Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Phải chăng TT Donald Trump bắt đầu duyệt lại đường lối, chính sách của ông?

Trần Phong Vũ



Theo dõi những trao đổi trên mạng, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những lời đả kích quá nặng giữa phe bênh và chống TT Donald Trump trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tự thân việc thương/ghét, ủng hộ/chống đối một ứng cử viên đảng này đảng nọ, kể cả khi đương sự được cử tri chọn vào Quốc Hội hay vào tòa Nhà Trắng là chuyện tự nhiên không có gì phải bàn cãi. Nhưng khi tình cảm này đạt tới mức mạt sát, chỉ trích nhau thậm tệ thì quả thật tôi không hiểu nổi!

Hiện tượng này không chỉ đọc được qua các bài viết trên mạng mà còn thấy và nghe được trong những cuộc tranh cãi gay gắt đó đây. Đến nỗi có những người vốn xưa nay quen biết, sớm chiều bỗng dưng trở thành đối thủ của nhau! Thật đáng buồn!

Vì sớm nhận ra như thế, nên hơn một lần dù rất muốn bày tỏ quan điểm riêng của mình về nhân thân, tư cách, bản lãnh và đường lối, chính sách của ông Donald Trump sau ngày ông tuyên thệ nhậm chức, tôi đành im lặng. Lần đầu tiên trong 42 năm, tôi đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử TT vừa qua. Cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều không phải là người tôi chọn.

Là người Mỹ gốc Việt, như nhiều đồng hương khác, tâm tư, trí não tôi luôn hướng về quê Mẹ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không quan tâm tới quê hương thứ hai. Với suy nghĩ như thế, tôi quyết định viết bài này. Không phải để phê phán hay bày tỏ quan điểm, mà chỉ nêu lên các dữ kiện có thật, chứng minh về những bước đầu xét lại trong chính sách của tân Tổng thống Donald Trump.

Sự kiện ông Trump bị mất lòng dân là điều có thật

Kể từ ngày rời bỏ quê cha đất tổ qua tị nạn ở Mỹ, tôi đã trải qua các đời TT Carter (4 năm), Reagan (8 năm), Bush cha (4 năm), Clinton (8 năm), Bush con (8 năm), Obama (8 năm) và những ngày mở đầu nhiệm kỳ thứ nhất cùa TT Trump. Nhìn lại, chưa bao giờ tôi thấy ai bị dân chúng Mỹ chỉ trích, chống đối gay gắt ngay trong vài tuần đầu vừa đăng quang như vị TT thứ 45. Những cuộc xuống đường liên tiếp từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn tràn qua các đô thị lớn khắp các tiểu bang trong vài tuần qua cho thấy như vậy. Ông Trump cũng là căn nguyên bùng nổ một cao trào chống đối khắp nơi trên thế giới, nhất là tại các quốc gia Âu châu như Đức, Pháp, Anh v.v… Đấy cũng là một sự thật hiển nhiên. Sự chống đối này có chính đáng hay không là chuyện khác không bàn tới.

Để biện hộ, có người viện lẽ vì ông Trump mang viễn kiến một nhà cách mạng tiến bộ, can đảm phá vỡ thành trì của một nền chính trị truyền thống với nhiều khuyết tật, dẫn tới tình trạng trì trệ của Hiệp Chủng Quốc ngày nay. Mục tiêu của vị TT thứ 45 là quyết tâm trả lại cho nước Mỹ vị trí hàng đầu như nó phải có. Và đấy là căn nguyên tạo nên phản ứng điên cuồng của những khối lực lỗi thời, lạc hậu bị đạp đổ.

Chúng tôi không có quyền và cũng không có lý do gì để phản bác cách nhìn trên đây của một phần công luận trong cộng đồng.

Vẫn với mục tiêu đi tìm sự thật, người ta thấy căn nguyên chính khiến người dân Mỹ và dư luận quốc tế bất bình quy vào một loạt Sắc Lệnh hành chánh người cầm đầu Nhà Trắng ký kết trong những ngày đầu vừa nhậm chức. Trước hết là Sắc Lệnh cấm di dân 7 nước Hồi giáo. Thứ hai Sắc Lệnh liên quan tới quyết định xây bức tường dọc biên giới Mỹ/Mễ (Mexico) để ngăn làn sóng nhập lậu vào lãnh thổ Hoa Kỳ của dân Mễ. Thứ ba là Sắc Lệnh hủy bỏ Obamacare, một công trình người tiền nhiệm của ông coi như một di sản lớn để lại cho dân Mỹ sau khi rời Bạch Ốc. Trở lại suốt thời gian vận động để được đảng Cộng hòa đề cử cũng như mấy tháng cuối ở vị trí tranh đua với Ứng cử viên đảng Dân Chủ, hơn một lần ông Trump đã gây bất bình cho các quốc gia đông minh Âu – Á khi tuyên bố tẩy chay liên minh Bắc Đại Tây Dương và triệt thoái quân đội Mỹ đang đồn trú tại Nhật, Phi và Hàn quốc từ mấy thập niên qua.

Sự chống đối hoặc bất hợp tác của cả ngàn viên chức ngoại giao, các bộ trưởng tư pháp các tiểu bang, các Thẩm phán Liên bang, công khai từ chối không thi hành Sắc Lệnh liên quan tới vấn đề di trú của ông Trump cũng là điều có thật. Vấn đề tân Tổng thống Donald Trump có thể lật ngược hay vô hiệu hóa được sự chống đối này hay không, như lời thách thức của ông, là chuyện tương lai chưa bàn tới.

Cùng lúc, không thiếu những chuyên gia, thức giả Hoa Kỳ công khai bày tỏ mối ưu tư trước những quyết sách mới của tòa Bạch Ốc có thể ảnh hưởng tới trật tự thế giới và nói riêng sự ổn định của Hoa Kỳ. Trong số đó có GSTS Jonathan London. Trong “Thư gửi Việt Nam” công bố trước giờ tân Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức sáng hôm 20-01, TS London viết:

“… thế giới đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II. Riêng nước Mỹ thì rơi vào cơn khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ thời Nội chiến.”

Điều cần ghi nhận: dù là một chuyên gia thông thạo vấn đề Việt Nam hiện giảng dạy tại các đại học Tân Gia Ba và Hòa Lan, từng sống ở Việt Nam trong bốn năm, nói và viết thông thạo ngôn ngữ Việt, trong lá thư này, ông công khai chỉ ra con đường duy nhất mà Hà Nội phải đi theo vào thời điểm này là từ bỏ chủ nghĩa độc tài, độc đảng.

Với niềm xác tín rằng: “đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam”, GSTS London mạnh dạn nêu lên những quyền căn bản không thể thiếu đối với người dân Việt Nam lúc này. Đó là quyền: “Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị.”

Sau khi xác định như trên, ông nêu lên câu hỏi rồi tự trả lời: “Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được Hà Nội tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.”

TS Jonathan London, vị giáo sư Mỹ tự nhận là “người bạn của Việt Nam” đã kết thúc “Thư gửi Việt Nam” của ông bằng những lời tâm huyết sau đây:

“Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự hơn.”[1]

Sự lương thiện trí thức đối với vấn đề Việt Nam kể trên giúp chúng ta đánh giá được thái độ chân thành của TS London khi bày tỏ mối ưu tư về tương lai thế giới. cách riêng Hoa Kỳ tiếp theo cuộc chuyển quyền ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tôi không hiểu khi nhắc tới sự kiện người trí thức Mỹ gốc Do Thái này nghi ngại nếu bất hạnh một ngày nào đó người vừa làm chủ tòa Bạch Ốc bỗng dưng trở thành một nhả độc tài có khiến cho một số bà con ta phẫn nộ không? Có điều, sự nghi ngại này cũng là một sự thật.

Cũng trong “Thư gửi Việt Nam”, đề cập hai khuôn mặt được dư luận trong ngoài nước Mỹ quốc đánh giá cao về bản lãnh và tài năng là Bộ trưởng Quốc Phòng và Bộ trưởng Ngoại giao, câu hỏi ông London đặt ra là sau khi được phê chuẩn liệu hai ông Mattis và Tillerson có đủ năng lực cáng đáng nhiệm vụ hay không, và không kém phần quan trọng là khi cần, họ có đủ ý chí lẫn trí tuệ để chống lại vị Tổng Thống mới nếu một mai ông ta biến thành một nhà độc tài?

Vài chỉ dấu ông Trump bắt đầu “xét lại” đường lối, chính sách

Chuyện giữ được những cam kết với cử tri trong thời gian tranh cử của một Tổng thống là điều rất cần. Tuy vậy không phải lúc nào mọi điều hứa hẹn đều có thể thực hiện trọn vẹn. Có rất nhiều nguyên do đưa tới tình trạng thất hứa. Có điều không và cũng có điều được cử tri chấp nhận. Trường hợp vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ hiện nay cũng không có ngoại lệ. Vài sự kiện diễn ra trong tuần qua cho thấy sau mấy tuần trực tiếp nhận trách nhiệm điều hành đất nước, nội các Donald Trump đã bắt đầu có động thái rà soát và điều chỉnh lại những bất cập trong chính sách đối ngoại.

Người ta chưa quên với chính sách “duy nước Mỹ”, cụ thể là “làm cho Mỹ quốc vĩ đại trở lại”, trong suốt thời gian vận động tranh cử để dành vị thế ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa, ông Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần: thứ nhất Hoa Kỳ chủ trương rút hết quân đội đồn trú tại hai nước Á châu là Nhật Bản khoảng 50 ngàn quân, và Nam Hàn khoảng 28.500 quân về Mỹ. Thứ hai sẽ duyệt xét lại sự hiện diện của Hoa Kỳ trong minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng, trong những ngày đầu tháng 02-1017 vừa qua rõ ràng đã có những chỉ dấu chủ trương này đang được điều chỉnh lại dưới dạng thức khả chấp nào đó, nếu chưa muốn nói là trở lại như cũ.

Được biết, trong chuyến viếng thăm Hàn quốc hôm Thứ Năm 02-02 vửa qua, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis đã tuyên bố:

“Bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ, hay các đồng minh sẽ bị đánh bại, và bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị giáng trả một cách hữu hiệu và áp đảo”. Ông khẳng định: “Bảo vệ đồng minh Seoul là “ưu tiên” của Washington, và Hoa Kỳ cam kết “triệt để hậu thuẫn” nền dân chủ Hàn Quốc.”

Lời tuyên bố này được đưa ra ngay sau cuộc gặp gỡ giữa ông Mattis và thủ tướng Hàn quốc Hwang Kyo Ahn. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy chương trình lá chắn tên lửa THAAD để đối phó với Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, trong cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm Nhật Bản hôm Thứ Bảy 04-02, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố Hoa Kỳ thừa nhận quyền cai trị của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku[2].

Về chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên minh Bắc Đại tây dương, trong cuộc tiếp kiến bà Thủ tướng Anh quốc Theresa May tại Toà Bạch Ốc mới đây, tân Tổng thống Donald Trump xác định là sẽ ủng hộ NATO 100%.

Những sự kiện nêu trên mang ý nghĩa chính sách bảo vệ hai đồng minh cốt lõi của Hoa Thịnh Đốn tại châu Á là Seoul và Tokyo cũng như mối liên hệ giữa Mỹ và NATO, sẽ được tiếp tục duy trì.

Những bước khởi đầu này có còn tiếp tục trong những ngày tới hay không, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem.



Trần Phong Vũ

______

[1] Trong một bài nhận định về nội dung “Thư gừi Việt Nam” của TS London công bố trên một số trang mạng xã hội như Ba Sàm, DCVOnline… mới đây, tôi viết:

“Từ những khuyến nghị Hànội phải bảo vệ người lao động, theo đuổi việc phát triển kinh tế theo đường lối quang minh, chính đại, không vì lợi nhuận mà quên lãng việc bảo vệ môi trường, biết tôn trọng giá trị câu “dân cần nước sạch”… tới việc xác định thời điểm cấp bách phải “cởi trói” về chính trị, trong đó việc đầu tiên là phải đáp ứng những quyền năng thiêng liêng của người dân như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị, người viết những giòng này không khỏi cảm phục và biết ơn ông. Điểm cần chú ý ở đây là vào thời điểm này, hơn ai hết ông biết rõ trong những quyền tự do kể trên đối với phần lớn các quốc gia trên thế giới là đòi hỏi tự nhiên thì với Hànội vẫn còn là điều cấm kỵ. Nhưng với trách nhiệm lương tâm ông vẫn phải lên tiếng, nhất là khi thấy đối với quảng đại quần chúng Việt Nam ngày nay, nó đã trở thành một khát khao tìm kiếm, một nhu cầu thâm sâu không thể thiếu.

… Đấy là sự đồng nhất trong quan điểm của một trí thức luôn tỏ ra quân bình trong mọi phê phán, nhận định về đường lối, chính sách của đảng và nhà nước CSVN cũng như khát vọng sâu xa của người dân, các nhà đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức Xã hội Dân sự ở Việt Nam lâu nay. Điều này cho thấy đương sự là một trong số rất ít học giả có nhân cách và tư duy khác hẳn với phần đông trí thức Âu Mỹ sau một thời gian dài qua lại, thăm viếng, làm việc hoặc nghiên cứu ở Việt Nam thường có khuynh hướng gần gũi với nhà cầm quyền Hànội, một sự gần gũi thường tạo nên những tranh cãi.

Ý nghĩ cuối của người viết: Về nhiều phương diện, tâm tình thiết tha, thẳng thắn và đầy thiện chí của GSTS Jonathan London gói ghém trong “Thư gửi Việt Nam” có thể coi như cây đũa thần, như chiếc phao cho đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam để tìm ra một sinh lộ, một lối thoát cho hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bế tắc hiện nay.

Vấn đề đặt ra là họ có đủ khôn ngoan và tỉnh táo để nắm lấy hay không?

Người xưa có câu “rượu mời không uống, thế tất sẽ lãnh rượu phạt!”

Khi cơ hội vàng bỏ mất và sự phẫn nộ của người dân đã vượt ngưỡng thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lịch sử cổ kim, đông tây đã từng minh chứng.

Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem.”

[2] Có thể có người cho rằng đây là quan điểm riêng của BT Quốc phòng James Mattis chứ không phản ánh lập trường từ đầu của TT Donald Trump. Người viết không tin như thế. Trước khi mở cuộc công du đầu tiên tới hai quốc gia Á châu này, chắc chắn ông Mattis đã tham khảo trước với chủ nhân Nhà Trắng về những vấn đề liên hệ rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét