Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Phiếm luận về giày

ĐÀO HIẾU



Chắc chắn khi còn ở trong vườn Ðịa Ðàng thì cả ông Ađam lẫn bà Eva đều đi chân đất. Lúc ấy thời trang của hai vị chỉ là cái lá nho, thế thì làm sao họ có ý niệm về một đôi giày. Vậy thì theo bạn giữa ông Ađam và bà Eva ai là người nghĩ ra đôi giày trước?

Ông Ađam hiền lành chất phác, ăn rồi chỉ biết luẩn quẩn trong khu vực mười sáu mét năm mươi của vườn Ðịa Ðàng, khu vực này cỏ xanh non mịn màng tươi tốt, chắc chắn chân không bao giờ bị đạp gai. Trái lại nàng Eva tính rất tò mò, ưa phiêu lưu mạo hiểm, sau khi hái trộm trái cấm nàng cũng còn “quậy“ nhiều thứ nữa. Trong những chuyến đi bụi đời ấy làm sao nàng tránh khỏi đạp gai. Thế là trong cái đầu thông minh và đầy trí tưởng tượng của nàng một đôi giày đã hiện ra.

Chưa có tài liệu nào mô tả chính xác kiểu dáng của đôi giày ấy nhưng có lẽ chúng ta phải thừa nhận rằng Ma-đam Eva là nhà tạo mốt đầu tiên của nhân loại.

Và có thể kết luận đôi giày của Eva làm bằng cỏ vì đó là chất liệu dễ tìm nhất lúc ấy.

Ðôi giày cỏ ngự trị trên hành tinh này lâu lắm, từ thời bà Eva (tức là thuở khai thiên lập địa)  cho tới mãi sau này, khi con cháu của bà sinh sôi nảy nở đầy dẫy trên mặt đất.

Ngay cả lúc con người đã phát minh ra được vải vóc thì đôi giày cỏ vẫn tồn tại.

Trong văn học cổ điển Trung Quốc ta thấy xuất hiện những vị đạo sĩ, ẩn sĩ như Quỷ Cốc tiên sinh, Trang Chu, Lão Tử, Hứa Do, Sào Phủ… đều mang giày cỏ. Các hậu bối sau này ở nước ta như Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử… lúc làm quan thì áo mão xênh xang nhưng lúc về vườn thì cũng chỉ khoái đôi giày cỏ, đủ thấy giày cỏ là một top model thời ấy. Giày cỏ tạo cho người mang nó một cái vẻ tiên phong đạo cốt trông rất hoang đường.

Giày da ra đời trước giày vải vì loài người biết sử dụng da thú trước khi biết dệt vải. Những kỵ sĩ Mông Cổ nổi tiếng của Thành Cát Tư Hãn, những chiến binh của Césare hay của Charlemagne đều đã biết dùng đến giày da khi ra trận. Từ đó giày da theo chân con người đi khắp nơi. Những chàng cao bồi miền viễn tây Hoa Kỳ đã trang điểm thêm cho đôi giày da nổi tiếng của mình những chiếc cựa răng cưa bằng sắt nhọn hoắc như cựa gà đá.

Ðôi hia bảy dặm trong cổ tích thì không biết đích xác là làm bằng da hay bằng vải. Nếu quả có thật một đôi hia như thế trong cõi đời thì chắc chắn nó phải được làm bằng thép, vì bước một bước mà bay xa đến bảy dặm thì chỉ có gắn tên lửa dưới đế giày!

Chúng ta còn nhớ hai câu thơ:

Dăm ba ông Táo dạo chơi Xuân.

Ðội mũ mang hia chẳng mặc quần.

Ðôi hia của Táo Quân bằng vải hay bằng da thì chưa biết nhưng ai cũng phải công nhận rằng  khi đội mũ mang hia mà không thèm mặc quần thì rõ ràng Táo Quân là  một siêu người mẫu sexy nhất thiên hạ, và có thể nói hình ảnh của ông đã gợi hứng cho việc sáng tạo ra chiếc mini jupe lừng danh. Tiếc thay, vì suốt đời luẩn quẩn trong xó bếp nên chưa một lần nhà thời trang vĩ đại này được tham dự một buổi trình diễn thời trang quốc tế nào.

Còn một đôi giày đặc biệt nữa đó là giày của cô Lọ Lem. Nó làm bằng thủy tinh. Hiện nay các nhà tạo mốt lừng danh thế giới vẫn chưa giải thích nổi làm cách nào mà cô Lọ Lem có thể khiêu vũ nổi với một đôi giày cứng ngắc như thế.

*

Giày vải có lẽ xuất hiện từ khi con người tìm ra vải sợi, nó tượng trưng cho sự tao nhã của văn nhân thi sĩ, các quan văn trong triều, các cô tiểu thư yểu điệu.

Thanh Minh trong tiết tháng Ba, mấy chị em Thúy Kiều đi tảo mộ gặp một chàng thư sinh, đó là Kim Trọng. Nguyễn Du đã tả chàng như thế này:

Hài văn lần bước dặm xanh

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Rõ ràng là lúc ấy Kim Trọng đi hài. Hài là một loại giày vải đế thấp, mũi hơi nhọn và có thêu kim tuyến. Mô-đen này ở nước ta trong những năm 80 rất thịnh hành, nhất là trong giới quần thoa. Giới nhà giàu bên châu Âu có thời cũng khoái đôi hài, nhưng chỉ để đi trong nhà.

Trước năm 75 tại bến xe Pétrus Ký Sài Gòn có một hãng giày nổi tiếng thế giới mang tên Bata. Giày vải của hãng Bata nhẹ, đẹp và bền. Một thời giày Bata là thời trang của  giới trẻ, giới sinh viên học sinh. Các báo thời trang của Pháp như Marie Claire, Elle… từng đăng một lời quảng cáo nổi tiếng về giày Bata như thế này: PAS UN PAS SANS BATA (không một bước chân nào mà không có giày Bata.) Câu quảng cáo này thú vị nhờ cách chơi chữ của nó.

Bẵng đi một thời gian khá dài, giày vải vắng bóng trên thị trường, giờ đây thời trang này lại xuất hiện khá rầm rộ với những nhãn hiệu như Biti’s, Kamachi, Belpis. Ellesse.

Giới trẻ ưa chuộng giày vải vì trông nó ”bụi”, nó ”thể thao“ mà lại trang nhã.

Trên những đôi giày mang nhãn hiệu Ellesse (của Italia) thường thấy một câu viết bằng tiếng Anh: For those who love the outdoors (dành cho những ai thích cuộc sống ngoài trời.) đủ thấy giày vải thích hợp với giới trẻ, với những cuộc picnic, những chuyến đi dã ngoại.

Người lớn tuổi thích giày vải vì nó nhẹ, mang mát và không đau chân.

Còn dân chơi tennis thì không thể thiếu nó.

Thực ra giày vải rất thích hợp với những xứ nóng như Việt Nam. Trời nóng người ta có khuynh hướng mặc đồ màu sáng, Ví dụ như một chiếc quần jeans màu kem đi với một chiếc áo thun trắng và một đôi giày vải màu sáng sẽ tạo được một sự hài hòa trang nhã.

Tuy nhiên giày vải chỉ nên đi với quần jeans hoặc kaki.

Nếu mặc quần có pli may bằng sợi nylon tổng hợp hay “đóng“ một bộ côm-lê trang trọng mà bạn “chơi“ một đôi giày vải thì coi không được. Trong trường hợp này một đôi giày da đúng mốt sẽ làm cho bạn “sang“  hơn, chững chạc hơn nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét