Hình: Tướng Suharto
(thứ 2 từ trái sang) trong cuộc thanh trừng năm 1965. Nguồn: Aljazeera.
Biên dịch: Nguyễn Duy
Hiếu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Gareth Evans,
“Indonesia’s Forgotten Genocide”, Project Syndicate, 02/11/2015.
Tháng 10 vừa qua đánh
dấu 50 năm kể từ ngày diễn ra một trong những cuộc thảm sát tồi tệ nhất thế kỷ
hai mươi được gây ra bởi lực lượng quân đội Indonesia. Dù vậy, lần kỷ niệm này
trôi qua một cách gần như yên ắng. Cuộc thảm sát khoảng 500.000 thành viên và
những người ủng hộ Đảng Cộng sản Indonesia (Indonesian Communist Party – PKI)
trong giai đoạn 1965 – 1966 là cuộc diệt chủng ít được nhắc tới nhất của thế kỷ
trước.
Việc vén bức màn về
cuộc tắm máu đến giờ là đã quá chậm trễ, nhưng những người có quá khứ muốn che
dấu dường như vẫn chống lại những nỗ lực này. Những người tổ chức Lễ hội Ubud
dành cho Tác giả và Độc giả vốn nổi tiếng ở Bali đã nếm mùi một làn sóng kiểm
duyệt mạnh tay mới, với việc các quan chức địa phương đe dọa sẽ hủy bỏ toàn bộ
lễ hội nếu những phiên thảo luận được đề xuất về các cuộc thảm sát được tiến
hành.
Các cuộc giết chóc bắt
đầu vào tháng 10 năm 1965 do một cuộc đảo chính thất bại được cho là do PKI âm
mưu tiến hành. Lực lượng quân đội đã phản ứng bằng cách quy cho PKI và những
người ủng hộ như là một lực lượng vô thần của quỷ dữ phải bị thủ tiêu. Các cuộc thảm sát là có chủ ý, có hệ thống và
bao trùm cả đất nước, với tình trạng bạo lực ghê gớm và dữ dội nhất diễn ra ở
miền trung và đông của đảo Java, Bali và phía bắc đảo Sumatra.
Năm nay cũng đánh dấu
tròn một thế kỷ diễn ra cuộc diệt chủng người Armenia, một vấn đề mà các chính
phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp nhau đã không ngừng phủ nhận. Nhưng ít nhất số phận của
hơn một triệu người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Armenia bị giết hoặc đày ải cho tới chết
trong sa mạc Syria vào năm 1915 vì “thiếu trung thành” trong thời chiến vẫn là
một chủ đề của các nghiên cứu, tìm hiểu và tranh luận quốc tế rộng rãi.
Ngược lại, cuộc thảm
sát ở Indonesia vẫn là cuộc thảm sát duy nhất ở mức độ rộng lớn mà không phải
là chủ đề được quan tâm kỹ lưỡng của quốc tế. Ngoài một bản báo cáo gần như
không được chú ý của Hội đồng Nhân quyền Quốc gia vào năm 2012, cuộc thảm sát
cũng không nhận được một chiến dịch tìm hiểu sự thật nào trong nước, chứ chưa
nói đến quá trình hòa giải hay bồi thường cho các nạn nhân. Vấn đề này không được
nhắc tới trong các sách giáo khoa lịch sử, bị lảng tránh bởi các nhà ngoại
giao, và không có bất kỳ vị trí nào trong các tranh luận chính trị trong nước.
Câu chuyện bắt đầu bằng
một cuộc đảo chính bất thành vào đêm 30 tháng 9 năm 1965 khi các sỹ quan quân đội
cấp thấp, lấy lý do bảo vệ Tổng thống Sukarno trước các lực lượng cánh hữu, đã
bắt và hành quyết tư lệnh quân đội cùng năm tướng lĩnh cấp cao. Buổi tối sau
đó, Thiếu tướng Suharto -người sau này trở thành tổng thống – chỉ huy thành
công một cuộc phản đảo chính. Hành động của Tướng Suharto đánh dấu sự bắt đầu
việc kết thúc kỷ nguyên Sukarno, và khai sinh Trật tự Mới (New Order) của ông:
một chế độ thân phương Tây và thân thiện với giới kinh doanh, điều sẽ chi phối
Indonesia trong ba thập niên tiếp theo.
Suharto và các cộng sự
của ông ngay lập tức quy trách nhiệm cho PKI là đạo diễn của “Phong trào 30
tháng Chín”, và phát tán các câu chuyện khủng khiếp về việc tra tấn và phân xác
các sỹ quan đã bị hành hình. Các cuộc thảm sát trên diện rộng do quân đội chỉ đạo
và lực lượng dân quân thực hiện tiếp nối ngay sau đó.
Các cuộc tranh luận vẫn
tiếp diễn cho đến ngày nay về việc ai đã thực sự phải chịu trách nhiệm cho cuộc
đảo chính ban đầu. Trong số những người bị quy trách nhiệm có bản thân tướng
Suharto (người chắc chắn đã biết trước một vài chi tiết của các biến cố), và đã
hành động với việc có hoặc không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, và thậm chí của Bộ
Ngoại giao Anh. Ý kiến chung của các học giả quốc tế là một nhóm nhỏ xung quan
Aidit, lãnh đạo của PKI, đã tham gia nhưng chắc chắn không phải là toàn bộ đảng
PKI, và sự tham gia đó chưa đủ biện minh cho hành động thanh trừng đẫm máu trên
toàn quốc sau đó.
Với việc tướng
Suharto lên nắm quyền, Indonesia chuyển mình chỉ trong vòng một đêm từ việc là
một một quốc gia trung lập và phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc, chủ động thu
hút sự chú ý của Liên Xô và Trung Quốc cộng sản, thành một đối tác tin cậy hơn
của Hoa Kỳ, nước giờ đây coi Indonesia là một lực lượng chính mang lại sự ổn định
trong một khu vực bất ổn. Kết quả là, lúc đó và cho đến giờ, Hoa Kỳ và các đồng
minh (bao gồm cả đất nước tôi, cũng như chính phủ Australia nơi tôi từng là một
thành viên) đều không mong muốn tìm hiểu rõ Trật tự Mới của Suharto đã được củng
cố như thế nào. Ngay tại Indonesia, dù thời kỳ của Suharto đã trôi qua lâu,
tình cảm chống cộng vẫn còn mạnh mẽ, những người sống sót vẫn sợ hãi, và những
đòi hỏi công lý và trách nhiệm giải trình vẫn rất ít ỏi.
Tuy nhiên, mọi thứ có
thể bắt đầu thay đổi, nhất là sau khi bộ phim tài liệu đặc biệt của Joshua
Oppenheimer, Hành động Giết chóc (The Act of Killing) ra mắt cách đây ba năm.
Oppenheimer đã ghi lại một cách chi tiết và kỹ càng đến mức đáng kinh ngạc việc
một nhóm cựu lãnh đạo các biệt đội tử thần thừa nhận việc giết chóc mà họ đã thực
hiện – không hề tỏ rõ bất kỳ sự hối hận và ăn năn nào, ít nhất là lúc ban đầu,
mà ngược lại, họ mô tả bản thân như những người anh hùng của một quá trình cần
thiết nhằm thanh tẩy quốc gia.
Một số người xem đã
không bị thuyết phục bởi tính chính xác của bộ phim, hoặc vẫn còn thắc mắc với
các nhân vật hư cấu đôi khi xuất hiện trong cấu trúc kiểu phim-lồng-trong-phim
mà đạo diễn chọn. Tuy nhiên đối với tôi, các sự thật căn bản của bộ phim đã được
thể hiện sâu sắc: The Act of Killing là bộ phim tài liệu mang nỗi buồn sâu thẳm
và gây ám ảnh nhất mà tôi từng xem. Tôi hy vọng rằng bộ phim của Oppenheimer và
phần tiếp theo mới được phát hành gần đây, Cái nhìn của sự Im lặng (The Look of
Silence), sẽ có được những tác động và một lượng khán giả mà nó xứng đáng được
hưởng – không chỉ tại các liên hoan phim quốc tế mà tại ngay chính Indonesia.
Cuộc diệt chủng ở
Indonesia – và nó xứng đáng được miêu tả như vậy, ngay cả khi lý do của sự kiện
là ý thức hệ chứ không phải sắc tộc, tôn giáo, hay quốc gia – là một trường hợp
báo động về tính chính trị trong các cuộc thảm sát hàng loạt. Nó chỉ ra cách
các lãnh đạo có thể tránh bị trừng phạt khi ác quỷ hóa các đối thủ chính trị của
mình, đạt được các kết cục có thể bào chữa được thông qua các hành động tàn bạo
nhưng có vỏ bọc đạo đức. Đây chỉ là một lý do tại sao sự kiện thảm sát của
Indonesia cần nhận được sự quan tâm của thế giới nhiều hơn so với hiện nay.
Gareth Evans là Hiệu
trưởng trường Đại học Quốc gia Australia, đồng Chủ tịch của Trung tâm toàn cầu
về Trách nhiệm Bảo vệ. Ông cũng từng là Chủ tịch của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng
Quốc tế từ năm 2000 đến năm 2009, và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Australia từ
năm 1988 đến năm 1996.
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/20/cuoc-diet-chung-bi-lang-quen-o-indonesia/#more-12148
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét