“Ngắc ngoải” chờ chết
Hình ảnh về không khí nhộn nhịp, sầm uất tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà
Tĩnh) nay đã không còn nữa mà thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng lặng...
Khu kinh tế Vũng Áng với đại dự án Formosa vào thời gian trước đây, đi
đâu cũng thấy không khí hoạt động rầm rộ, sôi động và đầy khí thế.
Mỗi dịp tan ca, công nhân đổ ra đông kín các ngã đường, các phương tiện
xe, máy móc hoạt động suốt ngày đêm.
Thời điểm cao, số lượng công nhân khoảng 5 vạn người trong và ngoài nước
đến làm việc, cùng với đó là các dịch vụ ăn theo như nhà hàng, khách sạn, các tụ
điểm vui chơi giải trí mọc lên dày đặc, tạo công ăn việc làm hàng chục nghìn
lao động địa phương.
Lối dẫn vào cổng chính Formosa rất ít phương tiện qua lại, khác hẳn với
thời gian trước đây luôn đông nghẹt công nhân, các phương tiện, máy móc.
Thế nhưng, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung cùng với việc
dự án Formosa phải tạm dừng hoạt động đã biến khu vực sầm uất này thành một nơi
đìu hiu, vắng lặng đến khó có thể nhận ra.
Có mặt tại Khu kinh tế Vũng Áng vào những ngày cuối tháng 2 sau nhiều
biến cố, PV Infonet, chứng kiến cảnh hàng loạt các dịch vụ như: Nhà hàng, khách
sạn, quán cà phê, của hàng tạp hóa … đều vắng khách.
Thời điểm này, hầu như vắng bóng công nhân làm việc. Chị Trần Thanh
Thúy bán nước ngay cổng chính dẫn vào công ty Formosa than thở: “Thời gian trước
có vài vạn công nhân làm việc, không khí sôi sục lắm. Thế nhưng, vào dịp này chẳng
còn nhiều công nhân vào chỗ tôi uống nước nữa.”
PV Infonet đi khảo sát một vòng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống,
khu vui chơi giải trí thì đều chung tình trạng ế ẩm, lượng khách đến đặt phòng,
ăn uống giảm mạnh.
Vườn bia Phú Sơn hầu như vắng bóng khách
Anh Trần Thái Sơn – Chủ loạt nhà hàng, khách sạn, quán cà phê mang tên
“Phú Sơn” (tại P. Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh) chia sẻ: “Sau sự cố môi trường biển
miền Trung, Formosa hoạt động không sôi động như trước nữa nên hoạt động kinh
doanh, buôn bán của tôi ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Nếu như trước đó, mỗi tháng doanh thu của tôi có thể đạt 3 tỉ đồng nay
cố gắng lắm cũng chỉ là 500 đến 600 triệu đồng/ tháng.
Doanh thu giảm nên buộc tôi phải cho các nhân viên nghỉ việc. Nếu sắp tới
tình hình không khả quan có thể tôi sẽ tìm một địa chỉ khác để đầu tư.” – Anh
Sơn cho biết.
Chị Nguyệt – người quản lý nhà nghỉ, khách sạn Anh Bảo (đóng tại phường
Kỳ Liên, T.X Kỳ Anh) cho rằng, các năm từ 2011 đến 2013, khách sạn luôn kín
phòng, kể từ sau sự cố môi trường khách sạn dần dần vắng khách. Ông chủ khách sạn
là người Đài Loan đã cùng gia đình về từ trước Tết nhưng đến nay chưa thấy sang
lại”.
“Hôm nay, có một công ty trong Formosa ra, họ mới làm hợp đồng thuê 12
phòng ở. Hy vọng, trong thời gian tới, nếu Formosa đi vào hoạt động giai đoạn 2
thì tình trạng ế ẩm may ra mới hết.” – bà Nguyệt nói.
Doanh thu giảm 70%
Khách sạn Mường Thanh – Hà Tĩnh
được đầu tư với số vốn 300 tỉ đồng cũng đang trong tình trạng èo uột. Trước đó,
công suất phòng là 95% nay chỉ được 30% .
Khách sạn Mường Thanh – Hà Tĩnh (đóng tại KKT Vũng Áng – Hà Tĩnh) cũng
nằm trong tình trạng tương tự. Thời gian trước, đây là địa chỉ cho các đoàn
khách cao cấp trong nước và quốc tế đến làm việc và nghỉ ngơi nhưng nay đã vắng
bóng hẳn.
Ông Lưu Hải Đằng, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Khách sạn Mường Thanh
– Hà Tĩnh cho hay, khách sạn được đầu tư 300 tỉ đồng với tổng 246 phòng, sau sự
cố môi trường hồi năm 2016, công suất phòng và doanh thu của khách sạn giảm ghê
gớm. Trước đó, công suất phòng là 95% nay chỉ gắng gượng được có 30%. Doanh thu
bây giờ chỉ khoảng 2 tỉ đồng/ tháng trong khi trước đó là 8 tỉ đồng.
“Kể từ sau sự cố môi trường vào tháng 4/2016, tình hình có vẻ đã khá
hơn, đã có lúc có những hợp đồng định chạy công suất phòng lên khoảng 70 – 80%
nhưng lại bị sự cố như mấy hôm vừa rồi (tin đồn video formosa xả thải ra nước
màu đỏ - NV) thế là các đoàn khách của Nhật với khách nước ngoài người ta lại
rút lại hợp đồng.” – ông Đăng nói.
Bà Đoàn Thị Mỹ - Trưởng phòng Văn hóa thị xã Kỳ Anh thông tin: “Hiện tại,
toàn thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế có 63 nhà nghỉ và khách sạn.
Sau những sự cố về môi trường và những tin đồn thất thiệt liên quan đến
môi trường thì tất cả các hoạt động của nhà hàng, khách sạn, quán karaoke đều vắng
khách, doanh thu giảm đến 70%.”
“Sau Tết, tình hình có khá hơn khi sự cố môi trường đã phần nào khắc phục,
các doanh nghiệp đang quay trở lại đây để đầu tư tiếp nên sẽ kích cầu được các
dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi” – Bà Mỹ cho biết.
Một số hình ảnh PV ghi lại cảnh vắng vẻ, èo uột tại KKT Vũng Áng những
ngày cuối tháng 2:
Chuỗi nhà hàng, khách sạn, vui
chơi giải trí của anh Sơn trước kia được ví như một khu Ma Cao thu nhỏ, lượng
người đổ về đây tấp nập nhưng đến nay việc kinh doanh, buôn bán đình trệ hoàn
toàn.
Do lượng khách mua sắm giảm nên rất nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa nghỉ
hoặc chờ chuyển nhượng.
***
Khu kinh tế Vũng Áng (KKT VA) có diện tích 22.781ha, là một trong năm
khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2013-2015; được
Chính phủ quy hoạch phát triển các ngành trụ cột có ý nghĩa chiến lược quốc gia
bao gồm: Khu liên hợp luyện gang thép công suất 22 triệu tấn/năm; Trung tâm Nhiệt
điện 6.300MW; Cảng nước sâu công suất 50 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 82 triệu
tấn/năm vào năm 2020; Trung tâm lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm; tổng
kho ga xăng dầu và khí hóa lỏng phục vụ khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam và nước
CHDCND Lào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét