Biên dịch: Nguyễn Ngọc
Tường Ngân
Nguồn: Kor Kian Beng,
“Scepticism over China’s new isle approach”, The Straits Times, 24/11/2015.
Trung Quốc đã đưa ra
một cách tiếp cận mới đối với tranh chấp Biển Đông trong một nỗ lực dường như
là nhằm gạt Nhật Bản ra bên lề và giành lại ảnh hưởng đối với các quốc gia Đông
Nam Á khi Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhưng các nhà phân
tích nói rằng chừng nào Bắc Kinh còn giữ lập trường rằng các đảo tranh chấp là
tài sản của tổ tiên mình để lại thì nước này sẽ khó mà giữ vững được lời đề nghị
này. Và nếu Trung Quốc duy trì các hành động quyết đoán như cải tạo đất ở Biển
Đông thì ASEAN sẽ tiếp tục ủng hộ sự can dự của Nhật Bản.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh
Đông Á thường niên diễn ra vào hôm Chủ nhật, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
đã công bố một phương pháp tiếp cận năm điểm, qua đó cho thấy Bắc Kinh lần đầu
tiên gắn vấn đề Biển Đông với lời kêu gọi tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc
và bảo vệ kết quả của Thế chiến II cũng như trật tự hậu chiến.
Các nhà phân tích nói
rằng động thái gắn vấn đề Biển Đông với trật tự hậu chiến của Bắc Kinh phản ánh
một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự can dự ngày càng tăng của Tokyo, chẳng hạn như
trong việc hỗ trợ Mỹ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.
Chuyên gia về quan hệ
Trung Quốc – ASEAN tại Đại học Tế Nam Zhang Mingliang cho biết Trung Quốc cũng
chỉ ra rằng sau chiến tranh, nước này đã thu hồi các quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa đang bị tranh chấp từ tay Nhật Bản bằng các tàu quân sự do Mỹ cung cấp (?).
Giáo sư Zhang nói với The Straits Times rằng “Thông điệp của Trung Quốc là các
yêu sách của nước này là một phần của trật tự thế giới hiện nay và những nỗ lực
tái quân sự hóa của Nhật có thể dẫn tới việc quay lại trật tự thế giới trong thời
kỳ Thế chiến II”.
Nhà phân tích cao cấp
Xie Yanmei từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết Trung Quốc cũng đang cố gắng thể
hiện bản thân như là một bên liên quan trong trật tự hiện tại, nơi “lợi ích của
Trung Quốc và các thành viên khác trong khu vực chồng chéo lên nhau một cách
đáng kể, và do đó sự can thiệp từ bên ngoài – cụ thể là bởi Mỹ và các đồng minh
– là không cần thiết và gây mất ổn định “.
Nhưng bà tin rằng
ASEAN, Hoa Kỳ và Nhật Bản khó cảm thấy được trấn an bởi lời đề nghị của Trung
Quốc “vì đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh cam kết thiện chí bằng lời nói
nhưng vẫn tiến hành những hành động làm thay đổi thực tế tại hiện trường”.
Tương tự như vậy,
Giáo sư Zhang cho biết nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu sự ủng hộ đối với
vai trò của Tokyo sẽ là vô ích khi sự mất lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc
và các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là các quốc gia yêu sách khác, bây giờ đã quá lớn.
“Đối với các quốc gia
ASEAN, Nhật Bản cung cấp nhiều lợi ích hơn so với Trung Quốc về mặt viện trợ và
cơ hội kinh tế. Về mặt chiến lược, Trung Quốc được coi là một mối đe dọa đối với
các nước này, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, trong khi Nhật Bản được xem
như là một đối tác có thể cung cấp đào tạo và trang thiết bị nhằm cân bằng lại
Bắc Kinh,” ông nói thêm.
Tương tự, các đề xuất
khác trong cách tiếp cận năm điểm của Bắc Kinh cũng vấp phải đầy rẫy sự hoài
nghi.
Những điểm này gồm:
các quốc gia tranh chấp sẽ giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế,
bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; Trung Quốc và ASEAN ký kết
bộ quy tắc ứng xử và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác; các nước bên
ngoài tránh những hành động có thể gây thêm căng thẳng; và tất cả các nước cam
kết duy trì tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Xie cho rằng các
thành viên của ASEAN ít khả năng bị thuyết phục về sự chân thành của Trung Quốc
trong việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa trừ phi Bắc Kinh đồng ý
đưa ra một khung thời gian cụ thể.
Chuyên gia phân tích
tại Singapore Ian Storey cho biết cam kết của Trung Quốc về tự do hàng hải là
đáng hoan nghênh, mặc dù khái niệm trên theo nước này chỉ áp dụng cho việc vận
tải thương mại hàng hải mà loại trừ các hoạt động quân sự trong Vùng đặc quyền
kinh tế nước này, cũng như vùng nước xung quanh các đảo san hô mà Trung Quốc
chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa, bao gồm các đảo nhân tạo mà nước này xây cất.
Ông nói rằng vẫn còn
chưa rõ liệu các phương pháp tiếp cận mới này có báo hiệu trước một thái độ ít
hung hăng hơn của Trung Quốc và việc căng thẳng sẽ giảm bớt ở Biển Đông hay
không. “Tôi nghi ngờ điều này vì tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa
hiệp các yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán của mình tại Biển Đông, đặc biệt
là tại một thời điểm khi mà sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này đang tăng
lên”, Tiến sĩ Storey đến từ Viện ISEAS-Yusof Ishak bổ sung thêm.
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/24/de-nghi-moi-trung-quoc-bien-dong-nghi-ngo/#sthash.9b1ZaIOr.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét