Ngô Nhân Dụng
Ngày hôm qua, dân Iran vẫn tiếp tục biểu tình chống Ả Rập Saudi. Cuộc
tranh chấp giữa hai nước nổ bùng sau khi Vương Quốc Saudi hành quyết Nimr
al-Nimr, một giáo sĩ thuộc phái Shi A. Ngày Chủ Nhật, tòa đại sứ Saudi tại
Tehran, thủ đô Iran bị đốt, sau đó đến một tòa lãnh sự tại Mashhad. Chính phủ
Iran lên án các vụ đốt phá này và bắt một số người tham dự, chứng tỏ phe quá
khích tại Iran muốn gây bạo động để ngăn cản đường lối hòa hoãn với Mỹ của giới
lãnh đạo đương cầm quyền.
Giáo Sĩ Nimr al-Nimr chỉ là một trong số 47 người bị chính quyền Saudi
giết, vì ông đã chỉ trích Hoàng Gia Saudi từ nhiều năm qua. Đa số những người
khác bị giết vì chống chính phủ, một số đã tham gia các phong trào quá khích
theo phái Sun Ni, như al Qaeda hoặc “quốc gia Hồi Giáo - IS.” Nhưng Nimr là
lãnh tụ nhóm thiểu số theo phái Shi A tại Saudi, cho nên việc giết ông khiến mọi
người theo phái Shi A đều bất bình. Trước đó, chính phủ nhiều nước Tây phương
đã yêu cầu Hoàng Gia Saudi tại thủ đô Riyadh ân xá ông Nimr, nhưng họ không
nghe. Washington có can thiệp một cách kín đáo và vô hiệu.
Cuộc tranh chấp giữa Saudi và Iran bắt nguồn từ xung đột giữa hai giáo
phái trong Hồi Giáo, bắt đầu từ sau năm 632, khi Giáo Chủ Muhammad qua đời. Một
nhóm đa số đề cử Abu Bakr làm caliph lãnh đạo các tín đồ, một nhóm khác muốn
Ali, con rể của Giáo Chủ Muhammad lên kế vị. Hai vị lãnh đạo sau Abu Bakr liên
tiếp bị ám sát, người thứ tư được bàu lên là Ali, nhưng ông cũng bị ám sát tại
Kufa, trong nước Iraq hiện nay. Khi con của Ali là Hussein cũng bị ám sát tại
Karbala, Iraq năm 680, cuộc phân ly hai phái bắt đầu. Trong số 1.5 tỷ người
theo Hồi Giáo hiện nay, 85% theo phái Sun Ni, sống ở các nước Ả Rập Trung Đông,
Bắc Phi. Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia và Indonesia. Saudi
đóng vai trò tín ngưỡng quan trọng vì là nơi có hai thánh địa Mecca và Medina.
Người người theo phái Shi A đa số sống tại Iran, Iraq, Bahrain và rải rác trong
các xứ Sun Ni khác.
Trước đây một thế hệ, các biến động vùng Trung Đông bắt nguồn từ cuộc
tranh chấp giữa các nước Ả Rập và Israel, quốc gia do người Do Thái thành lập
năm 1948. Nhưng từ khi Ai Cập và Israel giải hòa, nhất là sau cuộc Chiến Tranh
Iraq năm 2003, thì căn bản của phần lớn các cuộc tranh chấp trong vùng là giữa
hai phái Sun Ni và Shi A; các nước Ả Rập Saudi và Iran giờ đang đứng tuyến đầu.
Kuwait, Bahrain và Sudan đã theo Saudi cắt đứt liên lạc ngoại giao với Iran. Những
nước Ả Rập trong vùng Vịnh cũng hạ thấp quan hệ với Iran dù không cắt hẳn. Một
viên chức Thổ Nhĩ Kỳ lo rằng cuộc xung đột mới này sẽ đe dọa làm “thùng thuốc
súng” Trung Đông bùng nổ!
Tại Yemen, Iran ủng hộ nhóm nổi dậy Houthi thuộc phái Shi A, còn Saudi
đang đem quân giúp ông tổng thống giành lại quyền hành. Đa số dân Bahrain theo
phái Shi A (65%), nhưng vị tiểu vương lại thuộc nhóm thiểu số Sun Ni. Năm 2011
khi Iran khuyến khích dân nổi loạn, Saudi đã đưa quân sang đánh dẹp. Ở Lebanon,
thiểu số người theo phái Shi A lập ra phong trào Hezbollah, chia sẻ quyền với
đa số người theo phái Sun Ni và các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Trong gần hai năm
qua, nước Lebanon không có tổng thống vì các phe phái không thể thỏa hiệp được
với nhau. Cuối năm 2015, có hy vọng quốc hội sẽ bàu được một vị tổng thống,
nhưng sau khi cuộc xung đột giữa Saudi và Iran bùng lên thì hy vọng này đã nguội
lạnh!
Lebanon chỉ là một địa điểm mà cuộc tranh chấp Saudi, Iran sẽ gây thêm
rắc rối. Những cuộc đàm phán nhằm giải quyết nội chiến ở Syria sẽ bị chịu ảnh
hưởng nặng nề hơn, có thể bị đình hoãn. Trước đây người ta hy vọng các nước bên
ngoài đều đồng ý cần tiêu diệt lực lượng IS cho nên có thể thỏa hiệp về một giải
pháp cho Syria, sau khi Bashar Assad rút lui. Tại Syria, Iran đánh IS vì chính
quyền Assad thuộc thiểu số Shi A; Saudi cũng giúp các tín đồ Sun Ni ôn hòa đánh
IS, vì chủ trương quá khích của IS là xóa bỏ các chế độ như Hoàng Gia Saudi, lập
một quốc gia do vị caliph mới cả họ cầm đầu.
Nhưng cuộc tranh chấp Saudi - Iran sẽ làm cho cuộc hòa đàm tại Wien khó
tiếp tục. Các nước Ả Rập sẽ chống lại ngay việc tham dự của Iran vào bàn hội
nghị và họ sẽ lôi kéo các nước theo phái Sun Ni khác cùng chống đối, từ Thổ Nhĩ
Kỳ tới Ai Cập.
Cuộc tranh chấp Saudi - Iran còn có thể ảnh hưởng tới tình hình Iraq.
Chính quyền Iraq vẫn do phái Shi A cầm đầu, kể từ khi quân Mỹ lật đổ chế độ
Saddam Hussein, cho dân chúng bỏ phiếu, mà đa số dân Iraq theo phái Shi A. Các
chính phủ Iraq đều được Iran và Mỹ giúp. Trong khi đó, những tín đò Sun Ni bất
mãn vì đóng vai thiểu số bị kỳ thị, một số đã chạy theo tiếng gọi của nhóm IS
quá khích mở cuộc thánh chiến với phái Shi A. Chính quyền ở Baghdad đang thắng
thế trong chiến dịch đánh quân IS thu hồi lại cc thành phố lớn. Nhưng muốn tiêu
diệt lực lượng IS, họ cần sự hỗ trợ của các bộ tộc theo phái Sun Ni ở địa
phương; những người vẫn được Saudi giúp đỡ tài chánh. Sự hợp tác này sẽ chậm lại
vì xung đột giữa Saudi và Iran. Nếu quân IS không bị tiêu diệt tại Iraq thì họ
sẽ còn cầm cự được lâu hơn ở Syria; vì họ đã hợp nhất vùng họ chiếm cứ ở hai nước
này làm một quốc gia.
Ông Vladimir Putin sẽ lo lắng nhất. Với tình trạng chiến tranh kéo dài
thêm tại Syria, Nga sẽ phải tiếp tục đổ người và của vào giúp đỡ chính quyền
Assad không biết đến bao giờ. Trong khi đó, cũng vì cuộc xung đột này, giá dầu
lửa trên thế giới sẽ tiếp tục xuống thấp vì cả hai nước Iran và Saudi sẽ chạy
đua sản xuất thêm dầu để lấy tiền giúp các phe theo mình ở khắp vùng Trung
Đông. Chỉ có một biến cố có thể khiến giá dầu tăng lên là nếu cuộc tranh chấp
giữa Iran và Saudi sẽ bùng lên trên mặt biển khiến eo biển Hormuz giữa hai nước.
Đó là nơi mà trong năm 2014 có 17 triệu thùng dầu được chuyển qua mỗi ngày,
trong số 88 triệu thùng sản xuất trên toàn thế giới. Nhưng chắc cả hai quốc gia
liên hệ đều không muốn gây tắc nghẽn giao thông, làm hại chính họ. Chính phủ
Nga đã đề nghị làm trung gian hòa giải, nhưng Saudi đã từ chối.
Nhưng tại sao chính quyền Saudi lại muốn gây rắc rối với cả khối Hồi
Giáo Shi A, và với riêng Iran, khi quyết định giết Giáo sĩ Nimr al-Nimr?
Nguyên nhân chính vì họ đang trấn áp các nhóm dân theo phái Sun Ni ngay
trong nước họ! Rất nhiều thanh niên Saudi đã chạy theo những nhóm quá khích như
al Qaedar và IS, vì bất mãn với một chế độ lạc hậu, bất công. Hoàng Gia Saudi
lo lắng tiêu diệt các nhóm chống chính quyền này hơn là đánh quân IS ở bên
Syria! Khi quyết định hành quyết mấy chục người theo phái Sun Ni, họ muốn được
giới lãnh đạo tôn giáo trong nước giữ yên lặng, không phản đối, cho nên giết
thêm mấy người theo phái Shi A, trong đó có vị giáo sĩ nổi tiếng là Nimr!
Chính quyền Iran của Tổng Thống Hassan Rouhani bị đặt trước thế bất ngờ
khi ông Nimr bị giết. Phe bảo thủ trong nước Iran đang muốn ngăn cản những cải
cách của ông Rouhani, trong đó có cả việc hòa dịu trong mối bang giao với Mỹ. Họ
nhân cơ hội này thúc đẩy tấn công, đốt phá sứ quán Saudi.
Chính phủ Mỹ đang tìm cách “đứng giữa” trong cuộc xung độ Iran, Saudi.
Ngoại trưởng Kerry đã điện thoại cho ngoại trưởng Iran, một điều mới lạ; vì
trong quá khứ giữa hai nước đó Mỹ chỉ nói chuyện với Saudi! Nếu Washington muốn
hòa giải hai nước này thì sẽ phải rất kiên nhẫn. Cuộc xung đột sẽ trở thành
“chiến tranh lạnh” trong thời gian tới; nhưng dù lạnh thì cũng phải kéo dài
hàng năm nữa mới... nguội bớt. Chiến tranh sẽ tiếp diễn lâu hơn ở Syria, Iraq,
Yemen, khi Saudi và Iran không nhìn mặt nhau!
nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét