Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Ai giết Kim Jong-nam?

Hà Tường Cát 


Chiếc xe chở thi hài Kim Jong-nam đến một bệnh viện ở Kuala Lumpur để giảo nghiệm hôm Thứ Tư. (Hình: Rahman Roslan/Getty Images)




Cảnh sát Malaysia bắt giữ hai nữ nghi can trong vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, hồi đầu tuần này ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur.

Nghi can thứ nhất bị bắt hôm Thứ Tư ngay ở trạm khởi hành là một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Ðoàn Thị Hương, 28 tuổi, dân gốc tỉnh Nam Ðịnh.


Nghi can thứ hai bị bắt sáng Thứ Năm là một phụ nữ mang sổ thông hành Indonesia tên Siti Aishah, 25 tuổi.



Hãng tin AP nói là chưa thể xác định lý lịch của hai đương sự này có đúng như trên giấy tờ hay không.



Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế đều cho rằng đây là hai nhân viên mật vụ thuộc một đơn vị sát thủ của nhà nước Bắc Hàn. Malaysia là một trong số ít các quốc gia giữ quan hệ thân thiện với Bắc Hàn, công dân hai nước được miễn visa khi nhập cảnh. Như thế sử dụng thông hành của nước khác là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý theo dõi điều tra. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều là thành viên ASEAN và sự đi lại giữa các nước này cũng không đòi hỏi visa.



Chiều Thứ Năm, thêm một người đàn ông, được cho là bạn của nghi can Siti Aishah, cũng bị bắt giữ. Cảnh sát Malaysia nói rằng họ còn đang theo dõi ba người khác nữa.



Hãng tin Reuters cho biết sự việc khởi đầu khoảng 9 giờ sáng Thứ Hai. Kim Jong-nam vào phi cảng quốc tế Kuala Lumpur để đi Ma Cau, nơi vợ và hai con đã sống từ nhiều năm gần đây. Theo cảnh sát, Kim Jong-nam chưa qua cổng kiểm soát an ninh khi bị hai phụ nữ tấn công, ngay giữa ban ngày, ở chỗ đông người trong hành lang có các cửa hàng. Dường như có người nào từ phía sau níu đầu Kim Jong-nam lại, choàng một tấm khăn lên mặt, rồi xịt một thứ nước gì đó. Nạn nhân phải đến một quầy hướng dẫn xin giúp đỡ vì cảm thấy xây xẩm choáng váng khó chịu. Sau đó, ông được đưa tới bệnh xá của phi cảng, nơi đây gọi xe cấp cứu chở vào bệnh viện nhưng nạn nhân chết trên đường đi.



Ðài truyền hình Chosun ở Nam Hàn loan tin Kim Jong-nam bị hai phụ nữ đầu độc. Thông tấn xã Yonhap cho biết hai nghi can lên xe taxi trốn khỏi hiện trường. Cảnh sát Malaysia căn cứ vào hình ảnh video trong các máy thu hình kiểm soát an ninh tại phi cảng để truy tầm nghi can.



Các cuộc thanh trừng tàn bạo ở Bắc Hàn, và những chuyện lạ thường cùng hành động ly kỳ của chế độ độc tài Cộng Sản đầy bí ẩn này rất được dư luận chú ý theo dõi. Giới kinh doanh cũng không bỏ qua cơ hội để tìm cách khai thác thương mại.



Theo báo South China Morning Post ở Hồng Kông, khi cảnh sát công bố tấm hình nghi can mang tên Ðoàn Thị Hương mặc váy ngắn và áo T-shirt tay dài trắng có hàng chữ lớn “LOL” trước ngực, hãng bán hàng trên mạng Taobao.com ở Trung Quốc lập tức loan báo họ có bán kiểu áo giống như của nữ sát thủ, nhưng món hàng thời trang không bình thường này bị phản ứng của cộng đồng mạng và trong một thời gian ngắn Taobao đã phải gỡ bỏ quảng cáo ấy.



Vụ ám sát Kim Jong-nam càng ngày càng khó hiểu với thêm nhiều chi tiết phức tạp được biết.



Mặc dầu Bắc Hàn phản đối nhưng không có lời yêu cầu chính thức, nên nhân viên pháp y Malaysia đã giảo nghiệm thi hài Kim Jong-nam và sẽ trao trả thi hài cho Bắc Hàn. Kết quả giảo nghiệm không được công bố, do đó chưa thể rõ nạn nhân bị đầu độc như thế nào.



An ninh đang được thắt chặt tại tất cả các cửa ngõ ra vào Malaysia. Cảnh sát trưởng bang Selangor, ông Abdul Samah Mat, nói rằng các giới chức đang xem xét vụ án từ mọi góc độ, trong đó có việc nỗ lực làm rõ tất cả những người liên quan. Tuy nhiên, ông từ chối trả lời khi được hỏi liệu còn nghi can nào có thể lẩn trốn ở Malaysia hay không, chỉ nói rằng cảnh sát vẫn đang điều tra.



Channel News Asia dẫn lời ông Fuzi Harun, chỉ huy trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Ðặc Biệt Malaysia, nói cơ quan điều tra “không loại trừ khả năng nào” trong vụ việc liên quan đến cái chết của anh trai nhà lãnh đạo Bắc Hàn.



Nhân viên ngoại giao Indonesia đã gặp nhưng không được nói chuyện gì với nghi can, và xác nhận Siti Aishah là công dân nước họ, gốc gác ở Banten, một tỉnh gần thủ đô Jakarta.



Báo điện tử VNExpress dẫn lời bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan.” Bà Trà nói thêm: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm.”



Tuy nhiên, chưa có lời giải thích chính thức nào từ phía Việt Nam về trường hợp nghi can mang tên Ðoàn Thị Hương. Ðài phát thanh RFI dẫn tin của tờ nhật báo The Star cho biết nghi can khai với cảnh sát rằng cô bị bốn người đàn ông đánh lừa, nói rằng họ muốn chơi khăm một hành khách nên nhờ cô phun chất lỏng vào mặt người này trong khi một phụ nữ khác chụp khăn tay vào mặt nạn nhân. Hai cô sau đó rời sân bay bằng taxi và bốn người đàn ông tách thành hai nhóm cũng rời khỏi sân bay. Một ngày sau nhóm người kia bỏ người mang tên Ðoàn Thị Hương một mình ở khách sạn nên cô tìm cách rời Malaysia và bị bắt tại phi trường.



Hãng tin Pháp AFP cho rằng một trong các chất độc có thể được dùng trong vụ ám sát này là Ricin, hóa chất gây chết người được tìm thấy trong hạt thầu dầu, hoặc là Tetrodotoxin – chất độc từ cá nóc. Ricin gây phản ứng chậm trong khi Tetrodotoxin có khả năng làm tê liệt và giết nạn nhân nhanh chóng. Nhưng theo lời ông Porntip Rojanasunan, một chuyên gia pháp y, cố vấn cho Bộ Tư Pháp Thái Lan, “máu đỏ tươi” của nạn nhân khi khám nghiệm tử thi là dấu hiệu nhiễm độc Cyanide.



Tất cả những tin tức phức tạp từ nhiều nguồn chưa thể kiểm chứng như thế, cùng với rất nhiều dự đoán khác nhau về thực trạng chính trị Bắc Hàn khiến cho không thể biết rõ vì sao Kim Jong-nam bị ám hại.



Kim Jong-nam, 45 tuổi, là người con lớn nhất của cố Chủ Tịch Kim Jong-il và theo bình thường phải là người kế nghiệp lãnh đạo Bắc Hàn. Nhưng vì Kim Jong-nam có một số tư tưởng và hành động không hợp với truyền thống của chế độ nên người em là Kim Jong-un, khi đó chưa tới 30 tuổi, được chọn vào vị trí ấy. Năm 2011, lãnh tụ Kim Jong-il chết và Kim Jong-nam tiếp tục lẩn tránh sống lưu vong ở nước ngoài như từ nhiều năm trước, hầu hết ở Ma Cau, Trung Quốc, và cũng có khi tới Singapore, Pháp. Kim Jong-nam chỉ mới tới Malaysia một tuần trước khi bị sát hại.



Theo New York Times, tay chơi lưu lạc này mang hộ chiếu với tên Kim Chol thường có mặt trong các khách sạn sang trọng và sòng bài ở Ma Cau. Sau vụ bị mưu sát năm 2012, Kim Jong-nam ít khi bày tỏ quan điểm và ý kiến về chế độ ở nước nhà. Kim Jong-nam cũng đã từng thổ lộ là cảm thấy thời gian sống còn của mình chỉ là tạm bợ, và hiểu mình là người có thể bị săn đuổi, tuy vậy có nhiều lúc ít quan tâm tới sự tự vệ.



Theo nhiều quan sát viên, Kim Jong-nam là người không có tham vọng chính trị và không phải là mối đe dọa cho giới lãnh đạo Bắc Hàn. Tuy nhiên, có một lần vào năm 2012, Kim Jong-nam từng bị mưu sát tại Trung Quốc. Nguồn tin Mỹ và Nam Hàn đều tin rằng giới lãnh đạo Bắc Hàn chủ động vụ ám sát, như Kim Jong-un đã từng nhiều lần chứng tỏ qua những vụ thanh trừng. Giáo Sư Hazel Smith, thuộc trường đại học Central Lancashire, Anh, lập luận rằng nếu hành động này không phải lệnh trực tiếp của Kim Jong-un thì có thể là do các giới mật vụ muốn chứng tỏ sự trung thành.



Các bình luận gia khác cho rằng có thể Kim Jong-nam được coi là lá bài có đủ điều kiện nhất đối với các phe phái muốn giữ nguyên chế độ chỉ thay đổi nhân sự lãnh đạo.



Kim Jong-nam không có thế lực gì trong nước và cũng không có quan hệ với các nhóm đối lập lưu vong ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo NBC News, Kim Jong-nam có thái độ thân Trung Quốc và được Bắc Kinh che chở, điều này có thể trở thành vấn đề đối với thời điểm bị sát hại. Mới tuần trước, Bắc Hàn thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Sau một loạt những vi phạm từ các vụ thử nghiệm nguyên tử trước đó, Trung Quốc lâm vào một tình thế khó xử đối với quốc tế vì không thể làm ngơ nhưng cũng không thể có áp lực hay hành động gì mạnh hơn với Bắc Hàn, một nước đồng minh thân cận trong vùng Ðông Bắc Châu Á. Trong tình huống ấy, một sự thay đổi ở thành phần lãnh đạo Bắc Hàn được coi như giải pháp thích đáng nhất cho Trung Quốc thoát khỏi bế tắc.



Nhà cầm quyền Bắc Hàn không loan tin cái chết của Kim Jong-nam cho dân chúng trong nước biết, và cũng không đưa ra lời bình luận gì. Nước này đang chuẩn bị ngày kỷ niệm sinh nhật Kim Jong-il, được coi là một trong những đại lễ quan trọng nhất hàng năm.



Cuối cùng thì cuộc điều tra có thể cho biết vụ ám sát ở Malaysia là do đâu và như thế nào, nhưng không chắc sẽ hiểu được các nguyên nhân khiến Kim Jong-nam bị cố tình theo đuổi sát hại. Với các chế độ độc tài khép kín như Bắc Hàn, người ta có thể đưa ra vô số phỏng đoán về mọi chuyện mà không phải bao giờ cũng tìm thấy giải đáp.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét