Việt Hùng/Người Việt
BÌNH DƯƠNG (NV) -
Sáng ngày 2 tháng 11 năm 2015, tức ngày giỗ lần thứ 52 của Tổng Thống Ðệ Nhất Cộng
Hòa Việt Nam Ngô Ðình Diệm, có khoảng 200 người đến viếng mộ ông và gia đình ở
nghĩa trang Lái Thiêu, thuộc phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Lần đầu tiên các linh
mục DCCT làm lễ tưởng niệm có cả vòng hoa, năm sau hy vọng sẽ có cả di ảnh tổng
thống. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
* Tiếc thương một
nhân tài nước Việt
Từ Sài Gòn, đi theo
hướng về Bình Dương qua cầu Bình Triệu, thẳng Quốc lộ 13, đến ngã tư Cầu Ông Bố
thì rẽ phải, gặp ngay trạm thu phí, qua trạm khoảng 1km, nhìn sang tay trái sẽ
thấy nghĩa trang Lái Thiêu có cổng ngay mặt đường. Ði vào cửa chính, rồi phải
đi xa tận sau cùng trong góc phía trái thì sẽ thấy mộ của cố Tổng Thống Ngô
Ðình Diệm và gia đình.
Mộ của Cố Tổng Thống
Ngô Ðình Diệm chỉ được đề tên Gioan Baotixita Huynh. Còn mộ của ông Cố Vấn Ngô
Ðình Nhu thì đề tên Giacôbê Ðệ. Mộ ở giữa là của cụ bà Ngô Ðình Khả, nhũ danh
Phạm Thị Thân (ngày thịnh thời cụ bà được tôn vinh là Thái Từ). Còn mộ của ông
Ngô Ðình Cẩn ở cách mộ hai ông chừng 4 mộ.
Nhìn mộ một vị tổng
thống yêu nước Việt mà nằm đơn sơ, tên tuổi cũng không được phép ghi chép rõ
ràng, nhiêu người không cầm được nước mắt. Lòng tự hỏi biết đến ngày nào, người
dân Việt nghĩ lại công lao của ông mà đặt mộ phần vào một nơi xứng đáng hơn, gần
gũi hơn, để mọi người yêu mến ông được thường xuyên thăm viếng.
Phần mộ của gia đình
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Từ trái qua: Mộ cố vấn Ngô Ðình Nhu (chỉ được đề tên
Ðệ), mộ bà Ngô Ðình Khả và mộ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (chỉ được đề tên Huynh).
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Ðúng 10 giờ sáng ngày
2 tháng 11, một thánh lễ theo nghi thức Công Giáo do Linh Mục Phạm Trung Thành,
nguyên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) chủ sự và giảng thuyết, đồng tế có
các linh mục: Vũ Khởi Phụng, Lê Ðình Phương, Lê Ngọc Thanh, Ðinh Hữu Thoại, Lê
Xuân Lộc, Trương Hoàng Vũ, Võ Minh Danh, phó giám đốc trụ sở giáo phận Vinh tại
Sài Gòn và Linh Mục Nguyễn Văn Nhứt - Dòng Ða Minh.
Không chỉ những người
miền Nam, một thời sống dưới chế độ Cộng Hòa mang ơn Tổng Thống Ngô Ðình Diệm
mà cả những người đến từ miền Bắc, những người mà trong quá khứ không biết gì về
ông, thậm chí được nghe tuyên truyền sai lệch về ông, nay họ cũng ý thức, ngưỡng
mộ và đến viếng. Có thể kể tên tiêu biểu như nghệ sĩ Kim Chi, nghệ sĩ Ánh Hồng,
bà Dương Thị Tân, blogger Trần Bang, blogger Sương Quỳnh, cựu Trung tá Bác sĩ
Quân đội Nhân dân Ðinh Ðức Long, nhà báo Ngô Nhật Ðăng,...
Một hình ảnh khác
cũng gây xúc động đó là những cựu quân nhân Quân Lực VNCH, nay họ đã già yếu và
cả những người thương phế binh VNCH lê những thân thể đầy thương tật về dự lễ tại
nghĩa trang. Họ đã thắp nhang bằng những cánh tay cụt, đã cúi gập mình xuống
trước ngôi mộ vì họ không còn chân. Họ đã vây quanh ngôi mộ và đã đứng nghiêm
chào cố tổng thống theo nghi lễ quân cách như một thời trai trẻ trong quân ngũ.
Ðông đảo người dân đến
thắp nhang và viếng mộ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Ðặc biệt hơn nữa,
chúng tôi thấy 8 thanh niên Công Giáo đến từ Nghệ An và Thanh Hóa, họ là những
người vừa ra khỏi nhà tù trong vụ án 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành cách
đây 4 năm. Họ là những người trẻ thuộc thế hệ sau này, họ đang ở trong những
hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng lòng ngưỡng mộ dành cho một người công chính,
yêu nước, đã không cản được họ vượt ngàn dặm để tham dự thánh lễ và chấp nhận
những rủi ro sẽ xảy ra sau này.
Anh Lê Minh Nhật, một
cựu tù nhân lương tâm bày tỏ: “Hôm nay tôi đến đây để bày tỏ lòng ngường mộ của
tôi đến ngài tổng thống, nhìn ngôi mộ của ngài tôi quá đau xót. Tôi tự nghĩ nếu
ngài không bị giết hại thì liệu cộng sản có chiếm được miền Nam?”
*Người vì đất nước và
dân tộc
Ðây là lần thứ 4
trong những ngày lễ giỗ của Tổng Thống Diệm, được các linh mục DCCT đến viếng
và cử hành thánh lễ. Trong bài giảng của mình, Linh Mục Phạm Trung Thành đã nhấn
mạnh: “Một vị Tổng Thống có công với quốc gia dân tộc mà bị giết chết và chôn ở
một nơi héo lánh, không được ghi tên thật trên bia mộ thì thật là đáng buồn.
Trong khi đó, những kẻ phản dân hại nước, buôn dân bán nước thì có lăng mộ nguy
nga và có hàng vạn người thăm viếng.”
Các cựu quân nhân
VNCH kính cẩn giơ tay chào cố tổng thống trong khói hương nghi ngút. (Hình: Việt
Hùng/Người Việt)
“Lịch sử đời sau sẽ
lên án hành động vô ơn và bội phản của những kẻ không biết tôn trọng và ghi ơn
vị nguyên thủ quốc gia yêu nước thương dân, và cũng không biết tôn trọng mộ phần
của ngài.”
“Hôm nay, ngày mà một
người đã vì Ðất Nước và Dân Tộc đã bị những kẻ bội phản bán đứng ông và giết hại
ông cùng các em của ông đang nằm đây. Và hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cầu
nguyện cho sự hợp nhất: hợp nhất lại sự ly tán, hợp nhất lòng yêu thương,” Linh
Mục Thành tha thiết cầu nguyện.
Ghi nhận của chúng
tôi bên lề buổi lễ diễn ra trong vòng vây của lực lượng an ninh chìm và có sắc
phục cũng nhiều hơn mọi năm. Họ đã có những hành vi lạm dụng khi yêu cầu một
vài người không được chụp hình và quay phim. Nhưng yêu cầu đó đã bị bác bỏ.
Trong lúc diễn ra
thánh lễ, một viên an ninh đuổi theo một phụ nữ khiến người này phải chạy vào
đám đông, gần các cha đồng tế.
Công an cho rằng người
phụ nữ đã chụp hình anh ta nên yêu cầu xóa. Nhưng mọi người đã cùng nhau đoàn kết
can thiệp khiến an ninh phải lùi ra xa khu vực xung quanh ngôi mộ.
Khi xe từ Sài Gòn đến
gần khu vực mộ phần cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, chúng tôi thấy bóng dáng công
an, dân phòng, cảnh sát giao thông và vài xe tải chuyên dụng của CSGT nên ghi lại
vài hình ảnh. Trước khi thánh lễ bắt đầu, kẻ xấu nào đó đã đốt đám cỏ phía trước
mộ cố tổng thống và rất gần những người tham dự.
Năm nay có nhiều vòng
hoa viếng người quá cố. Hy vọng lần tới sẽ có thêm các di ảnh nữa. Ðiều đáng
chú ý là người dân địa phương ở đây cho hay nhà cầm quyền địa phương sắp giải tỏa
phần đất nghĩa trang, trong đó có mộ phần cố tổng thống, có lẽ giá đất ở đây
đang tăng cao nên đây là miếng mồi béo bở. Và không biết tương lai các mộ phần
của cố tổng thống và thân nhân sẽ ra sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét