Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Trung Quốc bình luận việc TBT Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử




Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Sáng 28/1/2016 (giờ Bắc Kinh), Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) phát đi bài xã luận dưới đầu đề “Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm là tín hiệu tích cực nhưng không tuyệt đối”. Nguyên văn như sau:

Hội nghị toàn thể Trung ương khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) họp ngày 27/1 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng khóa mới. Sự tái nhiệm của ông trên chức vụ này được dư luận phổ biến cho là tín hiệu quan trọng thể hiện ĐCSVN muốn duy trì đường lối chính trị ổn định.

Đại hội XII ĐCSVN được dư luận phương Tây chú ý cao độ, họ tiến hành sự phân tích thổi phồng vấn đề “bè phái” trong nội bộ ĐCSVN,  gọi Tổng Bí thư Trung ương khóa XI Nguyễn Phú Trọng là “phái Bảo thủ” và “phái thân Trung Quốc”, gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “phái Cải cách” và “phái thân Mỹ”.  Truyền thông phương Tây luôn suy đoán Nguyễn Tấn Dũng, người “dốc sức thúc đẩy đưa Việt Nam gia nhập TPP” rất có thể trở thành tân Tổng Bí thư ĐCSVN, tuyên truyền ông sẽ mở ra “kỷ nguyên mới” trong công cuộc cải cách ở Việt Nam.

Khi sắp tới thời điểm cuối cùng trước ngày khai mạc ĐH XII, đã xuất hiện sự thay đổi tin tức. Các tin tiếp theo chứng thực tình hình chắc chắn là Nguyễn Tấn Dũng từ bỏ cuộc chạy đua làm người lãnh đạo ĐCSVN, ông không vào Ban Chấp hành Trung ương mới, Nguyễn Phú Trọng tái giữ chức Tổng Bí thư Đảng. Thế là một số dư luận phương Tây cho rằng “phái Bảo thủ” và “thế lực thân Trung Quốc” chiếm ưu thế.

Nhưng sự phân tích của dư luận phương Tây về nội tình ĐCSVN là quá nông cạn, đây là căn bệnh cũ của phương Tây khi phân tích về các nước cộng sản. Dư luận phương Tây đặc biệt thích dùng “phái Cải cách” và “phái Bảo thủ” để phân chia tầng lớp lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN, và dán nhãn mác “thân Mỹ” hoặc “thân Trung Quốc” cho hai phái này. Thực ra, dù cho ai nắm quyền lãnh đạo, hiển nhiên người đó sẽ đặt lợi ích của Đảng và Nhà nước Việt Nam lên hàng đầu, sự khác biệt về nhận thức của họ chưa chắc là không thể điều hòa được; đặc biệt, việc các nhân vật khác nhau được bầu làm Tổng Bí thư lại không có nhiều khả năng dẫn đến hậu quả khiến cho đường lối của nhà nước đi ngược với mục đích đã xác định.

Công cuộc cải cách của Việt Nam được dư luận rộng rãi cho là thành công. Không gian chính trị để nó đi chệch con đường hiện nay và bước mạnh theo mô hình “cải cách” của phương Tây là rất nhỏ. Cùng với việc Việt Nam mở cửa, sự thâm nhập chính trị của phương Tây đã xộc vào nước này. Các hậu duệ người Việt ở Mỹ có ý nguyện mạnh mẽ muốn lật đổ chế độ chính trị Việt Nam. Những điều đó tất nhiên sẽ làm ĐCSVN tăng cường cảnh giác, khiến họ quan tâm tới vấn đề phương hướng cải cách.

Việc xử lý tốt quan hệ với hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ được rất nhiều nước Đông Á coi là “mạch sống” về ngoại giao, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việt Nam coi Trung Quốc và Mỹ đều rất quan trọng, nhưng họ cũng có tâm lý đề phòng hai nước lớn này.

Trung Quốc là hàng xóm “lớn và có thật [nguyên văn chân thực]” của Việt Nam, Việt Nam gia nhập TPP nhưng việc Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của họ thì không thể thay thế. Điều càng quan trọng hơn là Trung Quốc, Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, con đường cải cách của Việt Nam từ cải cách kinh tế đến xây dựng đảng rồi đến ngăn ngừa sự thâm nhập của phương Tây, đều hấp thu nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc. Vấn đề giữa Trung Quốc với Việt Nam là tranh chấp lãnh thổ, nhưng tranh đi tranh lại bao năm nay, hai nước đều bắt đầu hướng tới bình tĩnh, nghiêm túc suy nghĩ nên đặt việc tranh chấp lãnh thổ ở vào vị trí nó nên ở, không thể để nó trở thành toàn bộ mối quan hệ Trung-Việt.

Mỹ là anh cả của phương Tây, tự nhiên là mục tiêu trọng điểm trong chính sách đối ngoại mở cửa của Việt Nam. Ngoài ra, Hà Nội còn chịu sự quyến rũ mê hoặc của việc “lôi kéo Mỹ khống chế Trung Quốc” trong tranh chấp lãnh thổ. Việc phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ cũng là chiều hướng tình thế chung. Song le vấn đề ở phía Mỹ là đồng thời với việc hợp tác, họ còn gieo rắc vào Việt Nam hạt giống “cách mạng màu”. Việt Nam khác Trung Quốc, nhiệm vụ chống đỡ sự lật đổ từ bên ngoài của họ nặng nề hơn, tình thế cũng nghiêm trọng hơn.

Việt Nam phải xây dựng chính sách phát triển đất nước trong một loạt nhân tố mâu thuẫn lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau. Họ cần có năng lực biết phân biệt thật giả và biết phân chia nặng nhẹ, cấp thiết và chưa cấp thiết. Họ càng đi về phía trước lại càng phát hiện không thể tấn công một điểm này mà bỏ qua các điểm khác, họ không thể nghe theo sự xúi giục của một khẩu hiệu nào đó, không thể bị quyến rũ bởi một cái tốt đơn độc nào đó, họ sẽ tự nhủ nên trù tính đầy đủ các mặt quốc sách, lấy ổn định để mà tiến xa.

Trong tình hình đó, Việt Nam rất khó triệt để “thân Trung Quốc” hoặc “thân Mỹ”, e rằng họ cần nhất là “thân ổn định vững bền”, “thân cân bằng lợi ích”.

Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm và Nguyễn Tấn Dũng mất quyền tranh đua có lẽ làm cho dư luận phương Tây có chút chán nản thất vọng, nhưng người Trung Quốc hoàn toàn không có lý do sa đà vào logic phân tích của phương Tây, cho rằng mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam từ nay “ổn thỏa rồi”. Cuộc tranh chấp Nam Hải giữa Việt Nam với Trung Quốc có lẽ sẽ được quản lý, kiểm soát như tình hình mới đây đã hình thành, song [tranh chấp] sẽ không ngừng lại. Sự hợp tác Việt Nam-Mỹ cũng sẽ không vì Nguyễn Tấn Dũng ra đi mà xuống dốc.

Nhưng dù nói thế nào đi nữa thì việc Nguyễn Phú Trọng đắc cử là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam. Thể chế của ĐCSVN có đặc sắc “nhiều đầu não” [nguyên văn: đa đầu] nhưng Tổng Bí thư ĐCSVN có sức ảnh hưởng lớn nhất với đường lối của Nhà nước. Công chúng Trung Quốc nên chúc mừng vị lão đảng viên 72 tuổi này của ĐCSVN, chúng ta cũng hy vọng ông có thể dẫn dắt Việt Nam làm bạn tốt của Trung Quốc, để cho kế sách lớn phát triển của hai nước thích ứng với nhau, khiến cho các vấn đề giữa hai nước có thể được giải quyết thông qua hiệp thương.


http://nghiencuuquocte.org/2016/01/29/tq-binh-luan-nguyen-phu-trong-tai-dac-cu/#

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét