Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Bình đẳng



Trần Công Lân. 

Con người sinh ra bình đẳng?

Quan niệm về bình đẳng là do con người đặt ra trong tương quan đối xử với nhau trong tập thể xã hội.  Bình đẳng đặt ra trên phương diện pháp lý để bảo đảm sự công bằng trong xã hội.

Đối nghịch của bình đẳng là sự kỳ thị. Trong xã hội thuần chủng, ít có sự kỳ thị, nhưng trong xã hội tạp chủng như Hoa Kỳ, sự kỳ thị xảy ra dưới nhiều hình thức. Đối chiếu giữa kỳ thị và bình đẳng sẽ giúp chúng ta thấy rõ hai mặt của vấn đề.

Hiến Pháp qui định con người bình đẳng trước pháp luật?

Thần Công Lý (bịt mắt, cầm cán cân công lý) sẽ đối xử mọi người bình đẳng cho dù luật pháp tràn đầy những khe hở (loop hole) và những nhà làm luật (law maker) tiếp tục làm ngơ quyền lợi của đám đông vì quyền lợi của những nhóm vận động hành lang (lobbyist).

Nhưng bản chất con người là bất bình đẳng. Con người sinh ra  trên một căn bản giống nhau về nhau: có người khoẻ mạnh, có người khôn ngoan, người có năng khiếu về âm nhạc, nghệ thuật, thể thao , khoa học…. và với năng khiếu cá nhân khiến con người bất bình đẳng cho dù được huấn luyện giống nhau (đôi khi người không có huấn luyện với khả năng thiên phú vẫn vượt trội) .

Vậy bình đẳng chỉ là điều kiện con người đặt ra để giới hạn sự lạm dụng khả năng ưu việt của cá nhân áp đặt lên những cá nhân khác. Làm sao tranh được khi những cá nhân ưu tú tìm đủ mọi cách để bóc lột những cá nhân yếu kém hơn?

Trở lại sự lương thiện hay tử tế của một cá nhân. Nếu một cá nhân ưu việt với tâm hồn tử tế hay lương thiện không lợi dụng sự ưu việt của thể chất hay tinh thần mà bóc lột/lợi dụng cá nhân  khác thì sự bình đẳng không phải do phá luật qui định mà do tâm hồn của mỗi cá thể quyết định. Sự bình đẳng đó đã được xác nhận bởi các tôn giáo: con người với tình thương, sự lương thiện, hướng thượng  sẽ phát triển toàn thiện và mọi người đều có cơ hội như vậy. Chính con người đã từ bỏ sự bình đẳng để chạy theo bất bình đẳng vì nghĩ rằng khả năng của cá nhân sẽ ưu việt hơn cá nhân khác và chính đó là nguyên nhân của xung đột trong xã hội.

 Qui trách cho chính quyền, tòa án hay xã hội  không duy trì sự bình đẳng cho cá nhân trong xã hội là một quan niệm sai lầm. Bình đẳng không phải đến từ bên  ngoài (luật pháp) mà từ chính bản thân, tâm mỗi người. Bạn có đối xử với người khác bình đẳng hay không theo suy nghĩ của chính bạn  chứ không phải vì luật pháp qui định. Bạn biết khả năng thể  chất, tinh thần của bạn so với người khác, cho dù người khác hơn kém ra sao (ngu, yếu, mạnh, khôn, giàu, nghèo …) bạn đều đối xử như nhau bằng tình thương chứ không qua sự so sánh, phân biệt: đó là bình đẳng từ dưới lên chứ không phải từ trên (Hiến Pháp) xuống.

Bình đẳng phát xuất từ mỗi cá nhân có chấp nhận sự lương thiện bản thân và đối xử tử tế với cá nhân khác trong xã hội. Thiếu lương thiện thì không phải chỉ bình đẳng mà tự do, hạnh phúc, dân chủ…tất cả chỉ là ảo tưởng.

Trần Công Lân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét