Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Từ ngữ thú vị (1-10)




 10. Kangaroo court (tòa án trá hình)

Đây là từ để chỉ các tòa án trá hình được dựng lên để xét xử ai đó theo các bản án đã được định trước, mà trong đó các nguyên tắc pháp lý bị bỏ qua.

VD: Bilateral differences began in 2003 over the Yukos affair which resulted in the kangaroo court trial and jailing of Russia’s most successful businessman, Mikhail Khodorkovsky.

(Các khác biệt giữa hai nước bắt đầu vào năm 2003 xung quanh vụ Yukos, sự kiện dẫn tới vụ xét xử trong một tòa án trá hình và bỏ tù doanh nhân thành công nhất của nước Nga, Mikhail Khodorkovsky.

9. Oligarchy (Tập đoàn đầu sỏ chính trị)

Thuật ngữ “tập đoàn đầu sỏ chính trị” mô tả tình huống một vài cá nhân có đủ ảnh hưởng để có thể hình thành các chính sách kinh tế, các thể chế kinh tế chính trị của một quốc gia theo hướng mang lại lợi thế cho bản thân họ. Đầu sỏ chính trị có thể là các chính trị gia, các tướng lĩnh, địa chủ, nhà công nghiệp hoặc kết hợp trong số này. Các đầu sỏ chính trị không tham gia chính phủ một cách chính thức có thể sử dụng các biện pháp hợp pháp hoặc bất hợp pháp để gây ảnh hưởng như tài trợ các chiến dịch chính trị, hỗ trợ chính phủ thông qua các cơ quan truyền thông mà họ kiểm soát, cung cấp việc làm lương cao cho các chính trị gia, quan chức về hưu, hoặc đơn giản là thực hiện hối lộ.

8. White elephant

Đây là từ chỉ một dự án tốn kém được thực hiện trong điều kiện eo hẹp về tài chính (Nói một cách dân dã là nghèo mà chơi hoang).

Ví dụ: What is worse, the regime has wasted the country’s natural-resources windfall on white elephants such as the new capital at Naypyidaw—a project that the IMF estimates may have cost Burma as much as 2 percent of its annual GDP for 2006.

(Tệ hại hơn, chế độ đã lãng phí khoản thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào các dự án tốn kém chẳng hạn như kế hoạch xây dựng thủ đô mới tại thành phố Naypyidaw – dự án mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính có thể tiêu tốn của Miến Điện gần 2% GDP năm 2006.)

7. Fortress mentality (tâm lý pháo đài/ tâm lý cố thủ)

Đây là tâm lý nảy sinh trong tình huống một nhóm người cảm thấy bị tấn công và vì vậy từ chối lắng nghe các chỉ trích hay quan điểm không phù hợp với mục đích hoặc lập trường sẵn có của họ.
VD: Jordan’s King Abdullah II warned on Monday that Israel’s “fortress mentality” would leave it “isolated from the rest of the neighborhood.”

(Vào hôm thứ Hai Vua Abdullah II của Jordan cảnh báo rằng “tâm lý pháo đài” của Israel sẽ khiến nước này “bị cô lập khỏi phần còn lại của khu vực.”)

6. Các từ chỉ quốc hội các nước

Nhiều quốc gia trên thế giới có các cách khác nhau để gọi quốc hội của mình trong tiếng Anh, ví dụ:
– Anh: Parliament (QH) = House of Lords (Thượng Viện) + House of Commons (Hạ Viện)
– Mỹ: Congress (QH) = Senate (TV) + House of Representatives (HV)
– Nga: Federal Assembly (QH) = Federal Council (Hội đồng Liên bang- TV) + State Duma (Duma Quốc gia – HV)
– Nhật: National Diet (Quốc hội) = House of Councilors (TV) + House of Representatives (HV)
– TQ: National People’s Congress (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hay Nhân Đại – QH)
– Pháp: Parliament (QH) = Senate (TV) + National Assembly (HV)
– Việt Nam/Myanmar…: National Assembly (QH)

Khi dịch, đặc biệt là dịch Việt – Anh, chúng ta nên chú ý để dịch cho chính xác. Nếu dịch Anh – Việt, với những từ đặc biệt như Duma Quốc gia hay Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chúng ta nên bổ sung nghĩa thông thường trong ngoặc đơn để người đọc dễ hiểu, ví dụ: Duma Quốc gia (Hạ viện).

5. Dutch Disease (Căn bệnh Hà Lan)

Đây là thuật ngữ để chỉ quá trình phi công nghiệp hóa, kết quả của những khoản thu nhập lớn bất thình lình từ tài nguyên thiên nhiên. Thuật ngữ ra đời tại Hà Lan vào những năm 1960, sau khi người ta phát hiện được những mỏ khí tự nhiên với trữ lượng rất lớn ở quốc gia này.

Hiện tượng xảy ra ở các nước mắc phải “căn bệnh Hà Lan” nói một cách ngắn gọn là việc đồng nội tệ ở những nước này tăng giá vì nguồn thu ngoại tệ đột ngột chảy vào nhờ xuất khẩu tài nguyên. Kết quả là những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh, trong khi hàng nhập khẩu thì giảm giá còn rất rẻ, khiến ngành công nghiệp trong nước trở nên chết yểu, dẫn tới quá trình phi công nghiệp hóa của nền kinh tế.

4. Hedging strategy (Tạm dịch: chiến lược phòng bị nước đôi)

Hedging là một chiến lược trong đó một quốc gia theo đuổi đồng thời nhiều chính sách khác nhau, đôi khi mâu thuẫn trái ngược nhau, với một quốc gia khác, nhằm tránh tình trạng phải lựa chọn chiến lược theo một chiều hướng duy nhất. Chiến lược hedging được lựa chọn do sự không chắc chắn đối với tương lai, khi người ta không biết được cách ứng xử của quốc gia kia trong tương lai sẽ như thế nào. Ví dụ, chiến lược hedging có thể bao gồm đồng thời các yếu tố như vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa thỏa hiệp vừa ngăn chặn, răn đe…, để vừa tận dụng được các lợi ích mà mối quan hệ hợp tác mang lại, vừa đề phòng cho những rủi ro chiến lược trong tương lai xuất phát từ quốc gia đối tác.

3. Eminent domain

Đây là từ để chỉ quyền của chính quyền trong việc thu hồi, trưng mua đất của các cá nhân/ hộ gia đình vì mục đích phát triển công cộng.

Ví dụ: Compensation for houses demolished under eminent domain is often minimal, but a few homeowners with the nerve to “make trouble” have received excessive payouts.
(Bồi thường nhà cửa bị phá hủy vì các mục đích phát triển công cộng thường không cao, nhưng một vài chủ nhà có gan “gây rối” đã nhận được các khoản bồi thường lớn.)

2. Phân biệt giữa từ “các” và từ “những”:

– Những: Từ đặt trước một danh từ số nhiều
– Các: Từ dùng để chỉ số lượng nhiều được xác định, gồm tất cả sự vật muốn nói đến.
Ví dụ: Chinese officials and scholars attacked the “China threat theory” but also recognized the need to address the concerns of their neighbors.

– Câu dịch chưa chuẩn: Các quan chức và học giả Trung Quốc công kích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nhưng cũng thừa nhận việc cần giải quyết mối quan ngại của NHỮNG nước láng giềng.
– Câu dịch chuẩn hơn: Các quan chức và học giả Trung Quốc công kích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nhưng cũng thừa nhận việc cần giải quyết mối quan ngại của CÁC nước láng giềng.

1. Một số từ chỉ chức vụ thường bị dịch nhầm lẫn:

– Speaker (of Parliament/ House of Representative…): Chủ tịch (Quốc hội/ Hạ viện…) Đã có nhiều trường hợp các bạn dịch là “người phát ngôn”
– Minister of State: Quốc vụ khanh (một chức vụ chỉ có ở một số nước).
– Secretary of State: Ngoại trưởng (Mỹ). Đã có nhiều bạn dịch là Thư ký liên bang.


Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét