Đinh Tấn Lực
“Chiến lũy Ba Đình
xưa của anh hùng Đinh Công Tráng là để chống giặc ngoại xâm thực dân Pháp. Quảng
trường Ba Đình thời @ bọc cái xác khô kia là tuyến phòng thủ sau cùng của bọn
giặc nội xâm trước sức công chặt xiềng nong xích của nhân dân”. (ĐTL)
Thử điểm qua một số phản ứng triệt thoái rời từng dãy chiến
hào của giặc:
1. Truyền Thông Vỡ Trận
Hệ loa phường vẫn vang vang đôi chỗ, song nội dung được coi
như rác đối với tai nghe của quần chúng nhân dân. Nó trở thành một thứ ô nhiễm
cả âm thanh phiền toái lẫn ý nghĩa vớ vẩn, đặc biệt là vào lúc 5 giờ sáng. Đã
có đại biểu QH nêu ý kiến dẹp tất cho dân nhờ.
Hệ báo đài minh họa đã thu mình vào góc sân. Tuyên giáo TW
phải chi tiết hóa từng chỉ thị nhỏ nhặt việc nào được làm, làm tới đâu... trong
mỗi buổi giao ban hàng tuần. Và không đủ sức bao sân. Điển hình là cả đảng đã
phải nín thở khi Khu trục hạm Lassen tuần tra khu vực sát cạnh các đảo tôn tạo
của TQ trên Biển Đông. Tuyên giáo TW chỉ hoàn hồn sau đó và ra ngay dự báo “Biển
Đông sẽ nổi sóng mạnh!”, mà thực tế là TQ vẫn còn tiếp tục nín thở.
Hệ thống an ninh mạng, gọi tắt là CAM, sau thành tích của Vũ
Hải Triều năm xưa, hiện cũng đã thúc thủ. Cư dân mạng được trang bị kiến thức
an toàn vi tính và an toàn liên lạc vững chải hơn. Nhiều trương mục FB bị xâm
nhập/đánh cắp cũng đã được hoàn về chính chủ.
Hệ truyền thông mạng tiếp nhận ngày càng nhiều phóng
viên/nhà báo có thẻ. Bài viết của cùng tác giả đăng trên mạng xã hội có nhiều
lượt đọc và nhiều ý kiến hơn trên mạng chính quy (nếu may mắn được “biên tập lại”
để đăng). Cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn. Tiếng nói có trọng lượng nhất của
chính phủ thụt lùi từng bước, từ “Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội”,
cho tới “chinhphu.vn đã lên Facebook”, cho tới việc TT chính thức chỉ thị cho
giới “công nghệ tin học” trong nước “không tham gia vào các hoạt động tấn công,
khủng bố thông tin trên mạng”.
Trong 49% dân số VN sử dụng internet, cộng đồng cư dân mạng
xã hội, đặc biệt là Facebook, ngày càng hồ hởi khi thấy những nút bấm Like,
Comment, Share đã đẩy lùi nhiều sự kiện lên gân (hay coi thường nhân dân) từ
giai cấp cán bộ lãnh đạo đảng. Ví dụ không kể hết. Đơn cử chuyện gần nhất là
Vương Bình Thạnh, chủ tịch tỉnh An Giang, phạt 5 triệu đồng một FBker phê bình
khuôn mặt đương sự là “kênh kiệu”. Chuyện vỡ lớn ra thành nhiều mảng lộ bí mật
cung đình, đến mức đương sự than “Khổ sở vì những bình luận trên FB” khiến cả
thế giới biết chuyện.
Chốt lại điểm này là lãnh đạo đảng chậm chân với FB, và
không ngờ rằng thông tin thời buổi này đã bỏ xa ngày đầu thiên niên kỷ những
5475 vòng trái đất!
* * *
2. Lý Luận Vỡ Trận
Tuyên giáo TW, như đã nói, tả xông hữu đột đến mướt mồ hôi,
một phần bởi số đông lãnh đạo tùy nghi thể hiện cả kém cỏi về kiến thức, cả ngớ
ngẩn về tư duy, cả lẩn thẩn khi phát biểu.
Các “danh ngôn” loại này ghi không hết được. Một phần ví dụ
rất nhỏ và rất gần là những phát biểu trong 3 ngày họp quốc hội
16-18/11/2015. Nổi trội trong đám là
“phát ngôn ấn tượng” của Hoàng Tuấn Anh, đứng đầu bộ Văn-Thể-Du: “Xin để cho bộ
trưởng kế tiếp trả lời”, khiến cả hội trường QH rộn rã tiếng cười.
Cũng không ít các cách chữa cháy ở trình lớp mầm. Đại loại
như VTV cho chiếu phóng sự xóa mù chữ, với một em đứng trước ống kính biểu diễn
đọc sách cầm ngược, rồi phân trần là bởi sách dán “Lộn Cái Bìa” (riêng phần giải
thích này thì cấm đọc ngược chữ). Hoặc, nghi can bị chết trong trại tạm giam vì
rửa bát bẩn! Hoặc, hai luật sư bị hành hung là bởi phóng ô-tô gây bụi!...
Số phận của những bài báo về “thế lực thù địch” & “diễn
biến hòa bình” ra sao, có lẽ chỉ mỗi dàn cán bộ biên tập mấy tờ TCCS/Tuyên
Giáo/Xây Dựng Đảng/Nhân Dân/CAND/QĐND... là khả dĩ nắm rõ. Còn thì đối với quảng
đại quần chúng, tính từ “phản động” có một vị trí danh dự đến không ngờ.
* * *
3. Tài Chính Vỡ Trận
Google thử cụm từ “công trình đắp chiếu”, kết quả bật lại
552.000 bản tin trong vòng 0.56 giây. Khó ai có đủ kiên nhẫn lọc lại để coi
trong số đó có bao nhiêu bản tin trùng lắp, hay cộng thử xem tổng số công trình
đắp chiếu trong 40 năm qua đó tương đương với bao nhiêu lần tổng sản lượng nội
địa (GDP) của VN. Điều chắc chắn thứ nhất là không thể ít. Thứ nhì, chí ít cũng
phải đâu đó trên dưới 40% ngân sách dự án, tức là từ tiền thuế của dân hay tiền
vay nước ngoài, đã biến thành nhà lầu xe hơi của cán bộ lãnh đạo các cấp các
nơi. Không loại trừ một tỷ lệ đã chạy vào túi các nhà thầu TQ trốn về nước họ.
Chính phủ thường báo cáo về một nền kinh tế đột phá. Người ta chỉ không thấy đột
ở đâu.
Chỉ số phát triển duy nhất tạo ấn tượng (và gây sốc) nhất VN
là nợ công. VinaCapital công bố : dự báo là khoảng 60.3% GDP năm nay 2015, và
khoảng 64.9% GDP năm tới 2016, tức ngấp nghé mức hiểm nghèo 65%. Ngân hàng Thế giới (WB) lại có những số liệu
cao hơn báo cáo của chính phủ VN. Lý do chính là bởi chính phủ bội chi và nguồn
thu không ổn định. Và tình hình khó khắc phục này còn kéo dài. Tổng nợ tập đoàn
và các Tổng Cty nhà nước vượt 1,5 triệu tỷ đồng. Tổng khoản nợ khó đòi của các
tập đoàn này lên tới 293.617 tỷ đồng. Dẫn đầu về con số tuyệt đối nợ phải thu
khó đòi là Tập đoàn Dầu khí VN, 2856 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia lo lắng VN trở
thành một Hy Lạp thứ hai.
Ngân sách nhà nước cạn kiệt. Bộ Tài chính phải vay NHNN
30.000 tỷ đồng để cứu nguy ngân sách. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Phó
vụ trưởng Vụ ngân sách Nguyễn Minh Tân bảo “Đây là vấn đề khó nói của Bộ tài
chính”, một khi nhiệm vụ huy động cho năm nay lên đến 430.000 tỷ đồng.
Một số biện pháp khác để cứu nguy ngân sách là bán trái phiếu
(mà không phải dễ bán), và... xin viện trợ (chấp nhận nằm cuối bảng ASEAN). Nguy
cơ lớn nhất là hết tiền trả lương công nhân viên chức, công an và quân đội.
Chốt tạm điểm này gồm các phương thức thoát hiểm có tên là
giật gấu vá vai, vặt mũi bỏ mồm.
* * *
4. Đối Nội Vỡ Trận
Năm 2014, cả nước có 25.322 tai nạn giao thông, 8996 người
chết. Con số gần tương đương trong 9 tháng đầu năm 2015, so với cùng kỳ năm
ngoái.
150.000 người VN chết vì bệnh ung thư mỗi năm, gấp 16,66 lần
số tử vong vì TNGT, và có xu hướng gia tăng! Tỷ lệ người Việt chết vì ung thư
cao nhất thế giới.
9000 tấn gạo cứu đói dịp Tết Ất Mùi vừa qua, chỉ cho 8 tỉnh.
Tình trạng xã hội đen và buôn bán ma túy “vẫn phức tạp”.
Công dân chết trong đồn công an: 260 người trong 3 năm.
Tình hình cán bộ làm giàu bằng cách phối hợp côn đồ cưỡng chế
đất đai giá thấp và quy hoạch bán lại giá cao ngày càng gia tăng, khiến nhân
dân quyết tử giữ đất.
Cán bộ vẫn sôi nổi tham gia Chạy chức-Chạy quyền-Chạy bằng
khen-Chạy chế độ-Chạy luân chuyển (Lạm phát cấp phó hoặc Cả họ làm ủy viên).
“Tham nhũng tại VN vừa tinh vi vừa trắng trợn” là tựa báo
trong luồng. Rất quen tai là phần lớn những can phạm tham nhũng đều ... tâm thần.
Chạy án cũng là một quy trình làm giàu nhanh và có hệ thống
của cán bộ các ngành liên quan đến tư pháp.
Chốt lại ở đây: Cái gọi là “ổn định” xã hội chỉ như lớp váng
dầu trên mặt ao tù đang bị mưa đá.
* * *
5. Đối Ngoại Vỡ Trận
To là đối với TQ: Vừa cà lăm lên tiếng, cho biết; vừa tuần
tra khống; lại bắn 21 phát đại bác và trải thảm đỏ đón giặc; mà quên 80.000 sản
phẩm thực phẩm và hàng tiêu dùng nhiễm độc nhập khẩu từ TQ. Quên cả hàng vạn
ngư dân bị giặc bách hại ngay trên ngư trường truyền thống của mình.
Nhỡ là ASEAN 26: Trong lúc Philippines & Malaysia mạnh mẽ
đòi hỏi Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thì VN “im lặng” quá mức cho phép!
Bé là Việt kiều: 40 năm không treo được một lá cờ sao ra
ngoài khuôn viên sứ quán hay lãnh sự quán. Nghị quyết 36 biến dạng thành những
trò ma bùn vẫn không dán nổi cái mác khủng bố lên những tổ chức chủ trương dân
chủ hóa VN. Lượng kiều hối có thể sụt giảm mạnh, như một hình thức rút ống thở,
một khi ngân sách nhà nước cạn kiệt và vô phương cầu viện.
Chốt lại điểm này là tính hèn của đảng và nhà nước lộ quá
rõ, đặc biệt là xuyên qua sự kiện bọn giặc tuyên bố thành lập đơn vị hành chính
Tam Sa và hai lần chúng cắm giàn khoan HD-981. Tính ác lộ ngay theo đó khi nhà
cầm quyền đàn áp những người yêu nước phản đối sự hung hãn của giặc ngoài Biển
Đông. Gộp lại, nội thù dắt mối cho ngoại xâm.
* * *
6. Pháp Lý Vỡ Trận
Bắt đầu từ chiến dịch triệt tiêu những luật sư ôm ấp hoài
bão tạo điều kiện cho đất nước cất cánh, tức là đi ngược chủ trương của đảng và
nhà nước, tức là trở thành kẻ thù của nhà nước.
Mọi phiên tòa đều có sẵn án bỏ túi. Có những bản án được quyết
sẵn từ cấp cao nhất của đảng. Hệ quả là những bản án vi hiến và vi luật. Trong
lúc tình hình khiếu kiện chồng chất khắp nơi. Cốt lõi sản sinh ra hàng triệu
Dân Oan nằm ở chính sách đất đai thuộc quyền phân bố để làm giàu của cán bộ nhà
nước. Nhà nước càng cưỡng chế, xã hội càng bất ổn.
Kéo dài cho tới gần đây, hai luật sư biện hộ cho người cô thế
và oan ức đã bị côn đồ cùng côn đồ giả dạng phục kích hành hung đến đổ máu. Lần
khác, sau đó, côn đồ giả dạng rượt đuổi các luật sư giúp đỡ công nhân hãng
Yupoong, và hành hung hai nhân viên thiện nguyện của Lao Động Việt.
Gần nhất là bản án 4 năm 6 tháng áp đặt lên một cậu bé 15 tuổi,
chỉ vì nóng lòng bênh mẹ bị đội cưỡng chế hành hung.
Chính thực bản án này mô tả trọn vẹn tình trạng pháp lý vỡ vụn.
Không ai còn chút tin tưởng nào vào hệ thống công an & tư pháp xứ này, một
khi pháp luật làm ra để bảo vệ giới cầm quyền, còn lãnh đạo thì tùy nghi đứng
ngồi trên luật.
* * *
7. Quyền Lực Vỡ Trận
Cái “nguyên trạng” toàn trị (như Ba Đình ngày đêm gia công
gìn giữ) đã biến mất.
Những Lú, Sâu, X, Hói... và hàng loạt nick khác đã khắc chết
tên lãnh đạo, phản ánh sự khinh bỉ của nhân dân không cần che giấu. Gần nhất là
chuyện hài về khuôn mặt 5 triệu, nhắc nhớ cho mọi người đến những danh ngôn có
mùi rượu của nhân vật Trang Khàn.
Về phía nhà nước, công lực phải núp bóng côn đồ. Mọi đối phó
với ý nguyện của nhân dân đều nhân danh lực lượng “quần chúng tự phát” (biết
đánh gậy, dùng tay gấu, bấm huyệt, và quăng người lên xe buýt).
Ngược lại, ở phía nhân dân, bị bắt vào đồn công an vẫn cười
tươi, và đấu lý cho tới khi công an cứng họng. Họ coi chuyện vào đồn công an
như một kiểu chơi game online được lên tầng nấc kế. Trong lúc bên ngoài, đồng đội
của họ đã quá nhiều lần chiến thắng trong việc tập họp đòi người. Họ đã tận mắt
chứng kiến rõ ràng là “Quyền lực không phải do thượng đế tặng thưởng, mà là do
chính nhân dân ủy thác. Nếu nhân dân quyết định thu hồi thì tất nhiên nhà nước
trắng tay”.
Bấy giờ, nỗi sợ đổi bên. Nó chạy về phía những kẻ có gắn
quân hàm trên cầu vai và bảng tên trên túi áo.
* * *
8. Toàn Bộ Vỡ Trận
Nhà nước đuối lý và đuối sức thấy rõ.
Không phải ngẫu nhiên mà có cái ý niệm “Hoàng hôn Nhiệm kỳ”
bật ra trong phòng họp quốc hội. Nó phải là sự tích lũy tư duy đêm ngày của (rất
đông) những cán bộ từ trung tới thượng tầng đang đếm ngày về chốn phục viên.
Nó cũng không chỉ giới hạn ở cái nhiệm kỳ 5 năm. Nó mang ý
nghĩa hoàng hôn của cái xâu chuỗi 5 năm chết tiệt kia.
Còn cái “Bình minh Nguyên là” nọ không phải xuất hiện trên
trang báo nữa, mà là trong các phiên tòa sẽ xử những “nguyên” cán bộ CSVN đã
khiến “đất nước không chịu phát triển”.
Tuyến phòng thủ sau cùng của giặc phải chăng sắp thủng?
Blogger Đinh Tấn Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét