Bùi Xuân Nhã
Suốt một thời gian
dài, câu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là một khẩu hiệu
dân chủ hào nhoáng, lừa bịp được rất nhiều người. Nhưng nó cũng cho thấy vai
trò của người làm chủ luôn luôn giữ vị trí thật khiêm nhường, nếu không muốn
nói là hạng bét trong khi đảng mãi mãi là người dẫn đường sáng suốt nhất.
Sau nhiều thập niên
làm chủ không, ruộng vườn lần lượt rơi vào tay đảng lãnh đạo và tay chân cật ruột
của nó , nhân dân mới vỡ lẽ ra mình là người bị gạt một cách tinh vi bởi trò
chơi chữ.
Mười năm gần đây nhất,
nói về mức độ tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng, những
bần dân của chế độ không khỏi lắc đầu ngao ngán. Vì lẽ những gì đang diễn ra
trên khắp đất nước, hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn rất đơn giản của họ. Đảng
vẫn u mê buộc chặt dân tộc này và chủ thuyết Mác-Lê mà thế giới đã xếp vào thứ dĩ
vãng sai lầm.
Thế nhưng mới đây,
trên báo Quân Đội Nhân Dân bài viết của tác giả Nguyễn Văn Cần nào đó đã lớn giọng
nói “Đảng Cộng Sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng
trao quyền lãnh đạo”.
Thật là một luận điệu nực cười, vì không biết căn cứ vào
đâu mà tác giả quyết đoán “nhân dân tin tưởng” vào đảng?
Những chế độ dân chủ phổ biến trên thế giới, nhân dân trao
quyền lãnh đạo thông qua các đại biểu của mình bầu ra trong các cuộc bầu cử. Hoặc
từ các cuộc bầu cử đó các nhà lãnh đạo quốc gia xuất hiện nhận nhiệm vụ điều
hành đất nước theo nguyện vọng người dân và theo một hạn kỳ nhất định.
Điều này hoàn toàn không có trong chế độ độc quyền, độc đảng
như ở Việt Nam. Cái gọi là quyền lãnh đạo bị đảng gói kín và giữ chặt trong
tay. Trước những đòi hỏi của nhân dân được sống xứng đáng như một con người, đảng
cố thủ trong pháo đài dân chủ tập trung, củng cố vị trí cầm quyền muôn năm bằng
lực lượng “công an còn đảng còn mình”.
Chỉ cần nhìn qua cuộc đấu đá gay gắt giành ghế chia quyền
trước và trong đại hội 12 của đảng, không ai không thấy chưa bao giờ những học
trò kiệt xuất của họ Hồ lại tham quyền cố vị đến thế.
Trong 8 thập niên kể từ ngày được Quốc tế 3 nặn lên trên đất
Hương Cảng, đảng CSVN không làm gì khác hơn noi theo con đường cách mạng bạo lực.
Những người cộng sản Việt Nam có lúc đã hãnh diện khẳng định làm cách mạng
không chỉ để “giải phóng” Việt Nam mà còn giải phóng thế giới đang rên siết dưới
gót giày của chủ nghĩa tư bản bóc lột.
Chính vì thế, những người lính xung kích của Đệ Tam Quốc Tế
đã thản nhiên gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn đẩm máu ở Miền Nam. Sau
năm 1954, thay vì lợi dụng thời kỳ đất nước vừa im tiếng súng để phát triển kinh
tế trong hòa bình, nâng cao đời sống nhân dân thì đảng lại cưỡng ép nhân dân
lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Sinh lực dân tộc bị
tổn thương trầm trọng với cái chết của hàng triệu thanh niên, mầm non xây dựng
đất nước.
Năm 1945 đảng tự hào đã “cướp” được chính quyền, cho tới
nay nhân dân tặng từ ấy luôn cho đảng nên đảng CSVN trở thành “đảng cướp”. Và
không nhân dân nào tin vào một đảng chỉ chăm chăm cướp đất cướp nhà nhân dân,
bòn rút ngân sách, thu vén cá nhân.
Tác giả bài báo cho rằng nhân đại hội 12, các thế lực thù địch
đã nói xấu, xuyên tạc về đảng CSVN. Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có một
chính quyền nào lại có nhiều thế lực thù địch như chế độ hiện nay. Đảng nhìn
đâu cũng thấy thế lực thù địch giăng mắc mọi nơi. Nếu nhân dân đã tin vào đảng
thì làm sao đảng lại lao đao vất vả cho các cây bút tuyên giáo lu loa, biện bạch
làm gì?
Đảng cũng thường rêu rao “Đảng Cộng sản Việt Nam-đội
tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam”. Câu ấy đến nay không còn lừa bịp
được ai, không còn được ai tin tưởng ngay cả những người đang bán sức lao động
nơi nhà máy, công trường. Hàng năm, có hàng trăm ngàn thanh niên nam nữ chen
chúc nhau dành một chỗ đi bán sức lao động cho nước ngoài. Họ có tin đảng là
người chăm lo cho họ hay đã lãnh đạo thành công trong cuộc đổi mới kinh tế hay
không?
Nếu quả thật có một
giai cấp công nhân như lời đảng rao giảng thì ý chí và nguyện vọng của họ không
phải là làm kiểng và bị bóc lột thậm tệ hơn thời thực dân.
Mới đây, “giai cấp
tiên phong” ấy trong Công ty Dệt Mùa Đông ở Hà Nội tụ tập trước văn phòng công
ty để đòi hỏi quyền lợi. Họ chẳng những không được giải quyết thỏa đáng mà còn
bị hàng chục kẻ “lạ mặt” trà trộn tấn công trước mũi công an. Thật mỉa mai
“giai cấp tiên phong” chẳng được chế độ tự xưng là đại diện chân chính của nó bảo
vệ chút nào!
Vậy tính tiền phong của Đảng để đâu, “để xứng đáng với niềm tin
yêu của nhân dân” mà tác giả Nguyễn Văn Cần hăng hái nêu ra? Trong tháp ngà của
quyền lực, đảng cộng sản đã vẽ vời niềm tin vốn chưa bao giờ có của người
dân để ru ngủ chính mình.
Người dân đã không có
niềm tin vậy câu chuyện “trao quyền lãnh đạo” cho đảng CSVN cũng chỉ là chuyện
nói lấy được để cưỡng ép người nghe. Từ ngày 20/1 tại Hà Nội, đảng họp đại hội
lần thứ 12. 1510 đại biểu tham dự sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương mới, từ đó
đưa ra quyết định về 4 vị trí cao nhất trong đảng và nhà nước.
Từ đầu đến cuối, những
người cộng sản bầu bán, chia chác quyền hành cho nhau trong lúc nhân dân bị gạt
ra bên lề cuộc chơi của đảng. Trong khi đảng tha hồ “trao quyền lãnh đạo” cho
nhau một cách không hổ thẹn thì nhân dân đang tối tăm mặt mũi đối phó với miếng
cơm manh áo và các ngón đòn bao vây, trấn áp của công an.
Rồi đây, quốc hội mới
bầu vào tháng 5/2016 sắp tới sẽ lại tái diễn vở tuồng cũ, các đại biểu đảng viên sẽ “biểu quyết các
chức danh” này nọ để hợp pháp hóa những gì đảng đã quyết định trên sân khấu Ba
Đình. Người dân tự hỏi liệu các nghị gật là 500 đảng viên cộng sản có dám biểu
quyết ngược lại những gì đảng đã quyết định hay ngoan ngoãn giơ tay, hân hoan vỗ
tay để cuối tháng lãnh lương?
Có điều lạ là trong
khi tự hào là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, Đảng CSVN tự bầu bán, tự
phân phát quyền hành cho đồng đảng nhưng không bao giờ chịu trách nhiệm trước
dân tộc, trước nhân dân về sự an nguy của đất nước.
Thế nhưng các cây bút
của tuyên giáo vẫn nhắm mắt bắt người dân Việt phải tin vào một điều thật hoang
tưởng: “Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo”.
Vậy nhân dân nào đã
trao quyền lãnh đạo cho một đảng đã phản bội dân tộc nhiều lần?
Bùi Xuân Nhã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét