Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Ngày 28/02/1987: Gorbachev kêu gọi ký hiệp ước vũ khí hạt nhân

Nghiên Cứu Quốc Tế



Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Nguồn: Gorbachev calls for nuclear weapons treaty, History.com


Vào ngày này năm 1987, trong một thông báo đáng ngạc nhiên, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã tuyên bố rằng nước ông sẵn sàng ký “ngay lập tức” một hiệp ước để giải trừ các tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ và Liên Xô ở châu Âu. Đề xuất của Gorbachev đã dẫn đến một bước đột phá trong đàm phán và cuối cùng là đến việc ký kết Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 12/1987.

Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan đã phải vật lộn với vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân ở châu Âu kể từ năm 1985, khi cả hai gặp mặt lần đầu tiên để thảo luận về vấn đề này. Cuộc họp tiếp theo vào năm 1986 đã được kỳ vọng sẽ đưa đến một thỏa thuận, nhưng đàm phán lại thất bại vì Gorbachev chỉ chịu ký INF khi Mỹ chấm dứt phát triển Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI, hay “Chiến tranh giữa các vì sao”).

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với áp lực đạt được một thỏa thuận. Reagan thì bị tấn công bởi các nhóm phản đối vũ khí hạt nhân ở Mỹ và Tây Âu. Đến cuối năm 1986 – đầu năm 1987, Tổng thống còn phải đối mặt với những hậu quả của vụ bê bối Iran-Contra, khi chính quyền của ông bị tiết lộ có liên quan đến các giao dịch vũ khí bất hợp pháp với Iran và phiến quân Contra ở Trung Mỹ. Trong khi đó, Gorbachev muốn cắt giảm vũ khí hạt nhân, vừa để củng cố uy tín của mình trên trường quốc tế, vừa để cứu lấy nền kinh tế Liên Xô đang chết dần dưới gánh nặng chi tiêu quân sự khổng lồ.

Tháng 02/1987, Gorbachev thông báo rằng Liên Xô đã sẵn sàng tiến hành đàm phán về Hiệp ước INF. Lần này, ông đề xuất “vấn đề tên lửa tầm trung ở châu Âu nên được tách biệt hoàn toàn và cần mau chóng đạt được một thoả thuận riêng về nó, không chậm trễ.” Nói cách khác, ông đã chịu bỏ qua SDI trong quá trình đàm phán.

Thời điểm mà Gorbachev đưa ra đề nghị của mình cũng khiến nhiều nhà quan sát tại Mỹ quan tâm. Một số cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tuyên bố của Gorbachev được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một hội đồng điều tra cấp cao công bố báo cáo quan trọng trong đó chỉ trích sự tham gia của chính quyền Reagan trong vụ bê bối Iran-Contra. Các nhà quan sát này cũng kết luận rằng có lẽ Gorbachev cảm thấy Reagan sẽ lo lắng và cần đạt được thỏa thuận. Hai người gặp nhau lần tiếp theo vào tháng 12/1987 và ký Hiệp ước INF, theo đó Liên Xô sẽ hủy khoảng 1.500 tên lửa tầm trung của mình ở châu Âu và Mỹ sẽ hủy khoảng một nửa con số kể trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét