Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Cái luật và cái lệ

FB Lê Nguyễn Duy Hậu


Khi những hành động Lương Sơn Bạc của ông phó chủ tịch Quận tại TPHCM được tung hô và học hỏi thì đồng nghĩa với việc sự vô nguyên tắc, tùy tiện và độc đoán đang được tung hô. Ông Hải là một người kiên quyết, đúng. Ông đang có tâm rất tốt với chiến dịch của mình, không sai. Nhưng cách làm của ông thì thật sự không văn minh. Nó không văn minh vì nó sử dụng biện pháp thời chiến để áp dụng cho thời bình. Ông Hải từ chối mọi đối thoại, sẵn sàng dùng công an trấn áp những người phản đối ông, bất chấp lý lẽ họ là gì. Và miệng ông thì luôn nhắc đến Singapore, Singapore như một cái viễn cảnh đẹp để thu phục lòng người dân, mặc dù không ai biết cái Singapore của ông nó sẽ trông như thế nào.

Mình thắc mắc rằng những người đang tung hô ông Hải là vì lý do gì? Vì họ tin những gì ông làm là đúng hay đơn giản vì họ thích thú khi thấy ông bật lại cả với các cơ quan Nhà nước, những thiết chế quyền lực họ không thể với tay đến? Có ai để ý rằng chiến dịch của ông Hải không cho người dân một cơ hội sửa sai nào nhưng lại là dịp để những kẻ đã dung túng cho cái sai bấy lâu nay “đoái công chuộc tội” bằng cách quyết liệt làm theo mệnh lệnh của ông?

Có một điều ông Hải làm đúng đó là khi một chủ nhà hàng ở Quận 1 nói với ông rằng không ai cho phép họ cả, ông đã không tin. Ông không tin cũng phải vì người dân Sài Gòn không đủ sự tự trị để làm những gì họ muốn. Vậy tại sao những người dân họ biết sai mà vẫn làm? Thiết nghĩ phải đặt câu hỏi đó là họ sai với cái gì? Họ sai với luật ư? Có thể, cái này còn phải bàn sau vì chưa chắc lề đường là phải dành riêng cho người đi bộ. Nhưng cái họ không sai đó là cái lệ. Họ hành xử theo lệ và cái lệ đó được dung túng một bởi một bộ máy mà ông Hải là một phần của nó. Cái lệ đó nói rằng anh có thể lấn chiếm lòng đường và chúng tôi sẽ báo cho anh mỗi khi có chiến dịch, đổi lại là gì thì hai bên tự hiểu. Cái lệ đó cũng nói rằng cái luật của quốc gia nó chỉ có tính tương đối thôi và chính chúng tôi, những người quản lý địa phương mới quyết định đâu là đúng đâu là sai. Sống cả mấy chục năm trong cái lệ đó khiến họ tin rằng đó mới là cái luật họ phải tuân khi. Và khi một ông Hải nào đó xuống làm khác cái lệ, họ bất ngờ, họ phẫn nộ, và họ phản kháng. Âu đó cũng là tự nhiên khi một ai đó quyết định phá bỏ luật chơi.

Vậy thì, cuộc cách mạng của ông Hải muốn triệt để thì không thể chỉ nhắm vào những người dân được. Nó phải nhắm vào những kẻ đã dung túng và tạo ra cái lệ kia. Và nó cũng phải nhắm vào sự vô nguyên tắc, tùy tiện, độc đoán của cán bộ mà tiếc thay đó cũng chính là điều mà ông Hải đang thực hành. Bứng đi cái chốt bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước vào ban ngày xong rồi đến đêm lại lặng lẽ gắn lại chốt với tinh thần “tôi du di cho anh vì là trường hợp đặc biệt” thế khác gì chính ông coi bản thân là người quyết định đâu là đúng, đâu là sai? Cuộc cách mạng của ông Hải mà do những người như ông lãnh đạo e nó rất nửa vời và hình thức, dù không ai phủ nhận ông có tâm thật. Nó một lần nữa khiến mình phải nói rằng, Singapore giàu và mạnh đâu phải chỉ nhờ một lãnh đạo hét ra lửa và “kiên quyết” mà còn nhờ một bộ máy Nhà nước hành xử có nguyên tắc và sẵn sàng tự trừng trị bản thân trước trước khi chĩa mũi dùi vào người dân.

P/S: những quận khác cũng đang ra quân nhưng cách làm của họ văn minh hơn. Họ cho người dân cơ hội để tự sửa sai trước khi họ hành động. Thông điệp của họ vẫn đủ kiên quyết nhưng hành động thì mềm mỏng và lịch sự hơn. Đáng tiếc thay, chính sự lịch sự đó đang bị chỉ trích vì không “máu lửa” như quận 1.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét