Hàng ngàn công nhân bao vây trụ sở
công ty Samsung Bắc Ninh hôm 28/02/2017.
Ngày 28 tháng hai, công nhân ở
nhà máy Samsung tại Bắc Ninh có xung đột với các nhân viên quản lý người Hàn quốc.
Ngày 22 tháng hai, công nhân tại
Đồng Nai ném đá làm hư hại xe của lực lượng cảnh sát, khi chiếc xe này cán nát
một chiếc xe gắn máy của công nhân.
Như vậy ngoài các cuộc đình công
đòi tăng lương và phúc lợi, cũng đã xảy ra những xung đột vì nhiều lý do khác
liên quan tới công nhân, và mang tính chất bạo lực.
Giọt nước tràn ly
Ông Nguyễn Vũ Bình, người từng
làm việc biên tập cho Tạp chí Cộng sản của đảng cộng sản Việt Nam, và ông Nguyễn
Thiện Nhân, thường theo dõi các hoạt động của công nhân tại khu vực Bình Dương
Đồng Nai, đều có cùng suy nghĩ rằng những hành động của công nhân qua những sự
việc vừa qua thể hiện một sự dồn nén lâu dài những điều mà họ thấy khó chịu.
Ông Nhân nói tiếp:
“Những chuyện xung đột xảy ra thường
xuyên, nhưng ở những mức độ khác nhau, từ chuyện nhỏ, dồn nén ra chuyện lớn. Rồi
cuối cùng nó thành chuyện giọt nước tràn ly, bùng nổ mâu thuẫn thành ra bạo động.”
Trong một lần trao đổi với chúng
tôi trước đây về chuyện những xô xát bạo lực giữa dân chúng và lực lượng công
quyền, nhà văn Phạm Đình Trọng có nói rằng dân chúng sử dụng bạo lực để đối lại
với những biện pháp trấn áp bạo lực của nhà cầm quyền.
Nói về nguyên nhân của vụ công
nhân ném đá làm hư hỏng xe cảnh sát tại Đồng Nai, ông Nhân nhận xét:
“Cái đó là do lỗi của chính quyền,
bởi vì chính quyền độc quyền truyền thông, nói không đúng sự thật, bóp méo sự
thật, bao giờ cũng bênh vực cho bộ máy cầm quyền, nhất là công an. Khi một sự
việc xảy ra, họ không thể nhờ đến pháp luật, hay cơ quan chính quyền, cho nên họ
đoàn kết lại để giải quyết. Tất nhiên có những giải quyết không đúng pháp luật,
bởi vì sự bức xúc lên tột độ, cho nên mới xảy ra bạo động”
Bên cạnh sự xung đột với các lực
lượng công quyền, những xô xát bạo lực cũng thường xảy ra giữa công nhân Việt
Nam và các đốc công, bảo vệ người nước ngoài, như trường hợp xảy ra ở nhà máy của
công ty Samsung vào ngày 28 tháng 2. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp:
“Người Việt Nam có tinh thần dân
tộc rất là cao, do đó họ tự ái khi mà người của các quốc gia giàu có hơn mang
tiền qua đầu tư và đè đầu cưỡi cổ người dân Việt Nam. Cái tinh thần dân tộc, sự
tự ái nổi lên, đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.”
Điều kiện sống khó được cải thiện
Kể từ khi Việt Nam mở cửa chấp nhận
kinh tế thị trường, nhiều nhà máy được xây lên, rất đông nông dân đến làm việc
trong các nhà máy đó, dần dần hình thành một lực lượng thợ thuyền trong các khu
công nghiệp, và đô thị. Nói về đời sống người công nhân, ông Nguyễn Vũ Bình cho
biết:
“Công nhân và nông dân là hai lực
lượng thu nhập thấp nhất của xã hội hiện nay. Công nhân thì cao hơn nông dân một
ít, nhưng mà lại bị o ép về mặt thời gian. Và môi trường làm việc rất là căng
thẳng.”
Trong một môi trường làm việc
căng thẳng, thu nhập thấp trong điều kiện vật giá gia tăng, nhưng lại đông đúc
và phần nào có tổ chức, sống gần nhau, trong các nhà máy, sự phản ứng của công
nhân đối với những khó chịu bực bội của họ ngày càng tăng. Liệu những điều kiện
đó có thể trở thành một lực lượng đe dọa sự ổn định của xã hội hay không, Ông
Nguyễn Vũ Bình nói tiếp về cách của cơ quan công quyền đối xử với những phản ứng
của công nhân:
“Thực ra chưa phải đến bây giờ,
mà trước đây người ta đã thấy đó là sự đe dọa. Mà cái cách ứng xử của người ta
là luôn luôn tìm thủ đoạn để trấn áp, hoặc tìm cách xoa dịu, chứ người ta không
tìm cách ứng xử hợp lý để giải quyết nhu cầu đòi hỏi hoặc cái quyền của người
công nhân. Họ không xử lý theo hướng đó.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một
chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội, thì để tăng lương cho công nhân Việt Nam
không phải là chuyện dễ dàng, vì nó cần phải kèm theo sự tăng năng suất lao động
nữa, và đó là điều mà các nhà quản lý Việt Nam cần lưu ý.
Về điều kiện sống của công nhân
Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết là hiện nay các chủ nước ngoài thuê
lao động Việt Nam đang có khuynh hướng chỉ dùng người lao động cho đến 40 tuổi,
và thay bằng những người trẻ tuổi hơn. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư nhỏ cũng
hay giật tiền lương của công nhân, thậm chí trốn đi mất tích, để lại nhiều công
nhân làm việc không công. Ông nói tiếp:
“Bởi vì vậy sự thiệt thòi cho người
lao động rất là lớn. Có sự thiệt thòi như vậy, người lao động phải tìm hình thức
để phản đối. Những hình thức như đình công, cho đến những hình thức khác có sự
bột phát và có biểu hiện bạo lực. Đó là những điều cần phải tránh.”
Giai cấp công nhân bị bỏ quên
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc
hình thành các tổ chức công đoàn độc lập của chính người công nhân là một việc
rất cần phải làm để các bên có thể dễ dàng đi đến giải quyết các bất đồng hơn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng các giới chức công đoàn ở địa phương phải làm việc
nhiều hơn để hiểu rõ người công nhân hơn. Về những thủ lĩnh công nhân trong các
nhà máy, ông nói tiếp:
“Các doanh nghiệp có đầu tư nước
ngoài cũng có tổ chức công đoàn, tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát
chặt chẽ sự hoạt động của tổ chức công đoàn này, và nếu như đại diện công đoàn
mà có thái độ đấu tranh đối với họ, thì thường họ sa thải người đó. Cho nên
chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn hoạt động công đoàn, và người thủ lĩnh công
đoàn có lẽ phải không phụ thuộc vào tiền lương của chủ doanh nghiệp, thì lúc bấy
giờ hoạt động công đoàn mới có hiệu quả hơn.”
Đối với ông Nguyễn Thiện Nhân,
chuyện xung đột giữa công nhân dù là với cơ quan công quyền, hay với giới quản
lý nước ngoài thì đều có nguyên nhân là thể chế chính trị của Việt Nam cả, và
điều đó cần thay đổi.
Xin nhắc lại là thể chế chính trị
của Việt Nam hiện nay do đảng cộng sản lãnh đạo, một đảng tự cho mình là người
đại diện cho giai cấp công nhân. Nhưng có lẽ vấn đề công nhân tại Việt Nam lại
là một vấn đề rất nhạy cảm, như lý do mà một nhà nghiên cứu xã hội học tại Việt
Nam đưa ra khi từ chối bình luận với chúng tôi về những xung đột liên quan tới
công nhân vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét