Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn: Francis Fukuyama, “The Emergence of a Post-Fact
World,” Project Syndicate, 12/01/2017.
Một trong những diễn biến nổi bật nhất của năm 2016 và nền
chính trị rất bất thường của năm là sự xuất hiện của một thế giới “hậu thực tế”
(post-fact), nơi mà hầu hết các nguồn thông tin đáng tin cậy bị nghi ngờ và bị
thách thức bởi những thực tế trái ngược có chất lượng và nguồn gốc mập mờ.
Sự trỗi dậy của Internet và World Wide Web vào thập niên
1990 được chào đón như một thời khắc của giải phóng và một điều có lợi cho nền
dân chủ trên khắp thế giới. Thông tin là một dạng quyền lực, và nhờ thông tin
trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn, các cộng đồng dân chủ có thể tham gia vào những
lĩnh vực mà trước kia họ bị loại trừ.
Sự phát triển của truyền thông xã hội vào đầu những năm 2000
dường như đã làm tăng tốc xu hướng này, cho phép sự huy động quần chúng vốn thúc
đẩy các cuộc “cách mạng màu” dân chủ trên khắp thế giới, từ Ukraine đến Myanmar
đến Ai Cập. Ở một thế giới của truyền thông đồng đẳng (peer-to-peer), những người
gác cổng thông tin cũ, chủ yếu được xem là các quốc gia chuyên chế áp bức, có
thể bị qua mặt.
Mặc dù câu chuyện tích cực trên có phần đúng, một câu chuyện
khác, đen tối hơn cũng đã hình thành. Các thế lực chuyên chế cũ phản ứng một
cách biện chứng, học cách quản lý Internet, như ở Trung Quốc, với hàng chục
ngàn người kiểm duyệt, hay, như ở Nga, bằng cách tuyển mộ hàng quân đoàn troll
(một dạng dư luận viên – NBT) và tung ra bot (robot mạng – NBT) để làm tràn ngập
mạng xã hội bằng thông tin xấu. Những xu hướng này cùng nhau thể hiện một cách
rất dễ thấy trong năm 2016, trong những cách tạo ra mối liên hệ giữa chính trị
quốc tế và trong nước.
Kẻ thao túng truyền thông xã hội hàng đầu là Nga. Chính phủ
nước này đã phát tán những điều sai trái trắng trợn như việc những người dân tộc
chủ nghĩa Ukraine đóng đinh trẻ nhỏ, hay chính phủ Ukraine bắn rơi máy bay
MH-17 vào năm 2014. Cũng những nguồn này đóng góp vào các cuộc tranh luận về sự
độc lập của Scotland, Brexit, cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về thỏa thuận hợp
tác giữa EU với Ukraine, thổi phồng bất cứ thực tế đáng ngờ nào có thể làm suy
yếu các lực lượng ủng hộ EU.
Các chính quyền chuyên chế lấy thông tin xấu làm vũ khí đã đủ
tệ, nhưng (tệ hơn là) việc làm này cũng bén rễ rất sâu trong chiến dịch tranh cử
tổng thống ở Mỹ. Mọi chính trị gia đều nói dối, hoặc nói một cách độ lượng hơn,
họ xoay sự thật theo hướng có lợi cho mình, nhưng Donald Trump đã đưa việc làm
này đến những tầm cao mới chưa từng có. Nó bắt đầu vài năm trước với việc ông
truyền bá quan điểm “birtherism,” cáo buộc Tổng thống Barack Obama không sinh
ra ở Mỹ; Trump vẫn tiếp tục truyền bá điều đó ngay cả khi Obama đã công khai giấy
khai sinh chứng minh mình sinh ra ở Mỹ.
Trong các cuộc tranh luận tranh cử gần đây, Trump nhấn mạnh
rằng ông chưa bao giờ ủng hộ Chiến tranh Iraq và chưa bao giờ nói biến đổi khí
hậu là trò lừa bịp. Sau cuộc bầu cử, ông khẳng định mình đã thắng cả phiếu bầu
phổ thông (dù ông thua hơn hai triệu phiếu), do có sự gian lận bỏ phiếu. Đây
đơn giản không phải là các sắc thái của sự thật, mà hoàn toàn là dối trá và có
thể lật tẩy một cách dễ dàng. Việc ông khẳng định chúng đã đủ tệ; tệ hơn nữa là
dường như ông không phải chịu hình phạt nào từ những cử tri Cộng hòa vì sự giả
dối liên tục và trắng trợn của mình.
Giải pháp truyền thống cho thông tin xấu, theo những người vận
động cho tự do thông tin, đơn giản là cung cấp thông tin tốt, những thông tin sẽ
nổi lên hàng đầu trong một thị trường ý tưởng. Không may là giải pháp này kém
hiệu quả hơn nhiều trong thế giới của truyền thông xã hội với troll và bot. Ước
tính có đến một phần ba đến một phần tư những người sử dụng Twitter là thuộc dạng
này. Internet đáng ra phải giải phóng chúng ta khỏi những người gác cổng; và
đúng là giờ đây thông tin đến với chúng ta qua tất cả các nguồn có thể có, tất
cả đều có độ tin cậy như nhau. Không có lý do gì để nghĩ rằng thông tin tốt sẽ
thắng thông tin xấu.
Điều này nhấn mạnh một vấn đề nghiêm trọng hơn những lời dối
trá riêng lẻ và ảnh hưởng của chúng lên kết quả bầu cử. Tại sao chúng ta tin
vào thẩm quyền của bất kỳ thực tế nào, trong khi ít ai trong số chúng ta có khả
năng chứng thực phần lớn chúng? Lý do là có những thể chế khách quan có nhiệm vụ
cung cấp thông tin xác thực mà chúng ta tin tưởng. Người Mỹ lấy thống kê tội phạm
từ Bộ Tư pháp, và dữ liệu thất nghiệp từ Cục Thống kê Lao động. Những hãng tin
chủ lưu như tờ New York Times đúng là có thiên hướng chống Trump, nhưng họ có
những hệ thống nhằm ngăn chặn những sai sót trắng trợn về thực tế xuất hiện
trên ấn bản của mình. Tôi rất nghi ngờ việc Matt Drudge hay Breitbart News có
những đội kiểm chứng thực tế để đảm bảo sự chuẩn xác của những tài liệu mà họ
đăng trên trang web của mình.
Ngược lại, trong thế giới của Trump, mọi thứ đều bị chính trị
hóa. Trong chiến dịch tranh cử, ông cho rằng Cục Dự trữ Liên bang của Janet
Yellen đã làm việc cho chiến dịch của Hillary, cuộc bầu cử bị gian lận, các nguồn
tin chính thức đã cố tình báo cáo không đầy đủ về tình hình tội phạm, và việc
FBI từ chối truy tố Clinton phản ánh việc chiến dịch của bà đã làm tha hóa
James Comey. Trump cũng từ chối chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tình báo
đã lên án việc Nga tấn công hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
Và dĩ nhiên Trump và những người ủng hộ ông đã rất hào hứng bôi nhọ mọi tin tức
của “truyền thông chủ lưu” là vô cùng thiên vị.
Việc không có khả năng đồng ý về những thực tế căn bản nhất
là sản phẩm trực tiếp của một cuộc tấn công toàn diện lên các thể chế dân chủ –
ở Mỹ, ở Anh, và trên toàn thế giới. Và đây là nơi mà các nền dân chủ đang hướng
đến rắc rối. Ở Mỹ, đúng là đã có sự suy tàn thể chế thực sự, nhờ đó các nhóm lợi
ích lớn có khả năng tự bảo vệ mình thông qua một hệ thống tài trợ tranh cử
không giới hạn. Trọng tâm chính của sự suy tàn này là Quốc hội, và các hành vi
xấu nói chung vừa hợp pháp vừa phổ biến. Vì thế dân thường có lý do để bất mãn.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử ở Mỹ đã làm chuyển dịch nền tảng
đến một niềm tin chung rằng mọi thứ đều bị gian lận hoặc chính trị hóa, và hối
lộ trắng trợn đang tràn lan. Nếu giới quản lý bầu cử xác nhận rằng ứng cử viên
mà bạn ủng hộ không phải là người thắng, hay nếu ứng cử viên kia dường như làm
tốt hơn trong một cuộc tranh luận, thì đó phải là do một âm mưu phức tạp của
bên kia nhằm làm sai lệch kết quả. Niềm tin về tính suy đồi của mọi thể chế đã
dẫn đến một ngõ cụt là sự mất lòng tin ở mọi nơi. Nền dân chủ Mỹ, cũng như mọi
nền dân chủ, sẽ không thể sống sót nếu thiếu lòng tin về khả năng tồn tại các
thể chế khách quan. Khi thiếu lòng tin đó, cuộc đấu đá chính trị giữa các đảng
phái sẽ bắt đầu lan tỏa đến mọi khía cạnh của đời sống.
Francis Fukuyama là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học
Stanford và giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển, và Pháp quyền. Cuốn sách gần
đây nhất của ông là Political Order and Political Decay.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét