Đại hội 12 Đảng Cộng
Sản Việt Nam đã khai mạc hôm 21/1, chuẩn bị lựa chọn các lãnh đạo cao nhất của
đất nước.
BBC Tiếng Việt trò
chuyện với một số bạn trẻ tại Việt Nam về mong muốn của họ với nhà lãnh đạo mới.
Bạn Nguyễn Long Kiên
(24 tuổi, tại TP.HCM) nói: "Tôi quan tâm, nhưng là về những hướng đi sau
này, chứ tôi nghĩ ai lãnh đạo thì cũng đã có sắp xếp trước rồi.
Thực trạng chính trị
Việt Nam là sự thỏa thuận giữa những phe phái trong nội bộ nên tôi không hy vọng
vào một ai có thể đột phá nền chính trị hiện tại. Tôi cũng không thấy được
trong nội bộ những người đó có ai thực sự có thể tạo nên đột phá hay
không."
"Có thể tôi hơi ảo
tưởng một chút, nhưng tôi vẫn trông đợi vào sự thay đổi thực sự từ xã hội, nếu xã
hội vẫn như hiện nay thì chính trị theo tôi vẫn vậy dù ai lãnh đạo thôi.” –
Kiên nói với BBC Tiếng Việt.
Nguyễn Thành Phong, một
họa sĩ nổi tiếng tại Hà Nội cũng cho biết: "Ở thời điểm này, tôi không
quan tâm, không hi vọng gì thì đúng hơn. Người dân làm gì có sự chọn lựa trong
việc bầu bán của hội kín ấy.”
Khác với nhiều người,
anh Lê Quang Dũng, 29 tuổi, một YouTuber tại Sài Gòn lại quan tâm vì “Trong kỳ
đại hội Đảng lần này, báo chí cũng như việc các trang blog, diễn đàn đưa tin về
việc tranh chấp trong nội bộ Đảng nên nó cũng khiến tôi chú ý.”
"Mặt khác Việt
Nam đang đứng trước sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông cũng làm cho việc bầu
cử khiến tôi chú ý. Thông qua đó mình biết được xu hướng ngoại giao của Việt
Nam như thế nào sắp tới.”
Anh Trần Đặng Đăng
Khoa, làm kinh doanh máy móc tại TP.HCM, cho biết nguyên nhân khiến anh không
chú ý đến Đại hội Đảng vì "Dù dân chúng có phấn đấu đến đâu mà cái tâm của
người lãnh đạo không có thì cũng như con số không.
Tôi tự lo cho mình
thôi, và không trông mong gì hết.Trong một bầy chuột, con chuột nào lên làm
vua thì cuối cùng cũng sẽ chỉ là con chuột, không thể biến thành con mèo. Vì
thế tôi không quan tâm nữa."
Thay đổi đến từ đâu?
Khác với nhiều người
trẻ, nguyên nhân mà Quang Dũng chú ý đến đại hội, vì anh quan tâm “người kế
nhiệm thủ tướng là ai chứ không phải tổng bí thư. Vì vị trí này theo tôi không
có ảnh hưởng nhiều."
"Trong thực tế
chức vụ thủ tướng có thực quyền nhiều hơn. Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua chứng minh
thủ tướng là vị trí nổi bật và tranh giành nhiều nhất, Có tiếng nói đối ngoại
quan trọng hơn là tổng bí thư, và là người lèo lái cho nền kinh tế Việt
Nam." - Dũng phân tích dựa trên quan sát các tranh luận đang diễn ra tại
Việt Nam.
Khi nói về lãnh đạo mới,
đa số các bạn trẻ được hỏi nói về “sự thay đổi” của Việt Nam, nhưng lại không kỳ
vọng các lãnh đạo Việt Nam tạo ra điều đó.
Nguyễn Long Kiên chia
sẻ: "Tôi mong một hướng đi tiến bộ hơn cho xã hội, cụ thể theo ý kiến của
tôi là trông đợi những thay đổi trong giáo dục, đây không phải là việc trường lớp
dạy gì mà là sự thay đổi sâu rộng về nhận thức của cả người dân và chính quyền
để có hướng đến những giá trị cốt lõi mà xã hội trao cho lớp trẻ sau này.
"Người dân Việt
Nam ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Từ cộng đồng
thì mới có ý thức được Quốc gia. Nếu người dân thay đổi thì tôi nghĩ chính trị
sẽ buộc phải thay đổi theo."
Họa sĩ Thành Phong nhận
định về cách Việt Nam đang biến chuyển: "Tôi tin vào các cá nhân. Tôi nghĩ
xã hội đang chuyển hóa theo hướng tốt hơn, một cách chậm chạp, chủ yếu nhờ sự nỗ
lực của cá nhân và các tổ chức tư nhân.
"Giới trẻ cũng
đang thay đổi. Dù còn chậm và ít ỏi, nhưng tôi thấy người trẻ dần có tiếng nói
và cách nhìn riêng và tự tin vào lựa chọn của mình. Tóm lại chỉ còn hi vọng vào
sự trưởng thành của xã hội dân sự.”
"Tôi hi vọng vào
sự thay đổi của chính bản thân mỗi người dân, xã hội chỉ có thể thay đổi tích cực
khi mỗi mắt xích nhỏ của nó trưởng thành về nhận thức và trách nhiệm với xã hội
mình đang sống. Nếu mỗi người không thể trở nên tử tế hơn thì đừng hi vọng xã hội
sẽ tốt lên." - Thành Phong nói với BBC Tiếng Việt.
BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét