Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Oscar biến thành diễn đàn chống Trump

Thanh Phương



 Đạo diễn Barry Jenkins cầm tượng vàng Oscar cho phim hay nhất "Moonlight".REUTERS/Lucy Nicholson


Có thể nói là lễ trao giải điện ảnh Oscar của Mỹ hôm qua, 26/02/2017, đã đi vào lịch sử như là lễ trao giải mang đậm màu sắc chính trị nhất, với nhiều tuyên bố phản đối tổng thống Donald Trump.

Xướng sai tên phim

Nhưng lễ trao giải hôm qua cũng đi vào lịch sử với một sự lầm lẫn chưa từng có trong việc công bố giải Oscar phim hay nhất. Nữ diễn viên kỳ cựu Faye Dunaway, bên cạnh đồng nghiệp cùng lứa Warren Beatty, đã đọc nhầm tên phim được trao giải là « La La Land ». 

Toàn bộ êkíp làm phim này đã vui mừng bước lên sân khấu, nhưng trong khi các nhà sản xuất phim bắt đầu ngỏ lời cám ơn, thì một người trên sân khấu báo cho biết rằng phim được giải thật ra chính là « Moonlight ». Một trong những nhà sản xuất phim « La La Land » đã rất lịch thiệp trao lại tượng vàng Oscar cho « những người bạn » của bộ phim « Moonlight ».

Khỏi cần xem thì ai cũng có thể mường tượng được cảnh lộn xộn trên sân khấu lúc đó, đoàn làm phim « La La Land » thất vọng bước xuống, trong khi đoàn làm phim " Moonlight" phấn khởi bước lên sân khấu nhận giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Hoa Kỳ.

Trong cảnh lộn xộn đó, Warren Beatty lúng túng giải thích rằng người ta đã trao nhầm cho ông phong bì trong đó có tờ giấy ghi tên nữ diễn viên xuất sắc nhất Emma Stone của phim "La La Land". Đang lúc còn phân vân, ông chuyển tờ giấy này cho Faye Dunaway, chưa kịp nói gì với nữ diễn viên, thì Dunaway đã đọc ngay tên « La La Land » !

Công ty PriceWaterhouseCoopers, đặc trách việc tổ chức trao các giải Osca,r hôm nay đã ra một thông cáo về sự cố đọc nhầm tên phim hôm qua, xin lỗi nhóm làm phim « La La Land » và « Moonlight », cũng như hai diễn viên Faye Dunaway và Warren Beatty, và khán giả tại lễ trao giải.

Khi Oscar vinh danh người da màu

Trái ngược hoàn toàn với tính « hoành tráng » của « La La Land », bộ phim đoạt giải Oscar lần này, « Moonlight », nói về một người đàn ông da đen đồng tính ở một khu phố nghèo của Miami, được quay với một ngân sách rất khiêm tốn 1,5 triệu đôla, với dàn diễn viên đều là người da đen.

Việc trao giải Oscar cho « Moonlight » có thể nói là là một bước ngoặt trong lịch sử giải Oscar. Barry Jenkins, 37 tuổi, cũng đã được trao giải về kịch bản chuyển thể, còn diễn viên Mahershala Ali đóng trong phim này thì được nhận giải vai nam phụ xuất sắc nhất. Trong « Moonlight », ông đóng vai một tay buôn ma túy nhưng có lòng tốt. Đây cũng là lần đầu tiên một diễn viên Hồi giáo nhận giải Oscar.

Và cũng chính là một người da đen, Viola Davis, đã giành được giải Oscar giành cho nữ diễn viên đóng vai phụ xuất sắc nhất. Cô thủ vai một người vợ bị xúc phạm trong bộ phim « Fences ». Với vai diễn này, trước đó cô cũng đã được trao giải Quả Cầu Vàng.

Tổng cộng đã có đến 6 người da đen được đề cử tranh giải Oscar lần này, một con số kỷ lục đối với một giải điện ảnh mà cho tới nay vẫn bị chỉ trích là hầu như chỉ toàn vinh danh người da trắng.

Trong khi đó, « La La Land », bộ phim ca nhạc kể về chuyện tình giữa một cô gái muốn làm diễn viên và một chàng nhạc sĩ piano, được đề cử trong 14 hạng mục, con số kỷ lục, cũng đã đại thắng, gặt hái được đến 6 tượng vàng, trong đó có giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Damien Chazelle, 32, người trẻ nhất trong lịch sử Oscar nhận được giải này. Thủ vai chính trong phim này, Emma Stone được vinh danh với giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, loại đối thủ Pháp Isabelle Huppert, người đã rất hy vọng giành được giải này, sau khi được trao giải César nữ diễn viên xuất nhất nhờ vai trong phim « Elle » của đạo diễn Hà Lan Paul Verhoeven. Trong bảng vàng gần đầy ắp của nữ diễn viên Pháp, như vậy là hiện giờ vẫn còn thiếu chữ Oscar.

Giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất năm nay lọt vào tay Casey Affleck, thủ vai chính trong phim « Manchester by the Sea ». Tác giả và cũng là đạo diễn của phim này, Kenneth Lonergan thì được vinh danh với giải kịch bản gốc hay nhất.

Ngoài các giải chính nói trên, đáng chú ý nhất hôm qua đó là hai giải Oscar nhạc phim hay nhất và bài hát trong phim hay nhất đều lọt vào tay nhạc sĩ Justin Hurwitz, cho phim « La La Land », một phần thưởng được xem là rất xứng đáng vì anh đã làm sống lại và hiện đại hóa thể loại phim ca nhạc, tưởng đã là lỗi thời. Có một chuyện hiếm thấy đó là cả hai bản nhạc của Hurwitz, « City of Stars » và « Audition ( The Fools Who Dream) » trong phim « La La Land » đều đã nằm trong danh sách chung cuộc 5 bài hát được đề cử lần này.

Oscar, diễn đàn chống Trump

Lễ trao giải Oscar hôm qua cũng đã trao giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho « The Salesman », tác phẩm đồng sản xuất với Pháp của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, nhưng ông đã tẩy chay lễ trao giải lần này để phản đối sắc lệnh nhập cư của tổng thống Donald Trump tạm ngưng cấp visa cho công dân 7 nước Hồi giáo, trong đó có Iran.

Ngay vào lúc mở đầu lễ trao giải, người dẫn chương trình Jimmy Kimmel đã gián tiếp nhắc đến tên Donald Trump với giọng điệu hài hước, nhưng không đả kích trực diện tổng thống Hoa Kỳ. Ám chỉ sắc lệnh nhập cư của Trump, Kimmel nói : « Ở Holywood chúng tôi luôn sẳn sàng đón tiếp người nước ngoài ». Anh cũng đã đặc biệt vinh danh nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep, người đã chỉ trích kịch liệt tổng thống Trump tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng đầu tháng 1 vừa qua. Hôm đó, bà đã kêu gọi giới điện ảnh chống lại chính sách nhập cư và những luận điệu của tân tổng thống Mỹ. Ngay ngày hôm sau, vị tổng thống-tỷ phú đã phản ứng trên mạng Twitter, xem Meryl Streep là một trong những nữ diễn viên được « chấm điểm cao quá mức » của Holywood.

Nhưng những người khác thì đả kích thẳng thừng Donald Trump. Khi lên nhận giải Oscar về hóa trang và làm tóc cho bộ phim « Suicide Squad », đạo diễn mang hai quốc tích Ý-Anh Alessandro Bertolazzi đã tuyên bố: « Giải này là dành cho tất cả người nhập cư ».

Nhiều nhân vật tên tuổi đến dự lễ trao giải Oscar hôm qua đã bước trên thảm đỏ với ruban màu xanh lơ bày tỏ sự ủng hộ tổ chức bảo vệ các quyền tự do ACLU. Khi lên nhận giải Oscar kịch bản chuyển thể cho phim « Moonlight », Barry Jenkins đã ra lời kêu gọi đến tất cả những người « có cảm tưởng là không có gương để soi ». Ông tuyên bố : « Viện hàn lâm ( tổ chức trao các giả Oscar ) ủng hộ quý vị, ACLU ủng hộ quý vị, chúng tôi ủng hộ quý vị, và trong bốn năm tới, chúng tôi sẽ không quên quý vị », ám chỉ bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Ngay cả ông Rich Moore, đồng đạo diễn nhận giải Oscar phim hoạt hình dành cho phim « Zootopia », cũng đã nhân dịp này gởi đến khán giả toàn cầu một thông điệp của bộ phim này : « Lòng khoan dung mạnh hơn là nỗi sợ kẻ khác ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét