Nguyễn Thế Phương
Quá trình phát triển khoa học và công nghệ quân sự của Trung Quốc luôn
được xem là một chiếc “hộp đen” bí ẩn. Sự bí ẩn bao trùm quá trình hiện đại hoá
quân đội Trung Quốc (PLA) này tạo ra nhiều đồn đoán về tiềm lực, khả năng và
vai trò của quân đội dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Những bài viết có sẵn
thường tập trung vào các trang thiết bị kỹ thuật (ví dụ như chương trình tàu
sân bay hay tên lửa đạn đạo) hay phân tích các đại chiến lược quan trọng (ví dụ
như tham vọng cải cách quân đội gần đây của Tập Cận Bình).
Tuy nhiên, rất ít các bài viết đề cập tới những cá nhân, những quân
nhân nổi bật trên mặt trận phát triển công nghệ; những kỹ sư và nhà khoa học đã
thiết kế và chế tạo (hay thậm chí là ăn cắp) các thông tin và vũ khí mà PLA
đang sử dụng. Robert Beckhausen đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh
về một trong những cá nhân quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong chương trình
hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc.
Dương Vĩ (杨伟) không phải
là một cái tên quen thuộc, ngay cả với những chuyên gia chuyên theo dõi Trung
Quốc. Tuy nhiên, vị Giám đốc 53 tuổi của Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô chắc chắn
là người có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp máy bay quân sự của
Trung Quốc hiện nay. Tất cả những gì mà chúng ta biết hiện nay về Dương Vĩ đến
từ bài phỏng vấn năm 2011 trên tờ tuần báo Khoa học và Công nghệ, tờ ngôn luận
chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Dương Vĩ chính là thiết kế
trưởng của hai dòng máy bay đang được bàn luận nhiều nhất hiện nay của Trung Quốc:
máy bay tàng hình J-20 và chiếc máy bay liên doanh giữa Pakistan và Trung Quốc
JF-17 Thunder, vốn được quảng cáo là một loại tiêm kích xuất khẩu giá rẻ có khả
năng thay thế các loại tiêm kích hiện đại thế hệ thứ tư của Nga hay phương Tây.
Những gì chúng ta biết về Dương Vĩ là việc ông ta sinh năm 1963, được
nhận vào Northwestern Polytechnical University vào năm 1978 ở tuổi 15. Ông ta
hoàn thành hai bằng đại học và trở thành một kỹ sư điều khiển hệ thống tại
Thành Đô. Ở tuổi 35, ông trở thành vị giám đốc trẻ nhất của một viện nghiên cứu
và phát triển quân sự quan trọng. Trong cuộc phỏng vấn, Dương được giới thiệu
là nhà thiết kế chính của hệ thống điện tử “fly-by-wires” do Trung Quốc tự
nghiên cứu chế tạo vào những năm 1980. Hơn nữa, ông cũng được xem là kiến trúc
sư trưởng của các hệ thống kiểm tra mô phỏng máy bay điện tử của Không quân.
Dương Vĩ do đó được ca ngợi là “người đã phá vỡ các rào cản công nghệ nước
ngoài”.
Chỉ điều đó thôi là chưa đủ, Dương Vĩ chắc chắn là một nhân vật quan trọng
trong quá trình phát triển các loại máy bay hiện đại của Trung Quốc. Beckhusen
cho rằng chính Dương Vĩ là người đã cách mạng hoá quy trình thiết kế và chế tạo
máy bay chiến đấu ở Trung quốc. Thay vì thiết kế và chế tạo một loại máy bay
hoàn toàn mới, Dương Vĩ đã “vay mượn” thiết kế từ các quốc gia khác, kết hợp với
các công nghệ nội địa hay nhập khẩu, và tạo ra một sản phẩm rẻ hơn.
J-20 chính là ví dụ hoàn hảo cho quy trình trên. Chiếc máy bay này được
thiết kế dựa trên công nghệ nước ngoài bằng cách ăn cắp các bản thiết kế của
máy bay F-35 và F-22 của Mỹ. Có nhiều đồn đoán và nghi ngờ về năng lực chiến đấu
của hai hai loại máy bay F-35 và F-22, nhưng có một thứ rất chắc chắn: J-20 sẽ
rẻ hơn nhiều so với các đối thủ đến từ Mỹ. Trong khi con số chính thức chưa được
công bố, thì một loại máy bay chiến đấu tàng hình khác của Trung Quốc là J-31
được dự báo có giá vào khoảng 75 triệu USD. Trong khi đó chiếc F-35 được dự
đoán có giá từ 100 đến 200 triệu USD.
Như Beckhusen đã chỉ ra, J-20 sẽ khó có thể trở thành một vũ khí có thể
hoàn toàn thay đổi cuộc chơi. J-20 không thể hiệu quả như F-35 và F-22 (chủ yếu
do vấn đề động cơ). Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa tới một thập kỷ, Trung Quốc
từ không có một chiếc máy bay tàng hình nào cho tới hiện nay đã có thể gia nhập
câu lạc bộ các nước sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Đó là một thành tựu
lớn.
Đối với JF-17, triết lý thiết kế của Dương Vĩ lại đi theo một hướng
khác. Chiếc máy bay này được thiết kế dựa trên huyền thoại Mig-21, nhưng đã được
nâng cấp lớn để tích hợp các loại công nghệ nhập khẩu cũng như nội địa và được
cho là tương đương với các máy bay F-16 thế hệ cũ. Một lần nữa, JF-17 không phải
là một dòng máy bay mang tính cách mạng, và cũng không phải là quá hiện đại,
tuy nhiên với giá trị 25 triệu USD/chiếc, số lượng lại có thể bù đắp cho chất
lượng.
Tuyên bố vào cuối tháng 12 của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thành lập
hai lực lượng mới trong quân đội Trung Quốc là Lực lượng tên lửa (Rocket Force
– PLARF) và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (Strategic Support Force – PLASSF) gây
nhiều chú ý. PLARF thực chất là sự nâng cấp của Binh đoàn Pháo binh số hai (2nd
Artillery Force) lên vị thế ngang bằng với ba quân chủng còn lại. Đây là bước
đi chiến lược nhằm tăng cường năng lực tên lửa tầm trung và tầm xa của Trung Quốc.
Tuy vậy, lực lượng SSF vẫn là một câu hỏi lớn.
Chủ tịch Tập Cận Bình không đưa ra những chi tiết cụ thể về vai trò của
lực lượng này. Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố
rằng SSF sẽ đóng vai trò “chiến lược, căn bản, hỗ trợ” trong toàn quân. Tống Trọng
Bình, một cựu sĩ quan của Binh đoàn Pháo binh số hai và là một lý thuyết gia
quân sự mô tả SSF như một quân chủng thứ năm, bao gồm các đơn vị tác chiến mạng,
tác chiến không gian và tác chiến điện tử. Lực lượng tác chiến mạng sẽ bao gồm
những tin tặc làm nhiệm vụ tấn công và phòng thủ. Lực lượng tác chiến không
gian sẽ “tập trung vào nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường vệ tinh”. Và Lực lượng tac
chiến điện tử sẽ “gây nhiễu và bẻ gẫy hệ thống ra-đa và liên lạc của đối
phương”. Theo ông Tống, điều này sẽ giúp quân đội đáp ứng được các yêu cầu do
chiến tranh công nghệ cao đặt ra.
Theo John Costello, SSF sẽ hoàn thiện bộ ba răn đe chiến lược của Trung
Quốc, bao gồm chiến tranh hạt nhân, không gian và tác chiến mạng. SSF tập trung
nhiệm vụ của mình vào lĩnh vực được coi là tối quan trọng trong chiến tranh hiện
đại: mạng lưới thông tin quân sự (military networks). Các mạng lưới thông tin tầm
xa và phức tạp chính là xương sống của chiến tranh thông tin và giúp định hướng
các loại vũ khí có độ chính xác cao vốn là cốt lõi của chiến tranh hiện đại.
Các chiến trường trên không gian, chiến trường mạng và không gian điện từ
(electromagnetic – là không gian bao gồm các tín hiệu điện tử được kết nối với
nhau thông qua hạ tầng không gian và hạ tầng mạng) tạo ra một “trường hấp dẫn
thông tin” (information center of gravity – COG) của chiến tranh hiện đại.
Trung Quốc nhận ra rằng quân đội Mỹ sẽ trở nên dễ bị tổn thương khi COG bị tác
động. Một vài học giả Trung Quốc đã cho rằng nếu không có hệ thống vệ tinh,
quân đội Mỹ sẽ không thể tiến hành tấn công (no satellites-no fight).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét