Như thông lệ, vào trung tuần tháng hai hàng năm, báo chí VN thường đăng tải những bài viết về chiến tranh Việt-Trung 17 tháng hai năm 1979. Trên BBC có đăng lại bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề “Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978”.
Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa VN và TQ là vấn đề “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” : “tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.”
Dữ kiện này (nếu có thật) thì là chuyện ngạc nhiên. Vì nó
trái ngược với tất cả các tài liệu (đã được giải mã) của các bên, từ phía TQ,
VN hay Hoa Kỳ…
TQ đã mở đầu cuộc chiến khi xua quân tràn qua biên giới ngày 17 tháng hai năm 1979. Quần đảo
Hoàng Sa đã bị TQ chiếm từ tháng giêng 1974. Dĩ nhiên TQ không thể vịn vào
“tranh chấp Hoàng Sa” để biện hộ cho hành vi xâm lược. Bởi vì quần đảo này đã yên ổn trong tay họ.
Về phía Việt Nam (VNDCCH), nếu xét sâu xa ở phương diện lịch
sử thành hình biên giới Việt-Trung, vấn đề Hoàng Sa cũng là chuyện “đã rồi”, ít
ra trong khoản thời gian từ năm 1958 cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Ngay cả lúc sau này VNDCCH thay đổi lập trường, thì kết luận “tranh chấp Hoàng
Sa” là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến cũng là điều khó thuyết phục.
Các học giả quốc tế, không ngoại lệ, đều cho rằng nguyên
nhân chủ yếu đưa đến cuộc chiến “Đông Dương lần thứ ba” là yếu tố Liên Xô mà Tiến
sĩ Balazs Szalontai đã loại trừ.
Cuộc chiến nhìn từ phía Trung Quốc.
Tác giả King C. Chen trong “China’s War Against Vietnam” kể
lại buổi họp ngày 16 tháng hai 1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì, 17
tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra. Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình
cho các lãnh đạo CSTQ về bản chất và mục tiêu cuộc chiến.
Theo họ Đặng bản chất cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”. Cuộc
chiến được “giới hạn” về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là
dạy cho Việt Nam một “bài học”.
Gọi “hoàn kích tự vệ chiến”, tức đánh trả để tự vệ, bởi vì
VN đã “trục xuất kiều dân người Hoa” cũng như bộ đội VN nhiều lần mở các cuộc tấn
công vào lãnh thổ TQ, chiếm đất của TQ cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.
Mục tiêu “cho VN một bài học”, bởi vì “VN cực kỳ ngạo mạn”,
xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là “cường quốc thứ ba trên thế giới”.
Học giả TQ, Xiaoming Zhang, trong “China’s 1979 War with
Vietnam: A Reassessment”, dẫn Nayan Chanda của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông, rằng
cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị hàng tuần vào đầu
tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô
ơn và ngạo mạn”.
Theo tác giả này, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà
Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975 VN
buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây
là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào
Campuchia.
Tác giả cũng dẫn ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham
mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng
tham mưu QGPND tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về “làm sao đối phó với nạn xâm
chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”.
Ý kiến của Châu Đức Lễ (về việc VN chiếm đất của TQ) được củng
cố nếu ta xét tài liệu “mật” của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa.
Theo tài liệu này thì VN chiếm khoảng 60km² đất của TQ.
Nhưng ý nghĩa của cuộc “phản công tự vệ chiến” (vì VN chiếm
60km² đất của TQ) là không có căn cứ. Theo nghiên cứu của cá nhân, chuyện VN
chiếm 60km² đất của TQ là chuyện “bịa đặt” để TQ “lấy cớ” đánh VN.
Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung
đột chỉ trong một tháng (quân TQ hoàn tất việc rút quân vào ngày 17 tháng 3 năm
1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về “qui mô”, TQ cũng giới
hạn không sử dụng hải quân và không quân.
Không có một dòng nào để ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến biên
giới 1979 có mối liên quan với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Cuộc chiến nhìn từ học giả nước ngoài.
Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thuyết phục hơn hết là
“nguyên nhân chiến lược”, dẫn từ tham luận “Security Issues in Southeast Asia:
The Third Indochina War” của học giả Carlyle Thayer, đọc tại Hội Nghị “An Ninh
và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương”, Đại học Quốc gia Úc (Canberra)
tháng tám 1987.
Theo học giả Carlyle Thayer, TQ (và cả khối ASEAN) lo ngại sự
thành hình của “liên minh chiến lược Đông dương” mà liên minh này thân Liên Xô.
Quan niệm của VN “Đông dương là một đơn vị chiến lược duy nhứt, một chiến trường
duy nhứt”. Quan niệm này đã thể hiện qua hai cuộc “chiến tranh Đông dương”, lần
thứ nhứt giữa Bắc Việt với “thực dân Pháp” và lần hai giữa Bắc Việt với “đế quốc
Mỹ”. Cuộc chiến 1979 được gọi là “cuộc chiến Đông dương lần thứ ba”, VN gọi TQ
là “bọn bành trướng bá quyền”.
Nếu khảo sát sơ lược các diễn tiến lịch sử đã qua, ta thấy
lý thuyết của học giả Carlyle Thayer được chứng minh. Điều này cũng “ăn khớp” với
cái nhìn từ TQ.
Khúc quanh làm sụp đổ quan hệ giữa VN và TQ bắt đầu từ năm
1976, khi LX hứa hẹn viện trợ cho VN 3 tỉ đô la. Số tiền này bằng số tiền mà Mỹ
hứa sẽ viện trợ, (nếu VN tôn trọng hiệp định Paris). VN trở thành “vệ tinh” của
Liên Xô từ lúc này.
Từ năm 1965 đến 1975, LX đã trở thành nhà cung cấp chính yếu
các nhu cầu kinh tế và quốc phòng để VN tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Mỹ và TQ
đã có những thỏa thuận quan trọng từ năm 1972. Năm 1973 Mỹ rút quân khỏi VN. Tất
cả những nỗ lực của TQ giúp cho VN, trong 20 năm (từ 1950 đến 1970) là 20 tỉ đô
la, nhằm mục đích phòng thủ về phía nam. Sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, TQ hạn
chế mọi viện trợ kinh tế và quốc phòng cho VN.
Nhưng sau đó Liên Xô ảnh hưởng lên VN, đồng thời với
Afghanistan cũng như Mông cổ và Bắc Hàn. Rốt cục TQ bị bao vây chặt chẽ từ bốn
hướng bởi một kẻ thù chiến lược khác, nguy hiểm hơn cả Mỹ, vì LX có tham vọng về
lãnh thổ còn Hoa Kỳ thì không.
Cũng năm 1976, những nhân vật thân TQ, như Hoàng Văn Hoan, bị
loại khỏi Bộ Chính trị và mất hết các chức vụ trong đảng.
Tháng bảy năm 1977 VN ký kết “Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác”
với Lào có nội dung hỗ tương “tăng cường năng lực phòng thủ… chống lại mọi ý đồ
và các hành vi phá hoại của đế quốc chủ nghĩa và các lược lượng phản động ngoại
lai…”.
“Đông dương là đơn vị chiến lược duy nhứt” theo quan điểm của
VN đang được thành hình. Vấn đề là “đơn vị chiến lược” này thân LX.
Phản ứng của TQ qua Ngoại trưởng Hoàng Hoa là lên án “chủ
nghĩa xét lại Xô Viết” đồng thời công khai cảnh cáo trước VN về hậu quả của một
cuộc xâm lấn Campuchia.
Tiếp tục theo đuổi sách lược (bài Hoa thân LX) của mình, VN
làm đơn xin gia nhập khối COMECON, là khối tương trợ về kinh tế do LX đứng đầu.
Hội nghị đảng tháng hai năm 1978, Hà Nội quyết định phát động
chiến dịch “đánh tư sản mại bản” ở miền Nam. Có đến 30.000 doanh nghiệp tư nhân
ở miền Nam bị “quốc hữu hóa” mà đa số do người Hoa làm chủ. Chiến dịch thanh lọc
mà TQ gọi là “nạn kiều” cũng được phát động cùng thời kỳ. Hàng trăm ngàn người
Việt gốc Hoa, phần lớn đã sinh ra và lớn lên ở VN, không biết tiếng Hoa, cũng bị
“trục xuất”. Việc này tạo thành một cuộc “vượt biên” vĩ đại, bán chính thức, vì
do chính công an VN đứng ra tổ chức. Hàng triệu người VN dùng vàng mua “vé”
(trung bình 7 lượng vàng một đầu người) để lên những chiếc tàu đánh cá mong
manh với hy vọng thoát thân. Trong khi hàng chục ngàn người Hoa sống ở miền Bắc
thì theo đường bộ “vượt biên” trở về lục địa.
Đến thời điểm này nội bộ đảng TQ đã lên kế hoạch “cho VN một
bài học”.
Tháng sáu 1978, TQ cho đóng cửa hàng loạt tòa lãnh sự ở VN.
Cùng lúc VN chính thức gia nhập khối COMECON. Tháng 11 hai bên VN và LX ký kết
hiệp ước an ninh hỗ tương.
Để đối phó, TQ thiết lập những quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật
cũng như các nước ASEAN. Hiệp ước “Hòa bình và hữu nghị” giữa TQ và Nhật cũng
được ký kết (tháng tám 1978).
Hai bên Nhật và TQ (lục địa cộng sản) không hề tuyên bố chiến
tranh trong Thế chiến Thứ II. Không có chiến tranh sao lại ký hiệp định “hòa
bình” ? Lợi ích chiến lược có đủ lý lẽ để giải thích. Qua cuộc chiến với VN, TQ
lấy được niềm tin với khối tư bản Mỹ, Nhật… Cũng từ lúc này TQ “cất cánh” thành
công, qua các kế hoạch “tứ hiện đại”, nhờ vào tư bản và kỹ thuật của Mỹ, Nhật.
Một tháng sau khi ký hiệp ước hỗ tương với LX, ngày 25 tháng
chạp 1978 VN xua quân tiến vào lãnh thổ Campuchia.
Tức nước vỡ bờ, cuộc chiến 17 tháng hai 1979 là điều tất yếu
phải đến.
Vấn đề là ta không hề thấy yếu tố Hoàng Sa “là nguyên nhân
chính đưa đến cuộc chiến” trong bất kỳ lập luận nào của các học giả nước ngoài.
Yếu tố Hoàng Sa trong quá trình đàm phán về biên giới.
Lịch sử thành hình đường biên giới hai nước Việt Trung có
nhiều uẩn khúc. “Đường biên giới lịch sử” giữa VN và TQ đã thành hình từ thời
xa xưa “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Nếu chỉ tính đường biên giới “qui ước”, tức
đường biên giới được tập quán quốc tế nhìn nhận, thì biên giới hai nước đã được
phân định theo các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895. Vấn đề là các công ước này
đã nhượng nhiều ngàn cây số vuông đất của VN cho TQ.
Theo tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Trung”, NXB Sự Thật,
tháng 10-1979, đường hướng giải quyết tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung
của VN được ghi lại khá cụ thể. Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với
Trung Quốc : “hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các
tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật
pháp quốc tế”.
Cũng theo tài liệu này, tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả
lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.
“Hai đường biên giới do lịch sử để lại” ở đây, dĩ nhiên, một
là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển (trong Vịnh bắc Việt
- Golfe du Tonkin), do Pháp và nhà Thanh phân định năm 1887 (và năm 1895).
Vấn đề Hoàng Sa (và Trường sa) được hai bên đề cập nhân
Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của
Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc. Nội dung Tuyên bố gồm 4 điểm, tóm lược như sau:
Điểm 1 tuyên bố hải phận 12 hải lý áp dụng trên toàn lãnh thổ,
kể cả các quần đảo Tây sa và Nam sa (tức Hoàng sa và Trường sa). Điểm 2 tuyên bố
hệ thống đường cơ bản trên đất liền và các quần đảo ngoài khơi. Điểm 3 tuyên bố
về vùng cấm không phận và hải phận đối với phi cơ và tàu bè quân sự nước ngoài.
Điểm 4 khẳng định nội dung các điều 2 và 3 cũng được áp dụng cho các quần đảo
HS và TS…
Ngày 14 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký công hàm
tuyên bố VN “ghi nhận” và “tán thành” Tuyên bố đơn phương của TQ.
Công hàm cam kết :
“Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị
cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của
Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.”
Tức là, đến thời điểm này VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường của Liên Xô (và khối XHCN) về chủ quyền các quần
đảo HS và TS, thể hiện qua Hội nghị San Francisco 1951. Theo đó LX và các nước
thuộc khối XHCN ủng hộ lập trường của TQ. Cả hai bên TQ, Mao và Tưởng, đều
không tham dự hội nghị. LX là quốc gia “đại diện quyền lợi” cho TQ tại Hội nghị
này.
Trong khi đó đại diện của VNCH tại Hội nghị là ông Trần Văn
Hữu, nhân dịp này đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của VN tại hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan điểm của LX không thay đổi, cho đến tháng giêng năm
1974. LX lên án TQ sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của VNCH. Quân lực Hoa Kỳ
không can thiệp vì đã bị các điều ước của Hiệp định Paris 1973 ràng buộc. Trong
khi miền Bắc (VNDCCH) thì “im lặng” còn MTGPMN từ khước ký vào bản lên án TQ
xâm lăng HS của VNCH.
Cũng theo tài liệu dẫn trên, quan điểm của VN về biên giới
trong Vịnh Bắc Việt, cho đến tháng 12 năm 1973 :
“Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến
Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông
Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng
bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức
đường biên giới trong vịnh.”
Yêu sách của phía VN như vậy là hợp lý vì phù hợp với lịch sử
và pháp lý.
Nhưng quan niệm của TQ, năm 1974, sau khi xâm lăng quần đảo
Hoàng Sa của VN : “trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay
hai nước phải bàn bạc phân chia.”
Tức là phía TQ, trong chừng mực, đã “bội ước”.
Hai công ước Pháp-Thanh về biên giới 1887 và 1895 đã nhượng
cho TQ các vùng đất quan trọng về kinh tế và chiến lược. Gồm:
Bán đảo Bạch Long, tức khu vực phía đông-bắc Móng Cái, diện
tích khoảng 300 cây số vuông. Khu vực này hiện nay vẫn còn có một nhóm “dân tộc
Kinh” sinh sống (gọi là Kinh đảo, ngày xưa gồm ba đảo Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu).
Đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải
Ninh.
Tổng Tụ long, thuộc Vị xuyên (Hà giang hiện nay) diện tích
khoảng 700km², là một vùng đất phong phú về quặng mỏ.
Trên lý thuyết VN có thể “đặt lại” hiệu lực các công ước
1887-1895, vì nhà nước bảo hộ Pháp đã “bội ước” (Dol), lấy đất của VN nhượng
cho TQ để được lợi ích về kinh tế.
VN đã chấp nhận những thiệt thòi này trên đất liền vì (hy vọng)
phía TQ cũng làm tương tự ở biên giới trong Vịnh Bắc Việt.
Nhưng sau khi TQ chiếm được Hoàng Sa, lập tức TQ “phủi sạch”
mọi hứa hẹn trước kia (về hai đường biên giới) với VN.
Dĩ nhiên, thái độ của VN, sau 1975, là “lật ngược” lại những
cam kết của mình trước kia đối với TQ, như vấn đề Hoàng Sa.
Vì vậy, kết luận của Tiến sĩ Balazs Szalontai, cho rằng
“tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” là “nguyên nhân chính” đưa đến xung đột
Việt-Trung năm 1979 là không thuyết phục.
Có thể vấn đề “bội ước” của TQ là “giọt nước làm tràn ly”.
Nhưng lý do chính vẫn là TQ từ khuớc giúp miền Bắc “giải phóng miền Nam” (từ
năm 1965), mà điều này mới là mấu chốt khiến VN “trở áo” với TQ để “đi” với
LX.
Rốt cục VN chiến thắng trong cuộc chiến 1979. Quân TQ rút khỏi
VN mà quân VN vẫn còn ở Campuchia cho đến
mười năm sau.
Còn VN thì “học” được TQ một bài học để đời. Hội nghị Thành
đô 1991 nói gì đến nay vẫn chưa ai biết. Kết quả thấy được là sau đó VN chấp nhận
tất cả những yêu sách của TQ về biên giới.
VN mất đất trên biên giới (do các công ước Pháp-Thanh). VN
ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền tháng 12 năm 1999 với TQ, chấp nhận “mất
thêm” một số vùng lãnh thổ khác (do cuộc chiến biên giới 1979). Tháng 12 năm
2000 VN ký kết với TQ Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, đường biên giới mới được
xác định. VN chịu lép vế không tính hiệu lực các đảo Bạch Long vĩ và Cồn cỏ đồng
thời chấp nhận thiệt hại hàng chục ngàn cây số vuông biển (so với biên giới là
đường kinh tuyến 108°3’13’’).
Riêng quần đảo Hoàng Sa thì không có gì để nói. TQ không chấp
nhận bất kỳ đàm phán nào về quần đảo này. Ngoài ra TQ còn quân sự hóa, biến các
đảo “chim ỉa” (nói theo ông Hồ khi nhượng quần đảo này cho TQ) trở thành những
địa điểm trọng yếu về kinh tế và chiến lược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét