Tạp ghi Huy Phương
Ai thắp nén nhang cho tử sĩ
Ai thay anh vuốt mắt mẹ già.
Ai vấn lên đầu vòng tang trắng
Hay rồi ngày tháng cũng phôi pha!
Huy Phương (Chúc Thư)
“Tảo
mộ,” ở miền Trung gọi là “Chạp Mả.” Thời thơ ấu, ở thôn quê, vào những
ngày cuối Tháng Mười Hai Âm Lịch (Tháng Chạp) chúng tôi có dịp theo
những người lớn trong gia đình, đem nhang, đèn và dao, cuốc, xẻng đi
thăm mộ tổ tiên, làm cỏ, phát quang, đắp sửa lại những ngôi mộ bị mưa
gió xói mòn, và thắp nhang cúng vái sau khi việc “chạp” đã hoàn tất. Mọi
người đều trở về từ đường, hay nhà thờ chi, nhà thờ họ để làm lễ cúng
vái tổ tiên và thưởng thức mâm cỗ sau một ngày khá vất vả. Vì vậy, trùng
tu mộ chí cha ông là một trong những việc làm của đạo hiếu, cũng như
thể hiện lòng kính trọng đối với cha ông, tổ tiên đã qua đời.
Ngày
nay, vì hoàn cảnh xa quê hương, nhưng Tháng Chạp mỗi năm, những người
đi xa vẫn nhớ đến chuyện chạp giỗ, không góp được công thì góp của, như
tấm lòng thương tưởng của những đứa con lưu lạc, để giữ truyền thống
chăm sóc phần mộ của ông cha.
Những nấm mộ trong một nghĩa trang
buồn đã 40 năm nay không ai thăm viếng, tu sửa và nhang khói. Những
người nằm ở đây không phải đã là quá xa như các bậc tổ tiên, nhưng cũng
là bậc cha ông, hay đấng sinh thành của một thế hệ sinh ra trong chiến
tranh. Đó là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi có 16,000 mộ phần của
những tử sĩ VNCH, và rất xót xa, đây là những nấm mộ của người lính miền
Nam thất trận. Sự hung hãn, kiêu ngạo, vô nhân tính và bần tiện của
Việt Cộng đã thể hiện ngay ba ngày sau khi họ tiến chiếm Sài Gòn: Nghĩa
Trang Quân Đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, đã bị cào bằng và sau đó nhiều
năm, là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bị đào xới, hủy diệt, xua đuổi cả nghìn
ngôi mộ của nghĩa trang lâu đời là, phản ánh lòng ganh tỵ, thù hận.
Riêng
nghĩa trang chính thức của Quân Đội VNCH, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 đã
trở thành một vùng cấm địa, được coi như là một vùng đất quân sự đặc
biệt, không ai có thể bén mảng đến. Trong khi những người lính thất trận
còn sống bị xích xiềng xuống con tàu chở súc vật như thời nô lệ, theo
một cuộc lưu đày viễn xứ, thì kẻ chết nằm trong mộ chí bị rào cản khóa
chặt, xương cốt người chết không được đem ra, và người sống không ai vào
được. Chưa một dân tộc nào đối xử tàn tệ, mất tình người như những
người “chiến thắng” đối với người “bại trận” trong cuộc chiến vừa qua,
trong một cuộc chiến “giải phóng” được rêu rao rằng Nam-Bắc, không có ai
thắng, cũng chẳng có ai thua, mà chỉ có người thua là đế quốc Mỹ.
Làm
sao Cộng Sản rừng rú Việt Nam có thể có được tinh thần “hiệp ước của
những người hào hiệp (The Gentlemen's Agreement) sau trận nội chiến kéo
dài bốn năm của Hoa Kỳ? Trong trận đánh ở Gettysburg vào Tháng Bảy,
1863, sau ba ngày giao tranh, cả hai phe Nam-Bắc thiệt hại 7,000 người,
Tổng Thống Abraham Lincoln đã ra lệnh đem tất cả thi hài này an táng
chung một nơi, công bố đây là Nghĩa Trang Quốc Gia. Bốn mươi năm sau
cuộc chiến, để hàn gắn vết thương chia rẽ của dân tộc, năm 1990, Tổng
Thống William Mc Kinley đã cho thu thập khoảng 30,000 nấm mộ của tử sĩ
Liên Minh Miền Nam trong trận Nội Chiến rải rác trong vùng Washington,
cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là
Confederate Section.
Sau chiến tranh Việt Nam, hài cốt của người
Mỹ được trân trọng như quốc bảo, nhằm trao đổi, thương lượng qua đường
ngoại giao, thậm chí có thể trở thành món hàng qui ra bằng tiền, thì nắm
xương của “người anh em” trong nghĩa trang xưa trở thành di tích địch
thù cần phái xóa nát. Tử sĩ của miền Nam nằm trong một nghĩa địa hoang
tàn, bia mộ xiêu lạc, cỏ leo trên đầu, rễ cây cày qua xương cốt. Những
ngôi mộ không bị xiềng xích, không có bờ thành hay tháp canh, đèn rọi
như nhà tù, nhưng bị cô lập, như nằm trong trại tập trung.
Nhiều
gia đình tử sĩ, sau 30 năm không tìm lại được mộ cha anh, lối đi, địa
hình đã thay đổi, không còn mộ bia, không còn dấu vết. Thời gian và con
người bất nhân đã phá nát toàn bộ nghĩa trang, nơi mà đáng lẽ ra là biểu
tượng phải ghi nhớ của những anh hùng, thành một nơi hoang phế, chôn
vùi thân xác của phía những người bại trận.
Những người nghĩ đến
việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội đầu tiên là những đứa con của tử sĩ
(Quốc Gia Nghĩa Tử) trước thảm cảnh nơi chốn nằm xuống của cha ông, năm
2007, đã bỏ nhiều công sức, khởi đầu cho việc vận động với các dân biểu
Hoa Kỳ Ed Royce, Loretta Sanchez... và các cơ quan truyền thông của dòng
chính như VOA, RFA để vận động cho việc trùng tu lại nghĩa trang này.
Công việc vừa mới ở trong những bước thăm dò, khởi đầu, “phe địch” chưa
thấy phản ứng gì mà “phe ta” đã có hẳn một chiến dịch đánh phá bôi nhọ,
lực lượng Quốc Gia Nghĩa Tử phân hóa, chia đôi, dư luận cho rằng nhóm
này đã “đầu hàng” Việt Cộng, “rút tỉa xương máu của cha ông.” Điện thư,
điện thoại và những ý kiến chống đối, áp đặt đầy thô lỗ tràn dầy trên
Internet mỗi ngày. Cuối cùng sau những chuyến đi thăm viếng, dò la, và
dự án xây dựng lại bờ tường bảo vệ phần đất còn lại của nghĩa trang, dài
2,000m của con em nghĩa tử đành phải bỏ dở vì sự ác độc của dư luận.
Tình
thế hôm nay đã thay đổi, tuy khá muộn màng, dù đã phải chịu đựng những
khích bác, chê bai, chụp mũ của vài nguồn dư luận hải ngoại, với sự vận
động của những người có lòng, có sự liên hệ mật thiết với Bộ Ngoại Giao
và chính thức với sự can thiệp của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cơ
quan VAF (Vietnamese American Foundation) của những người cựu tù chính
trị và những công dân Mỹ gốc Việt đã đi được một đoạn đường dài trong
công việc trùng tu với 2,667 mộ đã hoàn tất. Tuy vậy chưa phải là chúng
ta đã hết khó khăn.
Thế hệ hậu duệ của VNCH, Đại Tá Tôn Thất
Tuấn, tùy viên quân sự Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, người rất quan
tâm đến nghĩa trang, đã lên tiếng “... thiết nghĩ cộng đồng mình cần hợp
lại công sức nhiều hơn nữa mới có thể làm xong việc trùng tu này.”
Tháng
Chạp năm nay có bao nhiêu người Việt lưu xứ vì nạn Cộng Sản “về quê ăn
Tết” đem hàng tỷ đô la về nước tiêu xài, chỉ xin ông bà một cuốc xe ôm,
ghé thăm lại nơi yên nghỉ của những người lính năm xưa, thắp chung cho
16,000 tử sĩ trong nghĩa trang buồn một nén hương thơm.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét