Ít ngày trước dịp kỷ niệm Ngày Thầy
thuốc Việt Nam, lãnh đạo hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh nói thành phố đặt mục
tiêu giành giải Nobel Y học trong tương lai. Một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt
hoan nghênh tham vọng này nhưng nhận xét đó là mục tiêu rất khó đạt được trong
vòng 10 đến 20 năm tới.
Theo báo chí Việt Nam, hôm 24/2,
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã gặp hơn 300 thầy thuốc
tiêu biểu.
Tại cuộc gặp, ông nói đội ngũ y
bác sĩ của thành phố “rất giỏi, có khả năng nghiên cứu khoa học”, và từ những
tiềm lực đó, sắp tới chính quyền sẽ tập hợp các chuyên gia y tế đầu ngành để
nghiên cứu thành lâp một đề án có mục tiêu là “trong tương lai thành phố Hồ Chí
Minh sẽ đạt được Nobel Y học”.
Báo chí trích lời ông Đinh La
Thăng nhấn mạnh đầy tham vọng: “Nếu quyết tâm, tôi tin thành phố sẽ đạt được
Nobel Y học”. Ông cũng nói thêm: “Chúng ta sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước
làm được điều đó”.
Những phát biểu của vị lãnh đạo
thành phố lớn nhất và phát triển kinh tế nhất Việt Nam đã gây ra nhiều phản ứng
hoài nghi trong công chúng, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội. Trong khi
đó, giới chuyên môn có sự đánh giá thực tế hơn.
Hiện là cố vấn chính về khoa học
và quan hệ quốc tế tại Đại học Y dược của thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức
Thái, một tiến sĩ sinh học người Mỹ gốc Việt, nói với VOA rằng phát biểu của
ông Thăng nên được đón nhận một cách tích cực:
“Chúng ta không nên quá dị ứng.
Những người nghiên cứu ở Việt Nam bây giờ nên nhìn tuyên bố đó là một cái gì phấn
khởi, tích cực bởi vì một lãnh đạo hàng đầu thành phố Hồ Chí Minh lưu tâm đến vấn
đề phát triển khoa học. Những nhà nghiên cứu ở Việt Nam thường than phiền là
chính quyền không lưu tâm đến phát triển khoa học, thì tôi nghĩ đây là cơ hội để
họ được nghe có sự lưu tâm đó. Và nếu những cơ quan, những vị giám đốc biết nắm
lấy cơ hội này để kéo chính quyền về tạo dựng cho họ những nghiên cứu cụ thể thì
đó cũng là một điều rất cần thiết. Những hoạt động và những kế hoạch của chính
phủ như thế này thì nên coi là một bước tích cực”.
Tiến sĩ Thái đã tốt nghiệp trường
Đại học California San Francisco (UCSF) cách đây gần 35 năm. Ông có hàng chục
năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về các liệu pháp gien và tế bào ở Mỹ và
Nhật, cũng như nhiều quan hệ quốc tế.
Mặc dù hoan nghênh ý tưởng của
ông Đinh La Thăng, song khi đánh giá cụ thể về điều kiện và khả năng để thành
phố Hồ Chí Minh có thể giành giải Nobel Y học, ông Thái nêu ra tham chiếu là
trường UCSF và cho rằng trong vòng hai, ba thập kỷ nữa, điều này khó trở thành
hiện thực. Ông nói:
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi,
ngay làm việc ở trường UCSF mà cũng có một số giáo sư đã đoạt giải Nobel, thì
chúng tôi thấy rằng là không thể được, ít nhất trong vòng từ 10, 20 năm nữa.
Còn nếu được thì cũng sẽ rất nhiều khó khăn cần khắc phục”.
Là người đã nhận được một số giải
thưởng quan trọng của cả Mỹ và cơ quan trong và ngoài nước cho những nghiên cứu
y sinh học trong 20 năm qua, Tiến sĩ Thái chỉ ra rằng những người được trao giải
Nobel khoa học không những phải chỉ có công trình to lớn, mà đó còn phải là
phát minh có tính đột phá, thay đổi bộ mặt của khoa học và kỹ thuật hiện tại.
Phác họa con đường đi đến giải
Nobel sẽ “chông gai” ra sao với Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói
riêng, vị tiến sĩ người Mỹ gốc Việt nêu ra một số tương quan so sánh.
Thứ nhất, phần lớn những nước đã
nhận giải đều có “truyền thống, lịch sử” về nghiên cứu, phát minh có bề dày lên
đến nửa thế kỷ, thậm chí là “cả thế kỷ”, và họ thường là những nước hùng mạnh.
Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ bước vào ngành công nghệ tân y học trong thời
gian khoảng 20 năm và đạt được những bước tiến “khả quan, đáng khuyến khích”
trong 5-7 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, các nước có thành
tích cao cũng có những tổ chức, hội đoàn khoa học chuyên ngành với uy tín cao.
Họ liên kết với nhau như mạng lưới, thực hiện nghiên cứu có mục tiêu rất sâu rộng
mang tính cách mạng, họ vừa chia sẻ với nhau trong khi vẫn cạnh tranh mạnh mẽ.
Các phương pháp sử dụng thường hiện đại nhất và liên kết đa ngành. Quan trọng
nhất là họ có bộ óc tư duy khoa học siêu việt. Điều này thể hiện qua các bài viết
về các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới,
qua việc phát biểu, chỉ đạo tại các hội nghị đỉnh cao. Về tài chánh, các phòng
thí nghiệm và tổ chức này lại được nhận những tài trợ to lớn từ nhiều nguồn
khác nhau. Thực tế ở Việt Nam cho thấy đất nước thiếu những điều này.
Yếu tố thứ ba là sự giao lưu liên
kết rộng lớn từ uy tín của trình độ chuyên môn xuất sắc. Những liên kết này
giúp tạo “chỗ đứng”, “niềm tin” trong con mắt những nhân vật tinh hoa trong giới
khoa học. Điều này rất quan trọng vì hàng năm hội đồng giám khảo của Quỹ Nobel
đều gửi thư đến các nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới mời họ đề cử ứng
viên cho giải. Nhưng trong vấn đề này, Việt Nam “cũng rất còn yếu”.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đức
Thái cho rằng với tiềm năng và nguồn lực hiện nay, giới khoa học Việt Nam vẫn
có thể khai triển một số đề tài quan trọng để đẩy khoa học Việt Nam lên tầm
cao,có thể mang lại giá trị rất lớn, dù không thể dẫn đến giải Nobel. Ông nêu
ra một ví dụ:
“Phương pháp miễn dịch để trị ung
thư là một đề tài y sinh học rất là lớn hiện nay trên thế giới. Khi chúng tôi mời
các đoàn nước ngoài hợp tác trong các chương trình tạo vaccine để trị bệnh ung
thư, thì họ rất lưu tâm và thích Việt Nam. Những trường hợp ung thư kháng thuốc,
bị tái phát, hay lây lan ở Việt Nam nhiều lắm. Và đây chính là những chủ đề mà
các phòng thí nghiệm tiến bộ đang tranh đua nghiên cứu để hiểu về cơ chế ung
thư cũng như tìm các thuốc mới mà chúng ta có thể hợp tác. Về phần bệnh lý, bác
sĩ Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về trị liệu và hiểu biết về diễn biến lâm
sàng của những ung thư này. Như vậy, nếu chúng ta cần kết hợp với những nhóm
khoa học cao hơn của nước ngoài, với nhóm nghiên cứu trong nước, thì tôi tin
chúng ta sẽ có những đóng góp quan trọng cho khoa học thế giới và cho ứng dụng
y tế ở Viêt Nam”.
Trong kế hoạch này, theo ông con
người với khả năng tư duy chính xác và óc tổ chức là tài sản quý hóa nhất cho
phát triển khoa học kỹ thuật; dụng cụ máy móc hay tài chánh chỉ là điều kiện “cần”,
nhưng chưa thể “đủ”.
Tiến sĩ Thái cũng chia sẻ, trong
thế giới rộng mở với rất nhiều diễn tiến hiện nay, có những khám phá không đòi
hỏi những điều kiện hay theo quy luật tiêu chuẩn như kể trên. Về y sinh, đó là
trường hợp Tiến sĩ Kary Mullis, Hoa kỳ lãnh giải Nobel 1993 từ việc khai triển
được phản ứng sinh học làm tăng sinh số lượng gen (thường được giới khoa học gọi
là PCR hay polymerase chain reaction). Dù trước đó Mullis không có thành tích
gì lớn lao, tuy nhiên PCR đã mang lại cách mạng cho nghiên cứu và ứng dụng chuẩn
đoán gen. Tuy nhiên, ông không nghĩ khoa học Việt Nam nên đánh cuộc vào những
trường hợp đặc biệt như thế, mà nên chú tâm xây dựng những chương trình tiêu
chuẩn, nhân lực có khả năng và phẩm chất cao.
Phát biểu của ông Đinh La Thăng
hôm 24/2 không phải là lần đầu ông thể hiện khát vọng có người Việt Nam giành
giải Nobel.
Hồi tháng 3/2008, khi còn là Chủ
tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, ông Thăng đã ký một thỏa thuận
hợp tác toàn diện giữa tập đoàn và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có nội
dung “xây dựng và triển khai thực hiện đề án chiến lược để Việt Nam có được giải
thưởng Nobel và các giải thưởng quốc tế có uy tín khác”.
Việt Nam chưa bao giờ có người được
trao giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học. Lần đầu tiên và duy nhất đến nay một
cái tên Việt Nam được quỹ giải thưởng danh tiếng chọn lựa là ông Lê Đức Thọ.
Nhà chính trị Việt Nam này được trao chung giải Nobel Hòa bình vào năm 1973
cùng ông Henry Kissinger của Mỹ do đã đàm phán đi đến Hiệp định Hòa bình Paris
về việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Thọ đã từ chối nhận giải vì
theo lời ông “hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét