Ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim
Jong-un của Bắc Hàn. (Hình: AP Photo/Shizuo Kambayashi, File)
Mặc dầu trước khi nêu lên thắc mắc ấy, một câu hỏi thiết yếu
khác (Ai giết Kim Jong-nam?) chưa có lời giải đáp. Nhưng với tất cả mọi dữ kiện,
thông tin, và tranh cãi về vụ ám sát như mọi người đã biết cho đến nay, thì khó
có thể tìm thấy kết luận nào khác hơn là “Bắc Hàn chủ mưu.”
Kết luận đơn phương chủ quan như thế là vì (1) Ðây là hành động
quen thuộc xưa nay của Bắc Hàn, một chế độ bí ẩn với những chuyện lạ lùng không
thể nào giải thích theo lý luận bình thường. (2) Trong tình trạng ấy, nếu nhận
định rằng Kim Jong-nam không là đe dọa nguy hiểm gì cho chế độ để Bắc Hàn phải
ra tay, thì lập luận này chưa đủ thuyết phục vì còn nhiều yếu tố khác.
Những hành động bí mật của Bắc Hàn trong quá khứ
Theo CNN, vụ Kim Jong-nam không phải là lần đầu Bình Nhưỡng
dùng nhân viên đặc vụ vào công tác bí mật ở hải ngoại. Ðã có một số các vụ đáng
chú ý như sau:
-Ngày 29 Tháng Mười Một, 1987, chiếc máy bay Boeing 707 của
Korean Airlines, chuyến 858 từ Baghdad, Iraq, về Seoul, Nam Hàn, nổ tung giữa bầu
trời làm 115 người thiệt mạng. Cảnh sát Bahrain điều tra biết được hai người Bắc
Hàn đã đặt bom khi máy bay ghé Abu Dhabi. Hai nghi can tìm cách tự sát bằng thuốc
độc cyanide, nhưng một người là phụ nữ sống sót, bị dẫn độ về Nam Hàn, và sau
đó nhìn nhận tội trạng, lãnh án tử hình rồi được Tổng Thống Roh Tae-woo ân xá,
-Park Sang-hak, một người đào tị từ Bắc Hàn, vẫn dùng bong
bóng bơm khinh khí từ biên giới Nam-Bắc Hàn thả truyền đơn về tố cáo chế độ.
Tháng Mười Một, 2012, một điệp viên Bắc Hàn định ám sát ông Park trên đường phố
Seoul bằng thuốc độc phóng ra từ một dụng cụ ngụy trang làm cây bút, nhưng bị cảnh
sát Nam Hàn chặn bắt trước khi tới gần.
-Một trường hợp về hành động bí mật nhưng không giết người xảy
ra năm 1978. Ðạo diễn nổi danh Shin Sang-ok và người vợ là diễn viên Nam Hàn
Choi Eun-hee tại Hồng Kông bị bắt cóc đưa về Bình Nhưỡng. Sau mấy năm bị giam
và “tẩy não,” lãnh đạo Bắc Hàn lúc đó là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) ép buộc họ
hợp tác trợ giúp chấn chỉnh kỹ nghệ điện ảnh Bắc Hàn. Tới năm 1986, nhân dịp
tham dự một đại hội điện ảnh ở Vienna, Áo, hai người đào thoát vào tòa Ðại Sứ Mỹ
và sau đó trở về Nam Hàn. Bắc Hàn không bao giờ công nhận có vụ bắt cóc và nói
hành động của hai người là tự nguyện.
-Bắc Hàn bí mật đưa rất nhiều gián điệp qua Nam Hàn hoạt động.
Kim Dong-shik, một trong số những điệp viên bị bắt và đầu thú, năm 2015 kể lại
với CNN rằng anh được gởi vào trường đại học bốn năm để huấn luyện các kỹ năng
chuyên môn, bao gồm võ thuật, bơi lặn dưới nước, tác xạ và sử dụng chất nổ.
Theo lời anh, các học viên gián điệp được đối xử ưu đãi như sĩ quan cấp tướng.
Từ thập niên 1970, điệp viên Bắc Hàn thực hiện ít nhất 17 vụ
bắt cóc và có thể là có tới trên 100 nạn nhân, chủ yếu là dân Nam Hàn, Nhật,
nhưng cũng có cả Mỹ và công dân các quốc gia khác.
Bắc Hàn cũng được dư luận quốc tế chú ý với nhiều vụ thanh
trừng nội bộ bất ngờ, hết sức tàn nhẫn và đẫm máu, trong thời kỳ từ khi nhà
lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nắm quyền.
Hãng thông tấn AP ghi nhận rằng những bằng chứng cho đến nay
khiến khó có thể tin rằng Bắc Hàn không phải là chủ mưu của vụ ám sát ở
Malaysia. Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn dùng bài bản cũ là hoàn toàn bác bỏ, phủ nhận
và chuyển mũi tấn công về hướng khác. Chiến thuật ấy có tác dụng ở quốc nội đối
với dân chúng luôn luôn sống trong sợ hãi và nhà nước nắm hết mọi phương tiện
thông tin, nhưng ít có hiệu lực ở nước ngoài, một phần do những thành tích bất
hảo trong quá khứ của chế độ này.
Kim Jong-nam có thể là lá bài của những thế lực nào?
Kim Jong-nam được coi như không có tham vọng chính trị thể
hiện qua việc đã thiếu nỗ lực cần thiết để trở thành người kế nghiệp tự nhiên với
tính cách là con trai lớn nhất của Kim Jong-il. Tư tưởng và một số hành động
theo bản năng không hợp với nền nếp của chế độ đưa Kim Jong-nam tới chỗ trở
thành kẻ lưu vong trong khi người em là Kim Jong-un chưa tới 30 tuổi tiến vào
con đường nắm quyền lực.
Có một điểm đáng thắc mắc là Kim Jomg-nam lấy tiền ở đâu để
sống suốt hơn 12 năm lưu lạc ở nước ngoài từ Trung Quốc tới Âu Châu, và phần lớn
ở Ma Cau, với lối sống buông thả tiêu xài phung phí qua các khách sạn sang trọng
và sòng bài. Có những thông tin không thể kiểm chứng được nói rằng Kim Jong-nam
được Trung Quốc che chở bảo vệ. Nhưng tầm mức hỗ trợ ấy thế nào, có bao gồm tiền
bạc chu cấp hay không? Chưa ai biết.
Không có dữ kiện chính thức hay dấu hiệu cụ thể nào để biết
vì thật ra trong nhiều năm ít ai chú ý đến Kim Jong-nam. Một vài cơ quan truyền
thông Nhật trước đây có cho biết Kim Jong-nam thỉnh thoảng tỏ bày ý kiến bất đồng
với chế độ lãnh đạo cha truyền con nối ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, khoảng ba năm gần
đây, sau một chuyện được mô tả là âm mưu ám sát ở Ma Cau, Kim Jong-nam dè dặt
hơn và hầu như không khi nào đề cập đến vấn đề chính trị.
Tuy vậy, những dữ kiện chứng tỏ Kim Jong-nam không có tham vọng
quyền lực, và không có liên lạc nào với các tổ chức lưu vong hay thành phần đối
lập, chỉ xác định được thái độ của cá nhân. Ðiều ấy không loại trừ khả năng Kim
Jong-nam vẫn được coi là có một giá trị nhất định dưới nhãn quan của một số các
giới hay thế lực khác. Nếu các phe phái nội bộ trong đảng cầm quyền ở Bắc Hàn
muốn thay đổi lãnh đạo (Kim Jong-un) chứ không thay đổi chế độ, thì Kim
Jong-nam là lá bài tốt nhất để đưa vào vị trí ấy. Phải chăng mưu tính của những
thành phần này, dù Kim Jong-nam không đích thân hưởng ứng hay tham gia, đã làm
hại Kim Jong-nam vì khiến cho Kim Jong-un hay phe cánh trung thành với nhà lãnh
đạo trẻ phải tìm cách thanh toán để trừ hậu họa.
Một giả thuyết khác được nhiều quan sát viên chú ý là vai
trò của Trung Quốc. Người ta cho rằng Kim Jong-nam cũng là một lá bài dự trữ của
Trung Quốc để thay thế Kim Jong-un khi cần tới. Dù không hoàn toàn đồng ý với Bắc
Hàn, nhưng Trung Quốc có nhiều lý do để phải duy trì chế độ Bắc Hàn, đồng minh
duy nhất của mình ở vùng Ðông-Bắc Châu Á. Nếu Bắc Hàn hiểu rằng Kim Jong-nam là
lá bài Trung Quốc thì sự lo ngại của họ rất lớn, và thời điểm Kim Jong-nam bị
sát hại có lẽ liên quan đến điều ấy. Những vi phạm của Bắc Hàn về thử nghiệm
bom nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo tầm trung càng lúc càng đẩy Trung Quốc vào thế
khó xử vì sự nhắm mắt làm ngơ mãi mãi sẽ phương hại đến vai trò quốc tế của cường
quốc nhất nhì thế giới.
Vậy thì có thể, một mặt Bắc Hàn cương quyết tiếp tục chương
trình phát triển vũ khí, vì rút kinh nghiệm của Saddam Hussein và Muammar
Gadaffi, hai nhà lãnh đạo độc tài này đều bị lật đổ sau khi Iraq và Libya chính
thức loan báo chấm dứt kế hoạch nguyên tử. Mặt khác Bắc Hàn nhận thấy thanh
toán Kim Jong-nam là việc cấp thiết bây giờ, không nên để kéo dài mối lo ngại
quá lâu như từ nhiều năm.
Có một số tin tức khá bất ngờ do truyền thông đăng tải đáng
được chú ý. Tạp chí Time cho biết ngay sau vụ Kim Jong-nam, Trung Quốc loan báo
tạm ngưng nhập cảng than đá của Bắc Hàn với lý do phản đối vụ thử nghiệm hỏa tiễn
từ hơn một tuần trước. Bắc Hàn là nhà cung cấp than lớn thứ tư của Trung Quốc,
22.5 triệu tấn năm ngoái.
Hôm Thứ Năm, hãng thông tấn trung ương KCNA của Bắc Hàn,
trong bài bình luận không trực tiếp nhắc tới tên Trung Quốc, viết: “Một quốc
gia thường tự xưng là láng giềng thân thiện đang đe dọa rằng Bắc Hàn sẽ phải hứng
chịu những thiệt hại lớn. Nước lớn này đang đứng về phía kẻ thù (ám chỉ Mỹ) để
‘làm suy thoái hệ thống xã hội’ của chúng ta.”
Còn nhiều nghi vấn quanh vụ ám sát Kim Jong-nam
Cho đến nay, Malaysia đã bắt giữ hai người đàn ông, một
Malaysia, một Bắc Hàn, để điều tra. Hai nữ nghi can trước đó đã khai rằng họ bị
bốn người đàn ông đánh lừa vào một chuyện chơi khăm để quay phim, và trả $100.
Nhưng chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar hôm Thứ Tư bác bỏ cách
giải thích này. Ông nói với các phóng viên rằng hai phụ nữ này, ngay sau khi
hành động, đã đi vào phòng vệ sinh, có nghĩa là họ rất hiểu việc vừa làm và cần
phải rửa tay.
Do đó Malaysia vẫn chưa cho phép Indonesia tiếp xúc với nghi
can Siti Aisyah và Việt Nam tiếp xúc với nghi can Ðoàn Thị Hương. Ông Phạm Bình
Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ Ngoại Trưởng
Anifah Aman của Malaysia và Ngoại Trưởng Retno Marsudi của Indonesia bên lề Hội
Nghị Bộ Trưởng ASEAN ở Boracay, Philippines, đã yêu cầu Malaysia sớm cho phía
Việt Nam gặp nghi can mang hộ chiếu tên Ðoàn Thị Hương.
Hôm Thứ Năm, cảnh sát Malaysia loan báo: “Qua phân tích sơ bộ,
Trung Tâm Vũ Khí Hóa Học xác định chất độc hóa học được sử dụng là VX.”
Tờ Star dẫn lời ông Abu Bakar giải thích rằng VX là một độc
tố tác động đến hệ thần kinh.
Ðây là loại là chất hóa học bị Liên Hiệp Quốc xếp vào loại
vũ khí giết người hàng loạt, mạnh hơn nhiều so với sarin, một độc tố thần kinh
khác. VX là chất lỏng không mùi, không vị, màu giống hổ phách. Chỉ cần 10 mg là
đủ để làm chết người khi tiếp xúc qua da. Liều lượng trung bình gây tử vong khi
hít phải hơi, được ước tính trong khoảng 30-50 mg-min/m.
VX có thể được sử dụng dưới hình thức “hai thành phần riêng
biệt” (Binary chemical weapon), khi nhập chung mới tạo phản ứng gây độc. Có lẽ
vì thế mà cần tới hai nữ nghi can cùng hành động chung và hoàn thành nhiệm vụ
chỉ trong vòng 5 giây đồng hồ.
Thi hài Kim Jong-nam, công dân Bắc Hàn mang tên Kim Chol
trong sổ thông hành, trong vụ ám sát ở phi cảng Kuala Lumpur hôm 13 Tháng Hai vẫn
chưa được thân nhân xác định lý lịch. Nhà cầm quyền Bắc Hàn không nhìn nhận nạn
nhân là anh của Kim Jong-un. Nhưng phó thủ tướng Malaysia, các giới chức Nam
Hàn, và các cơ quan truyền thông quốc tế đều công nhận là Kim Jong-nam vẫn sử dụng
thông hành với tên này từ trước đến nay khi đi du lịch qua nhiều nước.
Những chi tiết còn chưa được rõ trong vụ ám sát này chắc chắn
sẽ được giải đáp đầy đủ khi Malaysia công bố kết quả điều tra trong ít ngày nữa.
Tuy nhiên, cũng có một điều chắc chắn khác là Bắc Hàn sẽ phủ nhận tất cả những
công bố ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét