Cải thiện hình ảnh “bù nhìn?”
Rốt cuộc thì cơ quan quốc hội của
bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho ra đời một cử chỉ mang tính thực chất hơn về
quyền giám sát chuyện ăn tiêu của khối chính phủ. Vào thời gian cuối năm 2016, lần
đầu tiên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành nghị quyết quy định về lập, thẩm
tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn
5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, phương
án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng
năm.
Nghị quyết trên là một cách gián
tiếp để nhắc nhở rằng lần đầu tiên khối các bộ ngành của chính phủ phải chịu
trách nhiệm trước cơ quan được xem là “dân cử cao nhất” về từng kế hoạch thu –
chi tài chính.
Ngược dòng thời đại, vào thời tiền
đại hội 12 đã hầu như chẳng có nổi một cơ chế thẩm tra – giám sát thu chi tài
chính nào của quốc hội đối với chính phủ.
Nhìn lại quá khứ “gật”
Tám năm tiền đại hội 12 lại là
quãng thời gian “tươi đẹp nhất” của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và một bộ máy “ăn
của dân không chừa thứ gì” – như lời của Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan.
Từ năm 2008, khi ông Nguyễn Tấn
Dũng trở thành thủ tướng, tiền nhiều như nước. Không chỉ tiền thu thuế của dân
mà còn cả viện trợ không hoàn lại và viện trợ lãi suất ưu đãi của quốc tế. Vô số
công trình ngàn tỷ chục ngàn tỷ mọc lên. Các nhóm lợi ích đầu cơ như chứng
khoán và bất động sản đánh giá thị trường tăng gấp 3 lần. Các nhóm lợi ích
chính sách như xăng dầu, điện lực cũng mê mải trong những chiến dịch tăng giá
đè đầu dân sinh. Còn với giới chủ ngân hàng là thờii cơ làm giàu và thâu tóm lẫn
nhau.
Không khí “tư bản dã man” kéo dài
đến năm 2011, theo đúng phương châm “đầu tư ồ ạt, đầu tư liên tục cho đến lúc sụp
đổ.” Chỉ đến năm 2011, khi các thị trường chứng khoán và bất động sản bắt đầu
lao dốc, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới bắt buộc phải ra nghị quyết về “thắt
lưng buộc bụng.” Nhưng tỉ lệ lạm phát năm đó đã kịp vọt lên đến xấp xỉ 20%
(theo số báo cáo), trong khi số thực tế cao hơn nhiều.
Trong suốt thời gian trên, cơ
quan quốc hội hầu như bất động trước chiến dịch “ngoạm” ngân sách hết sức thần
tốc. Rất nhiều kế hoạch thu – chi tài chính của phía chính phủ đã chỉ được đưa
ra quốc hội cho có sau khi đã “tiền trảm hậu tấu.” Sứ mạng duy nhất của quốc hội
hình như chỉ là “gật.”
Để ngay cả vào thời gian suy
thoái trầm kha kéo dài đặc biệt từ năm 2011 đến cuối kỳ đại hội 12 – năm 2015,
quốc hội cũng chỉ biết “gật” trước những kế hoạch PR vĩ đại, chẳng hạn như dự
án sân bay Long Thành mà ước toán sơ bộ đã “nuốt” vốn ODA và vốn trong nước đến
ít nhất $15 tỷ.
Với tình cảnh đó và tâm thế đó,
không thể trách bàn dân thiên hạ bàn về quốc hội như một thứ ‘bù nhìn.”
Thậm chí, người ta còn nhìn quốc
hội như một tổ hợp của các nhóm lợi ích, thay vì “của dân, do dân và vì dân”
như được ghi trên những tờ giấy Hiến Pháp.
Công bằng mà xét, quốc hội của cựu
Chủ Tịch Nguyễn Sinh Hùng và cả đương kim Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã bỏ
qua quá nhiều cơ hội để “sống và làm việc theo Hiến Pháp và pháp luật.” Chỉ đến
cuối năm 2015 – giai đoạn cuối của “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” và khi Bộ Trưởng
Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh lần đầu tiên phải ta thán “ngân sách trung
ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì,” có vẻ cả Bộ Chính Trị
cũ lẫn sắp làm mới đã giật mình. Một số công trình vẽ vời tượng đài lịch sử và
trụ sở hành chính có giá trị từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ bỗng nhiên bị
ách lại.
Sang năm 2016, khi Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng “không còn nữa,” ngay cả một dự án khổng lồ từng được giới tuyên giáo
tô rồng vẽ phượng là điện hạt nhân Ninh Thuận, giá trị lên đến hơn 400,000 tỷ đồng,
mới được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được tuyên giáo là “dũng cảm và sáng suốt”
ra quyết định đình lại. Lý do thật đơn giản: hết tiền!
“Vô cùng nguy hiểm”
Cuối cùng thì nữ chính khách
duyên dáng – từng hất cả xô cám xuống “Ao cá Bác Hồ” trước mặt Tổng Thống Obama
và đông đảo quan khách – đã khởi động một kế hoạch để giám sát các kế hoạch,
vào thời hết tiền.
Nhưng ngay vào thời hết tiền, căn
bệnh một mình một chợ đã quá quen “phong cách Nguyễn Tấn Dũng” vẫn hoành hành
trong cơ thể chính phủ mà Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội không dễ gì nắn sửa.
Dự thảo nghị quyết giám sát thu
chi này từng được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho ý kiến từ phiên họp Tháng Chín,
2016. Nhưng khi đó, dự thảo nghị quyết được chính phủ trình lại chưa có quy định
về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch đầu tư 5 năm.
Khi đó, tân Bộ Trưởng Tài Chính
Đinh Tiến Dũng đã nại ra một lý do: kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là định
hướng và xem xét việc này phải vô cùng thận trọng. Bởi nếu thông qua khung và định
hướng trên cơ sở dự toán không đúng thì vô cùng nguy hiểm, có thể 5 năm sau sẽ
có cả đống dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát.
Cái “vô cùng nguy hiểm” của ông
Đinh Tiến Dũng, trớ trêu thay, lại chính là cái vị thế chính trị chông chênh hiện
thời của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ngay vào đầu năm 2017 ông Phúc đã phải
thừa nhận “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần,” và tầm trọng hơn cả là lời cảnh
báo của ông về một cận cảnh “sụp đổ tài khóa quốc gia.”
Chỉ đến lúc này, quốc hội mới quyết
định không thể đứng ngoài cuộc.
Với quan điểm cần có quy chế chặt
chẽ mới tránh được lãng phí và như một phản bác đối với Bộ Trưởng Đinh Tiến
Dũng, phó Chủ Tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển cho rằng càng như vậy (tức càng “vô
cùng nguy hiểm”) thì càng phải kiểm soát, nên nghị quyết này vẫn cần phải quy định
về căn cứ, thẩm quyền, nội dung báo cáo… liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn
5 năm.
Nói là… làm. Lần đầu tiên quốc hội
gửi cho chính phủ một hệ thống bảng biểu, theo đó phải phản ánh được tổng mức
vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của
ngân sách nhà nước từng là yêu cầu được Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách nêu khi thẩm
tra dự thảo nghị quyết chính phủ trình.
Nghị quyết chính thức của quốc hội
có danh mục đi kèm đến 76 mẫu biểu, trong đó có khá nhiều mục liên quan đến nợ
công.
Lợi ích nào của “tam quyền phân lập?”
Hẳn nhiên, nợ công đang là một quốc
nạn, không chỉ “nếu tính đủ đã vượt trần” như tán thán của Thủ tướng Phúc, mà
thực ra đã vượt ngưỡng nguy hiểm 65% GDP từ tận năm 2011 – khi giới chuyên gia
độc lập đánh giá nợ công quốc gia Việt Nam có thể vọt tớt 106% GDP.
Nhưng giám sát nợ công cũng đồng
nghĩa với giám sát cả những gì “tận khoan sức dân” để có cái chi trả cho nợ
công. Không phải cứ nợ công ngập đầu thì chính phủ đè đầu người dân ra thu thuế.
Những sắc thuế đang khiến dân tình sôi sục phản ứng như thuế bảo vệ môi trường
mà Bộ Công Thương và Tập Đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang nhăm nhe bổ
lên đầu dân phải bị Quốc Hội chặn đứng, nếu không muốn dân làm loạn. Hoặc âm
mưu tăng giá điện ít nhất 20% năm 2017 của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) và
Bộ Công thương cũng phải được Quốc Hội nhận chân là một trong những tác động rất
triển vọng để khiến nỗi lo “tồn vong chế độ” của Tổng Bí Thư Trọng rất gần với
sự thật.
Sáu tháng sau khi hình thành, lần
đầu tiên quốc hội mới có được một công cụ giám sát tài chính để ràng buộc trách
nhiệm chính phủ, tự đứng trên đôi chân của mình mà không hẳn là “bù nhìn.”
Tuy thế, động tác trên mới chỉ là
“nhị quyền phân lập” giữa quốc hội và chính phủ về giám sát tài chính, chứ chưa
có gì đáng gọi là “tam quyền phân lập” về tư pháp, đặc biệt những quyền cơ bản
của dân như quyền tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do lập hội, sở hữu tư nhân
đất đai… được ghi từ Hiến Pháp năm 1992 nhưng cho đến nay vẫn nguyên trạng nuốt
lời.
Nhưng cũng còn một ý nghĩa khác:
nếu tận dụng được quyền lực của quốc hội về giám sát thu chi tài chính của phía
chính phủ và hơn nữa là thế “tam quyền phân lập,” bà Kim Ngân sẽ có cơ hội trở
thành chính khách sáng giá hơn hẳn so với hình ảnh mờ nhạt trước đây của chính
bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét