng nước ấm hơn) ở khu vực Tuy Phong bị
loại bỏ.
Khi mô phỏng quá trình lan truyền
sau hoạt động đổ chất thải công ty tư vấn của Trung Quốc cũng chỉ tính yếu tố
gió mà bỏ qua sự lan tỏa của chất thải do tác động của các dòng hải lưu trong
khu vực nên không đánh giá và hình dung hết tác hại. Chưa kể là công ty tư vấn
của Trung Quốc chỉ đánh giá tác động trong phạm vi xã Vĩnh Tân, huyện Tuy
Phong, mà không tính đến tác động trong cả khu vực.
Ông Nguyễn Tác An, cựu viện trưởng
Viện Hải Dương Học, lưu ý, cộng đồng quốc tế có qui định rất rõ về việc chôn chất
thải ở biển thành ra phải xem xét việc cho đổ 1.5 triệu khối chất thải có phù hợp
với luật pháp quốc tế hay không.
Ông An nói thêm, tác động của việc
đổ xuống biển một lượng chất thải lớn như vậy sẽ phá vỡ toàn bộ chu trình sinh
lý hóa của cả một vùng biển.
Do Bình Thuận là vùng nước trồi rất
lớn nên ảnh hưởng của việc đổ chất thải sẽ rộng.
Khi nước biển bị đục thì ánh sáng
bị cản trở, ngăn chặn quá trình quang hợp, lưu thông khí, biến môi trường sống
thành môi trường chết, phải mất hàng trăm năm mới có thể hồi phục.
Thành ra, phải tổ chức nghiên cứu
nghiêm túc, hệ thống công quyền phải thẳng thắn, khách quan, không thể áp đặt.
Đại diện Bộ Nông Nghiệp – Phát
Triển Nông Thôn Việt Nam bảo rằng, nếu cho phép xả 1.5 triệu khối chất thải xuống
vùng biển Tuy Phong, họ sẽ thay đổi qui hoạch, không chọn Bình Thuận làm một
trong những nơi cung cấp tôm giống để thực hiện chiến lược nâng kim ngạch xuất
cảng tôm lên $10 tỷ nữa. Thậm chí, có thể họ sẽ phải tính lại cả việc thực hiện
các dự án quốc tế để bảo tồn nguồn giống các loại cá di cư theo vùng nước trồi ở
Tuy Phong.
Vào lúc này, Tuy Phong chỉ mới có
nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhưng trong tương lai ở đó sẽ có đến bốn nhà máy
phát điện bằng than như vậy.
Tại một hội nghị về môi trường
vào Tháng Tám, 2016, đại diện Bộ Xây Dựng Việt Nam loan báo, áp lực về xử lý
tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy phát điện bằng than và các nhà máy hóa chất
đang càng ngày càng lớn. Mỗi năm, nhóm nhà máy này, đặc biệt là các nhà máy
phát điện bằng than, thải ra khoảng 10 triệu tấn tro xỉ, thạch cao, nhưng khả
năng xử lý chất thải của Việt Nam hiện chỉ chừng 30%. Cũng vì vậy, lượng tro xỉ,
thạch cao chưa xử lý, đang tồn đọng hiện là 15 triệu tấn. Lượng tro xỉ, thạch
cao sẽ tăng rất nhanh với khối lượng lớn.
Trong 10 năm gần đây, giới chuyên
gia về kinh tế, môi trường ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam liên tục khuyến cáo
chính quyền nên gạt bỏ các dự án xây dựng nhà máy phát điện bằng than, vì chúng
sẽ hủy diệt môi trường. Những nhà máy đốt than để phát điện sẽ thải vào không
khí, nước, đất vô số chất độc nguy hại cho môi trường sống như tro, bụi, chì,
thạch tín, thủy ngân, cadmium, selenium,& khiến các loại bệnh về đường hô hấp,
ung thư gia tăng, tạo ra mưa acid, hủy diệt nông nghiệp, ngư nghiệp, thúc đẩy
khí hậu biến đổi nhanh hơn theo chiều hướng tệ hại hơn. Nhiều tổ chức bảo vệ
môi trường quốc tế ước tính rằng mỗi kWh được phát từ các nhà máy nhiệt điện
dùng than sẽ làm chi phí y tế tăng thêm $.17. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam
không thèm đếm xỉa đến những khuyến cáo này.
Việt Nam hiện có 20 nhà máy phát
điện bằng than và chính quyền cương quyết nâng con số này lên 32 vào năm 2020 rồi
lên 51 vào năm 2030. Ba năm nữa, mỗi năm Việt Nam sẽ đốt 63 triệu tấn than/năm.
Đến 2030, khối lượng than được đốt sẽ là 129 triệu tấn/năm.
Vì các nhà máy phát điện bằng
than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát, chưa kể việc đặt sát biển
sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển than nhập cảng, nên đa số nhà máy phát điện bằng
than đều được đặt sát biển, thậm chí nằm sát các khu bảo tồn biển (khu vực cấm
tất cả các hình thức tác động để duy trì sự đa dạng sinh học, bào tồn các nguồn
lợi từ biển). (G.Đ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét