Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Những bài học từ lịch sử của Tập Cận Bình


Biên dịch: Lê Công Anh - Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn: “Xi’s History Lessons,” The Economist, 14/08/2015.



Đầu tháng 9 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến dự một buổi duyệt binh lớn ở Bắc Kinh. Đây sẽ là sự khẳng định quyền lực rõ nét nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền năm 2012: lần đầu xuất hiện trước công chúng trong một buổi biểu dương các lực lượng tên lửa, xe tăng, và binh lính diễu hành. Được biết, sự kiện sẽ hoàn toàn liên quan đến các vấn đề quá khứ, kỷ niệm Thế chiến II kết thúc năm 1945 và tưởng nhớ 15 triệu người Trung Quốc đã mất trong một trong những chương đẫm máu nhất của lịch sử Trung Quốc: thời kỳ Đế quốc Nhật xâm lược và chiếm đóng Trung Quốc 1937-1945.

Nó sẽ là một lời nhắc nhở về lòng quả cảm của các quân nhân Trung Quốc cũng như vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc đương đầu với đế quốc hung tàn của châu Á. Quả đúng như vậy: những hy sinh của Trung Quốc trong suốt thời kỳ địa ngục đó xứng đáng được ghi nhận rộng rãi hơn.

Trong giai đoạn từ năm 1937, khi cuộc chiến toàn diện đã nổ ra ở Trung Quốc, cho đến cuối năm 1941, khi cuộc tấn công Trân Châu Cảng đưa Mỹ vào cuộc chiến, Trung Quốc đã phải đơn độc chiến đấu với Nhật Bản. Khi Thế chiến kết thúc, thiệt hại về người của Trung Quốc – cả binh lính và thường dân – lớn hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Liên Xô.

Nhưng buổi duyệt binh trong tháng tới không chỉ là vấn đề tưởng nhớ về quá khứ mà còn là vấn đề về tương lai. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc kỷ niệm ngày Thế chiến II kết thúc bằng một buổi biểu dương lực lượng thay vì một buổi lễ tưởng niệm long trọng. Các nước láng giềng của Trung Quốc chắc chắn sẽ hiểu ý nghĩa của điều này. Và nó sẽ khiến họ phải lo lắng vì ở Đông Á ngày nay, cường quốc phi dân chủ có xu hướng gây hấn đang trỗi dậy không còn là một chuỗi đảo dưới sự lãnh đạo của một vị Thiên Hoàng. Mà đó là quốc gia đông dân nhất thế giới được dẫn dắt bởi một người đàn ông mà tầm nhìn về tương lai của ông (một quốc gia giàu có hơn với quân đội hùng mạnh hơn) nghe có vẻ giống như một trong những câu khẩu hiệu của thời kỳ đầu Đế quốc Nhật.[1] Sẽ là sai lầm nếu nhấn mạnh quá mức sự tương đồng này: Trung Quốc chưa có ý định xâm lược các nước láng giềng. Nhưng có lý do để lo lắng về cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn nhận lịch sử và lợi dụng nó để biện minh cho những tham vọng hiện tại của Trung Quốc.

Lịch sử mang đặc sắc Trung Quốc

Dưới thời Tập Cận Bình, logic của lịch sử đại loại là thế này. Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc đánh bại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản đến mức nó không chỉ xứng đáng nhận được sự ghi nhận muộn màng cho lòng quả cảm cũng như những mất mát đau thương trong quá khứ, mà còn xứng đáng có tiếng nói lớn hơn về cách châu Á được vận hành ngày nay. Hơn nữa, Nhật Bản vẫn còn nguy hiểm. Các trường học, bảo tàng, và các chương trình truyền hình ở Trung Quốc vẫn luôn cảnh báo rằng tinh thần xâm lăng vẫn đang ẩn nấp phía bờ biển đối diện. Một nhà ngoại giao Trung Quốc còn ngụ ý rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là chúa tể Voldemort mới, nhân vật đại diện cho cái ác trong bộ truyện Harry Porter. Báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc rêu rao rằng bất cứ lúc nào Nhật Bản cũng có thể sẽ đe dọa châu Á một lần nữa. Và Trung Quốc cũng sẽ một lần nữa đứng lên chống lại mối đe dọa đó.

Như bài viết của tạp chí The Economist về những hồn ma của cuộc chiến đã kết thúc cách đây 70 năm lý giải, cách diễn giải lịch sử này của Trung Quốc đòi hỏi những sự bóp méo tinh tế. Bởi thứ nhất, những người phải chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến chống Đế quốc Nhật không phải là những người cộng sản Trung Quốc, mà là kẻ thù của họ, những người dân tộc chủ nghĩa (hay Quốc Dân Đảng) dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Thứ hai, Nhật Bản ngày nay hoàn toàn không giống với cái đất nước đã tàn sát người dân Nam Kinh, buộc phụ nữ Trung Quốc và Hàn Quốc vào các nhà thổ quân sự hay tiến hành thử nghiệm vũ khí sinh học trên dân thường.

Nhật Bản cũng chưa từng ăn năn về những tội ác chiến tranh hoàn toàn như Đức đã làm. Thậm chí ngày nay, một nhóm người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tuy nhỏ nhưng có tiếng nói còn phủ nhận những tội ác chiến tranh của đất nước họ và đáng xấu hổ là ông Abe đôi khi còn nối giáo cho họ. Nhưng suy nghĩ Nhật Bản vẫn còn là một cường quốc hiếu chiến thì thật vô lý. Binh lính Nhật Bản đã không bắn phát súng giận dữ nào từ sau năm 1945. Nền dân chủ của Nhật có gốc rễ vững chắc; sự tôn trọng nhân quyền của Nhật Bản cũng rất sâu sắc. Đa số người Nhật đều ý thức được tội ác chiến tranh của đất nước họ. Nhiều thế hệ chính phủ Nhật Bản đã xin lỗi và ông Abe được kỳ vọng là cũng sẽ làm vậy. Nhật Bản ngày nay đang già đi, thu mình lại, phần đông theo chủ nghĩa hòa bình, và do những vết thương mang tên Hiroshima và Nagasaki, Nhật sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Đe dọa như vậy đấy.

Hiểm họa từ sự bôi đen

Sự bôi đen của Trung Quốc đối với Nhật Bản không chỉ là vô lý mà còn đầy nguy hiểm. Không phải lúc nào chính quyền cũng có thể kiểm soát được ngọn lửa thù hận dân tộc do chính họ nhen nhóm. Cho đến nay, việc Trung Quốc công khai thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ mới dừng ở mức đe dọa tấn công chứ chưa làm đổ máu. Tuy nhiên, vẫn luôn tiềm tàng nguy cơ là một tính toán sai lầm có thể sẽ dẫn đến những điều tệ hại hơn.

Những vết thương trong cuộc chiến đã qua ở Đông Á vẫn chưa lành. Bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt, Trung Quốc và Đài Loan vẫn tách biệt, và thậm chí có thể nói Nhật Bản cũng bị chia cắt vì kể từ năm 1945 Mỹ đã bắt đầu sử dụng hòn đảo Okinawa ở miền Nam Nhật Bản làm căn cứ quân sự chính tại Tây Thái Bình Dương. Eo biển Đài Loan và biên giới giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục là những điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột; cho dù một ngày nào đó các vấn đề này có thể trở nên bạo lực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào hành vi của Trung Quốc, dù tốt hơn hay tệ hơn. Thật ngây thơ khi cho rằng Mỹ sẽ luôn có thể kiểm soát được mọi việc.

Ngược lại, nhiều người châu Á lo ngại rằng tham vọng của Trung Quốc sẽ dẫn Trung Quốc vào cuộc đụng độ với Mỹ và các quốc gia nhỏ hơn khác núp dưới chiếc ô an ninh của Mỹ. Việc Trung quốc gây hấn với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông hay xây dựng đường băng trên các bãi đá ngầm có lịch sử tranh chấp ở Biển Đông đã nuôi dưỡng những mối lo ngại này. Nó cũng có khả năng sẽ lôi kéo Mỹ vào những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc và làm tăng nguy cơ về một cuộc xung đột cuối cùng.

Đông Á thời hậu chiến không giống như Tây Âu. Không có NATO hay Liên minh châu Âu nào để hàn gắn những nước cựu thù. Các nước châu Á cũng không có được quyết tâm gìn giữ một nền hòa bình lâu dài bằng cách hòa hợp với kẻ thù cũ dưới một hệ thống các nguyên tắc chung như quyết tâm của Pháp với Đức. Vì vậy, Đông Á cũng ít ổn định hơn Tây Âu: một tập hợp lỏng lẻo các quốc gia cả giàu lẫn nghèo, dân chủ lẫn chuyên chế, với ít hơn nhiều các thỏa thuận về các giá trị chung hay thậm chí là về vị trí các đường biên giới. Không có gì khó hiểu khi người châu Á cảm thấy bất an bởi gã khủng lồ trong khu vực, được cai trị bởi một đảng duy nhất mà hầu như không phân định giữa bản thân với dân tộc Trung Quốc, lợi dụng vấn đề nạn nhân của lịch sử và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh vì bản thân mình.

Sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu Trung Quốc không dựa trên cơ sở của quá khứ để tìm cách lãnh đạo khu vực mà dựa vào tính xây dựng trong cách hành xử của nó ngày nay. Nếu Tập Cận Bình cam kết đưa Trung Quốc tới những nỗ lực đa phương nhằm thúc đẩy ổn định khu vực thì ông phải chứng tỏ rằng ông đã thực sự học được những bài học từ lịch sử. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều, rất nhiều so với việc lặp lại quá khứ./.


Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét