Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa: 125 mẫu chỉ còn 29 mẫu (Kỳ 2)


125 mẫu đất chỉ còn lại 29 mẫu

Huy Phương/Người Việt

LTS - Hai bức thư (xem cuối bài) của đương kim đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, và đại tá tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tôn Thất Tuấn, đều có nói đến VAF, là tổ chức đang góp phần vào việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy, VAF là ai, đã làm được gì trong tiến trình trùng tu này? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch điều hành tổ chức VAF, từ Houston, Texas. Cuộc phỏng vấn do nhà báo Huy Phương/Người Việt thực hiện.

 ***

Huy Phương (HP): Kính chào ông Nguyễn Ðạc Thành. Xin ông vui lòng cho biết đôi nét về tổ chức Vietnamese American Foundation - VAF.

Ông Nguyễn Ðạc Thành (NÐT): Tiền thân của VAF là Tổng Hội H.O. Vào tháng 7, 1995, tôi, Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch Hội Ái Hữu H.O Houston, tổ chức Ðại Hội H.O với sự tham dự của 12 Hội H.O, cựu tù nhân chính trị, cựu quân nhân VNCH, ở các tiểu bang về Houston tham dự bầu Ban Chấp Hành Tổng Hội. Tôi được đại hội bầu chủ tịch Tổng Hội.

Tổng Hội tạm ngưng hoạt động vào cuối năm 2001 và tái hoạt động vào năm 2006 với mục đích vận động chính phủ Việt Nam cho phép tìm và cải táng hài cốt binh sĩ VNCH mất tích trong chiến tranh và chết trong trại tù cải tạo, đồng thời trùng tu NTQÐBH. Tổng Hội tạm ngưng hoạt động vào cuối năm 2001 và tái hoạt động vào năm 2006 với mục đích vận động chính phủ Việt Nam cho phép tìm và cải táng hài cốt binh sĩ VNCH mất tích trong chiến tranh và chết trong trại tù cải tạo, đồng thời trùng tu NTQÐBH.

Ðầu năm 2009, Ban Chấp Hành Tổng Hội H.O quyết định đổi tên là Vietnamese American Foundation (viết tắt là VAF), lấy danh nghĩa công dân Hoa Kỳ để thỉnh cầu chính phủ, Quốc Hội Mỹ giúp công dân Mỹ gốc Việt tìm và cải táng hài cốt người thân hy sinh trong cuộc chiến. VAF đã được gia đình có người thân là binh sĩ VNCH chết trong trại tù cải tạo, mất tích trong chiến tranh, hầu hết cựu quân nhân, đồng bào người Việt khắp nơi, ủng hộ.

Vì vậy, ngoài Ban Chấp Hành tại Houston, VAF còn có:

- Ðại diện ở một số tiểu bang có nhiều người Việt cư ngụ, như Nam, Bắc California, Oregon, Seattle, Washington D.C., Virginia, Florida, Atlanta,...

- Một Ban Chấp Hành Liên Quốc Gia gồm đại diện đồng bào tại Úc - Nhóm Trẻ Úc Châu - Ðại Diện đồng bào tại Ðức, và 5 Nhóm Gia Ðình Tử Sĩ VNCH có thành viên đang định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay tại trong nước.

- Ngoài ra, VAF đã được một số cố vấn người Mỹ - Việt có khả năng, tích cực ủng hộ.

- Văn phòng chính của VAF đặt tại 1117 Herkimer, Houston, TX 77008.

- Ðiện thư: tdn.vaf@gmail.com

HP: Cuộc trùng tu bắt đầu từ hoàn cảnh nào? VAF tiếp xúc và vận động với những giới chức nào phía Việt Nam để có thể về sửa sang các ngôi mộ trong nghĩa trang?

NÐT: Việc tìm và cải táng hài cốt tù cải tạo và những chiến sĩ VNCH mất tích trong chiến tranh và trùng tu NTQÐBH là việc làm, theo ý kiến tôi, phải song song với nhau. Không thể tìm và cải táng hài cốt mà không có nơi cải táng. NTQÐBH là nơi lý tưởng để cải táng hài cốt tù cải tạo và người mất tích. Vì vậy, VAF đã âm thầm vận động từ năm 2007, với sự cố vấn giúp đỡ của Giáo Sư Lê Xuân Khoa, và được cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Nguyễn Phú Bình và Nguyễn Thanh Sơn cùng nhiều người trong nước ủng hộ.


Buổi họp giữa ông Nguyễn Ðạc Thành (VAF) với ông Ðại Sứ Ted Osius và Dân Biểu Alan Lowenthal tại phòng họp đài truyền hình SBTN, ngày 12 tháng 7, 2015. Người ngồi bìa trái là Tiến Sĩ Ðinh Xuân Quân, cố vấn VAF. (Hình: Vietnamese American Foundation)

Cuộc trùng tu NTQÐBH bắt đầu từ cuộc họp giữa phái đoàn Bộ Ngoại Giao Việt Nam do Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn hướng dẫn đã đến Houston họp với Ban Chấp Hành VAF vào ngày 15 tháng 10, 2012. Cuộc họp đã được tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Washington DC, Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston và Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Lê Thành Ân, sắp đặt.

Trước khi họp, VAF đã gởi cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam tại Hà Nội, chủ tịch tỉnh Bình Dương, Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Houston, đại sứ Việt Nam tại D.C. và Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn một “proposal” cùng bản vẽ đề nghị xin trùng tu Nghĩa Dũng Ðài, còn gọi là Ðài Tưởng Niệm.

Ngày 15 tháng 10, 2012, ông Nguyễn Thanh Sơn chấp thuận trên nguyên tắc cho VAF trùng tu Nghĩa Dũng Ðài, và việc trùng tu đã hoàn tất như quý vị đã thấy. Nghĩa Dũng Ðài được trùng tu như quét sơn, làm lại bằng gạch, trồng cây cảnh và hoa, ở phía trước có một bệ thắp hương bằng đá đen.

HP: Từ bao giờ giới dân cử, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam vào cuộc giúp đỡ VAF trong việc trùng tu này?

NÐT: Tháng 10, 2008, tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brian Aggeler, đã tiếp chúng tôi, và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tổng hội H.O (VAF). Ông Aggeler đề nghị Tổng Hội gởi cho ông một proposal, ghi ra những điều mà Tổng Hội H.O. muốn ông thảo luận với chính phủ Việt Nam. Tiếp theo, Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn chính thức ủng hộ VAF trùng tu NTQÐBH.

Tháng 9, 2009, Tham Tán Chính Trị Ðại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội sắp đặt cho chủ tịch Tổng Hội H.O và Luật Sư Wesley Coddou họp với ông Palmer, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách Ðông Nam Á, và Thượng Nghị Sĩ Jim Webb. Cả hai ông Palmer và Webb đã tích cực ủng hộ.

Sau hai năm, trong cương vị Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Lê Thành Ân đã theo dõi hoạt động của VAF. Ngày 25 tháng 8, 2012, ông Lê Thành Ân trở lại Hoa Kỳ cùng Trung Tá Tôn Thất Tuấn, họp với chủ tịch VAF tại D.C . Cả hai long trọng cho biết hoàn toàn tin tưởng VAF và quyết định ủng hộ VAF trùng tu Nghĩa Trang Biên Hòa.

Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân, Trung Tá Tôn Thất Tuấn, cùng tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại D.C. sắp đặt cho VAF họp với phái đoàn Bộ Ngoại Giao Việt Nam do Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn hướng dẫn.

Cuộc họp diễn ra vào ngày 15 tháng 10, 2012, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn đồng ý cho VAF trùng tu NTQÐBH. Kể từ ngày đó, ông Lê Thành Ân, Ðại Tá Tôn Thất Tuấn trở thành cố vấn đặc biệt của VAF.

Tháng 1 2014, Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ, Edward Royce, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Hạ Viện, viết thư cho Ðại Sứ David Shear, yêu cầu ông đại sứ thảo luận chính thức với chính quyền Hà Nội, cho phép VAF trùng tu Nghĩa Trang. Tháng 7, 2014, dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Alan Lowenthal, cùng 18 dân biểu thuộc lưỡng đảng, cùng ký tên trên một lá thư gởi cho nhị vị bộ trưởng, Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ, yêu cầu đưa vấn đề trùng tu NTQÐBH ra chính thức thảo luận với phía Việt Nam và cho phép VAF trùng tu Nghĩa Trang.

Ngày 12 tháng 7, 2015, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, họp riêng với VAF và Dân Biểu Lowenthal. Ông đại sứ hoàn toàn ủng hộ VAF và hứa sẽ thăm Nghĩa Trang Biên Hòa, đồng thời sẽ đề cử người trực tiếp thảo luận với chính quyền tỉnh Bình Dương cấp giấy phép cho VAF trùng tu NTQÐBH.

Tháng 10, 2015, Ðại Sứ Osius thăm NTQÐBH và viết thư trả lời Dân Biểu Edward Royce và Lowenthal, tuyên bố ủng hộ VAF và cho biết đang thảo luận với chính quyền tỉnh Bình Dương cấp giấy phép cho VAF trùng tu NTQÐBH.

HP: Ngày 27 tháng 11, 2006, thủ tướng CSVN, Nguyễn Tấn Dũng, ký quyết định 1568/QÐ-TTG chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân Khu 7, Bộ Quốc Phòng, quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương, mang tên Nghĩa Trang Dân Sự Bình An. Việc này có phải là âm mưu xóa bỏ hình ảnh NTQÐBH không? Hiện nay tình trạng của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa ra sao, so với nguyên trạng ngày trước? Trong việc xây dựng, sửa sang, làm thế nào giữ lại nguyên hình ảnh nghĩa trang cũ?

NÐT: Tôi không thể quyết đoán [vế đầu của câu hỏi - NV] được nên xin miễn trả lời. Tuy nhiên bằng chứng cụ thể là hơn phân nửa diện tích đất Nghĩa Trang đã bị cắt bán cho tư nhân, và mới đây, hiện tượng “cắm cọc giải phóng mặt bằng” của huyện Dĩ An đã tạo ra luồng dư luận chính quyền Bình Dương muốn xóa bỏ nghĩa trang, lấy đất bán cho người ngoại quốc.

Ngày 27 tháng 11, 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chuyển mục đích sử dụng 58 mẫu đất của Nghĩa Trang Biên Hòa cho tỉnh Bình Dương để phát triển kinh tế. Diện tích tổng quát của NTQÐBH ngay từ đầu là 125 mẫu, trừ 58 mẫu thì nghĩa trang phải còn lại là 68 mẫu, tức là mất gần 50% đất đai. Hơn 50% đất nghĩa trang này, ngày nay chỉ còn lại khoảng dưới 29 mẫu, vì lý do dân vào lấn chiếm, chính quyền địa phương cắt đất đem nhượng, bán thêm nhiều khu đất nữa.

Hiện nay Nghĩa Trang còn 2 nhà dân (gia đình bộ đội cất bên trong nghĩa trang cùng 2 chuồng bò). Ngoài ra, mặt trước Bình Dương cũng cho đập phá hàng rào để cho mướn đất trồng cây dầu và dự trù cho mướn làm bãi đậu xe.

Tôi rất buồn là những ai chống đối việc trùng tu Nghĩa Trang không thấy can thiệp, lên tiếng, phản đối chính quyền Việt Nam để bảo vệ nghĩa trang.

Hiện nay người ta khuyến khích thân nhân bốc mộ để nghĩa trang càng ngày càng trống trải, lồi lõm để chỉnh trang lại và rồi cắt đất đem bán.

Trường Cao Ðẳng Nghề Ðồng An đã mua đất nghĩa trang. Tỉnh Bình Dương đã xây nhà máy Nước của tỉnh, cắt ngang Ðền Tử Sĩ và Nghĩa Trang.

Theo tôi nghĩ, hiện nay, ý muốn xóa NTQÐBH không còn. Bởi vì NTQÐBH không còn nằm trong bóng tối, không bị cô lập, không còn là “vấn đề của địa phương” nữa và chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn ra vấn đề. Ðặc biệt nhất, quan trọng nhất, là Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã gởi công hàm lên chính quyền Bình Dương (theo bức thư của ông Ðại Sứ) và bà Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn đang thảo luận với Bình Dương để giải quyết vấn đề như VAF đề nghị.

(Kỳ sau: Phần hai của cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đạc Thành: "Phải dựng lại Nghĩa Trang Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa như là một di tích lịch sử”)

***

Dưới đây là nguyên văn lá thư của Đại Sứ Ted Osius gởi các dân biểu Edward R. Royce và Alan Lowenthal

(Thư đề ngày 27 tháng 10, 2015)


Kính gửi Quý Ông:

- Edward R. Royce, Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại, Hạ Viện.

- Alan Lowenthal, Ủy Ban Đối Ngoại, Hạ Viện.

Gần đây tôi đã đến thăm nghĩa trang lịch sử Biên Hòa, hiện nay mang tên chính thức là Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, để đánh giá tình trạng tại địa danh quan trọng này và cũng để bày tỏ lòng kính trọng của tôi đối với hàng ngàn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (ARVN soldiers) được chôn cất ở đây. Tôi biết nhiều người dân trong khu vực của ông rất coi trọng việc trùng tu và sửa sang nghĩa trang này, vì thế tôi muốn nhân cơ hội này cập nhật một số thông tin về những nỗ lực của chúng tôi nhằm thúc đẩy tiến trình.

Ông Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, viếng thăm NTQĐBH, tháng 10, 2015. (Hình: Vietnamese American Foundation)

Đầu tiên tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề. Hoa Kỳ sẽ luôn ghi nhớ sự hy sinh của những người lính này. Và đối với gia đình, bạn hữu của những người được chôn cất ở đây, cũng như các nhóm đại diện như Vietnamese American Foundation (VAF), khả năng góp phần vào việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa đặc biệt có ý nghĩa.

Việc có được giấy phép để tiếp cận và cải tạo tình trạng ở nghĩa trang sẽ giúp họ đóng lại một chương đau buồn trong cuộc sống và loại đi một biểu tượng nhưng rất thực tế, là rào cản cho việc hòa giải. Ở cấp độ song phương, vấn đề này gây được tiếng vang bởi nó là biểu trưng cho những nỗ lực của chúng tôi nhằm trân trọng quá khứ ngay cả khi chúng tôi đang tìm cách tăng cường hơn quan hệ đối tác với Việt Nam trong tương lai.

Cho đến nay, đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết nhưng tôi tin rằng chúng tôi đang tiến bước. Rena Bitter, Tổng Lãnh Sự của chúng tôi ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cũng như người tiền nhiệm, đã nhiều lần gặp gỡ Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương để thảo luận và đã có những kết quả tốt. Nghĩa trang sẽ tiếp tục được dành riêng cho các chiến sĩ QLVNCH, và các ngôi mộ chỉ được khai quật theo yêu cầu của gia đình của những người đã mất, như những gì mà Dân Biểu Lowenthal đã thấy trong chuyến thăm vào tháng Tư của ông.

Và theo những gì tôi quan sát được trong chuyến thăm hôm 16 tháng Mười, có một lượng khá lớn các nhân viên đang trùng tu khu đất, và cả bia tưởng niệm của những người đã ngã xuống. Các quan chức Việt Nam ở tất cả các cấp đều hiểu rõ sự quan tâm của chúng tôi đến địa danh này, và thực tế nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều người Mỹ.

Tuy nhiên, tình trạng của các mộ phần đôi khi có sự cách biệt lớn, và cần phải làm nhiều hơn nữa để cải tạo khu đất. Chúng tôi ủng hộ việc cấp giấy phép cho một nhóm đại diện, như Vietnamese American Foundation, để họ có thể thường xuyên tiếp cận khu đất để nâng cấp và sửa chữa nhiều mộ phần đang hư hỏng. Tổng Lãnh Sự Bitter đã gửi một công hàm đến Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương để nhấn mạnh tầm quan trọng của đề nghị này, và Ủy Ban Nhân Dân đã đồng ý có một cuộc gặp với bà vào tháng 11 để thảo luận sâu hơn. Tôi cũng đã gặp Bí Thư Thành Ủy Tp.HCM, ông Lê Thanh Hải, người đã đồng ý liên lạc với các đồng sự của ông ở Bình Dương để xúc tiến vấn đề này.

Tóm lại, chúng tôi đang tiến về phía trước. Tôi hy vọng thông tin này hữu ích, và tôi muốn cảm ơn quý ông bởi lòng tận tụy lâu bền nhằm thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề này.

Xin đừng ngại liên hệ với tôi nếu chúng tôi có thể hỗ trợ gì thêm, và chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo cho văn phòng của quý ông về những tiến triển mà chúng tôi đã đạt được.

Trân trọng, Ted Osius

(Bản dịch của VAF)

***

Đại Tá Tôn Thất Tuấn: ‘Cần hợp sức mới xong công việc’


Ngày 18 tháng 12, 2015, Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ, Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, gửi thư cho Hội Biệt Động Quân Washington D.C. và phụ cận, trình bày về mối quan tâm của ông đối với việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Bức thư có đoạn dưới đây (trích).

Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Tùy Viên Quân Sự Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Hình: Đại Tá Tôn Thất Tuấn cung cấp)

“… Cũng xin báo quý bác, cô chú và anh chị rõ là ông Đại Sứ Ted Osius cũng đã đến thăm NTQĐBH vào ngày 16/10. Ông nói với Tuấn ông đến thăm nghĩa trang, trước là để tỏ lòng tôn kính đến sự hy sinh của những anh linh chiến sĩ VNCH nơi đây, và cũng để chính ông có thể tự nhận định được tình trạng hiện tại của nghĩa trang.

Tuấn thiết nghĩ cộng đồng mình cần hợp lại công sức nhiều hơn nữa mới có thể làm xong việc trùng tu này. Tuấn được may mắn đang làm việc với một ông Đại Sứ có tầm nhìn rất xa và thiết tha với nguyện vọng của những người Mỹ gốc Việt.

Rất kính mến,

Tuấn”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét