Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Liên minh chính trị trong tranh cử

Nguyễn Thị Từ Huy-RFA



Trong khi người Việt Nam tiếp tục chia rẽ, tiếp tục chứng tỏ rằng họ không thể nào hàn gắn được với nhau sau những rạn nứt (mà lý do nhiều khi rất vớ vẩn), thì chúng ta đang chứng kiến những cảnh liên kết ngoạn mục trong chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Pháp.

Tuần này dân Pháp vừa được thấy những chuyển động quan trọng của các phái khác nhau trong chính trị Pháp : François Bayrou từ bỏ cuộc đua chức tổng thống để liên minh với Emmanuel Macron. Tương tự, ứng viên Yannick Jadot tuyên bố chấm dứt tranh cử để liên minh với Benoît Hamon. Báo chí đang đặt câu hỏi rằng liệu có hay không việc ứng viên Jean-Luc Mélenchon chọn một quyết định tương tự để tham gia liên minh với Benoît Hamon, nhằm tạo thế mạnh cho cánh tả, trong khi mà khả năng có thể vượt qua vòng một của ứng viên này không có nhiều. Trong một phát biểu mới đây trên truyền hình, Jean-Luc Mélenchon để ngỏ khả năng này.

Về việc này, những độc giả dùng tiếng Pháp đã biết đến vô số phân tích của các chuyên gia Pháp, xin không nhắc lại ở đây, tôi chỉ đề cập một vài điểm mà theo tôi có thể có ích lợi cho cộng đồng Việt Nam chúng ta.

Sự cộng tác của các lãnh đạo chính trị sẽ kéo theo việc số cử tri ủng hộ họ hợp nhất lại với nhau. Dĩ nhiên, không hoàn toàn một trăm phần trăm, nhưng chắc chắn sẽ có sự hợp nhất về cử tri, sẽ có việc dồn phiếu cho một ứng viên thay vì để số phiếu phân bố rải rác cho nhiều ứng viên khác nhau. Đây là một ví dụ cho thấy rõ ý nghĩa của mấy từ « hoà hợp hoà giải » hay « liên minh ». Nếu nhớ lại rằng cách đây ít lâu, François Bayrou chỉ trích Emmanuel Macron gay gắt như thế nào trên báo chí, thì hành động mới đây của ông ấy tuyên bố tặng cho Macron sự hợp tác của mình (« làm tất cả để ủng hộ Macron », ông ta khẳng định như vậy) cho chúng ta thấy các nhận định và các quyết định chính trị mang tính « tình huống » như thế nào. Tình huống thay đổi, nhận định sẽ thay đổi theo, và các quyết định cũng sẽ thay đổi theo. Và các quyết định chính trị khôn ngoan đòi hỏi phải vượt qua « cái tôi » (như Yannick Jadot giải thích) để hướng tới mục đích chung và lâu dài. Dĩ nhiên, một đề nghị liên minh được đưa ra không phải là vô tư, mà phải có các điều kiện kèm theo. Chẳng hạn, điều kiện của François Bayrou là : Macron, nếu được bầu làm tổng thống, sẽ phải đưa vào một đạo luật quy định về « đạo đức hoá đời sống chính trị và bảo vệ cuộc đấu tranh chống các xung đột lợi ích ». Như ta thấy, đó không phải là một trao đổi mang tính chất « mua, bán ». Đó là sự trao đổi nhằm thực hiện một lý tưởng chính trị. Còn việc phân bố các « vị trí » như thế nào, báo chí cũng có đặt câu hỏi.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ sinh hoạt chính trị ở các nước dân chủ. Chỉ có điều chúng ta có muốn học hay không mà thôi. Bao giờ người Việt mới hình thành được một liên minh chính trị của mình ? Một liên minh đủ mạnh để có thể biến giấc mơ dân chủ thành hiện thực cho quê hương ?

Và chúng ta đừng quên rằng các vấn nạn của Việt Nam hiện nay (từ việc lệ thuộc vào Trung Quốc đến sự xuống cấp toàn diện của xã hội) chỉ có thể được giải quyết cùng với việc dân chủ hoá thể chế chính trị.

Paris, 26/2/2017

Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét