Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”


Tôi chép nguyên đoạn văn này trong một bài nghiên cứu của một nhà sử học Việt Nam. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” được coi là “Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”, bao nhiêu năm nay vẫn được coi là của Lý Thường Kiệt. Khẳng định như thế, theo tôi, không có nghĩa Lý Thường Kiệt "giữ bản quyền” bài thơ đó. 
 
Bây giờ, một số nhà sử học cố gắng chứng minh bài thơ ấy không phải của Lý Thường Kiệt(?). Nhưng nó là của ai, thì họ chịu, không chỉ ra được. Nếu người ta hỏi ngược:  “Vì sao quí vị biết bài thơ đó không phải của Lý Thường Kiệt ?”, thì tôi chắc, những nhà sử học phản biện sẽ không tìm ra được câu trả lời nào thỏa đáng. 
 
Cũng phải thôi, vì bài thơ ấy ra đời cách đây đã nghìn năm, lại được in trong sách "Việt Điện U Linh" dưới dạng một truyền thuyết “tương truyền là của Lý Thường Kiệt”, mà cuốn sách này cũng có tuổi thọ gần 800 năm rồi, nên bài thơ gần như khuyết danh cũng là dễ hiểu. 
 
Nhưng “khuyết mà không khuyết”, tôi tán thành lịch sử chống xâm lược phương Bắc coi bài thơ ấy là của đại danh tướng Lý Thường Kiệt. Dù có thể Lý đại tướng quân không tự mình sáng tác bài thơ, nhưng dưới tên mình, bài thơ đã được Lý Thường Kiệt cho rao truyền như một vũ khí tinh thần cực lợi hại, khiến quân Bắc Tống chưa bị đánh đã “vỡ trận”. Vì thế mới gọi là thơ thần. Thơ thần thì cũng do con người sáng tác, nhưng ở đây đừng quá xơ cứng khi buộc phải tìm cho ra tác giả. Nhân dân đã coi đó là bài thơ của Lý Thường Kiệt, là nhân dân đã đúng đấy! 
 
Phải là Lý Thường Kiệt đứng tên, bài thơ ấy mới có được sức mạnh vô song của thần linh, và bài thơ theo đúng truyền thống đánh giặc cứu nước của người Việt Nam, đã “lên đường ra trận”. Đó là bài thơ yêu nước đầu tiên của Việt Nam, bài thơ khẳng định chủ quyền và nền độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nó ngắn gọn, khúc chiết, rõ ràng, và khi vào sách giáo khoa, nó phải được chú giải đàng hoàng xem “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” là ai? Nếu là quân giặc Tống, thì phải nói rõ quân giặc Tống ấy thuộc nước nào, từ đâu tới? Đừng như sách giáo khoa viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, mà các cháu học trò không biết quân xâm lược là ai cả (?). 
 
Vì bài sử cứ viết chung chung, cố tình né tránh, cứ như sợ “phạm húy” vậy. Nhân đây cũng nói thêm, một bài thơ sống mãi nghìn năm như thế ắt phải có rất nhiều bản dịch, thậm chí nhiều dị bản. Nhưng dù dịch thế nào (dĩ nhiên phải dịch đúng nguyên tác), dù dị bản ra sao, thì cái thần, cái cốt tử của bài thơ cũng phải được thể hiện rõ qua chữ quốc ngữ. Người đọc, thậm chí học sinh, vẫn có thể tùy chọn bản dịch nào mình thích, bản dịch nào “hào khí” hơn, hay đơn giản, bản dịch nào mình dễ thuộc hơn. 
 
Từ nhiều năm nay, “Ngày Thơ Việt Nam” được tổ chức tại Quảng Ngãi đều tôn xưng bài thơ “Nam quốc sơn hà” là tiết mục mở đầu, và đều dùng bản dịch quốc ngữ của Trần Trọng Kim. Qua giọng đọc hào sảng của thầy giáo Nguyễn Tấn Huy - giáo viên Văn trường chuyên Lê Khiết - bài thơ đã khiến hàng nghìn người dự ngày Thơ “nổi da gà":

 “ Sông núi nước Nam vua Nam ở
 Rành rành định phận tại sách trời
 Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
 Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

Cũng xin làm rõ, “sách trời” không phải là theo thuyết “thiên mệnh”, mà là cách nói khẳng định chủ quyền không tranh cãi. Còn “vua Nam ở” thì Việt Nam chủ yếu là “dân ở” chứ không chỉ Vua ở. Đó cũng chỉ là cách nói: “Vua Nam” ở đây thay mặt cho toàn thể “dân Nam”.

Thanh Thảo


Theo Một Thế Giới