Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Miến Điện trong mắt ai: Có và không có


Ngô Đình Thu

30 triệu cử tri Miến Điện đã tham gia cuộc bầu cử quốc hội ngày 8 tháng 11 đưa đến kết quả chấm dứt chế độ quân nhân cầm quyền sau 25 năm chờ đợi. Đảng đối lập NLD (National League for Democracy: Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ) chiếm đa số ở cả hai viện, bất chấp 25% số ghế tiếp tục do quân đội nắm giữ.



Đây không phải là lần đầu tiên NLD giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử. Sau sự kiện đàn áp đẫm máu ngày 8 tháng 8 năm 1988, thường được gọi là “Cuộc nổi dậy 8888”, chính quyền quân nhân lùi một bước. Nhưng chính cuộc đấu tranh ôn hòa của người dân Miến Điện dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi và NLD, quân đội buộc phải chấp nhận tổ chức cuộc bầu cử hai năm sau.

Năm 1990, dưới áp lực của lưỡi lê, nhân dân Miến Điện đã tỏ ra kiên cường trong ước vọng tự do. NLD đã thắng 80% số ghế trong quốc hội. Nhưng thắng lợi ấy đã bị quân đội bác bỏ. Cuộc đấu tranh với tù đày, máu và nước mắt của NLD và nhân dân Miến lại tiếp tục bước qua một trang mới vì khát vọng dân chủ là ngọn lửa cháy bỏng bất diệt trong trái tim của đại khối dân tộc Miến.


Sự ra đời của chính quyền dân sự Thein Sein với lộ trình dân chủ hóa 7 bước vào năm 2011 là thử thách đầu tiên cho sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, đã không là những bước đi dễ dàng cho cả đôi bên.

Từ việc cam kết thả hết tù nhân chính trị, ban hành Luật biểu tình, công bố tự do báo chí lần lượt được thực hiện êm xuôi. Nhưng có một điều thật quan trọng mà mọi người ghi nhớ. Đó là trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein, họ cùng nhau cam kết “đặt quyền lợi dân tộc Miến Điện lên trên hết”. Đây là quan điểm chung của hai nhà lãnh đạo, chi phối toàn bộ quá trình dân chủ hóa từng bước thành công.



Nói về cuộc cải cách chính trị do chính phủ đề ra, ông Thein Sein đã từng nói: “Chúng tôi không cải cách vì tôi muốn cải cách. Đơn giản là chúng tôi chỉ đáp ứng mong muốn cải cách của người dân. Do vậy tương lai của tôi phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ.” Có người nói đây là một cuộc cách mạng từ bên trên.

Ngày 8/11/ 2015 vừa qua đã đi vào lịch sử Miến Điện như dấu ấn về lòng quyết tâm hướng về những giá trị dân chủ mà hàng tỷ người khắp thế giới đang theo đuổi và xiển dương. Chính phủ Miến Điện, đặc biệt là các tướng lãnh quân phiệt Miến Điện đã cam kết hợp tác và chuyển giao quyền lực trong hòa bình và tôn trọng ý nguyện người dân.

Nhìn về Miến Điện, sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ đem lại những bài học thiết thực gì?

Thứ nhất, Miến Điện có một đảng chính trị đối lập công khai và đủ mạnh để dẫn dắt cuộc đấu tranh của nhân dân Miến đi đúng đường, cho dù gần 50 năm sống trong sự kìm kẹp của độc tài. NLD của bà Aung San Suu Kyi đã xuất sắc hoàn thành sứ mạng đó bên cạnh rất nhiều đảng khác. Tại Việt Nam, điều này chỉ mới có trong bước khởi đầu, với muôn vàn khó khăn. Sự hình thành của các đảng phái đối lập dù ôn hòa nhưng luôn luôn bị triệt hạ thẳng tay bằng những điều luật an ninh quốc gia. Nếu chỉ tính từ năm 1975, đảng CSVN cầm quyền trên cả nước, đảng đã ra sức tô son trét phấn biến mình thành một đảng cầm quyền duy nhất mà họ rêu rao là do một sứ mạng lịch sử giao phó cho những người cộng sản. Điều 4 trong hiến pháp Việt Nam được gìn giữ như một báu vật thiêng liêng của đảng.


                                                    Những người lãnh đạo NLD (AFP)

Người dân Việt qua nhiều thập kỷ bị nhồi nhét tư duy độc đảng, chấp nhận cái gọi là “sứ mạng lịch sử” mù mờ do đảng CSVN cố tình dựng ra là có thật. Trong cơn mê sảng của các tay bồi bút, người dân Việt ngày nay lại tiêm nhiễm một cách tai hại quan điểm lạc hậu: đừng nên dính líu đến chính trị, nhất là không nên tham gia đảng phái, dĩ nhiên ngoại trừ đảng cộng sản, vì mọi sự đã có đảng và nước lo. Ý thức công dân ngày càng thui chột, độc tài ngày càng khó tháo gỡ.

Thứ hai, kiên trì đấu tranh suốt gần nửa thế kỷ, người dân Miến Điện có đủ sự dũng cảm đi theo con đường đấu tranh bất bạo động, cùng với đảng NLD vượt qua biết bao phong ba bão táp, đi từ thắng lợi từng bước, từng phần tiến đến thắng lợi toàn diện, thanh toán chế độ độc tài thông qua một cuộc bầu cử tự do, có kiểm soát. Như thế, bên cạnh một đảng chính trị thật sự vững mạnh huy động được quần chúng khi cần, vai trò của phương pháp đấu tranh là vũ khí sắc bén để đối đầu bạo lực là vô cùng cần thiết. Miến Điện đã trưởng thành không ngừng trong nhận thức về một phương pháp đấu tranh ít đem lại thiệt hại, đổ vỡ nhất đồng thời làm các chế độ độc tài sợ nhất.

Trong vòng hơn 10 năm qua, đấu tranh bất bạo động dần dần được chấp nhận tại Việt Nam như một phương pháp đấu tranh khả thi nhất đem lại thắng lợi cuối cùng. Ngày nay sự xuất hiện công khai các đảng phái và phong trào chính trị đối lập là vô cùng cần thiết và cấp bách, cần được mở rộng và đẩy mạnh. Cùng với sự lớn mạnh của phong trào xã hội dân sự, công đoàn tự do, hiệp hội, tất cả sẽ bào mòn bạo lực độc tài, giảm thiểu sự sợ hãi, tăng tiến ý thức quyền lợi công dân để tham gia đông đảo vào các biến cố chính trị quyết định.

Thứ ba, dân tộc Miến Điện trên con đường xây dựng đất nước của mình đã may mắn không có sự dẫn dắt của một đảng cộng sản. Quân nhân cầm quyền cho dù theo khuynh hướng độc tài cũng dễ dàng trở về với nhân dân vì quân đội cũng xuất phát từ chính những thành phần nông dân, lao động và trí thức thành thị. Chế độ quân nhân cầm quyền ở Miến Điện cuối cùng đã nhận ra nguyện vọng của nhân dân là chính đáng và quyền lợi tổ quốc là tối thượng so với quyền lợi cá nhân, phe phái. Quân đội Miến cũng may mắn có Tổng thống Thein Sein, người có quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời hứa của quân đội mang lại tự do, dân chủ cho Miến Điện sau một thời kỳ tụt hậu kéo dài.


Thành phần lãnh đạo đảng CSVN không có tâm và tầm như lãnh đạo Miến Điện (TTXVN)

Việt Nam cũng “may mắn”, nhưng là sự may mắn của một dân tộc bất hạnh. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam, Việt Nam đi từ đói nghèo tới lạc hậu, loay hoay không lối thoát. Đó là cái có không đáng có. Lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay chưa có một người nào thể hiện được tầm nhìn sánh ngang Tổng thống Thein Sein.

Khác với lãnh đạo Miến Điện, “quyền lợi dân tộc” hoàn toàn xa lạ trong suy nghĩ và hành động của lãnh đạo đảng. Trong hầu hết mọi trường hợp, quyền lợi đảng luôn luôn đặt trên quyền lợi của dân tộc như đã thấy khi Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958. Thậm chí đối với đảng, việc hy sinh quyền lợi dân tộc là bình thường miễn sao đảng được trường tồn. Sự khác nhau ấy là hòn đá nặng ngăn con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam.

Hành động đẩy mạnh thôn tính Biển Đông của Trung Cộng gần đây tạo ra một tình thế cấp bách cho sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Đã đến lúc không thể giao phó sinh mạng dân tộc cho những kẻ hàng ngày chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt tự do dân chủ, xem dân như cỏ rác, bất chấp luật pháp thông thường và sẵn sàng đem giang sơn gấm vóc của tổ tiên trao vào tay Bắc Kinh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét