Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Phồn vinh giả tạo


Lê Trường
 

Khi hàng triệu người với cái bụng vẫn còn đói và con đường tương lai mơ hồ thì những đốm hoa pháo trên trời cao “phục vụ đời sống tinh thần” chẳng qua là sự phồn vinh giả tạo!

Thông tin việc nhiều tỉnh, thành trong nước vừa xin gạo cứu đói vừa chi ít nhất 500-600 triệu đồng để bắn pháo hoa Tết khiến nhiều người ngỡ ngàng

Thậm chí, có người còn cho rằng không biết nên cười hay khóc bởi nghịch lý bi hài “pháo hoa - gạo cứu đói” này…

Trước phản ứng không đồng thuận của công luận, chắc chắn chính quyền các địa phương nói trên sẽ lý giải rằng cần phân biệt rạch ròi việc này ở 2 khía cạnh khác nhau là gạo cứu đói dành cho dân nghèo, còn bắn pháo hoa là để phục vụ đời sống tinh thần cho tất cả mọi người, không phân biệt nghèo hay giàu. Có lãnh đạo một thành phố từng bao biện rất khó nghe về chuyện dân còn nghèo nhưng vẫn bắn pháo hoa: “Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa. Những lúc thưởng thức pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.

Tất nhiên, “nghèo” không phải là một cái tội tới mức bị khước từ ngay cả những nhu cầu tinh thần chính đáng nhất của cuộc sống. Nhưng ở đây, phải thật tỉnh táo để phân định rằng trong điều kiện kinh tế - xã hội tốt, hay chí ít là bình thường, thì việc bắn pháo hoa mừng năm mới để thể hiện sự phát triển địa phương và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân là việc nên làm. Ngược lại, trong lúc có đến hàng trăm ngàn con người đang đối diện với cái đói, hàng chục ngàn cụ già mặc không đủ ấm buổi cuối đông giá rét, hàng chục ngàn trẻ em chưa có bộ quần áo mới để đón Xuân về… thì chuyện pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa có ý nghĩa gì với họ?! Chưa kể, bắn pháo hoa chủ yếu là tổ chức ở khu vực thành phố, họa hoằn lắm là ở trung tâm huyện, nên chỉ có quan chức và người dân ở đó được xem; còn bà con nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa làm gì có điều kiện thưởng thức.

Năm 2015, ngân sách nhà nước cực kỳ khó khăn, thu không đủ chi; nợ công tăng cao, nhiều tỉnh - thành phải nợ lương công chức, tiền bảo hiểm xã hội, kinh phí xây dựng cơ bản... Vậy nên, sau vụ lùm xùm về nhiều địa phương xin xây trụ sở hoành tráng, nay đến chuyện “chạy đua” bắn pháo hoa vào dịp Tết quả là hết chỗ nói. Có ý kiến cho rằng tại sao các tỉnh không tập trung vốn đầu tư sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập để cho người dân đỡ khổ, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì mới có nguồn thu ngân sách? Khó khăn, chật vật thì bắn pháo hoa có vui sướng gì! Dư luận cũng hồ nghi phải chăng “bắn pháo hoa” cũng là biểu hiện của căn bệnh thích chơi sang, muốn nổi trội vốn dĩ đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận lãnh đạo vốn được xem là công bộc, “đày tớ trung thành” của nhân dân?

Người dân nghèo chỉ mong tương lai của họ sẽ sáng sủa hơn mỗi khi năm cũ đi qua, năm mới lại về từ những kế sách vì dân của các nhà lãnh đạo hơn là phải đắng lòng thưởng lãm vài chục phút chớp sáng của pháo hoa đêm giao thừa. Khi hàng triệu người với cái bụng vẫn còn đói và con đường tương lai mơ hồ thì những đốm hoa pháo trên trời cao “phục vụ đời sống tinh thần” chẳng qua là sự phồn vinh giả tạo!


https://www.danluan.org/tin-tuc/20160125/phon-vinh-gia-tao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét