Ai sẽ trở thành tổng bí thư, nếu
ông Nguyễn Phú Trọng ‘giữ đúng cam kết ngồi 2 năm’?
Cái tết Nguyên đán lê thê mệt đứ
đừ cuối cùng cũng đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Những màn hiếu hỉ quan chức ở đủ mọi
cấp trước Tết và trong Tết rốt cuộc cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bây giờ thì còn lại cái gì?
Ai sẽ xử lý ít nhất 25 tỷ USD nợ
xấu trong hệ thống ngân hàng mà nhiều năm qua đã hầu như không bán được nợ cho
ai?
Ai sẽ xử lý số nợ công quốc gia
lên đến 210 phần trăm GDP mà mỗi năm ngân sách phải xuất ra hàng chục tỷ USD để
trả nợ quốc tế?
Ai sẽ bảo đảm cho ngân sách hai
năm 2017 và 2018 không đến nỗi kiệt quệ để không còn tiền trả lương cho một đội
ngũ công chức có đến 30% “không làm gì cả”?
Ai sẽ chống đỡ cho vị thế chính
trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để ngân sách Việt Nam khỏi rơi vào cảnh “sụp
đổ tài khóa quốc gia” như ông cảnh báo vào đầu năm 2017?
Ai sẽ trở thành tổng bí thư, nếu
ông Nguyễn Phú Trọng “giữ đúng cam kết ngồi 2 năm”?
Ai hoặc những ai mang khuynh hướng
“muốn thay đổi” để ít nhất tiến hành cải cách thể chế một cách thực chất chứ
không phải chỉ nhằm mị dân, trong một đường hầm hun hút chưa lóe ra tia sáng
nào?
Hoặc ai sẽ xuất hiện như một
“minh quân” để cứu vãn dân tộc khỏi sụp đổ kinh tế và rơi vào móng vuốt Trung
Quốc?
Quá nhiều câu hỏi đang bám chặt lấy
cơ thể tàn tạ của đất nước và những gì còn lại của chân đứng chế độ.
Nhưng tuyệt nhiên chưa có câu trả
lời.
Chẳng lẽ ngồi trơ mắt nhìn nhau?
Trong lúc đó, “kênh Mỹ” lại biến
động đến đáng kinh ngạc. Những người hài hước nhất mô tả rằng giới lãnh đạo Việt
Nam từ cao xuống thấp đều “ngơ ngác” vì đã mất “mối” Hillary, người mà họ còn có
thể phần nào đoán được và phần nào tái diễn chính sách đu dây cũ. Còn với Trump
thì mọi việc gần như phải làm lại từ đầu…
Làm lại từ đầu… trong bối cảnh
quá nhiều câu hỏi vẫn nguyên trạng khủng hoảng trong tâm não chính khách. Tìm
ra lối thoát tập thể nhưng tối hậu là lối thoát cá nhân vào lúc này xem ra đau
đầu tương đương với chuyện xử lý nợ xấu và nợ công.
Trong khi đó, Tổng Bí thư Trọng vẫn
tiếp tục kiên định “định hướng xã hội chủ nghĩa”, dù từ năm 2015 một quan chức
chính phủ là ông Bùi Quang Vinh đã nói toạc ra rằng “có thứ đó đâu mà tìm”. Ông
Trọng vẫn hô hào “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bất chấp cho tới giờ ông
ta còn chưa thấy tăm hơi “tử thù” Trịnh Xuân Thanh ở đâu, còn những kẻ khác như
Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng của Tập đoàn Dầu khí PVN lại đã theo chân Thanh biệt
xứ.
Rõ ràng mọi thứ đã bế tắc, hoàn
toàn bế tắc. Bế tắc toàn diện.
Chẳng lẽ không thể tìm được nút
tháo?
Ăn tết xong rồi thì làm gì?
Làm gì để có tiền trả lương, trả
nợ và để “đầu tư phát triển”?
Làm gì để duy trì được quyền lực
chính trị, lợi ích nhóm? Kể cả một tương lai được bảo đảm sẽ không bị “hồi tố”
trong hoàn cảnh chẳng ai thật sự an toàn?
Làm gì để một bộ phận dân chúng
khốn quẫn nhất khỏi vùng lên nổi loạn?
Nếu không có một tia lửa phát ra,
mọi chuyện sẽ vẫn như cũ trong năm 2017, để đến cuối năm nay vẫn tiếp tục bài
ca bế tắc. Khi đó, chắc chắn sẽ còn những quan chức khác dám nói công khai đến
chuyện “sụp đổ”, sau lời cảnh báo của Thủ tướng Phúc.
Vài ba khuôn mặt mới nổi hoặc có
vẻ mới nổi, chẳng hạn như “chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động” của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, gương mặt thâm trầm nhưng khó mà yên tĩnh nổi của Chủ tịch
nước Trần Đại Quang, vẻ từ tốn đều đều như đang cân nhắc tình thế của Bộ trưởng
Công an Tô Lâm. Chưa kể “nhóm quân đội” và những nhân sự chính ở thủ đô lẫn
“thành đô”…
Nhưng nói gì thì nói, cái tết
Nguyên đán vừa trôi qua đã chưa thể tạo ra được “tia lửa” nào.
Nói gì thì nói, vẫn chưa có gì được
coi là “Làm gì?” như một trước tác của Vladimir Ilich Lenin đã dạy họ.
Hay mọi chuyện phải chờ đến sau Tết
- Hội nghị trung ương 5 và cả Hội nghị trung ương 6?
Sau những màn hiếu hỉ bất tận và
cực kỳ đãi bôi? Sau những nụ cười giễu cợt mà có thể ngầm hiểu như động tác sẵn
lòng “rút súng sau lưng”?
Nhưng hình như không ai biết được
khi nào sẽ là quá muộn để hành động.
Hình như tất cả đều chờ nhau. Còn
lớp dân đen lại ngóng cổ chờ “ơn mưa móc” hoặc những cú giáng từ trên trời xuống
kiểu “cá chết Formosa”.
Việt Nam năm thứ 72 của triều đại
cộng sản tính từ 1945, kém thua đúng một năm của chiều dài 73 năm đảng cộng sản
Liên Xô tính từ 1917. Ai muốn tồn tại, kẻ đó phải dựa vào dân, phải mở dân chủ,
và phải quên đi thời hoàng kim chỉ hùng hục một đảng.
Hãy coi chừng: bài học lịch sử lớn
nhất là chẳng có kẻ nào rút ra được gì từ lịch sử. Muôn đời vẫn thế.
Chẳng cần nói cũng biết, bất cứ
ai muốn “kiến tạo” và “hành động” đều cần phải phát ra ít nhất vài ba tín hiệu
nào đấy, dù chỉ là tín hiệu gián tiếp.
Những tín hiệu ấy, dù có thể chưa
đến mức can đảm lộ diện công khai, tối thiểu cũng phải được phát lộ một cách âm
thầm, nhưng lại không thể kín lặng đến mức chẳng ai hiểu được đó là cái gì.
Cũng không còn cái thời chỉ rặt một
thứ dân chủ giả hiệu. Bây giờ, vào buổi hoàng hôn chân tường, giả hiệu phải biến
thành thực chất.
Chẳng hạn, có xét lại Luật về Hội
với những nội dung phải cởi mở hơn hẳn so với chế độ siết bức trong bản dự thảo
gần nhất vào cuối năm 2016?
Hay rộng hơn nữa, thỏa mãn phần
nào quyền tự do biểu tình, tự do báo chí của người dân như những gì mà Hiến
pháp từ tận năm 1992 đã hứa nhưng trắng trợn nuốt lời?
Và chẳng hạn, có đưa đảng Cộng sản
trở về tên cũ - đảng Lao Động?
Hay những kịch bản khác cho một
thể chế hỗn hợp?
Để liệu sẽ có một làn sóng cựu
quan chức cao cấp “tái xuất giang hồ” trong những vai trò mới nào đó?...
Một phương trình quá nhiều ẩn số.
Nhưng tệ hại nhất là thói quen
lâu năm cung cúc trong thế nín thở qua sông và kiểm điểm đảng viên đã khiến chữ
DŨNG của những kẻ muốn làm việc lớn đã mất sạch từ bao giờ.
Mơ mộng thì nhiều nhưng có lẽ chẳng
ai dám trở thành “ngọn cờ” mà có thể sẽ bị gió quật gãy.
Thôi thì đành thế.
Tất cả cùng chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét